cover

Xu hướng Influencer Marketing 2025: Mức giá Influencer giảm, yêu cầu về tính xác thực ngày càng cao

15 Thg 10

Thị trường Influencer Marketing dự kiến đạt 24 tỷ USD vào cuối năm 2024 với tốc độ tăng trưởng chóng mặt cả về số lượng chiến dịch, lẫn số lượng Influencer trên toàn cầu trong năm vừa qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng quá nhanh chóng của thị trường này cũng đang tạo nên những thách thức mới đối với thương hiệu và influencer. Báo cáo mới đây của Kolsquare đã chỉ ra 5 thay đổi quan trọng sẽ ảnh hưởng tới xu hướng Influencer Marketing 2025.

#1. Sự thay đổi về hành vi người tiêu dùng 2025: Mệt mỏi vì quá nhiều nội dung!

Người dùng cảm thấy mệt mỏi vì sự bão hòa nội dung trên internet...

Quá nhiều Influencer mới hình thành mỗi ngày, cùng với hàng loạt công cụ AI hỗ trợ tạo nội dung quy mô lớn,... những hiện thực kể trên đã dẫn đến một mối lo ngại khác đó là tình trạng quá tải nội dung trên internet, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Khán giả bị choáng ngợp bởi số lượng nội dung và quảng cáo quá lớn đến từ các Influencer đang tiếp cận họ một cách dồn dập mỗi ngày, mang tới một lượng thông tin quá lớn, quá tải với khả năng tiếp cận của người dùng. Trong tương lai gần, điều này có thể dẫn đến sự chán nản và mệt mỏi quá độ của người tiêu dùng khi theo dõi nội dung của các nhà sáng tạo trên các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng quá tải nội dung cũng khiến người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ ít nội dung hơn. Họ dần hình thành một rào cản tâm lý vô hình đối với nội dung đến từ người có ảnh hưởng, từ đó dẫn tới giảm sự tương tác của người dùng với các nội dung của nhà sáng tạo.

Xu hướng Influencer Marketing 2025: Mức giá Influencer giảm, yêu cầu về tính xác thực ngày càng cao- Ảnh 1.

Khán giả bị choáng ngợp bởi số lượng nội dung và quảng cáo quá lớn đến từ các Influencer

Thương hiệu cần làm gì?

Các thương hiệu cần chú trọng nhiều hơn đến tính chân thực và hệ thống giá trị chung giữa Influencer và tệp khách hàng mục tiêu của mình. Ngoài ra, các nhà tiếp thị cũng cần lưu ý đến những yếu tố khác liên quan đến Influencer, như: đạo đức, tính liêm chính, tính minh bạch, … cũng như phong cách sáng tạo nội dung và tính xác thực của nội dung. Khi xu hướng tiêu thụ nội dung của người tiêu dùng tăng cao, tính xác thực và bền vững của nội dung càng trở nên quan trọng hơn.

Để tăng cường tính xác thực đó, thương hiệu cần tập trung hơn vào những thông điệp chân thành và gần gũi với đời sống hàng ngày của người tiêu dùng, nhằm mang lại những tương tác thật sự ý nghĩa và sâu sắc với khán giả của mình. Đồng thời, gạt bỏ những lối tiếp cận tưởng chừng chuyên nghiệp nhưng lại đầy xa cách trước đây, để sử dụng những cách tiếp cận chân thực và giản dị hơn, từ đó tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

>>> Bạn có thể quan tâm: "Lạm phát" KOC: Người tiêu dùng nhìn nhận lại về tính chân thật

#2. Mức giá của Influencer đang có xu hướng giảm, trong khi chi phí Influencer Marketing của thương hiệu tiếp tục tăng

Số lượng KOL, KOC bùng nổ mạnh mẽ trong thời gian vừa qua đang gây áp lực lớn lên mức giá cả của thị trường này. Theo Barney Brown, người sáng lập TikTok Agency Social Hit, mức giá của người ảnh hưởng đã giảm 18% trong năm qua. Trong đó, có tới 71% các nhà sáng tạo nội dung cho rằng số lượng Influencer & Content creator, kết hợp các chiến dịch UGC đang ngày càng tăng cao đang buộc họ phải hạ giá.

Mặt khác thương hiệu cũng đang yêu cầu nghiêm ngặt về lợi nhuận đầu tư (ROI) và bằng chứng cho thấy hiệu quả thực sự của Influencer đối với từng nhóm nhân khẩu học nhất định, không chỉ dựa vào các con số bề nổi như lượng người follow hay tương tác. Điều này khiến cho việc hợp tác giữa thương hiệu và Influencer đang trở nên dễ lung lay hơn so với giai đoạn trước đó.

Xu hướng Influencer Marketing trong năm 2025

Mức giá Influencer giảm nhưng chi phí Influencer Marketing tiếp tục tănh

Mặc dù vậy vẫn có hơn 50% marketer tham gia khảo sát chia sẻ rằng số tiền họ chi cho Influencer Marketing đã tăng trong 12 tháng qua từ 10% đến 50%. Như vậy có thể thấy hai trạng thái khá đối lập: Mức giá của Influencer giảm, trong khi chi tiêu của thương hiệu cho nhóm đối tượng này lại tăng lên. Điều này cho thấy diễn biến phức tạp của thị trường Influencer và xu hướng Influencer Marketing năm 2025, các thương hiệu có thể đang hướng tới việc tăng cường số lượng Influencer trong chiến dịch.

Nhìn chung, các thương hiệu sẽ tập trung vào ROI và họ sẽ nỗ lực cải thiện tối đa tỷ lệ này qua một số hoạt động như:

  • Tập trung vào dữ liệu: Các thương hiệu sẽ dựa vào phân tích cảm xúc và chỉ số hiệu suất, chú trọng vào dữ liệu khi lựa chọn Influencer.
  • Hợp tác dài hạn & toàn hiện: Thực hiện các chiến lược hợp tác toàn diện hơn, lâu dài hơn, từ đó vừa tối ưu ROI, vừa giảm chi phí.

Vì vậy, để thu hút thương hiệu trong thời gian tới, bản thân Influencer sẽ phải tập trung tạo ra nhiều nội dung giá trị, sáng tạo hơn cho người tiêu dùng, tập trung phát triển vào nhóm lĩnh vực cụ thể.

#3. Thách thức đến từ những bất ổn của TikTok

Khả năng bị cấm ở Mỹ, cùng loạt cáo buộc từ Châu Âu khiến tình trạng chung của TikTok đang khá bất ổn, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng Influencer Marketing. Mặc dù yếu tố này không ảnh hưởng quá nhiều tới thị trường Việt Nam, nhưng cũng sẽ tác động tới các thương hiệu Việt đang tiếp cận đến các thị trường quốc tế. Hiện nay, một số nhà tiếp thị tại các thị trường này đã chuyển qua các hình thức khác hoặc chuyển kênh Influencer từ TikTok về lại Instagram nhiều hơn. Bởi lẽ, so với tình hình bấp bênh của TikTok, Instagram sẽ là một lựa chọn an toàn và hiệu quả hơn cho thương hiệu.

Xu hướng Influencer Marketing 2025-Thách thức đến từ những bất ổn của Tiktok

Khả năng bị cấm ở Mỹ, cùng loạt cáo buộc từ Châu Âu khiến tình trạng chung của TikTok đang khá bất ổn

Nhưng nhìn chung, TikTok vẫn đóng một vai trò quan trọng trong các chiến dịch Influencer Marketing. Đặc biệt là khi tầm ảnh hưởng của TikTok Shop đối với người tiêu dùng đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

#4. Tầm ảnh hưởng của các công nghệ AI trong việc sáng tạo nội dung và Influencer Marketing

Sự phát triển của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo nên một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Những công cụ AI thông minh mở ra cơ hội chưa từng có cho các nhà sáng tạo, giúp công việc của họ trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Tuy nhiên, AI khiến các nhà sáng tạo nội dung phải đối mặt với nhiều thách thức khó nhằn hơn, đặc biệt là về niềm tin của người tiêu dùng.

Trong năm vừa qua, một số sáng kiến nổi bật về AI của các nền tảng mạng xã hội, có thể kể đến như:

  • YouTube đã giới thiệu công cụ AI Dream Screen nhằm làm phong phú hơn quá trình tạo nội dung trên nền tảng của mình, bằng cách cho phép content creator dễ dàng tạo ra phông nền video hoặc hình ảnh cho video trên Youtube. 
  • TikTok cũng chuẩn bị ra mắt công cụ AI Symphony Avatars, dành riêng cho việc sáng tạo các nội dung quảng cáo. Công cụ này cho phép sử dụng hình ảnh của người thật hoặc tùy chỉnh để tạo ra hình ảnh giống với các nhà sáng tạo nội dung cụ thể, giúp người dùng sản xuất những nội dung quảng cáo linh hoạt hơn. 
  • Instagram cũng thể hiện những nỗ lực đáng kể về AI thông qua công cụ AI Studio, được thiết kế để tối ưu hóa việc sáng tạo nội dung. Công cụ này giúp các video trên nền tảng trở nên sống động hơn nhờ các tính năng chỉnh sửa nâng cao, giúp thương hiệu và nhà sáng tạo dễ dàng sản xuất những nội dung có chất lượng cao.
Xu hướng tiếp thị người nổi tiếng 2025

Ảnh hưởng của AI trong việc sáng tạo nội dung và Infuencer Marketing

Nhìn chung, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của AI và khai thác tối đa tiềm năng của công cụ này, các nhà sáng tạo cần học cách làm chủ AI. Họ nên sử dụng các công cụ này để khám phá những ý tưởng sáng tạo mới, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào nội dung do AI tạo ra.

Karlis Montchovi, Giám đốc Tư vấn Kỹ thuật số tại Wellcom và là một chuyên gia về AI, nhận định rằng: "Hôm nay, AI không cho phép bạn làm những điều mà trước đây bạn không thể làm; nó chỉ giúp bạn thực hiện những điều đó nhanh hơn. Nếu bạn có thời gian và sự kiên định bạn có thể làm những gì AI làm, nhưng chậm hơn."

Ngoài ra, khi sử dụng các công cụ AI để cá nhân hóa hay sản xuất nội dung quảng cáo, thương hiệu cần phải chú ý đến tính minh bạch của thông tin và đảm bảo sự chính xác của nội dung. Hiện nay, khán giả vẫn rất nhạy cảm với những nội dung do AI tạo ra, họ có thể cảm thấy bị lừa dối nếu nhận ra rằng các nội dung quảng cáo của thương hiệu không phải do con người thực hiện mà chỉ được hình thành từ công nghệ. Điều này có thể làm giảm lòng tin của người dùng vào các nhà sáng tạo nội dung cũng như thương hiệu. Và trong tương lai, những Influencer chỉ tập trung vào việc sử dụng AI để tự động hóa sản xuất nội dung mà không mang lại giá trị thực sự cho người xem sẽ sớm mất đi khán giả.

#5. Trách nghiệm & chuẩn mực đạo đức của Influencer đang được đề cao

Câu chuyện về phát triển bền vững và trách nhiệm xã hội hiện nay không chỉ là một bài toán quan trọng đối với các thương hiệu mà còn là một vấn đề mà Influencer cần chú trọng khi xây dựng thương hiệu cá nhân. Người tiêu dùng ngày nay ngày càng nhận thức rõ hơn về các vấn đề xã hội và môi trường, vì vậy kỳ vọng của họ đối với các thương hiệu và người nổi tiếng trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng cao hơn. Điều này buộc các Influencer phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội một cách rõ ràng hơn, tham gia vào các cuộc thảo luận về phát triển bền vững và thực hiện những hành động thực tế, thay vì chỉ dừng lại ở những quan điểm mơ hồ. Đồng thời, thương hiệu cũng nên chú trọng vào những Influencer có hành động rõ ràng trong việc phát triển bền vững, thực hiện trách nhiệm xã hội.

Ngoài ra, ở một số thị trường như châu Âu hiện nay, các liên minh liên quan đến Influencer Marketing đang được hình thành và họ đã đưa ra các chứng chỉ và chứng nhận dành riêng cho nhóm đối tượng này. Các chứng nhận này được thực hiện với mục đích nâng cao chất lượng của các Influencer và đảm bảo rằng Influencer tôn trọng các chuẩn mực đạo đức và tính minh bạch trong hoạt động của mình. Đây có thể sẽ là một xu hướng quan trọng nhằm nâng cao chất lượng của Influencer Marketing trong thời gian tới.

>>> Đọc thêm: 5 Xu hướng marketing 2025 có thể trở thành "cú nổ" lớn

Lời kết:

Vào năm 2025, xu hướng Tiếp thị Người ảnh hưởng (Influencer Marketing) sẽ đề cao tính trách nhiệm lớn hơn, người tiêu dùng ngày càng đề cao các chiến dịch mang tính đạo đức, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Các thương hiệu và KOLs cần đáp ứng những kỳ vọng này của người tiêu dùng bằng cách sử dụng những cách tiếp cận chân thực và đảm bảo tính minh bạch hơn trong quá trình sáng tạo nội dung. Ngoài ra, áp lực về chi phí trong việc hợp tác giữa thương hiệu và Influencer đang gia tăng, mức giá của Influencer đang giảm xuống trong khi chi phí Influencer Marketing của thương hiệu lại có xu hướng tăng lên, cho thấy xu hướng đa dạng hóa Influencer của thương hiệu.

Mặt khác, về khía cạnh sáng tạo nội dung, những công cụ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các nhà sáng tạo và thương hiệu thuận tiện hơn trong quá trình sản xuất nội dung nhưng cũng tạo nên những khó khăn về niềm tin của người tiêu dùng. Đòi hỏi nhà sáng tạo và thương hiệu cần có chiến lược sử dụng hợp lý, tránh phụ thuộc vào công cụ và sản xuất các nội dung kém chất lượng. Việc duy trì những nội dung chân thật, có giá trị cao, lối tiếp cận gần gũi với một tệp khách hàng cụ thể, đồng thời hoạt động minh bạch và có trách nhiệm với xã hội sẽ là những chìa khóa giúp cho cả thương hiệu và Influencer thành công trong thời gian này.

Nguồn: Báo cáo từ KOLSQUARE


TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.