cover

Xu hướng Marketing 2025 từ Kantar: Bền vững - Công bằng - Bình đẳng mở ra những cơ hội mới

31 Thg 12

Trong báo cáo về xu hướng tiếp thị 2025 của Kantar, có thể thấy một số những điểm nhấn nổi bật của thị trường tiếp thị trong năm mới, như sự an toàn trong quá trình sử dụng AI, tính bền vững - công bằng - bình đẳng trong marketing, hay sự thay đổi của xu hướng influencer. Vậy các xu hướng marketing trong năm 2025 sẽ diễn biến như thế nào? Cùng tìm hiểu qua báo cáo dưới đây.

1. Quảng cáo truyền hình trực tuyến gia tăng

Trong lĩnh vực truyền hình, bao gồm hai loại hình chính là Broadcast TVConnected TV - hay có thể hiểu đơn giản là truyền hình phát sóng và truyền hình trực tuyến. Hiện nay truyền hình phát sóng vẫn đang chiếm ưu thế nhiều hơn về mức độ phủ sóng bởi mọi nhà đều vẫn sử dụng TV là một trong những phương tiện giải trí phổ biến. Tuy nhiên, sự phát triển của các loại hình TV thông minh đang làm ranh giới giữa truyền hình phát sóng và truyền hình trực tuyến dần trở nên mờ nhạt.

Theo một liệu từ TGI 2024, 50% người dùng cho biết họ chủ yếu xem TV có khả năng phát sóng trực tuyến. Điều này khiến cho các thương hiệu đang dần chuyển dịch sang quảng cáo truyền hình trực tuyến. Theo đó, dự kiến sẽ có 8% nhà quảng cáo dự định sẽ giảm ngân sách cho TV truyền thống và 55%, chia sẻ rằng họ sẽ tăng chi tiêu cho các kênh TV trực tuyến.

2. Quảng cáo trên mạng xã hội đang trở nên nhàm chán, thương hiệu cần thấu hiểu nhu cầu từng thế hệ

Báo cáo của Kantar đã chỉ ra rằng chỉ có 31% người dùng toàn cầu cho rằng quảng cáo trên mạng xã hội có thể thu hút được sự chú ý của họ, con số này giảm mạnh so với nghiên cứu trước đó là 43%.

Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của quảng cáo trên mạng xã hội đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Đặc biệt điều này không chỉ xảy ra với người trẻ. Nghiên cứu từ Kantar đã cho thấy rằng quảng cáo mạng xã hội còn trở nên nhàm chán đối với cả thế hệ của người trưởng thành và người cao tuổi. Hiện tượng này không khó lý giải bởi môi trường mạng xã hội hiện nay đang có quá nhiều nội dung quảng cáo tiếp cận người tiêu dùng mỗi ngày, khiến họ cảm thấy bị bội thực trước lượng thông tin quá lớn từ các thương hiệu.

Vì vậy, để quảng cáo của bạn có thể thực sự thu hút người tiêu dùng trên các trang mạng xã hội, nội dung phù hợp với nền tảng hay tối ưu với thuật toán là chưa đủ, thương hiệu cần có cách xuất hiện nổi bật hơn, khác biệt hơn để nhận được sự chú ý từ người dùng.

Tuy nhiên, không phải cứ khác biệt là thương hiệu có thể thu hút sự chú ý. Bởi với mỗi nhóm người tiêu dùng khác nhau, họ sẽ bị thu hút và ấn tượng bởi những yếu tố khác nhau.

Gen X và Boomers, họ rất yêu thích những quảng cáo có tính hài hước. Tuy nhiên, đến Gen Y, họ lại đòi hỏi quảng cáo có sự kết hợp giữa yếu tố hài hước và âm nhạc. Nhưng trong thời đại của Gen Z, họ lại bị thu hút mạnh mẽ hơn bởi âm nhạc.

Bên cạnh nội dung, thương hiệu cũng có thể tạo điểm nhấn thông qua hiệu ứng hình ảnh, kỹ thuật quay chuyên nghiệp độc đáo hoặc cách kể chuyện mới mẻ và hơn hết. Đặc biệt để quảng cáo mạng xã hội thực sự hiệu quả, thương hiệu cần thiết kế quảng cáo sao cho người dùng có thể hiểu được thông điệp chỉ trong những giây đầu tiên họ tiếp cận.

3. Cần lưu ý về độ chính xác của dữ liệu khi sử dụng AI trong Marketing

Trong năm 2024, AI đã trở nên phổ biến hơn; tuy nhiên, những chủ đề thảo luận xoay quanh AI tạo sinh vẫn là một yếu tố gây tranh cãi. Rất nhiều các nhà tiếp thị vẫn còn đang khá hoang mang, không biết có nên sử dụng công cụ này không bởi những tranh cãi đó.

Nhìn chung, các nhà tiếp thị đã có những góc nhìn tích cực hơn về việc sử dụng AI trong marketing: 68% đánh giá cao công nghệ AI và 95% cảm thấy hào hứng khi ứng dụng AI tạo sinh vào trong quảng cáo. Tuy nhiên, họ vẫn còn rất nhiều nỗi lo ngại như sự thiếu minh bạch và thiếu công nghệ, kỹ năng, với 36% nhà tiếp thị cho rằng đội ngũ của họ chưa có đủ kỹ năng cần thiết để sử dụng AI; và 44% có thể nhận ra khi quảng cáo được tạo bởi AI.

Ngoài ra, các nhà tiếp thị cũng lo lắng việc sử dụng AI tạo sinh trong marketing có thể gây nên những phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng, bởi hiện tại vẫn còn khoảng 43% người tiêu dùng không tin tưởng vào các quảng cáo sử dụng AI.

Nhìn chung, xu hướng sử dụng AI trong quảng cáo năm 2025 sẽ tập trung vào việc xác định nguồn gốc của dữ liệu một cách sâu sắc hơn, đảm bảo tính minh bạch của nguồn dữ liệu. Từ đó giúp cho Gen AI - AI tạo sinh được huấn luyện một cách chi tiết hơn và có khả năng sáng tạo ra các nội dung hình ảnh tiếp thị chân thật, đáng tin cậy hơn.

4. Yếu tố bền vững được nâng cao trong Marketing

Trong năm 2025, cả người tiêu dùng và các chính phủ sẽ đều hướng về phát triển bền vững nhiều hơn nữa. Các nền kinh tế lớn trên toàn thế giới sẽ đẩy mạnh những quy định chủ trương về việc phát triển bền vững, thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn nữa vào các chương trình ESG.

Về phía người tiêu dùng, phát triển bền vững đã dần trở nên phổ biến và quan trọng hơn trong quá trình chi tiêu, mua sắm của họ. 93% người tiêu dùng trên toàn cầu mong muốn được sống một lối sống bền vững hơn, vì thế họ cũng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt xu hướng này đang trở nên rất phổ biến với nhóm người tiêu dùng trẻ. Theo báo cáo của Kantar, tỷ trọng người tiêu dùng quan tâm tới yếu tố bền vững sẽ tăng từ 22% trong năm 2023 lên 29% trong năm 2030.

Hơn nữa, việc sử dụng yếu tố phát triển bền vững cũng mang lại những lợi ích rất lớn trong việc nâng cao giá trị thương hiệu. Theo báo cáo từ Kantar, yếu tố bền vững đóng góp khoảng 193 tỷ USD vào giá trị thương hiệu của 100 thương hiệu hàng đầu thế giới.

Điều này đòi hỏi các thương hiệu cần chú trọng nhiều hơn nữa vào phát triển bền vững, không chỉ riêng trong marketing truyền thông mà còn đẩy mạnh tính bền vững trong hoạt động kinh doanh và phát triển của thương hiệu. Phần lớn các nhà tiếp thị trên thế giới hiện nay đều nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, 94% nhà tiếp thị trên toàn cầu cho rằng họ cần đặt ra những mục tiêu bền vững quan trọng hơn.

5. Cộng đồng nhà sáng tạo mở ra hướng đi mới trong Influencer Marketing

Ngành sáng tạo nội dung ước tính đã cán mốc 250 tỷ đô la vào năm 2024 và dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi, đạt 480 tỷ đô vào năm 2027. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng của nhà sáng tạo nội dung đang tăng lên mỗi ngày, khiến cho vai trò của họ trong các chiến dịch tiếp thị cũng dần được củng cố.

Ngày nay, những nhà sáng tạo nội dung thường tập hợp lại thành một cộng đồng với nhau theo những lĩnh vực cụ thể như nuôi dạy con cái, thể thao, làm đẹp,.... Những cộng đồng nhà sáng tạo nội dung này đang tạo nên một sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn nữa đối với người tiêu dùng và cũng mở ra một hướng đi mới cho các thương hiệu.

Ngoài ra, thương hiệu cũng cần lưu ý về cách thức lựa chọn influencer trong năm 2025. Thương hiệu nên tập trung vào những nhà sáng tạo có được sự tin tưởng của người tiêu dùng, thay vì lựa chọn dựa trên độ nổi tiếng hay được tương tác.

>>> Bạn có thể quan tâm: Xu hướng Influencer Marketing 2025

6. Thông điệp về sự Công bằng & Bình đẳng được đề cao

Trong nhiều năm qua, những thông điệp hướng tới toàn thể cộng đồng thường không được nhiều nhà tiếp thị ưa chuộng. Bởi, các thương hiệu thường nỗ lực tập trung vào một nhóm khách hàng mục tiêu nhất định và chỉ sử dụng những thông điệp hướng tới nhóm khách hàng đó, thay vì những chủ đề quá rộng mở như trên.

Tuy nhiên, hiện nay các thông điệp hướng tới giá trị cộng đồng, chống những tệ nạn phân biệt chủng tộc, giới tính, mang lại sự công bằng cho xã hội lại đang là yếu tố được đông đảo người tiêu dùng hưởng ứng, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ.

Theo một báo cáo của Kantar vào năm 2024, những nỗ lực của các thương hiệu trong việc tạo nên sự công bằng & bình đẳng ảnh hưởng tới quyết định của 8/10 người tiêu dùng toàn cầu. Trong đó, nhóm người tiêu dùng trẻ như Gen Z, Millennials, cộng đồng LGBTQ+, người có khác biệt về tư duy và học tập, cũng như người khuyết tật,... rất yêu thích những chủ đề này.

Đặc biệt tại những thị trường kinh tế mới nổi hoặc các quốc gia đang phát triển, yếu tố này lại càng được đề cao hơn. 89% người tiêu dùng tại các nền kinh tế mới nổi đánh giá sự công bằng & bình đẳng là yếu tố quan trọng, 71% người ở các thị trường phát triển cũng đưa ra ý kiến tương tự.

Nhìn chung, sự chuyển đổi thế hệ đang thúc đẩy những thông điệp về tính bình đẳng & công bằng, nhằm mang tới một xã hội nơi mà mọi người đều được chào đón và thấu hiểu. Do đó, năm 2025, các thương hiệu có thể khai thác nhóm nội dung này để cho thấy trách nhiệm của thương hiệu đối với cộng đồng, từ đó xây dựng hình ảnh tích cực hơn.

7. Bài toán giảm tăng trưởng dân số trở thành vấn đề lớn

Tăng trưởng dân số là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, giúp các ngành hàng tăng độ thâm nhập và thu hút thêm những người tiêu dùng mới. Điều này cũng có nghĩa là, khi tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại, sẽ trở thành một khối đe dọa đối với các ngành hàng trong tương lai dài hạn.

Hiện nay, tốc độ tăng trưởng dân số chỉ còn dưới 1% mỗi năm và dự kiến đến giữa thế kỷ này, tốc độ sẽ chỉ còn 0,5%. Khu vực ở quốc gia trên thế giới thậm chí tốc độ tăng trưởng dân số đã đạt chuẩn mực âm. Việc tăng trưởng dân số chậm cũng đồng nghĩa số lượng người tiêu dùng tiềm năng trong tương lai đang ngày càng ít đi.

Ngoài ra, sự thay đổi về cơ cấu dân số hiện nay cũng mang lại rất nhiều hệ lụy. Hiện tại, giới trẻ đang ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn và họ chọn sống trong các hộ gia đình có quy mô nhỏ hơn. Đồng thời, tỷ lệ sinh giảm và số lượng người tiêu dùng lớn tuổi ngày càng tăng lên. Họ là những người có mức chi tiêu ít hơn nhưng lại đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn hơn trên thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới cơ cấu chi tiêu của các gia đình và khiến cho sức chi tiêu trung bình của người tiêu dùng trên thị trường giảm đi.

Trước tình trạng này, Kantar đưa ra ba yếu tố mà thương hiệu cần phải lưu ý:

  • Thu hút nhiều người tiêu dùng hơn: Mặc dù tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại, tuy nhiên không có thương hiệu nào có thể đạt đến mức tối đa về tiềm năng thâm nhập. Vẫn luôn có những thị trường mới, cơ hội kinh doanh mới.
  • Hiện diện nhiều hơn: Thương hiệu cũng cần phải xuất hiện nhiều hơn nữa để dành thị phần từ các đối thủ cũ & rất nhiều đối thủ mới xuất gia nhập thị trường.
  • Tìm kiếm những không gian mới: Cơ cấu dân số trên thị trường đang ngày càng thay đổi. Vì vậy các thương hiệu nên khai thác các phân khúc người tiêu dùng có mức tăng trưởng cao, những nhóm khách hàng mà thương hiệu chưa phục vụ để tìm ra những cơ hội mới.

8. Xu hướng đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh

Ngày càng có nhiều thương hiệu mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới nhằm tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới. Ví dụ như thương hiệu OREO mới đây đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm kem, hay Samsung gây bất ngờ khi mở rộng ra khỏi ngành hàng công nghệ truyền thống để mở một cửa hàng tiện lợi có tên là "Extra Mile" tại Mỹ.

Dự kiến trong năm mới 2025, các thương hiệu sẽ tăng cường việc mở rộng lĩnh vực sản phẩm, kinh doanh nhiều hơn nữa. Đây cũng là một hướng đi cần thiết với các thương hiệu lớn đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những cơ hội tăng trưởng mới. Theo dự báo của Kantar, những thương hiệu tìm được không gian phát triển mới có khả năng tăng trưởng lên gấp đôi trong năm 2025.

9. Retail Media Networks bùng nổ

Cũng giống như một phân tích của Marketing AI trong bài viết trước, KANTAR dự đoán Retail Media sẽ trở thành một xu hướng marketing năm 2025. Với lợi thế về dữ liệu người dùng và môi trường truyền thông, các nhà bán lẻ sẽ mở ra những điểm chạm mới trong thị trường quảng cáo, giúp cho các thương hiệu tiếp cận và hiện diện mạnh mẽ hơn với người tiêu dùng.

Đặc biệt, nhờ vào dữ liệu từ bên thứ nhất (First-party Data), Retail Media Network sẽ cho phép các thương hiệu nhắm mục tiêu chính xác và triển khai các chiến dịch marketing cá nhân hóa một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, đây cũng là một kênh để các thương hiệu có thể hiểu biết sâu sắc hơn về người tiêu dùng, từ đó tối ưu hóa chi tiêu quảng cáo và nâng tầm hiệu quả của chiến dịch cũng như tỷ lệ chuyển đổi. Dự kiến đến năm 2028, Retail Media sẽ chiếm tới 25% tổng chi tiêu quảng cáo truyền thông tại thị trường Mỹ.

Riêng trong năm 2025, Retail Media sẽ trở thành một công cụ tiếp thị mà các thương hiệu không thể bỏ lỡ, đặc biệt là trong ngành hàng tiêu dùng nhanh. 41% nhà tiếp thị toàn cầu dự kiến sẽ tăng mức chi tiêu đầu tư vào loại hình quảng cáo này trong năm tới.

>>> Chi tiết: Cơn sốt Retail Media 2025: Thương hiệu cần làm gì để khai thác hiệu quả quảng cáo từ Nhà bán lẻ?

10. Thị trường Livestream sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ

Trong những năm gần đây, Livestream đã làm thay đổi chiến lược kinh doanh và xây dựng thương hiệu của các doanh nghiệp. Phương thức này mang lại nguồn doanh số hấp dẫn và khả năng tiếp cận khách hàng đột phá nhờ vào trải nghiệm khách hàng độc đáo, kết hợp khéo léo giữa yếu tố bán hàng với tính giải trí.

Theo Kantar, Livestream không chỉ thúc đẩy ý định mua hàng ngắn hạn mà còn làm tăng mức độ yêu thích của người tiêu dùng đối với thương hiệu, từ đó tạo nên hiệu quả mua hàng trong dài hạn. Đối với các thương hiệu nổi tiếng, Livestream có thể thúc đẩy tăng trưởng từ 10% đến 15%. Trong khi đó, các thương hiệu nhỏ hơn nên tập trung vào 2 mục tiêu khi Livestream, bao gồm: Nâng cao nhận thức ( tiềm năng tăng trưởng từ 10% đến 23%) và thúc đẩy sự quan tâm, mua hàng ngay lập tức (có thể tăng trưởng lên tới 30%).

>>> Đọc thêm: Xu hướng truyền thông 2025 theo Denstu

[DOWNLOAD] Xu hướng Marketing 2025 theo Kantar PDF

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.