Sơ lược về ma trận SWOT
Ma trận SWOT là công cụ hữu hiệu cho mọi doanh nghiệp khi bắt đầu lên kế hoạch một chương trình Marketing hay chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Công cụ này giúp người lập kế hoạch nắm được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp giúp tận dụng tối đa những lợi thế và tránh được rủi ro cho doanh nghiệp.
SWOT là viết tắt tiếng Anh của 4 từ: Strengths (điểm mạnh), Weaknesses (điểm yếu), Opportunities (cơ hội) và Threats (nguy cơ). Mô hình SWOT là công cụ giúp mang lại cái nhìn tổng quan để phân tích được sử dụng trong việc lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng chiến lược, đánh giá đối thủ cạnh tranh, tiếp thị, phát triển sản phẩm và dịch vụ… Mô hình SWOT thường được sử dụng ở bước đầu khi lên kế hoạch Marketing cho doanh nghiệp.
Phân tích mô hình SWOT của Vinamilk
Cùng phân tích mô hình SWOT của Vinamilk để giúp các bạn hiểu thêm hãng đã áp dụng SWOT vào trong định hướng chiến lược kinh doanh: cơ hội, thách thức, thuận lợi và khó khăn của Vinamilk như thế nào.
Điểm mạnh của Vinamilk
Thương hiệu mạnh
- Thương hiệu sữa Vinamilk với hơn 40 năm xây dựng và phát triển lớn mạnh, ngày càng khẳng định vị trí là thương hiệu sữa tươi số 1 Việt Nam, với các sản phẩm sữa tươi không chỉ được người dùng trong nước tin tưởng mà còn xuất khẩu sang những thị trường nước ngoài khó tính nhất.
- Là doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam với thị phần 37%, trong đó chiếm 45% thị phần trong thị trường sữa nước, 85% thị phần về sữa đặc và sữa chua. Bởi vậy nên Vinamilk có khả năng định giá bán trên thị trường trong nước.
- Vinamilk được người tiêu dùng bình chọn “Top 10 Hàng Việt Nam chất lượng cao” từ năm 1995 – 2009.
Chất lượng sản phẩm
- Đa dạng các sản phẩm, có nhiều sản phẩm sữa hàng đầu Việt Nam: sữa đặc ông Thọ, Ngôi sao, Dielac, Yogurt Vinamilk.....
- Sản phẩm chất lượng cao nhưng giá thấp hơn sản phẩm nhập ngoại cùng loại và sở hữu thị phần lớn nhất Việt Nam trong số các nhà cung cấp sản phẩm cùng loại.
- Sản phẩm đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng. Với giá thành phù hợp với người tiêu dùng của từng phân khúc. Đặc biệt dòng sản phẩm sữa đặc “Ông Thọ và Ngôi sao” là sản phẩm giá rẻ, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của đa số người dân Việt Nam hiện nay
Mạng lưới phân phối phủ rộng
- Mạng lưới phân phối sản phẩm sữa Vinamilk trải dài khắp cả nước và còn xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, kết hợp nhiều kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
- Vinamilk hiện đã phủ rộng mạng lưới phân phối khắp 64 tỉnh thành, hơn 250 nhà phân phối và hơn 135.000 điểm bán hàng trên toàn quốc. Với mạng lưới rộng lớn này giúp Vinamilk chiếm lĩnh được số lượng lớn khách hàng và đảm bảo việc đưa ra các sản phẩm mới và các chiến lược tiếp thị hiệu quả trên cả nước.
- Hệ thống phân phối đa kênh: Có mặt tại tất cả các kệ hàng trong siêu thị, cửa hàng. Thậm chí người dùng cũng có thể dễ dàng đặt mua trực tuyến trên website hoặc các trang thương mại điện tử.
- Năm 2019, Vinamilk đã nâng sở hữu tại GTNFoods lên 75%, gián tiếp sở hữu 51% tại Sữa Mộc Châu. Việc làm này không chỉ mở rộng hệ sinh thái thị trường sữa của Vinamilk mà còn được đánh giá là bước đi chiến lược cho sự phát triển của hãng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp sữa lớn nhất thị trường đang có xu hướng chững lại.
Đầu tư trang thiết bị và công nghệ hiện đại, chất lượng cao
Tất cả các nhà may sản xuất sữa của Vinamilk đều được đầu tư công nghệ hiện đại và tân tiến, nhập khẩu từ các nước châu Âu như Đức, Ý, Thụy Sĩ để ứng dụng vào dây chuyền sản xuất. Vinamilk là công ty duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống máy móc sử dụng công nghệ sấy phun do Niro của Đan Mạch, đảm bảo sản phẩm sữa chất lượng đến với người tiêu dùng.
Nguồn sữa tự nhiên chất lượng, trang trại đạt chuẩn quốc tế
- Công ty đầu tư xây dựng những trang trại bò sữa Organic theo tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ người dân nuôi bò sữa nhằm chủ động về nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, công ty còn có dự án nuôi bò sữa ở New Zealand (quốc gia xuất khẩu sữa nguyên liệu nhiều nhất vào thị trường Việt Nam).
- Các nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk được đặt tại các vị trí chiến lược gần nông trại, cho phép Vinamilk ngoài việc duy trì và đẩy mạnh quan hệ với nhà cung cấp còn đảm bảo thu mua được sữa tươi với chất lượng tốt.
- Vinamilk tiêu thụ hơn 1/2 sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước, đây cũng là doanh nghiệp có khả năng điều hướng giá thành sữa trên thị trường Việt Nam.
Chiến lược Marketing bài bản, chuyên nghiệp
Với một tập đoàn lớn, có bề dày thành tích như Vinamilk thì các chương trình quảng cáo, PR, chiến lược marketing của Vinamilk đều rất bài bản và chuyên nghiệp, mang tính nhân văn cao, chạm đến trái tim người dùng, điển hình như các chương trình Sữa học đường, Quỹ sữa Vươn cao Việt Nam, chiến dịch "Quỹ một triệu cây xanh Việt Nam”...
Bên cạnh đó, Vinamilk có một bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm lớn mạnh. Vinamilk rất coi trọng việc nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thị hiếu người dùng, cũng như các hoạt động bán hàng của các nhà phân phối, lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng trên nhiều phương diện, tận dụng tốt phương tiện truyền thông mạng xã hội để làm thương hiệu và cũng nhờ đó, Vinamilk cung cấp các sản phẩm sữa tốt và phù hợp nhất cho người tiêu dùng.
Nguồn tài chính, kinh tế vững mạnh
Trong khi nhiều doanh nghiệp đang khó khăn vì lãi suất vay thì Vinamilk có cơ cấu vốn khá an toàn, khả năng tự chủ tài chính tốt. Thêm nữa, việc gián tiếp thâu tóm sữa Mộc Châu cũng góp phần nâng cao và mở rộng vốn tài chính của hãng.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk công bố BCTC hợp nhất quý 3/2019 với cả chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng với lãi ròng 9 tháng đầu năm gần 8,380 tỷ đồng, thực hiện được 80% kế hoạch năm. Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong Q2 - 2019, sữa và các sản phẩm từ sữa tiếp tục là ngành hàng dẫn đầu thị trường FMCG với mức tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó mảng xuất khẩu cũng tăng trưởng nhờ mở rộng ASEAN. Vào tháng 9/2019, Vinamilk cũng đã chính thức xuất khẩu vào thị trường tiềm năng là Trung Quốc và nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Điểm yếu của Vinamilk
Chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu
Do nhu cầu sữa tươi của người dùng ngày càng tăng cao, nguồn nguyên liệu của trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu sản xuất, còn 70% là nhập khẩu từ New Zealand, Mỹ, Eu và Nhật Bản. Chính bởi vậy, chi phí đầu vào tăng và giá thành sản phẩm cũng tăng lên. Tuy nhiên, Vinamilk cũng đang đẩy mạnh phát triển các vùng nguyên liệu để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của người dân trong nước.
Thị phần sữa bột chưa cao
Với nhu cầu ngày một khắt khe hơn từ người dùng cùng với sự cạnh tranh đến từ các thương hiệu sữa ngoại, nhập khẩu từ Anh, Mỹ, Hà Lan .... khiến sữa Vinamilk không còn nắm vị trí độc quyền thị trường sữa. Theo một báo cáo cho thấy, tại thị trường Việt Nam sữa nhập khẩu chiếm 65%, Vinamilk chiếm 16% và Dutch Lady chiếm 20%.
Cơ hội của Vinamilk
Nguồn nguyên liệu cung cấp đang được hỗ trợ từ chính phủ, nguyên liệu nhập khẩu có thuế suất giảm
Hiện Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm bớt gánh nặng cho các doanh nghiệp sữa Việt Nam nhằm thúc đẩy thị trường sữa trong nước phát triển. Tăng cường việc cạnh tranh giá với hàng ngoại nhập. Thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa tại Việt Nam đang thấp hơn theo cam kết với WTO. Đây là một cơ hội tốt giúp các doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Vì hiện tại nguồn nguyên liệu bột sữa nhập khẩu chiếm 75% lượng sữa thô tại Việt Nam.
Lượng khách hàng tiềm năng cao và có nhu cầu lớn
Nhu cầu sử dụng các sản phẩm sữa của người Việt Nam là rất lớn. Trung bình mỗi năm, mức tiêu thụ sữa của 1 người là 14 lít/năm. Đây được xem là cơ hội và tiềm năng lớn để Vinamilk vươn xa trong ngành sữa. Thêm vào đó, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng nên nhu cầu sữa là rất lớn,.Vinamilk hiện là thương hiệu sữa tươi số 1 Việt Nam nên sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng và mở rộng thị phần.
Đối thủ cạnh tranh đang dần suy yếu và tư duy sử dụng sữa của người Việt đang dần thay đổi
Thị trường sữa Việt Nam chứng kiến sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, có nhiều thương hiệu sữa Việt sản xuất sữa tươi ra thị trường, tạo sự đa dạng và cạnh tranh sản phẩm. Nhưng cũng chính vì thế mà đã xảy ra nhiều sự việc về an toàn thực phẩm, sản phẩm kém chất lượng gây mất uy tín với người tiêu dùng khiến họ quay về sử dụng những thương hiệu sữa nhập ngoại xách tay hay thương hiệu sữa tươi tên tuổi trong nước như Vinamilk.
Những cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" góp phần thúc đẩy sự cạnh tranh của các thương hiệu trong nước, trong đó có Vinamilk. Đây là cơ hội tốt để Vinamilk tăng tốc bứt phá, khẳng định thương hiệu số 1 về sữa tươi tại Việt Nam.
Thách thức của Vinamilk
Sự tham gia thị trường của nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh
Thách thức đầu tiên phải kể đến đó là sự cạnh tranh ngày một gay gắt với những thương hiệu sữa trong nước và thế giới. Người tiêu dùng Việt ngày càng có nhiều sự lựa chọn về các sản phẩm sữa khi những thương hiệu lớn như: Nestle, Dutch Lady, Abbott,… "đổ bộ" vào Việt Nam.
Việt Nam có nhiều chính sách "mở cửa", cắt giảm thuế với nhiều mặt hàng, trong đó có cả sản phẩm sữa. Giảm thuế sữa bột từ 20% xuống 18%, sữa đặc từ 30% xuống 25%. Đây là cơ hội lớn để các doanh nghiệp nước ngoài xâm nhập vào thị trường Việt, mở ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.
Nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định
Mặc dù đầu tư nhiều trang trại nuôi bò sữa theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng nguồn nguyên liệu chính của hãng vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể, người nông dân chăn nuôi bò sữa không còn mặn mà với công việc hiện tại do lợi nhuận thu về không cao, bị người thu mua bò sữa thô ép giá khiến nguồn nguyên liệu sữa trong nước giảm đáng kể. Điều này buộc Vinamilk phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp thu mua nguyên liệu sữa trung gian khác.
Khách hàng: thị trường xuất khẩu có nhiều rủi ro, tâm lý thích dùng sữa ngoại của khách hàng
90% Lợi nhuận từ xuất khẩu của Vinamilk đến từ việc xuất khẩu sang thị trường Iraq. Tuy nhiên, đây lại là một trong những khu vực bất ổn định nhất trên thế giới vì vậy lợi nhuận xuất khẩu của hãng sang thị trường này không nhiều như mong đợi.
Mặt khác, sản phẩm kinh doanh chủ yếu của Vinamilk là sữa tươi: thực phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng nên chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm luôn là điều người dùng quan tâm nhất. Tâm lý "sính ngoại" của người tiêu dùng Việt, thích dùng hàng nước ngoài xách tay hơn hàng nội địa cũng là một trong những thách thức của Vinamilk nói riêng cũng như toàn ngành sữa trong nước nói chung.
>>> Đọc thêm: Mô hình Canvas của Vinamilk
Kết luận
Trên đây là những phân tích về mô hình SWOT của Vinamilk, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu hơn về những khó khăn, cơ hội và thách thức của hãng trong việc xây dựng và phát triển thị phần sữa tại Việt Nam. Mặc dù thị trường sữa Việt có sự cạnh tranh ngày một gay gắt từ các thương hiệu sữa trong và ngoài nước khác, thế nhưng với những gì mà Vinamilk đã làm được thì quả là đáng nể. Cho đến thời điểm hiện tại, Vinamilk vẫn được coi là thương hiệu số 1 về sữa tươi Việt Nam với độ phủ rộng khắp toàn quốc cùng nhiều sản phẩm sữa chất lượng và đã được xuất khẩu, bày bán trên những kệ hàng nước ngoài.
Phương Thảo - MarketingAI
Bình luận của bạn