cover

Cố “nhồi nhét” kỹ năng của Gemini AI, Chiến dịch quảng cáo Olympic của Google bị chỉ trích nặng nề

01 Thg 08

Tiếp nối chuỗi tai tiếng tại Olympic Paris 2024, Chiến dịch quảng cáo Thế vận hội của Google “Dear Sydney” đang nhận được hàng loạt chỉ trích từ người xem trên toàn thế giới. Từ một ý tưởng khá cảm động, Google đã mắc phải lỗi sai nghiêm trọng khi cố nhồi nhét “con cưng” Gemini một cách khá gượng ép và nhạy cảm vào trong quảng cáo.

“Dear Sydney”: Google biến một ý tưởng đầy cảm xúc thành một quảng cáo vô cảm

“Dear Sydney” là một chiến dịch quảng cáo mới được Google tung ra vào ngày 26/7 vừa qua nhằm cổ động cho đội tuyển USA tại đấu trường Olympic Paris 2024. Quảng cáo được lấy cảm hứng từ một chủ đề rất cảm động: Đó là những nỗ lực của một người cha trên hành trình giúp con gái của mình có thể vươn tới ước mơ.

Từ ý tưởng đó, video “Dear Sydney” đã được bắt đầu bằng câu chuyện một người cha kể về việc con gái ông luôn thích chạy bộ từ khi còn nhỏ. Ông từng nghĩ rằng con gái mình chỉ đang chạy theo bước chân của ông vì ông cũng là một vận động viên chạy bộ. Tuy nhiên, sau đó ông phát hiện ra rằng con gái mình thực sự đang mong muốn trở thành một vận động viên chạy vượt rào chuyên nghiệp và vận động viên tại Olympic Sydney McLaughlin-Levrone chính là hình mẫu mà cô bé đang hướng đến. Vì vậy, người cha bắt đầu hành trình giúp con gái rèn luyện để thực hiện ước mơ.

Nhưng điều đáng nói ở đây là người cha đã sử dụng Google Gemini để tìm cách phương pháp giúp cô bé luyện tập. Và ông lại tiếp tục dùng Gemini để viết một lá thư gửi tới thần tượng của con gái thay vì tự mình viết: “Hãy giúp con gái tôi viết một lá thư kể cho Sydney McLaughlin-Levrone nghe về việc cô bé truyền cảm hứng như thế nào và nhớ đề cập rằng con gái tôi dự định phá kỷ lục thế giới của mình… một ngày nào đó.”

Từ một câu chuyện mang đầy yếu tố cảm xúc, “Dear Sydney” bỗng chốc trở nên máy móc, vô cảm khi Google cố gắng nhồi nhét vào quảng cáo những tính năng của Gemini. Và ngay lập tức người xem đã để lại hàng loạt bình luận chỉ trích dưới video, buộc Google phải tạm khóa phần bình luận về quảng cáo này trên Youtube.

Những sai lầm ngớ ngẩn của Google khi quảng cáo về AI trong “Dear Sydney”

Việc quảng cáo “Dear Sydney” bị người xem lên án cũng là điều dễ thấy, bởi Google đã mắc phải những sai lầm rất cơ bản khi truyền tải các thông điệp về AI đến với người tiêu dùng.

#1. Tính xác thực, cảm xúc hoàn toàn biến mất

Từ những ý tưởng ban đầu có thể thấy rõ chiến dịch này vốn nhấn mạnh vào yếu tố cảm xúc, sử dụng câu chuyện tình cảm cha con để chạm tới trái tim của người xem. Nhưng đến cuối cùng những cảm xúc đó lại được viết nên bởi một công cụ công nghệ hoàn toàn vô cảm.

Trong khi đó, rõ ràng một lá thư được viết bởi chính tay người cha hoặc cô con gái, dù có thể không mượt mà, nhưng sẽ mang lại những cảm xúc chân thật hơn so với một lá thư được viết lên bởi ai với vài dòng mô tả từ người cha. Việc Google quá nhồi nhét những tính của Gemini vô tình đã khiến cho ý tưởng ban đầu của quảng cáo bị phá hủy nặng nề.

#2. Khả năng sáng tạo, học tập của con người bị loại bỏ

Mặc dù người tiêu dùng đã trở nên thân thiện hơn với ai trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên rõ ràng họ vẫn còn rất nhiều lo ngại về những ảnh hưởng tiêu cực của AI. Đặc biệt là nguy cơ AI sẽ thay thế con người trong các lĩnh vực như sáng tạo hay học tập. Mặt khác, khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào AI để sáng tạo hoặc học tập, không khó để thấy một tương lai nơi mà những tư duy, văn hóa phong phú của con người bị xói mòn.

Bởi vậy, từ trước đến nay các thương hiệu rất hạn chế trong việc sử dụng các nội dung được sáng tạo nên bởi AI. Trong khi đó, chiến dịch của Google lại mắc phải lỗi sai cơ bản này.

Ảnh hưởng tiêu cực của AI tới con người

Nguy cơ AI sẽ thay thế con người trong các lĩnh vực như sáng tạo hay học tập

Hành động sử dụng AI để thay con người viết một bức thư trong chiến dịch quảng cáo “Dear Sydney” đang khiến người dùng liên tưởng về việc AI sẽ dần thay thế con người trong việc viết nội dung. Thậm chí con người phải phụ thuộc vào AI để viết một bức thư thay vì tự tay viết bằng chính những cảm xúc, ngôn từ của mình.

#3. Có thể tạo nên một kỳ vọng sai lầm khi thần thánh hóa AI

Xét về yếu tố chính xác thì quảng cáo này cũng có rất nhiều điểm bất cập. Những công cụ AI như Gemini đúng là có thể đưa ra cho người dùng những thông tin như cách thức tập luyện bằng việc thu thập các dữ liệu sẵn có trên mạng internet.  Tuy nhiên trong tình huống sử dụng Gemini để viết thư của người cha lại là một câu chuyện khác. Bởi để viết lên một bức thư theo đúng với những yêu cầu của người cha thì công cụ AI phải có khả năng diễn đạt chính xác cảm xúc của một con người.

Không thể phủ nhận rằng AI có khả năng học hỏi khá tốt văn phong hay từ ngữ của một cá nhân để tạo nên một nội dung nào đó. Nhìn thoáng qua, những nội dung này cũng gần giống với những gì con người viết, nhưng thực tế nó lại thiếu đi một yếu tố quan trọng đó là chiều sâu cảm xúc đến từ một cá nhân. Bởi cảm xúc là một yếu tố thay đổi liên tục theo thời điểm, hoàn cảnh khác nhau - Đó là điều mà AI không thể nào học tập được. Vì vậy, hành động của Google vô tình có thể tạo nên cho người xem một kỳ vọng có phần viển vông về khả năng của AI.

Điểm bất cập khi cố thần thánh hóa AI

AI có khả năng học hỏi khá tốt văn phong hay từ ngữ của một cá nhân để tạo nên một nội dung

Trên thực tế, Google không phải là thương hiệu đầu tiên vướng phải những lỗi sai cơ bản trên. Việc quá lạm dụng khả năng của AI trong quá cáo đã khiến cho rất nhiều thương hiệu phải trả giá đắt khi hàng nghìn người tiêu dùng quay lưng.

Ví dụ như trường hợp của thương hiệu Toys "R" Us mới đây. OpenAI đã giúp Toys "R" Us Studios và Native Foreign biến một ý tưởng thành hiện thực chỉ trong vài tuần, cô đọng hàng trăm cảnh quay lặp đi lặp lại xuống còn vài chục cảnh. Bộ phim thương hiệu gần như được tạo ra hoàn toàn bằng công cụ Sora của Open AI. Kết quả , nhiều cư dân mạng đã bày tỏ "sự thất vọng" và "bực tức" với quảng cáo, gọi nó là một quảng cáo "vô hồn" và "thô tục" nhất.

Hay trước đó, thương hiệu đồ chơi nổi tiếng Lego cũng nhận được cơn bão chỉ trích đáng tiếc khi sử dụng AI để sáng tạo các hình ảnh quảng bá cho sản phẩm đồ chơi của mình. Trong khi đó, Lego vốn là một trò chơi đề cao tính sáng tạo của con người.

>>> Đọc thêm:  OpenAI trình làng công cụ SearchGPT - mối đe dọa trực diện với Google Search

Lời kết: 

Nhìn chung, “Dear Sydney” của Google đã đụng chạm tới những nỗi lo lớn nhất của người dùng trên toàn thế giới về AI đó là sự thay thế con người của công cụ này trong nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, quảng cáo này cũng khiến cho nhiều người xem có những hình dung không chính xác về khả năng của AI thực tế. 3 lỗi sai cơ bản kể trên của Google cũng là 3 lưu ý quan trọng cho các thương hiệu khi sử dụng AI trong quảng cáo. 

Khánh Huyền | Advertising | Marketing AI 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.