Mới đây, OpenAI đã công bố một công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi AI với quyền truy cập theo thời gian thực trên internet mang tên SearchGPT. Sự ra đời của công cụ này nhằm mục đích cung cấp cho người dùng “câu trả lời nhanh chóng và kịp thời với các nguồn rõ ràng và có liên quan.”
Khi truy cập, người dùng sẽ nhìn thấy hộp thoại lớn kèm câu hỏi: “Bạn đang tìm kiếm gì?”. Tuy nhiên, khác với Googles, SearchGPT không trả lại một danh sách các liên kết mà sắp xếp và tóm tắt nội dung. Bên cạnh đó, công cụ này còn có một tính năng là “câu trả lời trực quan”. Tuy nhiên, OpenAI chưa mô tả chính thức về tính năng này.
Theo chia sẻ từ phát ngôn viên của OpenAI, Kayla Wood với The Verge: SearchGPT hiện chỉ là một “nguyên mẫu” và chỉ có thể truy cập được cho 10.000 người dùng thử nghiệm khi ra mắt. Open AI đang tiếp tục làm việc với các đối tác bên thứ ba và sử dụng nguồn cấp dữ liệu nội dung trực tiếp để xây dựng kết quả tìm kiếm của mình. Mục tiêu cuối cùng là tích hợp các tính năng tìm kiếm trực tiếp vào ChatGPT.
Công nghệ lõi là điểm khác biệt lớn nhất giữa SearchGPT và Google Search. OpenAI dùng mô hình ngôn ngữ lớn GPT-4, trong khi Google cung cấp kết quả tìm kiếm dựa trên thuật toán xếp hạng trang web và công nghệ học máy. SearchGPT cung cấp giao diện dạng trò chuyện, tương tác, trong khi Google Search dùng giao diện truyền thống với danh sách đường link.
Sự ra đời của SearchGPT sẽ “khơi mào” cho một mối đe dọa trực diện với Google khi trước đó, hãng dịch vụ tìm kiếm lớn nhất thế giới đã ráo riết tích hợp tính năng AI vào công cụ search vì lo ngại người dùng sẽ chuyển qua các đối thủ cạnh tranh. AI Overview đã được Google cho ra mắt vào tháng 5 vừa qua, nhưng mới chỉ được dùng trong một nhóm nhỏ người sử dụng và vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ khi trả kết quả vô nghĩa hoặc không chính xác bằng tính năng AI.
Để tránh những rắc rối tương tự, OpenAI cho biết SearchGPT được phát triển thông qua sự hợp tác với nhiều đối tác tin tức khác nhau, bao gồm chủ sở hữu của WSJ, AP và The Verge.
Tính đến tháng 6 năm nay, dữ liệu của Statcounter thống kê Google Search đang thống trị thị trường tìm kiếm với hơn 91% thị phần toàn cầu. Theo sau là các công cụ của Yahoo, Baodu và DuckduckGo. Sự xuất hiện của OpenAI rất có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thị phần của Google trên thị trường tìm kiếm trong thời gian tới.
Nội bộ của OpenAI cũng đang gặp nhiều khó khăn khi về mặt tài chính khi có thể sớm cạn tiền vì huấn luyện AI. Dựa trên tài liệu tài chính nội bộ liên quan đến OpenAI, 7 tỷ USD là số tiền mà công ty này đang trên đà bỏ ra cho riêng việc đào tạo mô hình và 1,5 tỷ USD là khoản chi cho nhân sự. Con số này vượt xa đối thủ, chẳng hạn Anthropic do Amazon hậu thuẫn dự kiến chi 2,7 tỷ USD cho các hoạt động tương tự trong năm. Chi phí hoạt động cao vọt có thể khiến OpenAI lỗ 5 tỷ USD trong năm 2024.
Dù đang hoạt động miễn phí cho những người dùng đầu tiên và chưa có chạy quảng cáo nhưng OpenAI cũng cần phải sớm tìm ra cách kiếm tiền qua SearchGPT để bù đắp những thiếu hụt về doanh thu.
>>>Đọc thêm: Open AI ra mắt GPT-4o Mini, Apple & Nvidia bị nghi dùng video Youtube để đào tạo AI
Lời kết:
Như vậy với SearchGPT, OpenAI đã chính thức gia nhập cuộc chạy đua của các “ông lớn” công nghệ trên thị trường tìm kiếm Internet toàn cầu. Với những tính năng vượt trội vẫn đang được OpenAI tiếp tục phát triển, SearchGPT hứa hẹn với người dùng cơ hội “tìm kiếm theo cách tự nhiên và trực quan hơn”. Đây thực sự là một mối đe dọa lớn đối với công cụ tìm kiếm thống trị của Google và có thể mở ra một cuộc chiến không khoan nhượng giữa những đối thủ sừng sỏ bậc nhất trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo của thế giới.
Bình luận của bạn