Phát triển bền vững là gì?
Phát triển bền vững được định nghĩa theo rất nhiều cách khác nhau, nhưng về cơ bản, đây là một cách tiếp cận nhằm đáp ứng nhu cầu của thế hệ hiện tại, đồng thời duy trì khả năng đáp ứng các nhu cầu sống & phát triển của thế hệ tương lai. Phát triển bền vững không chỉ là bảo vệ môi trường mà còn bao gồm toàn bộ các khía cạnh của đời sống: giáo dục, tài nguyên, xã hội, sức khỏe, giao thông,...
Khái niệm phát triển bền vững đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, ban đầu được đưa ra bởi Báo cáo Brundtland vào năm 1987. Báo cáo giả định rằng các nguồn tài nguyên là hữu hạn, do đó cần được sử dụng một cách thận trọng để đảm bảo có đủ cho các thế hệ tương lai mà không làm giảm chất lượng cuộc sống hiện tại.
Tính bền vững không chỉ gắn liền với môi trường mà còn liên quan đến môi trường kinh tế và xã hội, hình thành nên ba trụ cột nhằm đảm bảo sự toàn vẹn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Môi trường: góp phần bảo vệ, phát triển môi trường, đồng thời giúp cải thiện đa dạng sinh học, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hợp lý, giảm thiểu chất thải ô nhiễm, và giảm biến đổi khí hậu.
- Xã hội: Trong ba trụ cột của tính bền vững, tính bền vững xã hội tập trung vào việc đảm bảo đáp ứng các quyền và nhu cầu cơ bản của con người. Cụ thể, yếu tố xã hội bao gồm sức khỏe cộng đồng, hạnh phúc, nhân quyền, công bằng, giáo dục và các yếu tố quan trọng khác đối với sự thịnh vượng của cộng đồng.
- Kinh tế: Trong ba trụ cột của sự bền vững, sự bền vững về kinh tế cho phép xã hội đổi mới, thịnh vượng, giải quyết các vấn đề và cải thiện mức sống nhưng cần theo đuổi một cách hài hòa với các mục tiêu về môi trường và xã hội. Yếu tố kinh tế bao gồm phát triển kinh tế, tạo việc làm, đãi ngộ công bằng, quyền lao động và tính tuần hoàn kinh tế bền vững.
Ba trụ cột của phát triển bền vững giúp chúng ta nhận ra mọi thứ đều được kết nối với nhau, các hành động phải được cân bằng và cần có sự phối hợp của mọi cá nhân, tổ chức và quốc gia.
Tại sao phải phát triển bền vững?
Một lý do quan trọng khiến phát triển bền vững trở nên quan trọng là áp lực gia tăng với tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Ngoài ra, dân số thế giới dự kiến sẽ đạt 9,7 tỉ người vào năm 2050, khiến tính bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Điểm cốt lõi của phát triển bền vững là đảm bảo sự cân bằng giữa môi trường, kinh tế và xã hội, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của cả thế hệ hiện tại và tương lai. Dưới đây là một số khía cạnh cho chúng ta biết tầm quan trọng của phát triển bền vững:
1. Đối phó với thực trạng biến đổi khí hậu
Các hoạt động không bền vững, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Hiện tượng này gây ra rủi ro đáng kể cho sự ổn định kinh tế và xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và sức khỏe con người. Phát triển bền vững giúp thúc đẩy các hành động nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của con người
Phát triển bền vững cung cấp một loạt các nhu cầu quan trọng của con người, bao gồm nhu cầu cơ bản về thực phẩm và nước sạch, an sinh xã hội và môi trường lành mạnh. Bên cạnh đó, nó cũng giúp tạo nên một môi trường sống và làm việc tích cực, bền vững và công bằng cho mọi người.
3. Đa dạng sinh học bền vững
Nhiều nguồn tài nguyên, chẳng hạn như nhiên liệu hóa thạch, nước sạch và một số khoáng sản nhất định là hữu hạn và không thể tái tạo. Sự phát triển không bền vững có thể dẫn đến sự cạn kiệt và khan hiếm các nguồn tài nguyên này, thậm chí gây ra chi phí cao hơn trong tương lai.
4. Ổn định nền kinh tế
Phát triển bền vững có thể cung cấp nền tảng cho sự ổn định tài chính bằng cách tối ưu hóa các nguồn lực, quản lý rủi ro và tạo ra các cơ hội mới trong một môi trường kinh doanh thay đổi liên tục. Thêm vào đó, phát triển bền vững thường đi kèm với việc phát triển các chiến lược và kế hoạch dài hạn, từ đó giúp doanh nghiệp chuẩn bị trước cho các biến động tài chính và kinh tế. Bằng cách này, họ có thể quản lý rủi ro và tạo sự ổn định hơn trong hoạt động kinh doanh.
5. Thực hiện công bằng xã hội
Phát triển bền vững tập trung vào sự hòa nhập và công bằng xã hội. Nó tìm cách giải quyết các vấn đề như nghèo đói, tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các tiện nghi cơ bản. Bằng cách này, phát triển bền vững hướng tới mục đích tạo ra một xã hội công bằng và bình đẳng hơn.
6. Khả năng tồn tại lâu dài
Phát triển bền vững tập trung vào các mục tiêu lâu dài như bảo vệ nguồn tài nguyên cho tương lai, phát triển giáo dục nâng cao chất lượng sống trong dài hạn, và thúc đẩy công bằng xã hội. Một số hoạt động không bền vững có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng chúng thường gây ra tổn thất dài hạn. Phát triển bền vững tìm cách cân bằng lợi ích ngắn hạn với khả năng tồn tại lâu dài.
Bên cạnh đó, Phát triển bền vững cũng rất cần thiết vì nó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Thực tế, kinh doanh bền vững mang lại một loạt các lợi ích cho chính bản thân của mỗi doanh nghiệp. Phát triển bền vững thường đi kèm với việc tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm lượng chất thải, và cải thiện quy trình sản xuất. Điều này không chỉ giúp giảm chi phí vận hành mà còn tăng cường hiệu suất và hiệu quả của doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp trong dài hạn.
Doanh nghiệp thực hiện các hoạt động phát triển bền vững thường được đánh giá cao là đóng góp tích cực vào cộng đồng và môi trường. Từ đó, nó có thể tạo ra một hình ảnh tích cực cho thương hiệu, giúp tăng cường lòng tin từ phía khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng.
Các giải pháp phát triển bền vững
Các giải pháp phát triển bền vững có thể được triển khai ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm kinh tế, môi trường, xã hội và chính trị,... Để có được những giải pháp bền vững, trước tiên doanh nghiệp cần nắm được những mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu:
Mục tiêu phát triển bền vững từ Liên Hợp Quốc
Phát triển bền vững cần nỗ lực của đông đảo các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân, vì thế Liên hợp quốc đã đề ra bộ quy định chung SDGs làm căn cứ cho hoạt động phát triển bền vững trên toàn cầu, chung tay hướng tới một thế giới văn minh, xanh sạch hơn. Cụ thể:
SDGs là gì?
Các mục tiêu phát triển bền vững (Tên tiếng Anh: Sustainable Development Goals - SDGs) là một khái niệm mang tầm quốc tế, xương sống cho các hoạt động phát triển bền vững của mọi quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức.
Đây là một bộ gồm 17 mục tiêu toàn cầu được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015 trong Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Những mục tiêu này đóng vai trò như một lời kêu gọi hành động toàn cầu nhằm chấm dứt nghèo đói, bảo vệ môi trường và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người trên thế giới vào năm 2030. Chúng được xây dựng dựa trên các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) trước đó, đồng thời giải quyết một loạt các vấn đề rộng hơn, bao gồm kinh tế, xã hội và các khía cạnh môi trường của tính bền vững.
17 mục tiêu SDGs bao gồm những gì?
Mỗi SDGs có một bộ mục tiêu và chỉ số để hướng dẫn các quốc gia và các bên liên quan trong việc theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu. SDGs công nhận mối liên hệ giữa các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của quá trình phát triển bền vững, toàn diện, và công bằng. Sau đây là 17 SDGs và mục tiêu của chúng:
- Xóa đói nghèo (No poverty): Chấm dứt tình trạng nghèo đói trên toàn thế giới và giảm ít nhất một nửa tỷ lệ nam giới, phụ nữ và trẻ em.
- Không còn nạn đói (Zero hunger): Chấm dứt nạn đói, đạt được an ninh lương thực và thúc đẩy nông nghiệp bền vững.
- Sức khỏe tốt và hạnh phúc (Good health and well-being): Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy hạnh phúc cho mọi người ở mọi lứa tuổi
- Giáo dục chất lượng (Quality education): Đảm bảo giáo dục có chất lượng, toàn diện và công bằng, đồng thời thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
- Bình đẳng giới (Gender equality): Đạt được bình đẳng giới, trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái.
- Nước sạch và vệ sinh (Clean water and sanitation): Cung cấp nước sạch cho người dân trên toàn cầu để họ có điều kiện vệ sinh tốt hơn.
- Năng lượng sạch và giá cả phải chăng (Affordable and clean energy): Giúp nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo để giảm thiểu biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai.
- Việc làm bền vững và tăng trưởng kinh tế (Decent work and economic growth): Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, cung cấp đủ việc làm cho mọi người. Tùy theo bối cảnh của từng quốc gia, duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người. Các nước kém phát triển nhất phải có mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ít nhất 7% mỗi năm.
- Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng (Industry, innovation and infrastructure): Phát triển cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, bền vững và có khả năng phục hồi để hỗ trợ phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội.
- Giảm bất bình đẳng (Reduced inequalities): Giảm bất bình đẳng trong và giữa các vùng lãnh thổ, quốc gia.
- Các thành phố và cộng đồng bền vững (Sustainable cities and communities): Đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận các điều kiện nhà ở và phương tiện đi lại với giá cả phải chăng. Mục đích là để cho phép lập kế hoạch định cư bền vững cho con người trên toàn thế giới.
- Tiêu dùng và sản xuất bền vững (Responsible consumption and production): Liên quan đến việc tách tăng trưởng kinh tế khỏi suy thoái môi trường, thúc đẩy lối sống bền vững và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
- Biến đổi khí hậu (Climate action): Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó. Mục tiêu là giảm 43% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu vào năm 2030 và bằng 0 vào năm 2050.
- Tài nguyên và môi trường biển (Life below water): Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển để phát triển bền vững.
- Tài nguyên và môi trường trên đất liền (Life on land): Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên & hệ sinh thái trên cạn, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng suy thoái đất cũng như mất đa dạng sinh học.
- Hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh (Peace, justice and strong institutions): Thúc đẩy xã hội hòa bình và hòa nhập, mang lại khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người, đồng thời xây dựng các thể chế pháp lý hiệu quả, có trách nhiệm và toàn diện ở tất cả các cấp.
- Quan hệ đối tác vì các mục tiêu (Partnerships for the goals): Chính phủ, xã hội, khu vực tư nhân, Liên hợp quốc và xã hội dân sự phải đóng vai trò là đối tác toàn cầu để đạt được từng mục tiêu phát triển bền vững.
>>> Xem thêm: Tránh sa bẫy Greenwashing, thương hiệu nên ghi nhớ 5 bài học đắt giá từ các chiến dịch "đi ngược" phát triển bền vững
Hành động của các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân
1. Phát triển bền vững Tại Việt Nam:
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định 841/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 ban hành lộ trình Kế hoạch hành động quốc gia, trong đó thực hiện cụ thể 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. Theo đó, lộ trình gồm 117 tiêu chí trên các lĩnh vực khác nhau:
- Về kinh tế: Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trung bình khoảng 7% mỗi năm. GDP bình quân đầu người dự kiến đạt mức khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Tỷ lệ đô thị hóa được dự báo sẽ vượt qua mức trên 50%. Tổng đầu tư xã hội dự kiến đạt khoảng 33 - 35% GDP. Ngoài ra, Việt Nam cũng đặt mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức khoảng 1 - 1,5% mỗi năm.
- Về xã hội: Việt Nam đã xác định một số mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người, bao gồm: duy trì chỉ số Phát triển Con người (HDI) ở mức trên 0,74, nâng cao tuổi thọ bình quân lên 75 tuổi, tăng tỷ lệ lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ qua đào tạo lên khoảng 35 - 40%, và giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp xuống dưới 20%.
- Về môi trường: Việt Nam đã đề ra mục tiêu cụ thể để bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên. Mục tiêu bao gồm duy trì tỷ lệ che phủ rừng ở mức 42%, nâng cao tỷ lệ xử lý nước thải lên trên 70%, giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 9%, đảm bảo 100% các cơ sở sản xuất tuân thủ quy chuẩn môi trường, và tăng diện tích khu bảo tồn biển đến 3 - 5% diện tích tự nhiên của vùng biển quốc gia.
Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong triển khai, giám sát để báo cáo kết quả theo hai thời hạn chính là 2025 và 2030.
Ngoài những mục tiêu trên, Việt Nam cũng cam kết thực hiện NETZERO vào năm 2050 - một trong những mục tiêu hàng đầu trong chiến lược phát triển bền vững tại Việt Nam hiện nay. NETZERO có thể được hiểu là cam kết của quốc gia này trong việc giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức thấp nhất có thể, đồng thời cân nhắc các biện pháp để loại bỏ hoặc hấp thụ lượng khí thải còn lại từ môi trường. Vào tháng 7 năm 2022, Việt Nam đưa mục tiêu NETZERO vào Quyết định số 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa ra hành động về khí hậu đến năm 2050.
2. Đối với doanh nghiệp:
Đối với các doanh nghiệp, phát triển bền vững phải dựa trên mục tiêu của từng quốc gia, kết hợp với tiêu chuẩn ESG (viết tắt của 3 yếu tố: môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Đây là một khuôn khổ được sử dụng để đánh giá hoạt động kinh doanh và hiệu quả hoạt động của một tổ chức về các vấn đề đạo đức và bền vững khác nhau. Nó cũng đưa ra phương pháp để đo lường rủi ro và cơ hội kinh doanh trong các lĩnh vực đó. Để thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần đáp ứng 3 tiêu chí chính sau:
- Môi trường: đề cập đến các tác động của môi trường và hoạt động quản lý rủi ro của tổ chức. Chúng bao gồm quản lý chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp, và các vấn đề xoay quanh biến đổi khí hậu.
- Xã hội: đề cập đến mối quan hệ của tổ chức với các bên liên quan như nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng. Ví dụ, trả lương công bằng cho nhân viên, sức khỏe và an toàn nơi làm việc, chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, mức độ hài lòng của khách hàng.
- Quản trị doanh nghiệp: đề cập đến cách một công ty tự quản lý chính sách của mình, tập trung vào kiểm soát nội bộ và thực tiễn để duy trì sự tuân thủ các quy định, thực tiễn tốt nhất trong ngành và chính sách của công ty.
Việc áp dụng khuôn khổ ESG sẽ mang lại lợi ích từ việc giảm rủi ro, chi phí đến cải thiện danh tiếng và thu hút khách hàng mới.
3. Giải pháp Phát triển bền vững tại Việt Nam
Nhìn chung, một số giải pháp phát triển bền vững đang được ưu tiên và triển khai hiệu quả tại Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể tham khảo các giải pháp dưới đây, từ đó xây dựng một chiến lược phát triển bền vững cho công ty của mình:
Xây dựng ý thức cộng đồng:
Phát triển bền vững là trách nhiệm của toàn quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân. Chính phủ có thể sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, radio, báo chí và mạng xã hội để truyền đạt thông điệp về phát triển bền vững và tạo ra sự lan tỏa về ý thức xanh. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ cho các hoạt động xây dựng cộng đồng xanh và bền vững, bao gồm việc phát triển khu vườn cộng đồng, sử dụng hợp lý nguồn nước và năng lượng, và thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo:
Đầu tư vào năng lượng tái tạo là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Các giải pháp cụ thể bao gồm phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và điện từ năng lượng mặt biển; khuyến khích sử dụng công nghệ mới trong việc phát triển năng lượng tái tạo, từ việc cải tiến công nghệ sản xuất đến phát triển các giải pháp lưu trữ và phân phối năng lượng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên chú trọng đầu tư nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lao động chất lượng trong lĩnh vực này.
Khuyến khích tăng trưởng xanh và sáng tạo:
Tăng trưởng xanh hiện là một cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế đối với các quốc gia trên toàn thế giới. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển các ngành kinh tế xanh nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ cũng đã xác định rõ ràng tăng trưởng xanh là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài. Điều này góp phần trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính hướng tới nền kinh tế trung hòa carbon về lâu dài và mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tăng cường quản lý và ứng phó biến đổi khí hậu:
Biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất với sự phát triển bền vững của Việt Nam trong những năm gần đây. Để ứng phó với hiện tượng này, nhà nước nên khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng để giảm phát thải khí nhà kính và giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Tăng cường hợp tác quốc tế:
Những thách thức liên quan đến môi trường, kinh tế, và xã hội thường không giới hạn trong ranh giới quốc gia. Hợp tác quốc tế là cần thiết để giải quyết các vấn đề này một cách toàn diện và hiệu quả; đồng thời cho phép các quốc gia chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức. Điều này giúp tăng cường khả năng đổi mới, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Các dự án phát triển bền vững
Các dự án phát triển bền vững ở Việt Nam được thực hiện nhằm tạo ra những thay đổi tích cực và lâu dài trong môi trường kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ hiện tại và tương lai.
Ví dụ về các dự án phát triển bền vững
Các doanh nghiệp trên khắp thế giới đang thực hiện nhiều dự án phát triển bền vững nhằm đóng góp vào mục tiêu chung của cộng đồng và xã hội. Dưới đây là một số ví dụ về phát triển bền vững ở Việt Nam của doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau:
1. Bảo vệ môi trường: Kinh tế tuần hoàn nhựa: Unilever
Unilever, một tập đoàn đa quốc gia kinh doanh hàng tiêu dùng, đang chủ động từng bước hướng tới xây dựng một tương lai bền vững thông qua dự án Kinh tế tuần hoàn.
Vấn đề, hiện trạng:
Số liệu thống kê được đề cập trong báo cáo Nghiên cứu thị trường của Việt Nam nêu bật nhu cầu cấp thiết trong việc giải quyết vấn đề quản lý rác thải nhựa. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Tuần hoàn Việt Nam 2023 ngày 16/11, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết: “Chỉ có khoảng 33% rác thải nhựa được tái chế, Việt Nam đang mất gần 70% giá trị nguyên liệu nhựa, tương đương 2,2-2,9 tỷ USD mỗi năm”.
Phương thức áp dụng:
Unilever đã tập trung vào hai mục tiêu chính bằng cách giảm thiểu sự cạn kiệt tài nguyên và giảm ô nhiễm môi trường liên quan đến quá trình sản xuất và kinh doanh.
Một trong những sáng kiến quan trọng được triển khai trong dự án Kinh tế tuần hoàn của Unilever là chương trình “Đổi rác lấy quà” - một mô hình thu gom rác thải nhựa trong cộng đồng.
Ngoài ra, sáng kiến của Unilever, “Hợp tác công tư xây dựng nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa (PPC)” thu hút sự tham gia của nhiều bên liên quan, bao gồm Unilever, Bộ Tài nguyên và Môi trường, doanh nghiệp Dow, các công ty tư nhân, nhà tái chế, người thu gom, tổ chức, hiệp hội, chính quyền địa phương và các đối tác phân phối bán lẻ như Central Retail.
Kết quả đạt được:
Thông qua quan hệ đối tác của dự án PPC, Unilever đã đạt được tiến bộ đáng kể trong quản lý rác thải nhựa, bao gồm:
- 25.000 tấn rác thải nhựa đã được PPC thu gom và tái chế trong ba năm qua
- Kết nối, cải thiện cuộc sống của 2.500 công nhân xử lý rác thải, phần lớn là phụ nữ
- Truyền tải lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn tới gần 12 triệu người thông qua các kênh trực tiếp và truyền thông
- Khoảng 63% bao bì của Unilever Việt Nam có thể tái chế hoặc dễ phân hủy
- Cắt giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh trong sản xuất bao bì nhờ sử dụng nhựa tái chế
Tính bền vững:
Dự án “Nền kinh tế tuần hoàn nhựa” do Unilever chủ trì thực sự là một bước đột phá đáng kể trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa và xây dựng một tương lai bền vững. Bằng cách tập trung vào khía cạnh sáng tạo và nhân văn, dự án hướng tới giải quyết những thách thức liên quan đến bao bì nhựa mềm và phát triển các giải pháp bền vững. Dự án này tiếp tục được Unilever theo đuổi với nỗ lực và mục tiêu đạt được 100% bao bì sản phẩm có thể tái chế vào năm 2025.
2. Nông nghiệp bền vững: Dự án Canh tác lúa thông minh của Bình Điền
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đang tập trung thay đổi quy trình sản xuất dựa trên mô hình nông nghiệp bền vững.
Vấn đề, thực trạng:
Thực tế, biến đổi khí hậu đang gây nên hàng loạt các vấn đề cho môi trường và hệ sinh thái tại Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động nông nghiệp. Tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn khiến cho ruộng lúa và hoa màu của người dân bị hủy hoại nặng nề. Trước tình hình đó, Bình Điền đã khởi xướng dự án “Canh tác lúa thông minh” nhằm đưa ra một phương thức canh tác lúa hiệu quả hơn, khắc phục các tình trạng của môi trường.
Phương thức áp dụng:
Bình Điền đã phát động chương trình Canh tác lúa thông minh được phát triển trên quy tắc “1 phải, 6 giảm”. Cụ thể:
- “1 phải” là sử dụng hạt giống đã được kiểm tra
- “6 giảm” bao gồm: giảm lượng phân đạm thừa, giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm tình trạng thất thoát sau thu hoạch, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, những người nông dân nên sạ thưa lượng giống từ 80 đến 120 kg/ha thay vì lượng giống khoảng 150 - 200 kg/ha như trước.
Kết quả đạt được:
Sau một thời gian thực hiện, chương trình này đã đạt được thành công nhất định với một loạt con số biết nói:
- Năng suất tăng 400 - 500 kg/ha
- Lợi nhuận đã tăng 4 - 5 triệu đồng/ha
- 496 mô hình trình diễn tại các vùng canh tác lúa trọng điểm
- Chi phí bình quân giảm 1 - 1,5 triệu đồng/ha
Tính bền vững:
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc của Bình Điền chia sẻ rằng: “Đối với Bình Điền, xây dựng được chất lượng sản phẩm và quy trình canh tác tốt là trách nhiệm xã hội lớn nhất. Chúng tôi muốn cùng nông dân tạo nên mối quan hệ hữu cơ, cùng nhau phát triển. Tôi nghĩ rằng đó là lợi ích tốt nhất cho cả bà con nông dân và doanh nghiệp”
>>> Xem thêm: Chiến lược phát triển bền vững của Bình Điền: Cùng người dân vượt khó trước biến đổi khí hậu
3. An sinh xã hội: Dự án thiên thần Tokyolife
TokyoLife, một thương hiệu thời trang và hàng tiêu dùng Nhật Bản, đang hướng đến xây dựng hình ảnh bền vững và thực hiện nhiều dự án ý nghĩa cho xã hội. Trong đó, dự án “Thiên thần” - dự án tạo việc làm cho người khuyết tật, đã tạo nên tiếng vang lớn và truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Vấn đề, thực trạng:
Tình trạng phân biệt đối xử với người khuyết tật vẫn còn tồn tại mặc dù đã có những tiến bộ trong việc nhận thức và hỗ trợ. Một số doanh nghiệp vẫn phân biệt đối xử trong quá trình tuyển dụng, dựa trên sự định kiến và niềm tin sai lầm về khả năng làm việc của người khuyết tật. Nhiều nơi làm việc cũng không cung cấp các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho người khuyết tật như cải thiện cơ sở hạ tầng, thiết bị hỗ trợ, hoặc chương trình đào tạo. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, họ còn bị bóc lột sức lao động và nhận mức lương bèo bọt.
Phương thức áp dụng:
Tháng 7 năm 2018, TokyoLife đã mở xưởng may Thiên thần tại quận Long Biên (Hà Nội) với mục đích tuyển dụng, đào tạo và hội nhập dành cho người khuyết tật. Đây cũng là nơi dạy nghề miễn phí, đào tạo kỹ năng và trả mức lương cho người khuyết tật cao hơn mặt bằng chung nhằm hỗ trợ và giúp đỡ họ trang trải cuộc sống.
Kết quả đạt được:
- Khoảng 150 người khuyết tật đang làm việc ở nhiều khâu khác nhau như may vá, chăm sóc khách hàng, thu ngân, bán hàng,...
- Xây dựng thêm môi trường việc làm bền vững khác với 4 Ngôi nhà Thiên thần, Xưởng may Ánh sáng và quán cafe Thiên thần tại Hà Nội và Đà Nẵng.
Tính bền vững:
Dự án “Thiên thần” đã giúp đỡ rất nhiều người khuyết tật. Họ không chỉ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà còn trở nên tự tin và hòa nhập hơn với cộng đồng. TokyoLife cũng mong muốn sẽ tiếp tục phát triển mô hình này để giúp đỡ cho nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn, đồng thời truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp khác cùng hành động vì cộng đồng.
Bài học kinh nghiệm rút ra
Những hạn chế, bài học kinh nghiệm mà doanh nghiệp cần rút ra khi thực hiện phát triển bền vững là gì?
1. Hiện trạng thực hiện phát triển bền vững của doanh nghiệp
Mặc dù rất nhiều dự án CSR của các doanh nghiệp được thực hiện nhưng số dự án thực sự “bền vững” khá ít ỏi hoặc sớm nở chóng tàn, không để lại hiệu quả gì.
- Nhiều doanh nghiệp thường tập trung vào các hoạt động CSR có kết quả nhanh chóng hoặc có thể quảng cáo được nhanh gọn, thay vì đầu tư vào các dự án có tác động lâu dài và bền vững. Điều này có thể làm giảm khả năng phát triển của các dự án trong tương lai.
- Một số doanh nghiệp không có cam kết sâu rộng với các dự án CSR của mình. Họ thực hiện các dự án này chỉ để đáp ứng yêu cầu pháp lý hoặc để cải thiện hình ảnh công ty mà không quan tâm đến việc tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng.
- Một số dự án CSR lại gặp khó khăn trong việc thu hút đủ nguồn lực cần thiết hoặc chưa được quản lý một cách hiệu quả.
2. Hạn chế mà các doanh nghiệp gặp phải
- Chi phí cao: Khoản đầu tư ban đầu cần thiết để thực hiện các hoạt động phát triển bền vững như cơ sở hạ tầng xanh hay năng lượng tái tạo có thể cao. Đó là lý do ngăn cản một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ít vốn đầu tư, áp dụng các hoạt động bền vững.
- Nguồn lực sẵn có hạn chế: Sự sẵn có của một số nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, có thể bị hạn chế ở một số khu vực nhất định.
- Rào cản văn hóa và xã hội: Phát triển bền vững có thể phải đối mặt với những rào cản về văn hóa, xã hội, đặc biệt là ở những cộng đồng có truyền thống lâu đời. Điều này có thể gây khó khăn cho việc áp dụng và thực hiện các biện pháp bền vững.
- Tiến độ chậm: Phát triển bền vững là một quá trình lâu dài đòi hỏi thời gian và nguồn lực đáng kể.
- Thiếu nhận thức: Mặc dù có những tiến bộ trong việc nhận thức về phát triển bền vững, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng không hiểu rõ về ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện phát triển bền vững.
3. Bài học kinh nghiệm rút ra
Phát triển bền vững là một hoạt động mang tính chất dài hạn nên đòi hỏi phải có một chiến lược bài bản, nghiên cứu rõ ràng.- Sự cam kết từ các nhà lãnh đạo cấp cao là yếu tố quan trọng nhất trong thành công của chiến lược phát triển bền vững. Họ cần phải hiểu rõ giá trị, lợi ích của phát triển bền vững và chia sẻ tầm nhìn này với toàn bộ tổ chức.
- Chiến lược phát triển bền vững nên được tích hợp chặt chẽ vào mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này giúp đảm bảo rằng các hoạt động phát triển bền vững không chỉ là "giấy tờ" mà là một phần không thể tách rời của chiến lược tổng thể của doanh nghiệp.
- Các chiến lược bền vững cần được thiết kế để tích hợp hiệu quả các mục tiêu môi trường, kinh tế và xã hội
- Chiến lược phát triển bền vững thường đòi hỏi sự hợp tác và liên kết với các bên liên quan khác như cộng đồng địa phương, chính phủ, tổ chức phi chính phủ và các đối tác kinh doanh.
- Để đảm bảo tính hiệu quả, doanh nghiệp cần có chiến lược đo lường và đánh giá hiệu quả thường xuyên, bám sát khung ESG và 17 mục tiêu phát triển bền vững, cũng như chính sách của nhà nước.
Tạm kết:
Phát triển bền vững không chỉ mang lại lợi ích kinh doanh và xã hội ngay lúc này, mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm bất bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải hành động ngay từ bây giờ. Các doanh nghiệp cần phải tích cực đầu tư vào các biện pháp và chiến lược phát triển bền vững, chính phủ cần phải thúc đẩy các chính sách và quy định hỗ trợ, mỗi cá nhân cần phải đóng góp vào việc thay đổi hành vi và lối sống cá nhân để hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Thảo Vũ - Marketing AI
Bình luận của bạn