cover

Rebranding là gì? Bí quyết thay đổi diện mạo thương hiệu để bứt phá trên thị trường

08 Thg 08

Rebranding hay thay đổi hình ảnh thương hiệu là một chiến lược quan trọng và không thể thiếu đối với nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Cùng tham khảo “tất tần tật” bí quyết triển khai chi tiết, kỹ lưỡng cũng như tránh các sai lầm thường gặp để chiến lược rebranding đạt hiệu quả cao nhất nhé!

Rebranding là gì?

Rebranding là quá trình làm mới thương hiệu bằng cách thay đổi tên, logo, hình ảnh, thông điệp hoặc chiến lược tiếp thị của một doanh nghiệp. Mục tiêu của rebranding là tạo ra một bản sắc mới, khác biệt trong tâm trí khách hàng và các bên liên quan, giúp thương hiệu thích nghi với thị trường, xu hướng tiêu dùng mới.

Rebranding là gì

Rebranding như một “cuộc cách mạng” thương hiệu để phù hợp với yêu cầu thị trường

Khi nào doanh nghiệp cần thực hiện rebranding?

Rebranding là một quyết định chiến lược quan trọng và thường được thực hiện khi doanh nghiệp nhận thấy cần thiết phải làm mới hoặc điều chỉnh thương hiệu để phù hợp với các mục tiêu kinh doanh và xu hướng thị trường hiện tại. Dưới đây là những trường hợp cụ thể mà doanh nghiệp nên xem xét thực hiện rebranding:

1. Thương hiệu cũ không còn phù hợp với định hướng mới

Khi doanh nghiệp thay đổi tầm nhìn, sứ mệnh hoặc chiến lược kinh doanh, thương hiệu cũ có thể không còn phản ánh đúng giá trị, mục tiêu mới của công ty. Để duy trì tính nhất quán và tăng cường nhận diện, việc rebranding cần nhanh chóng diễn ra để điều chỉnh thương hiệu phù hợp hơn với định hướng mới.

2. Mở rộng hoặc thay đổi đối tượng khách hàng

Khi doanh nghiệp muốn hướng tới nhóm khách hàng mới hoặc mở rộng thị trường, rebranding có thể giúp thay đổi nhận diện thương hiệu phù hợp hơn với tệp người dùng mới này. Điển hình như chiến dịch tái định vị thương hiệu của Vinamilk giữa năm 2023 nhằm mang lại hình ảnh năng động, tươi mới hơn, hướng đến người tiêu dùng trẻ nhưng vẫn giữ vững giá trị cốt lõi

3. Thương hiệu bị lỗi thời

Một thương hiệu với hình ảnh, logo hoặc thông điệp đã lỗi thời khó thu hút, hấp dẫn khách hàng hiện đại. Chính vì vậy, việc rebranding sẽ làm mới các yếu tố này, giúp thương hiệu trở nên hiện đại và bắt mắt hơn.

4. Tăng cường khả năng cạnh tranh

Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, hoạt động rebranding có thể xem là một chiến lược để tạo ra sự khác biệt, thu hút sự chú ý của khách hàng. Điều này giúp doanh nghiệp giữ vững hoặc mở rộng thị phần, nâng cao giá trị thương hiệu và xây dựng lòng trung thành từ phía người dùng.

Khi nào doanh nghiệp cần rebranding

Các lợi thế của doanh nghiệp khi thực hiện rebranding thành công

Quy trình thực hiện Rebrading phổ biến hiện nay

Doanh nghiệp có thể tham khảo 7 bước rebranding chi tiết dưới đây có thể giúp thương hiệu hạn chế các sai lầm gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của chiến lược:

Nghiên cứu và phân tích

Trước khi bắt đầu rebranding, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu, phân tích thị trường để hiểu rõ hơn về đối thủ cạnh tranh, khách hàng mục tiêu và các xu hướng hiện tại. Thông qua các mô hình SWOT, BSC,... hay thu thập dữ liệu từ người dùng giúp thương hiệu có cơ sở để xây dựng chiến lược rebranding hiệu quả nhất.

Xác định mục tiêu rebranding

Sau khi hoàn thành nghiên cứu, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục tiêu của việc rebranding. Mục tiêu này có thể bao gồm tăng cường nhận diện thương hiệu, tiếp cận thị trường mới, thay đổi hình ảnh thương hiệu hay cải thiện mối quan hệ với khách hàng hiện tại. Xác định mục tiêu rõ ràng giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực và định hướng các hoạt động tiếp theo một cách chính xác.

Phát triển chiến lược rebranding

Phát triển chiến lược rebranding thường bao gồm việc định hình lại giá trị cốt lõi, thông điệp thương hiệu và phong cách truyền thông. Doanh nghiệp cần xác định rõ ràng thông điệp chính mà mình muốn truyền tải là gì, cách thức thực hiện ra sao. Chiến lược này cần phù hợp với mục tiêu rebranding đã xác định từ trước cũng như phản ánh đúng bản sắc của doanh nghiệp.

Thiết kế và triển khai

Sau khi xác định được chiến lược, doanh nghiệp tiếp tục bắt tay vào thiết kế các yếu tố thương hiệu mới như logo, màu sắc, kiểu chữ, các tài liệu marketing khác. Việc triển khai cần được thực hiện một cách đồng bộ và nhất quán trên tất cả các kênh truyền thông.

Truyền thông và quảng bá

Để thương hiệu mới được lan truyền rộng rãi, doanh nghiệp cần thực hiện các chiến dịch truyền thông, quảng bá hiệu quả như sử dụng các kênh truyền thông xã hội, quảng cáo trực tuyến, truyền thống, PR,... phù hợp với đối tượng khách hàng.

Quy trình thực hiện rebrading

Quy trình thực hiện rebrading chi tiết mà doanh nghiệp có thể tham khảo

Đo lường và đánh giá

Sau khi triển khai, việc đo lường và đánh giá hiệu quả của rebranding là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần theo dõi các chỉ số kinh doanh như doanh thu, số lượng khách hàng mới, mức độ nhận diện thương hiệu, phản hồi từ khách hàng,.. để đánh giá hiệu quả của chiến lược rebranding và điều chỉnh nếu cần thiết.

Duy trì và phát triển

Rebranding không phải là một sự kiện một lần mà là một quá trình liên tục nên doanh nghiệp cần duy trì và phát triển thương hiệu mới thông qua việc cải thiện sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm khách hàng. Điều này bao gồm việc lắng nghe phản hồi từ khách hàng, theo dõi các xu hướng thị trường cũng như điều chỉnh chiến lược marketing, đảm bảo thương hiệu luôn phù hợp và hấp dẫn với người tiêu dùng.

Những sai lầm doanh nghiệp cần tránh khi rebranding

Rebranding là một quá trình phức tạp, đầy thách thức, đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và chiến lược rõ ràng. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà doanh nghiệp cần tránh khi thực hiện rebranding:

Thiếu nghiên cứu và phân tích thị trường

Một trong những sai lầm lớn nhất mà doanh nghiệp có thể mắc phải là không tiến hành nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng trước khi bắt đầu rebranding. Việc không hiểu rõ thị trường, đối thủ cạnh tranh và khách hàng mục tiêu có thể dẫn đến việc đưa ra những quyết định sai lầm.

Không xác định mục tiêu rõ ràng

Mục tiêu không rõ ràng hoặc không cụ thể sẽ dẫn đến một chiến dịch rebranding mơ hồ, không hiệu quả. Doanh nghiệp cần xác định rõ lý do tại sao cần rebranding và những gì mình muốn đạt được từ quá trình này. Mục tiêu có thể bao gồm việc tăng cường nhận diện thương hiệu, thay đổi nhận diện để phù hợp với nhóm khách hàng mới hoặc khắc phục các vấn đề hiện tại của thương hiệu,…

Thay đổi quá nhiều hoặc quá ít

Cân nhắc mức độ thay đổi phù hợp là yếu tố quan trọng trong rebranding. Thay đổi quá nhiều có thể khiến khách hàng hiện tại không nhận ra hoặc mất lòng tin vào thương hiệu. Ngược lại, thay đổi quá ít sẽ không đủ để tạo ra sự khác biệt cần thiết. Doanh nghiệp cần tìm ra một điểm cân bằng, giữ lại những yếu tố cốt lõi của thương hiệu trong khi làm mới các yếu tố khác để thu hút khách hàng mới.

Sai lầm thường gặp khi rebranding

Top những sai lầm thường gặp khiến chiến dịch rebranding gặp khủng hoảng

Thiếu sự đồng bộ trong triển khai

Một sai lầm phổ biến khác là thiếu sự đồng bộ trong việc triển khai rebranding. Điều này có thể dẫn đến hình ảnh thương hiệu không nhất quán, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Mọi yếu tố từ logo, màu sắc, thông điệp đến các tài liệu tiếp thị và truyền thông cần phải được thống nhất và triển khai một cách nhất quán trên tất cả các kênh.

Không thực hiện các hoạt động truyền thông hiệu quả

Rebranding không chỉ dừng lại ở việc thay đổi hình ảnh hay logo, mà còn bao gồm cả việc thông báo và giải thích cho khách hàng về những thay đổi này. Thiếu sự truyền thông hiệu quả sẽ khiến người dùng không hiểu rõ lý do và ý nghĩa của việc rebranding, dẫn đến sự nhầm lẫn hoặc mất lòng tin. Doanh nghiệp cần có một chiến lược truyền thông rõ ràng và mạnh mẽ để thông báo và thuyết phục khách hàng về những thay đổi này.

Không theo dõi và đánh giá kết quả

Sau khi thực hiện rebranding, việc theo dõi và đánh giá hiệu quả của chiến dịch là vô cùng quan trọng. Nếu không, doanh nghiệp sẽ không biết được liệu rebranding có đạt được các mục tiêu đề ra hay không và liệu có cần điều chỉnh gì thêm. Doanh nghiệp nên sử dụng các chỉ số hiệu suất như mức độ nhận diện thương hiệu, doanh số bán hàng, phản hồi của khách hàng để đánh giá hiệu quả.

Một số Case study rebranding thành công của các ông lớn

Dưới đây là một số rebranding case study thành công của các thương hiệu lớn đã giúp doanh nghiệp đạt được những bước tiến vượt bậc trên thị trường:

Vinamilk

Vinamilk là một trong những thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam đã thực hiện chiến dịch rebranding vào năm 2023 nhằm hướng tới đối tượng người tiêu dùng trẻ tuổi. Với mục tiêu mang lại một hình ảnh trẻ trung, tươi mới nhưng vẫn giữ vững các giá trị cốt lõi, Vinamilk đã thay đổi logo và bộ nhận diện thương hiệu

Logo mới của Vinamilk đơn giản hơn với hai màu sắc xanh rực rỡ và kem sữa ngọt ngào cùng bảng màu phong phú giúp mang tới nguồn năng lượng tươi trẻ mà vẫn đề cao giá trị truyền thống. Sự thay đổi này giúp Vinamilk duy trì sự hấp dẫn trong mắt khách hàng hiện tại và thu hút thêm nhiều khách hàng mới

Chiến dịch rebranding của Vinamilk

Vinamilk đã tạo nên sự “bùng nổ” truyền thông vào năm 2023 nhờ chiến dịch rebranding thành công

Pepsi

Pepsi là một ví dụ nổi bật về sự thành công trong việc rebranding qua nhiều thập kỷ. Họ đã rebranding logo nhiều lần để phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khách hàng. Mục tiêu của Pepsi là làm mới hình ảnh để duy trì sự hiện đại, hấp dẫn với người tiêu dùng, đồng thời giữ vững tinh thần trẻ trung và năng động của thương hiệu. Cuộc thay đổi logo gần đây nhất vào tháng 03/2023, khi thương hiệu đã mang lại một bản thiết kế “phá cách” so với hình ảnh logo cũ trước đây. 

Chiến dịch rebranding của Pepsi

Bản thiết kế logo mới nhất của Pepsi gây ấn tượng cho người tiêu dùng bởi sự cá tính và mạnh mẽ hơn

Theo đó, chữ “PEPSI” được in hoa, bao quanh bởi vòng tròn ba màu: đỏ, xanh lam và trắng. Tập đoàn FMCG khổng lồ này mong muốn sự kết hợp giữa màu xanh lam và đen điện tử sẽ tạo ra sự tương phản, sống động, thể hiện vẻ hiện đại cho các màu sắc cổ điển của Pepsi. Ngoài ra, màu đen trong logo mới cũng đóng vai trò như "động lực tăng trưởng" cho dòng sản phẩm chủ lực Zero Sugar trong tương lai. Qua các lần rebranding, Pepsi không chỉ duy trì được vị thế cạnh tranh mà còn gia tăng sự yêu mến từ phía khách hàng.

7-Up

7-Up cũng là một thương hiệu đã thành công trong việc rebranding để duy trì tính tươi mới và phù hợp với xu hướng mới. Mục tiêu của họ là làm mới hình ảnh để thu hút thế hệ khách hàng trẻ hơn, duy trì sự hấp dẫn trong thị trường đồ uống cạnh tranh. Logo của 7-Up được làm đơn giản hóa, hiện đại hóa, tích hợp thêm các yếu tố thể hiện sự tươi mát, phù hợp với thông điệp về sự sảng khoái và tự nhiên của sản phẩm. Việc rebranding này giúp 7-Up tiếp tục đứng vững trong ngành công nghiệp đồ uống đầy cạnh tranh.

Rebranding thương hiệu 7-Up

7-up đã thực hiện cuộc “trùng tu” cho thương hiệu của mình với bộ nhận diện tươi mát, trẻ trung hơn

Starbucks

Starbucks là một ví dụ điển hình về rebranding khi họ quyết định loại bỏ tên công ty khỏi logo vào năm 2011. Mục tiêu của Starbucks là đơn giản hóa logo để dễ nhận diện hơn trên toàn cầu, mở rộng thị trường và tăng cường sự hiện diện quốc tế mà không bị giới hạn bởi ngôn ngữ. Họ đã loại bỏ chữ "Starbucks Coffee" khỏi logo, chỉ giữ lại hình ảnh nàng tiên cá màu xanh. Sự thay đổi này giúp logo của Starbucks trở nên tối giản, dễ nhận diện hơn, phản ánh sự hiện đại và toàn cầu hóa của thương hiệu.

Rebranding cho thương hiệu Starbucks

Logo mới của Starbucks được loại bỏ các yếu tố văn bản nên dễ gợi nhớ và nhận diện hơn

>>> Xem thêm: Corporate Branding là gì? Tầm ảnh hưởng của Corporate Branding với doanh nghiệp

Kết luận

Rebranding không phải là một quá trình dễ dàng nhưng khi được thực hiện đúng cách, nó có thể mang lại những kết quả đáng kinh ngạc giúp doanh nghiệp vừa cải thiện hình ảnh vừa mở rộng thị phần và gia tăng lợi nhuận. Do đó, việc đầu tư vào rebranding là thực sự cần thiết để doanh nghiệp duy trì sự cạnh tranh, phát triển bền vững trong tương lai.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.