- Retail Media - Khi các nhà bán lẻ bán dịch vụ quảng cáo
- Những loại hình Retail Media phổ biến
- Xu hướng Retail Media 2025
- #1. Hệ sinh thái Retail Media mở rộng: Các nhà bán lẻ sẽ thêm kênh, loại hình quảng cáo và đối tác mới
- #2. Hình thức tự phục vụ sẽ bùng nổ trong Retail Media
- #3. Sử dụng AI tăng cường tính cá nhân hóa trong Retail Media
- #4. Sự trỗi dậy của các kênh quảng cáo ngoài nhóm Digital Asset
Retail Media - Khi các nhà bán lẻ bán dịch vụ quảng cáo
Retail Media là một loại hình phương tiện dịch vụ quảng cáo được cung cấp bởi những nhà bán lẻ như Amazon, Paypal. Những nhà bán lẻ này thường sở hữu các website, ứng dụng hay hệ thống cửa hàng rất lớn thu hút đông đảo người tiêu dùng ghé thăm. Vì vậy, họ đã tận dụng sức hút của những nền tảng này để cung cấp những vị trí quảng cáo cho các thương hiệu khác được phép đắp in vào.
Ưu điểm mạnh nhất của Retail Media là khả năng nhắm mục tiêu. Các nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ Retail Media không chỉ có mạng lưới kênh lớn mà còn nắm giữ cơ sở dữ liệu khách hàng rất sâu sắc, từ các yếu tố nhân khẩu học tới hành vi mua sắm, sở thích của người tiêu dùng. Vì vậy, Retail Media tạo điều kiện cho các thương hiệu thực hiện quảng cáo nhắm mục tiêu chính xác hơn, sáng tạo nội dung cá nhân hóa cao hơn và từ đó tiếp cận người dùng hiệu quả hơn.
Đặc biệt trong bối cảnh quyền riêng tư và bảo mật ngày càng thắt chặt, các nền tảng như Google bắt đầu xóa bỏ cookie của các bên thứ ba, khiến cho các thương hiệu gặp rất nhiều khó khăn khi quảng cáo nhắm mục tiêu. Điều đó khiến cho vai trò của Retail Media lại càng được đề cao hơn cả.
Một ví dụ đơn giản về Retail Media đó là khi bạn đang sử dụng dịch vụ trên một ứng dụng về phim, thì bất ngờ hiện lên quảng cáo của một thương hiệu khác trên màn hình, đó chính là một cách thức hiển thị của Retail Media. Ứng dụng phim này đã tận dụng lượng truy cập trên website để bán một vị trí quảng cáo cho thương hiệu đó.
Không chỉ đơn thuần là cung cấp các vị trí và hình thức quảng cáo, ngày nay các mạng lưới Retail Media đã phát triển hơn nữa với nhiều dịch vụ đa dạng như phân tích dữ liệu hỗ trợ quản lý chiến dịch hay xây dựng các nền tảng quảng cáo tự phục vụ cho phép các thương hiệu chủ động trong việc đấu thầu giành vị trí quảng cáo,...
Hiện nay, Retail Media đang là một trong những phương tiện quảng cáo có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường quảng cáo kỹ thuật số. Theo báo cáo vào năm 2022 của GroupM, doanh thu quảng cáo trên Retail Media đã đạt 101 tỷ đô la trên toàn cầu và dự kiến con số này sẽ tăng lên 60% vào năm 2027. Báo cáo mới nhất từ Denso cũng chỉ ra rằng Retail Media sẽ là một trong số những xu hướng marketing quảng cáo bùng nổ nhất trong năm 2025.
Cũng vì thế, rất nhiều ông lớn trên toàn thế giới đã gia nhập thị trường màu mỡ này, điển hình như Amazon và Google. Trong đó, Amazon đang dẫn đầu thị trường với 50 tỷ đô la doanh thu từ hoạt động quảng cáo chỉ trong bốn quý vừa qua, nhờ vào lượng người dùng khổng lồ trên các nền tảng của thương hiệu này. Ngoài ra, Walmart cũng đã mạnh tay mua lại Vizio – công ty hoạt động trong lĩnh vực TV thông minh tại Mỹ với hơn 18 triệu người dùng. Mới đây, Google cũng chính thức lấn sân vào Retail Media với màn hợp tác đầu tiên cùng nhà bán lẻ nổi tiếng Lowe's.
Những loại hình Retail Media phổ biến
Trước đây, khi nhắc tới Retail Media, phần lớn chúng ta chỉ nghĩ đến quảng cáo trên các trang web hay ứng dụng. Tuy nhiên, khi xu hướng Retail Media phát triển mạnh mẽ trong một hai năm trở lại đây, các hình thức và kênh quảng cáo cũng dần trở nên đa dạng. Nhiều nhà bán lẻ đã phát triển thêm các dịch vụ quảng cáo bên ngoài trang web, như các phương tiện truyền thông xã hội hay tại các cửa hàng. Cụ thể, có ba loại hình dịch vụ Retail Media chính:
- Tài sản kỹ thuật số (Digital Asset) của nhà bán lẻ: Quảng cáo được đặt trên các kênh kỹ thuật số của nhà bán lẻ, như trang web, ứng dụng, email, mạng xã hội,...
- Nền tảng của bên thứ ba: Đây là loại Retail Media tận dụng dữ liệu khách hàng từ các nhà bán lẻ để chạy quảng cáo trên các kênh khác, không trực thuộc nhà bán lẻ.
- Quảng cáo trong cửa hàng: Đây là loại quảng cáo được đặt trong môi trường vật lý của nhà bán lẻ, chẳng hạn như trên màn hình trong cửa hàng, các booth bán hàng đặc biệt, hoặc quảng cáo phát qua loa của cửa hàng.
Xu hướng Retail Media 2025
#1. Hệ sinh thái Retail Media mở rộng: Các nhà bán lẻ sẽ thêm kênh, loại hình quảng cáo và đối tác mới
Để gia tăng sức mạnh của Retail Media, các nhà bán lẻ đang rất tích cực mở rộng thêm các kênh và hình thức quảng cáo mới trong mạng lưới của mình. Không chỉ tích cực truyền thông để gia tăng tương tác và lượng người dùng, các nhà bán lẻ còn đang tích cực xây dựng những nền tảng mới, ví dụ như tạo nên các ứng dụng khách hàng thân thiết, nền tảng gamification,... Những kênh mới không chỉ tạo nên trải nghiệm thú vị cho người mua, mà còn giúp các nhà bán lẻ bổ sung thêm các dịch vụ quảng cáo mới và thu lợi nhuận từ đây.
Ví dụ như Ulta Beauty giới thiệu chương trình khách hàng thân thiết với yếu tố Gamification cho phép người dùng tham gia các trò chơi trong ứng dụng để nhận các đặc quyền khi mua hàng. Chuỗi thức ăn nhanh Chick-fil-A cũng công bố kế hoạch ra mắt ứng dụng giải trí gia đình mang tên PLAY, nơi lưu trữ các video và podcast độc quyền. Các ông lớn như Starbucks và LVMH cũng đã thành lập các studio sản xuất các nội dung chất lượng cao nhằm tăng cường tương tác, thúc đẩy người dùng sử dụng ứng dụng, website.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng sẽ mở rộng quan hệ đối tác với các nền tảng mạng xã hội, từ đó mở ra quan hệ đối tác đa nền tảng. Ví dụ như Walmart đã hợp tác với Roku và TikTok, cho phép người dùng chuyển đổi liền mạch từ nội dung quảng cáo trên TikTok sang các trang sản phẩm trên Amazon.
#2. Hình thức tự phục vụ sẽ bùng nổ trong Retail Media
Trong năm 2025, mô hình quảng cáo tự phục vụ dự kiến sẽ bùng nổ mạnh mẹ trong lĩnh vực Retail Media. Cụ thể, trong mô hình này, các nhà bán lẻ sẽ cung cấp cho thương hiệu những nền tảng để tự quản lý các quảng cáo của mình, chủ động trong việc lựa chọn vị trí, đấu thầu,... Marketing Cloud của Amazon và Walmart Luminate là hai ví dụ điển hình.
Sự phát triển của hình thức này giúp đáp ứng nhu cầu quảng cáo ngày càng tăng cao từ các thương hiệu. Cho phép nhãn hàng chủ động hơn khi thực hiện các chiến dịch Retail Media, đồng thời các nhà bán lẻ cũng thuận tiện hơn trong việc quản lý nền tảng quảng cáo.
#3. Sử dụng AI tăng cường tính cá nhân hóa trong Retail Media
Cá nhân hóa luôn là yếu tố được đề cao trong quảng cáo, đặc biệt đối với Retail Media. Trong đó, các nhà bán lẻ đang tích cực ứng dụng AI để tăng cường yếu tố cá nhân hóa trong dịch vụ quảng cáo của mình. 72% nhà bán lẻ cung cấp dịch vụ Retail Media tin rằng hoạt động cá nhân hóa do AI sẽ mang lại tác động tích cực.
Cụ thể, trong thời gian tới, thị trường Retail Media sẽ ứng dụng AI trong một số lĩnh vực chính như:
- Nhắm mục tiêu quảng cáo: AI sẽ sử dụng dữ liệu từ các tương tác trước đó của người dùng như: Lịch sử mua hàng, Thói quen lướt web,.... Để đưa quảng cáo tới đúng nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể cho thương hiệu, hoặc đề xuất ưu đãi phù hợp với hành vi mua sắm, mức chi tiêu của khách hàng.
- Tự động hóa Testing A/B: Sử dụng AI để thử nghiệm những phương án quảng cáo khác nhau, từ đó lựa chọn hình thức phù hợp nhất cho thương hiệu.
- Phân tích dự đoán hành vi người dùng: AI sẽ cải thiện độ chính xác khi nhắm mục tiêu quảng cáo, bằng cách dự đoán nhu cầu khách hàng dựa trên dữ liệu. Từ đó, giúp quảng cáo đón đầu những xu hướng mới nhất của người tiêu dùng, tăng hiệu quả cho chiến dịch.
#4. Sự trỗi dậy của các kênh quảng cáo ngoài nhóm Digital Asset
Digital Asset (Các kênh Digital thuộc sở hữu của nhà bán lẻ) là kênh Retail Media phổ biến nhất trong những năm gần đây. Tuy nhiên, dự kiến trong thời gian tới các kênh bên ngoài nhóm Digital Asset như: Các kênh của bên thứ 3 và Quảng cáo tại cửa hàng offline sẽ là xu hướng mới của Retail Media.
Những kênh này cho phép doanh nghiệp sử dụng cơ sở dữ liệu khổng lồ của các nhà bán lẻ để nhắm mục tiêu khách hàng trên nhiều điểm chạm đa dạng hơn, mở rộng mạng lưới tiếp cận khách hàng. Trong đó có thể kể đến một số điểm nổi bật của xu hướng này như:
- Quảng cáo trên các trang web khác: Các nhà bán lẻ tích hợp nền tảng quảng cáo của mình với DSP (Demand-Side Platform), giúp tự động phân phối quảng cáo trên các trang web và ứng dụng bên ngoài. Dựa trên dữ liệu của nhà bán lẻ cung cấp, giúp cho thương hiệu mở rộng phạm vi quảng cáo mà không tốn quá nhiều thời gian và chi phí.
- Nền tảng phát trực tuyến và CTV (Connected TV): Các nền tảng truyền hình trực tuyến là mảnh đất rất màu mỡ cho Retail Media. Hơn hết dữ liệu người dùng đặc sắc giúp cho các nền tảng phát trực tuyến và CTV có khả năng nhắm mục tiêu khách hàng rất chuẩn xác.
- Quảng cáo âm thanh: Đây là một xu hướng Retail Media mới mà các thương hiệu không nên bỏ lỡ. Các nền tảng phát nhạc và podcast như Spotify cũng đang cung cấp nhiều dịch vụ quảng cáo đa dạng.
- Biển báo trong cửa hàng: Các nhà bán lẻ đang nâng cấp các màn hình kỹ thuật số trong cửa hàng để hiển thị các chương trình khuyến mãi một cách đặc sắc hơn. Trong các dịp mua sắm lớn như Tết tại Việt Nam đây sẽ là một kênh quảng cáo mà các thương hiệu không thể bỏ lỡ.
>>> Xem thêm: Dự báo Xu hướng Quảng cáo năm 2025
Lời kết:
Nhìn chung, Retail Media là một loại hình quảng cáo đáng thử cho các doanh nghiệp trong năm 2025. Khả năng nhắm mục tiêu chính xác, và cá nhân hóa sâu sắc dựa trên dữ liệu người dùng là những yếu tố quan trọng giúp cho Retail Media ngày càng trở nên hiệu quả hơn. Mặt khác, các nhà bán lẻ nếu có thể nắm bắt xu hướng này sẽ có khả năng mở rộng doanh thu nhờ vào bán dịch vụ quảng cáo.
Bình luận của bạn