- 1. Adidas và đôi giày SL 72 đầy tai tiếng - Thương hiệu phải đưa ra 2 lời xin lỗi sau áp lực từ chính phủ Israel và Bella Hadid
- 2. Apple gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng sáng tạo với TVC “Crush” nghiền nát mọi thứ không thương tiếc
- 3. Bath And Body Works nhận về chỉ trích dữ dội sau quảng cáo sản phẩm nến “Snowed In”
- 4. Ứng dụng hẹn hò Bumble xin lỗi vì chiến lược tiếp thị chống độc thân của mình
- 5. Google gỡ video quảng cáo "Dear Sydney" sau làn sóng chỉ trích vì cố nhồi nhét kỹ năng cho AI
- 6. Gopuff và chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi “Ozempic Week”
- 7. Jaguar nhận “bão” chỉ trích với chiến dịch tái định vị thiếu cảm xúc và xa rời thực tế
- 8. Heinz gỡ quảng cáo "Heinz Smile" vì lý do phân biệt chủng tộc
- 9. Kraft Mac and Cheese bị chỉ trích vì phản hồi thiếu tinh tế trên TikTok
- 10. Mattel mắc lỗi in ấn gây tranh cãi với bao bì cho dòng búp bê “Wicked”
- 11. Toy "R" Us làm phim thương hiệu bằng AI và sai sót trong khâu kiểm duyệt
Sự trỗi dậy của AI đã góp phần đáng kể vào sự ra đời của nhiều chiến dịch quảng cáo sáng tạo, những cũng là nguyên nhân đứng sau gây nên không ít sai lầm cho ngành tiếp thị năm vừa qua. Bên cạnh AI, nhiều thương hiệu vẫn “đi vào vết xe đổ” với những lỗi sai truyền thống từ thiết kế bao bì đến nội dung quảng cáo phản cảm đến không nghiên cứu chỉn chu và kiểm duyệt thiếu kỹ lưỡng dẫn đến những chiến dịch truyền thông thất bại.
1. Adidas và đôi giày SL 72 đầy tai tiếng - Thương hiệu phải đưa ra 2 lời xin lỗi sau áp lực từ chính phủ Israel và Bella Hadid
Adidas - thương hiệu thời trang thể thao của Đức đã có một năm 2024 đáng quên với chiến dịch “hồi sinh” đôi giày SL72 với siêu mẫu Bella Hadid làm gương mặt đại diện. Tranh cãi về chiến dịch này được khơi mào từ câu chuyện đau thương trong quá khứ, khi đôi giày SL72 của Adidas lần đầu tiên được ra mắt tại Thế vận hội Mùa hè lần thứ 20, tổ chức tại Đức vào năm 1972. Nơi đây đã chứng kiến một vụ tấn công là 11 người Israel chết do người Palestine ám sát. Chính vì thế, khi Adidas công bố Bella Hadid - siêu mẫu người Mỹ gốc Palestine làm gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá, đã khiến nhiều người phẫn nộ và yêu cầu tẩy chay Bella cùng thương hiệu thời trang này.
Sự kiện được đẩy lên đỉnh điểm khi chính phủ Israel đã đăng tải một bài post trên nền tảng X: “Đoán xem ai là gương mặt đại diện cho chiến dịch của họ? Bella Hadid, một người mẫu có tiền sử truyền bá chủ nghĩa bài Do Thái và kêu gọi bạo lực chống lại người Israel và người Do Thái”.
Trước sức ép căng thẳng, Adidas đã phải gỡ bỏ tất cả các quảng cáo có mặt Bella Hadid và tuyên bố: "Chúng tôi nhận thức được rằng có sự liên quan đến các sự kiện lịch sử bi thảm - mặc dù chúng hoàn toàn không cố ý - và chúng tôi xin lỗi vì bất kỳ sự khó chịu hoặc đau khổ nào đã gây ra".
Về phía siêu mẫu Bella Hadid, cô cho biết sẽ chính thức khởi kiện Adidas vì hành động thiếu trách nhiệm khi chọn cô vào chiến dịch này. Trong một bài đăng trên Instagram sau đó, Hadid bày tỏ: “Tôi bị sốc, thất vọng và buồn bã trước sự thiếu nhạy cảm của chiến dịch này,”. Ngoài ra, phía Bella Hadid khẳng định, cô không hề hay biết về vấn đề nghiêm trọng đằng sau bản hợp đồng được ký kết. Trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi lời phản hồi của Bella Hadid khi cho rằng nữ siêu mẫu và công ty quản lý của cô đương nhiên phải biết đến sự kiện này bởi vì cô mang một nửa dòng máu của người Palestine. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đứng về phía Bella Hadid và tin rằng Hadid không hề có điểm chung nào với sự kiện năm 1972, do đó sự phản đối chiến dịch này là một điều vô lý.
Theo trang Marketing-Interactive, sau khi tranh cãi nổ ra, Adidas đã nhận được hơn 400% các cuộc trò chuyện tiêu cực trên mạng xã hội. Chỉ số brand-love của Adidas tụt dốc thê thảm với 8,9% tích cực và 45,5% tiêu cực. Trước khi loại bỏ Bella Hadid, thương hiệu này ghi nhận được 35% tích cực và 8% tiêu cực.
Sau khi thông tin khởi kiện từ phía Bella Hadid được đưa ra, Adidas tiếp tục gửi lời xin lỗi thứ hai, trực tiếp nhắc đến nữ người mẫu Bella Hadid và những người liên quan khác: “Chúng tôi hoàn toàn phạm sai lầm ngoài ý muốn. Chúng tôi cũng xin lỗi các đối tác, Bella Hadid, A$AP Nast, Jules Koundé, và những người khác vì những ảnh hưởng tiêu cực đến họ và chúng tôi đang điều chỉnh lại chiến dịch".
Vụ kiện tụng giữa Bella Hadid và Adidas là một bài học xương máu, nhắc nhở các thương hiệu về tầm quan trọng của việc tìm hiểu và tôn trọng lịch sử, bối cảnh văn hóa trước khi bắt tay vào thực hiện các chiến dịch quảng bá.
>>> Bạn có thể quan tâm: Các chiến dịch Marketing thất bại ở Việt Nam 2024
2. Apple gây làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng sáng tạo với TVC “Crush” nghiền nát mọi thứ không thương tiếc
Vào tháng 5 vừa qua, Apple đã đưa ra lời xin lỗi hiếm hoi sau khi phát hành một quảng cáo bị chỉ trích dữ dội cho dòng sản phẩm iPad Pro. Một TVC với tiêu đề “Crush!” (Nghiền nát!) được phát hành, mở đầu với hình ảnh một loạt các công cụ và nhạc cụ nghệ thuật như chiếc đàn piano, guitar, máy đánh chữ, máy ảnh và các lon sơn bị nghiền nát không thương tiếc dưới một máy ép công nghiệp. Kết quả của việc nghiền nát này là sự xuất hiện của một chiếc iPad Pro mới - phiên bản máy tính bảng mỏng nhất của Apple từ trước đến nay, cùng với chip M4 mới và được thiết kế để trở thành một cỗ máy AI đầy mạnh mẽ.
Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, quảng cáo đã nhận về phản ứng ngược lại với những gì Apple mong đợi. Qua cách truyền tải của Táo Khuyết, thông điệp mà người xem nhận được lại là việc gã khổng lồ công nghệ sẽ nghiền nát và phá hủy tất cả những gì đẹp đẽ và nhân văn, để cuối cùng tất cả những gì còn lại chỉ là miếng kim loại mỏng. Nhiều người cũng nhận xét thông điệp của quảng cáo đi ngược lại với triết lý “tôn vinh sự sáng tạo” mà Apple luôn đề cao. Đồng thời, nó cũng làm sống dậy nỗi lo sợ của nhiều người làm sáng tạo trước sự phát triển của AI.
Trước làn sóng phản đối, Apple đã nhanh chóng hủy bỏ kế hoạch phát sóng quảng cáo trên truyền hình. Tor Myhren, Phó Chủ tịch Truyền thông Tiếp thị của Apple, chia sẻ với Ad Age tại thời điểm đó: “Mục tiêu của chúng tôi luôn là tôn vinh vô vàn cách mà người dùng thể hiện bản thân và hiện thực hóa ý tưởng của họ qua iPad. Chúng tôi đã không đạt được điều đó với video này, và chúng tôi xin lỗi,” . Có thể nói, bước đi sai lầm lần này của Apple đã một lần nữa cho thấy được tầm quan trọng của sự nhạy cảm về văn hóa và ứng dụng nó trong các chiến lược truyền thông của mình.
3. Bath And Body Works nhận về chỉ trích dữ dội sau quảng cáo sản phẩm nến “Snowed In”
Vào tháng 10 vừa qua, Bath & Body Works - nhà bán lẻ sản phẩm chăm sóc cá nhân và hương thơm gia đình đã phát hành một loại nến mới với chủ đề mùa lễ hội mang tên “Snowed In”. Tuy nhiên, tranh cãi bùng nổ khi hình ảnh bông tuyết trên nhãn sản phẩm đã bị nhiều người dùng mạng xã hội nhận xét là giống với mũ trùm đầu trắng của tổ chức Ku Klux Klan (KKK) - một tổ chức tối cao da trắng với lịch sử gây ra các vụ khủng bố đối với cộng đồng người da đen suốt hơn một thế kỷ qua.
Sự tương đồng một cách vô tình này đã dấy lên phẫn nộ trong dư luận. Trước áp lực, Bath & Body Works đã nhanh chóng thu hồi sản phẩm khỏi các kệ hàng và khẳng định: “Chúng tôi cam kết khắc phục mọi sai sót mà mình mắc phải — ngay cả những lỗi không cố ý như sự việc lần này.”
4. Ứng dụng hẹn hò Bumble xin lỗi vì chiến lược tiếp thị chống độc thân của mình
Nhằm tái định vị thương hiệu và thu hút người dùng trong bối cảnh Gen Z ngày càng xa rời ứng dụng hẹn hò để tìm kiếm kết nối tình cảm ngoài đời thực hoặc không có ý định tìm kiếm “nửa kia”, Bumble đã ra mắt một chiến dịch quảng cáo nhắm đến mục tiêu chỉ trích cuộc sống độc thân (celibacy).
Một trong những quảng cáo đầu tiên của chiến dịch là TVC mô tả một người phụ nữ cố gắng “từ bỏ việc hẹn hò” và trở thành một nữ tu. Tuy nhiên, cô nhanh chóng từ bỏ ý định này vì bị thu hút bởi một người làm vườn cởi trần và ứng dụng Bumble. Sau đó, hàng loạt biển quảng cáo với thông điệp phản đối "celibacy" đã xuất hiện trên toàn cầu. Một biển quảng cáo tuyên bố: "Bạn biết rõ rằng một lời thề sống độc thân không phải là câu trả lời." hay một biển khác ghi: "Bạn không được từ bỏ hẹn hò và trở thành nữ tu."
Những thông điệp này đã khiến Bumble vấp phải chỉ trích nặng nề, khi nhiều người cho rằng chúng thiếu nhạy cảm và coi nhẹ lựa chọn sống độc thân như một quyết định cá nhân chính đáng, đặc biệt trong bối cảnh quyền phụ nữ đang bị đe dọa ở nhiều nơi.
Các quảng cáo dường như đi ngược lại với xu hướng hẹn hò đang phát triển, nơi mọi người, chủ yếu là phụ nữ trẻ, tự nguyện độc thân bởi họ đã “vỡ mộng” với văn hóa hẹn hò trực tuyến và quan hệ tình dục. Khi người dùng từ chối hẹn hò hoặc không muốn trả tiền cho các ứng dụng hẹn hò, ngành công nghiệp này đã phải chịu thiệt hại. Tờ New York Times đưa tin Match Group và Bumble đã mất 40 tỷ đô la giá trị thị trường kể từ năm 2021.
Trước phản ứng mạnh mẽ, Bumble đã nhanh chóng gỡ bỏ thông điệp khỏi chiến dịch và thừa nhận rằng: "Thông điệp này có thể đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến một số thành viên trong cộng đồng của chúng tôi. Đây không phải là ý định của chúng tôi."
5. Google gỡ video quảng cáo "Dear Sydney" sau làn sóng chỉ trích vì cố nhồi nhét kỹ năng cho AI
Dear Sydney - chiến dịch quảng cáo mới được Google tung ra vào ngày 26/7 nhằm cổ động cho đội tuyển Mỹ tại đấu trường Olympic Paris 2024, được bắt nguồn từ một ý tưởng cảm động: Đó là những nỗ lực của một người cha trên hành trình giúp con gái của mình có thể vươn tới ước mơ.
Nhưng điều đáng nói đó là, trong đoạn phim quảng cáo “Dear Sydney”, người cha đã sử dụng Google Gemini để tìm cách phương pháp giúp cô bé luyện tập. Và ông lại tiếp tục dùng Gemini để viết một lá thư gửi tới thần tượng của con gái thay vì tự mình viết: “Hãy giúp con gái tôi viết một lá thư kể cho Sydney McLaughlin-Levrone nghe về việc cô bé truyền cảm hứng như thế nào và nhớ đề cập rằng con gái tôi dự định phá kỷ lục thế giới của mình… một ngày nào đó.”
Thông qua “Dear Sydney”, Google muốn chứng minh khả năng tạo ra văn bản ngày càng giống con người của công cụ AI Gemini. Tuy nhiên, ngày sau khi ra mắt, quảng cáo đã vấp phải làn sóng chỉ trích vô cùng mạnh mẽ từ phía người xem. Hàng chục bài đăng trên các nền tảng xã hội Threads, X, LinkedIn đặt câu hỏi: Tại sao lại muốn thay thế sự sáng tạo và cách diễn đạt chân thực cho trẻ em bằng những từ ngữ do máy tính viết ra?
Trong thông tin phản hồi, người phát ngôn của Google cho biết "chúng tôi tin rằng AI có thể là một công cụ tuyệt vời để nâng cao khả năng sáng tạo của con người nhưng không bao giờ có thể thay thế nó".
Phản ứng gay gắt của công chúng nhấn mạnh nỗi sợ hãi về trí tuệ nhân tạo, khi công nghệ này ngày càng thâm nhập vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Google đã gỡ bỏ quảng cáo cho hệ thống AI Gemini khỏi chương trình Thế vận hội Olympic Paris 2024 sau khi đoạn quảng cáo này gây ra phản ứng dữ dội trên mạng. Người phát ngôn của Google chia sẻ với The Hollywood Reporter rằng : "Mặc dù quảng cáo đã được thử nghiệm kỹ lưỡng trước khi phát sóng, nhưng sau khi nhận được phản hồi, chúng tôi đã quyết định loại quảng cáo này khỏi chương trình phát sóng Thế vận hội" .
>>> Chi tiết: Chiến dịch quảng cáo Olympic của Google bị chỉ trích nặng nề
6. Gopuff và chiến dịch quảng cáo gây tranh cãi “Ozempic Week”
Vào tháng 5 vừa qua, Gopuff - ứng dụng giao hàng đã cố gắng tận dụng sự chú ý xung quanh các loại thuốc giảm cân nhằm quảng bá các món ăn nhẹ ít calo, thông qua chiến dịch “Ozempic Week” với các thông điệp khuyến khích người dùng “sẵn sàng cho mùa hè, tiết kiệm tiền và giảm cân.” Chiến dịch đã sử dụng cách chơi chữ hài hước liên quan đến loại thuốc tiểu đường, vốn thường được sử dụng ngoài chỉ định cho mục đích giảm cân, để quảng bá các sản phẩm đồ ăn nhẹ ít calo.
Dù ý định ban đầu là sử dụng yếu tố hài hước nhằm thu hút sự chú ý, nhưng “Ozempic Week” đã nhận về phản ứng tiêu cực từ công chúng. Một người dùng gọi chiến dịch là “đáng hổ thẹn,” trong khi người khác đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại khuyến khích khách hàng giảm cân thay vì thực hành sự chấp nhận, tôn trọng hoặc trung lập với hình thể?” Một số khác thậm chí còn tỏ ra khó hiểu, với bình luận như: “Gopuff, có phải bạn vừa gợi ý tôi dùng thuốc không?”
GoPuff và Novo Nordisk A/S, công ty sản xuất thuốc Ozempic, đã không đưa ra phản hồi ngay lập tức khi được yêu cầu bình luận về chiến dịch quảng cáo mới này. Qua đó chiến dịch thất bại của Gopuff đã nhấn mạnh rủi ro khi các thương hiệu dựa vào những xu hướng nhạy cảm để tiếp thị sản phẩm của mình.
7. Jaguar nhận “bão” chỉ trích với chiến dịch tái định vị thiếu cảm xúc và xa rời thực tế
Vào cuối tháng 11/2024, thương hiệu xe hạng sang Jaguar đã công bố chiến dịch mới nhất, đánh dấu bước chuyển mình táo bạo trong hành trình tái định vị bản sắc của mình, cùng với mục tiêu trở thành thương hiệu xe điện hoàn toàn vào năm 2025.
Trong khuôn khổ chiến dịch tái định vị thương hiệu, Jaguar đã quyết định làm mới biểu tượng logo báo đốm quen thuộc, với thiết kế góc cạnh hơn và hướng di chuyển từ trái sang phải, thay vì giữ nguyên phong cách cũ. Tuy nhiên, logo báo đốm "leaper" mới bị đánh giá làm mất đi sức mạnh và khí chất vốn có của phiên bản cũ. Đáng chú ý, biểu tượng mặt báo quen thuộc và được yêu thích đã bị thay thế bằng các ký tự "J" và "r". Jaguar cũng ra mắt kiểu chữ mới với đường nét mềm mại, tối giản cùng tông màu vàng trên nền trắng. Tuy nhiên, cũng giống logo mới, kiểu chữ này cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng trông quá tròn trịa và "hiền lành", không phản ánh được bản sắc mạnh mẽ của một thương hiệu xe hơi.
Bên cạnh bộ nhận diện mới, thương hiệu còn cho ra mắt video quảng cáo mang tên "Copy Nothing", giới thiệu hình ảnh một nhóm người đa sắc tộc, với trang phục rực rỡ có thiết kế kỳ lạ, xuất hiện trong không gian huyền ảo như thuộc về một thế giới khác. Đáng chú ý, một phân cảnh cho thấy một người đàn ông dùng cọ sơn trắng để xóa đi dòng chữ "delete ordinary" (Tạm dịch: "Xóa bỏ sự bình thường"), tạo nên điểm nhấn đầy ẩn ý nhưng cũng gây nhiều tranh cãi.
Ông Jason Torchinsky, Đồng Sáng lập trang web văn hóa xe hơi Autopian, đã chỉ trích chiến dịch của Jaguar, gọi đó là "Sự sao chép rõ ràng". Ông nhận xét: "Phong cách thời trang táo bạo, đầy màu sắc này cùng những phông nền đơn sắc bão hòa không có gì mới mẻ hay sáng tạo. Đây gần như là lựa chọn mặc định khi một tổ chức muốn thể hiện sự táo bạo và sắc sảo của mình".
Trên mạng xã hội, video quảng cáo cũng trở thành đề tài chế giễu, bao gồm cả bình luận từ ông Elon Musk – CEO Tesla và chủ sở hữu X (trước đây là Twitter): "Các bạn có bán xe không?" – ám chỉ việc video quảng cáo không hề xuất hiện chiếc xe nào. Đáp trả lại những lời chỉ trích đó, đại diện của Jaguar đã mời Elon Musk tham dự Tuần lễ Nghệ thuật Miami vào đầu tháng 12 năm nay, nơi họ dự định ra mắt một mẫu xe concept mới.
Jaguar có lẽ đã có một nước đi sai lầm trong việc tái định vị thương hiệu, khi đánh mất những nét đặc trưng quen thuộc vốn có của mình để chạy theo nhưng xu hướng nhất thời và sự xa xỉ hào nhoáng.
8. Heinz gỡ quảng cáo "Heinz Smile" vì lý do phân biệt chủng tộc
Câu chuyện văn hóa trong các TVC quảng cáo từ lâu đã nhiều tốn giấy mực của giới truyền thông. Mới đây, vấn đề này tiếp tục trở thành đề tài thảo luận sôi nổi, đặc biệt sau “cú trượt chân” trong chiến dịch quảng cáo mùa Halloween của Heinz hồi tháng 10 năm nay - một trong những thương hiệu thực phẩm nổi tiếng hàng đầu thế giới.
Bắt tay cùng GUT New York, Heinz đã sáng tạo nên "Heinz Smile" (nụ cười Heinz) được tạo ra bằng cách vẽ tương cà Heinz lên mặt. Ban đầu, quảng cáo nhận về nhiều phản hồi tích cực bởi thương hiệu đã tạo nên sự kết nối sáng tạo giữa sản phẩm và tinh thần Halloween. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Heinz đã phải gỡ bỏ quảng cáo ngay lập tức vì có chứa hình ảnh phân biệt chủng tộc.
Theo đó, quảng cáo nhanh chóng vấp phải chỉ trích vì có xuất hiện hình ảnh người đàn ông da đen. Nhiều người cho rằng nó gợi nhớ đến "Blackface" và các chương trình nhạc kịch phân biệt chủng tộc từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, nơi các diễn viên da trắng hóa trang thành người da đen với những đặc điểm bị cường điệu một cách lố bịch, thường bao gồm đôi môi đỏ to quá mức. Andre Gray, Giám đốc Sáng tạo của Annex88, đã chia sẻ trên LinkedIn: "Tại sao chúng ta vẫn thiếu các đội ngũ am hiểu đa dạng văn hóa để có thể kiểm duyệt kỹ lưỡng ý nghĩa hình ảnh trước khi nó được phát hành ra thế giới?"
Đứng trước cơn phẫn nộ của dư luận, công ty mẹ Kraft Heinz đã có động thái xin lỗi về chiến dịch này: "Là một công ty luôn chú trọng đến khách hàng, chúng tôi đang lắng nghe và học hỏi một cách tích cực, và thành thật xin lỗi vì bất kỳ sự xúc phạm nào mà chiến dịch 'Heinz Smiles' có thể đã gây ra," phát ngôn viên của Kraft Heinz cho biết. "Mặc dù mục tiêu của chiến dịch là kết nối với văn hóa đại chúng nhưng chúng tôi nhận ra rằng điều này không thể bào chữa cho những sai lầm mà nó có thể đã gây ra. Chúng tôi cam kết sẽ làm tốt hơn và đang làm việc để gỡ bỏ quảng cáo ngay lập tức." Trước đó các quảng cáo của chiến dịch này đã được triển khai tại nhiều quốc gia châu Âu như Vương quốc Anh, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hà Lan và Ý.
9. Kraft Mac and Cheese bị chỉ trích vì phản hồi thiếu tinh tế trên TikTok
Sai lầm có thể xảy ra không chỉ trong các chiến dịch truyền thông mà ngay trong cách thương hiệu xử lý và phản hồi ý kiến của khách hàng. Kraft Mac and Cheese có lẽ là một ví dụ điển hình cho câu chuyện này. Theo đó, một thực khách tên Abby Engel đã chia sẻ trên TikTok về việc cô mua nhiều hộp mac and cheese không chứa gói sốt phô mai. Abby cho biết mình mua sản phẩm này từ nhiều cửa hàng khác nhau và cảm thấy vô cùng thất vọng. Theo chia sẻ, cô được chẩn đoán mắc bệnh Celiac cách đây 5 năm, và “mac and cheese” là món ăn yêu thích giúp cô cảm thấy thoải mái. Video của Abby nhanh chóng thu hút khoảng 2 triệu lượt xem và hơn 8.000 bình luận.
Tuy nhiên, điều đáng nói lại nằm ở cách Kraft Mac and Cheese xử lý phản hồi của khách hàng. Bên dưới video của Abby Engel, thương hiệu đã để lại bình luận: “Xin chào. Chúng tôi xin lỗi về sự cố này. Hiện tại, chúng tôi không gặp bất kỳ vấn đề chất lượng nào với sản phẩm Kraft Mac and Cheese không chứa gluten.”
Tuy nhiên, Engel và nhiều người dùng TikTok khác không hài lòng với giọng điệu của phản hồi này. Sự việc càng trở nên tồi tệ khi Engel cho biết thương hiệu còn để lại bình luận trên một video khác, tuyên bố rằng họ đã liên hệ với cô, trong khi thực tế điều đó chưa hề xảy ra. Trong video đầu tiên, Engel cũng đã đề cập rằng Kraft chỉ gửi cho cô một phiếu giảm giá để mua một hộp khác, nhưng tình trạng thiếu gói sốt phô mai vẫn tiếp tục tái diễn.
Phản ứng thiếu nhạy bén của Kraft đã tạo nên làn sóng chỉ trích, khiến dư luận không hài lòng về cách thương hiệu xử lý các khiếu nại từ khách hàng trung thành.
Sự việc này đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của các đội ngũ truyền thông xã hội trong việc xử lý phản hồi khách hàng. Đây thường là bộ phận đầu tiên tiếp nhận các khiếu nại và có khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng. Nhiều người xem video của Engel đã khen ngợi cách California Pizza Kitchen xử lý tình huống tương tự vào tháng 7. Khi một khách hàng đặt mac and cheese nhưng chỉ nhận được sốt phô mai mà không có mì, chuỗi nhà hàng đã không chỉ gửi cho cô hộp mì chưa nấu mà còn tặng phiếu miễn phí mac and cheese và pizza trong một năm. Họ thậm chí còn giảm giá 50% cho món mac and cheese cho tất cả khách hàng trong phần còn lại của tháng. Qua đó, các thương hiệu khác đang chứng minh rằng cách phản hồi nhanh chóng và nhạy bén với khách hàng có thể biến một sai lầm thành cơ hội xây dựng lòng tin và thiện cảm từ người tiêu dùng.
10. Mattel mắc lỗi in ấn gây tranh cãi với bao bì cho dòng búp bê “Wicked”
Một trong những “sự cố đáng xấu hổ nhất năm” của thương hiệu được nhắc đến nhiều trong năm qua đến từ vị trí của nhà sản xuất đồ chơi Mattel. Thương hiệu này đã không phát hiện ra một lỗi in ấn X-rated trên bao bì cho dòng búp bê “Wicked,” được ra mắt để quảng bá cho bộ phim cùng tên vào ngày 9/11. Sai sót này đã dẫn khách hàng đến Wicked.com, một trang web khiêu dâm, thay vì WickedMovie.com, trang đích chính thức cung cấp thông tin và đặt vé xem phim.
Sau khi người dùng mạng xã hội phát hiện và phản ánh lỗi này, Mattel đã nhanh chóng thu hồi sản phẩm. Tuy nhiên, thiệt hại mặt hình ảnh và độ uy tín của thương hiệu là điều không thể tránh khỏi. Theo một cuộc khảo sát của Ad Age-Harris Poll công bố, Gen Z - đối tượng khách hàng trọng tâm và tiềm năng của Mattel tỏ ra lo ngại hơn các thế hệ khác về sai sót này của Mattel.
Sự việc vẫn chưa kết thúc khi chỉ 1 tuần sau đó, một bà mẹ ở South Carolina đã đệ đơn kiện tập thể, yêu cầu ít nhất 5 triệu USD tiền bồi thường cho bất kỳ khách hàng nào tại Mỹ đã mua búp bê với bao bì bị lỗi. Mattel đã ngay lập tức lên tiếng xin lỗi về sự cố này và cam kết khắc phục, công ty cho biết: “Chúng tôi vô cùng xin lỗi về sự cố đáng tiếc này và đang thực hiện các biện pháp khẩn cấp để khắc phục. Chúng tôi khuyến cáo các bậc phụ huynh rằng địa chỉ trang web bị in sai không phù hợp cho trẻ em. Người tiêu dùng sở hữu sản phẩm này được khuyến nghị loại bỏ bao bì hoặc che đi đường link sai lệch và có thể liên hệ với bộ phận Chăm sóc Khách hàng của Mattel để được hỗ trợ thêm thông tin.”
Tuyên bố này cho thấy nỗ lực của Mattel trong việc xử lý hậu quả và lấy lại niềm tin từ khách hàng sau sự cố đáng xấu hổ liên quan đến dòng búp bê Wicked. Đồng thời, đây cũng là bài học đắt giá cho Mattel về tầm quan trọng của việc rà soát kỹ lưỡng thông tin trên bao bì trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
11. Toy "R" Us làm phim thương hiệu bằng AI và sai sót trong khâu kiểm duyệt
Toy "R" Us - thương hiệu bán lẻ các sản phẩm trẻ em nổi tiếng của Mỹ đã gây chú ý vào tháng 6 vừa qua với chiến dịch quảng cáo mới được quảng bá là “bộ phim thương hiệu đầu tiên sử dụng công cụ chuyển văn bản thành video của OpenAI, Sora.”. Theo đó, thước phim đã tái hiện lại câu chuyện của Charles Lazarus, người sáng lập Toys"R"Us, và ý tưởng đã thay đổi mãi mãi các cửa hàng đồ chơi. Phim cũng giới thiệu linh vật Geoffrey the Giraffe, người đã đến với ông trong một giấc mơ – một giấc mơ đã trở thành hiện thực, mang lại niềm vui cho nhiều thế hệ trẻ em.
Tuy nhiên, người xem đã chỉ ra nhiều điểm thiếu sót, trong đó nổi bật là hình ảnh nhân vật chính - cậu bé Charles Lazarus liên tục thay đổi hình dạng trong suốt đoạn phim, tạo cảm giác thiếu nhất quán và kém chuyên nghiệp. Sự việc này làm dấy lên tranh cãi về tính hiệu quả của các công cụ AI trong việc sáng tạo nội dung quảng cáo và khả năng giữ gìn bản sắc thương hiệu khi quá phụ thuộc vào công nghệ mới. Đồng thời, thương hiệu cũng nhận về chỉ trích vì khâu kiểm duyệt không kỹ càng trước khi ra mắt bộ phim đến với khán giả.
>>> Đọc thêm: Các chiến dịch Marketing ấn tượng nhất 2024
Lời kết:
Nhìn lại 11 chiến dịch Marketing thất bại nhất năm 2024, có thấy rằng ngay cả những thương hiệu lớn nhất cũng có thể mắc phải những sai lầm nghiêm trọng trong các chiến lược truyền thông của mình. Dù có nguồn lực khổng lồ và đội ngũ sáng tạo tài năng, nhưng nếu không hiểu rõ về đối tượng mục tiêu và không lường trước được phản ứng của công chúng, các chiến dịch này dễ dàng dẫn đến sự phản tác dụng. Bài học từ những thất bại này sẽ là cơ sở để các thương hiệu xây dựng những chiến lược thông minh, nhạy bén và tránh được những sai lầm đáng tiếc trong tương lai.
Bình luận của bạn