cover

Ma trận SWOT của Coca Cola - Phân tích mô hình SWOT của Coca Cola 2024

26 Thg 05

Trong bài viết này, hãy cùng MarketingAI khám phá và phân tích ma trận SWOT của Coca Cola - thương hiệu số 1 ngành công nghiệp nước giải khát. Liệu yếu tố gì đặc biệt giúp Coca Cola luôn giữ vững vị thế của mình trên thị trường so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành?

Ma trận SWOT của Coca Cola có điểm đặc biệt gì khiến nhãn hiệu này chưa từng mất đi ưu thế trong ngành công nghiệp nước giải khát?

Coca-Cola ra đời năm 1886, có trụ sở nằm ở Atlanta, Mỹ. Tính đến năm 2022, Coca Cola có đến hơn 79.000 nhân viên làm việc cho 21 dòng sản phẩm chủ chốt của công ty. Các sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến là Coca Cola, Diet Coke, Coke Zero, Dasani, Sprite,...

Vì sao Coca Cola có thể duy trì thành công dù đã có 136 năm tuổi đời? Hãy thử phân tích ma trận SWOT của “ông lớn” trong ngành nước giải khát để tìm ra lý do giúp nhãn hàng này luôn ở vị thế dẫn đầu!

Tổng quan về Coca Cola

Coca Cola từ lâu đã nổi danh toàn cầu và không còn xa lạ gì với người tiêu dùng. Từ nhà, nơi làm việc, cửa hàng, khách sạn, các quán bar hay nhà hàng, nơi nào cũng có thể nhìn thấy một sản phẩm của Coca Cola.

Tổng quan về Coca Cola

Có thống kê đã chỉ ra rằng, hơn 10.000 sản phẩm nước giải khát của Coca Cola được tiêu thụ mỗi giây!

Con số ấn tượng này đủ để miêu tả vị trí của Coca-Cola trên thương trường quốc tế. Kể cả khi thị trường cạnh tranh khốc liệt không kém với các tên tuổi như Pepsi, Nestle, Redbull, Unilever,...

Phân tích ma trận SWOT của Coca Cola

Mô hình SWOT bao gồm 4 yếu tố cơ bản về S - Strengths (Điểm mạnh); W - Weaknesses (Điểm yếu), O - Opportunities (Cơ hội) và T -Threats (Thách thức).

Mô hình swot của Coca Cola dưới đây sẽ giúp bạn xác định rõ mục tiêu chiến lược kinh doanh và hướng đi của Coca Cola. Từ đó, nhận định yếu tố quan trọng góp phần tạo nên chiến lược sản xuất kinh doanh của thương hiệu này.

Điểm mạnh của Coca-Cola việt nam

Thương hiệu nổi tiếng

Điểm mạnh lớn nhất của Coca Cola phải kể đến tính nhận diện thương hiệu được phủ sóng rộng rãi trên toàn thế giới. Theo Business Insider, có đến 94% dân số thế giới nhận diện được logo đặc trưng màu trắng và đỏ của Coca Cola.

Nhiều người biết đến Coca Cola như một hãng nước giải khát có số lượng tiêu thụ lớn nhất trong lịch sử của thị trường giải khát thế giới. 

Thế mạnh hiển nhiên về branding của Coca Cola giúp danh tiếng của hãng luôn đứng đầu tại các quốc gia có thị phần.

Thế mạnh hiển nhiên về branding của Coca Cola giúp danh tiếng của hãng luôn đứng đầu tại các quốc gia có thị phần.

Bên cạnh đó, thương hiệu Coca Cola cũng có giá trị rất lớn nhờ độ nổi tiếng không suy giảm qua hơn một thế kỷ hoạt động. Theo báo cáo thường niên của Interbrand, năm 2021, Coca Cola đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng các thương hiệu tốt nhất toàn cầu. Định giá của thương hiệu đạt đến 57 tỷ đô la Mỹ. Xếp trên đó là các tên tuổi như Apple, Amazon, Microsoft, Google và Samsung.

Lợi thế cạnh tranh của Coca Cola

Lợi thế cạnh tranh của Coca Cola nằm ở phạm vi tiếp cận sản phẩm. Có mặt tại hơn 200 quốc gia và chiếm đến 1,9 tỷ khẩu phần mỗi ngày của sản phẩm công ty, Coca Cola đã đưa hơn 500 sản phẩm đến với người tiêu dùng toàn cầu.

Sự đa dạng về sản phẩm của Coca Cola được đánh giá là có thể phục vụ mọi đối tượng có phong cách sống, sở thích và đặc điểm khác nhau. Nhờ đó mà sản phẩm “toàn dân” này dễ dàng chinh phục kể cả là người tiêu dùng khó tính nhất.

Sự chiếm lĩnh lấn át của Coca Cola tại các quầy bầy bán sản phẩm nước ngọt.

Sự chiếm lĩnh lấn át của Coca Cola tại các quầy bầy bán sản phẩm nước ngọt.

Một nghiên cứu đặc biệt về Coca Cola cũng chỉ ra lợi thế cạnh tranh của thương hiệu này. Đó là Coca Cola được xem là nhãn hiệu có tính kết nối cảm xúc nhất tại Mỹ. Người dùng liên kết cảm giác “hạnh phúc” mỗi khi nhắc đến Coca Cola và có lòng trung thành cao với thương hiệu.

Bên cạnh đó, tuổi đời 136 năm của Coca Cola cũng trở thành lợi thế cạnh tranh của nhãn hàng. Nhiều người tiêu dùng thừa nhận khó có thể tìm ra sản phẩm thay thế Coca Cola vì yêu thích và đã quá quen với hương vị của nhãn hiệu này.

Thị phần chiếm lĩnh ngành đồ uống toàn cầu

Hai điểm mạnh kể trên đủ để lý giải cho điểm mạnh thứ ba trong mô hình SWOT của Coca Cola, đó là có thị phần chiếm lĩnh ngành đồ uống toàn cầu. Ngoài sản phẩm Coca Cola và Pepsi, hai tên tuổi đứng đầu thống lĩnh thị trường nước giải khát thì công ty Coca Cola còn có thị phần khổng lồ đối với các sản phẩm như Coke, Sprite, Diet Coke, Fanta,...

Vị thế đáng gờm này không chỉ được duy trì tại một số quốc gia mà tại tất cả các quốc gia mà Coca Cola có mặt.

Mạng lưới phân phối rộng khắp

Với mật độ xuất hiện dày đặc trên toàn thế giới, song hành với đó, Coca Cola cũng sở hữu mạng lưới phân phối rộng khắp và hiệu quả nhất ngành công nghiệp nước giải khát.

Theo thống kê, công ty này đã bắt tay với 225 đối tác đóng chai và xấp xỉ 900 nhà máy đóng chai toàn cầu. Chỉ với số lượng này cũng có thể lý giải vì sao Coca Cola lại có mặt gần như mọi “hang cùng ngõ hẻm”.

Khả năng thâm nhập thị trường rộng rãi

Ngành công nghiệp nước giải khát vốn được xem là một thị trường khổng lồ. Với một nhãn hiệu có tiềm lực cho Coca Cola, không khó để thâm nhập vào các thị trường cả trong và ngoài nước.

Chưa kể đến chính sách mua lại của Coca Cola cũng giúp công ty dễ dàng mở rộng thị trường. Nhãn hiệu này có một danh sách dài các thương vụ mua lại và mang về lợi nhuận lớn bao gồm chuỗi cà phê Costa, Fuze Tea,...

Điểm yếu của Coca Cola

Cạnh tranh với Pepsi

Câu chuyện muôn thuở về cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi có lẽ chưa bao giờ đi đến hồi kết. Bởi lẽ Coca Cola và Pepsi có quá nhiều điểm tương đồng nên tính cạnh tranh giữa hai thương hiệu lại càng không thể giảm bớt.

Không ai có thể phủ nhận Pepsi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Coca Cola. Nếu không có một đối thủ là Pepsi, có lẽ Coca Cola sẽ đạt đến vị thế chi phối toàn bộ thị trường nước giải khát.

Pepsi được xem là

Pepsi được xem là "đối thủ truyền kiếp" của Coca Cola.

Dù tổng quan mà nói thì Pepsi chưa thể sánh bằng Coca Cola nhưng chính sự ngáng đường này sẽ trở thành điểm yếu đầu tiên với cho nhãn hiệu đã hoạt động qua 3 thế kỷ.

Đa dạng hóa sản phẩm

Có thể bạn sẽ thấy thắc mắc khi đa dạng hóa danh mục sản phẩm vừa nằm ở điểm mạnh lại lập tức “chen chân” vào danh sách các điểm yếu của Coca Cola. Bởi việc đa dạng hoá sản phẩm hoàn toàn là con dao hai lưỡi, vừa mang lại ưu thế vừa mang lại khó khăn cho Coca Cola.

Cụ thể, Coca Cola hiện đang chỉ dừng lại ở việc đa dạng hoá sản phẩm ở mảng nước giải khát. Với rất nhiều hạng mục nước giải khát, Coca Cola nắm vị thế đứng đầu khó đánh bại trong “sân chơi” này. Thế nhưng, mức độ đa dạng hoá này vẫn ở mức thấp. Nguyên do nằm ở việc Pepsi đã “lấn sân” đến thị phần đồ ăn nhẹ khi phát triển Lays hay Kurkure còn Coca Cola vẫn loay hoay chưa thể đưa ra định vị rõ ràng cho mình.

Phụ thuộc vào thị trường đồ uống giải khát

Từ mức độ đa dạng sản phẩm thấp, điểm yếu tiếp theo trong ma trận SWOT của Coca Cola là quá phụ thuộc vào thị trường đồ uống giải khát. Việc chuyên chú vào duy nhất một thị trường giúp sản phẩm giải khát của Coca Cola luôn được chú tâm đầu tư và đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng. Tuy nhiên điều này cũng khiến Coca Cola tụt lại ở các dòng sản phẩm khác mà thương hiệu có tham vọng đầu tư.

Phụ thuộc vào thị trường đồ uống giải khát

Khi quá phụ thuộc vào một loại mặt hàng, Coca Cola có thể làm vua trong ngành hàng đó, nhưng hoàn toàn không có được ưu thế tương tự trong phân khúc sản phẩm khác.

Dù có đầu tư vào thị trường đồ ăn nhẹ nhưng hầu như không ai biết các tên tuổi như Plazma, Wellness, Bambi Biscuits,... cũng được Coca Cola danh tiếng sản xuất.

Rủi ro về tỷ giá ngoại tệ

Rủi ro về tỷ giá ngoại tệ là một trong những điểm yếu mà hầu hết các công ty đa quốc gia, có thị phần lớn trên toàn cầu sẽ phải đối mặt.

Tương tự, trong mô hình SWOT của Coca Cola tại Việt Nam hoàn toàn phải chịu loại rủi ro này nếu như bị những biến động bất lợi về tỷ giá ngoại tệ tác động. Những biến động này sẽ khiến doanh thu lẫn lợi nhuận của doanh nghiệp bị giảm thấp.

Với Coca Cola, kịch bản có thể diễn ra do rủi ro về tỷ giá ngoại tệ là mua nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh trả bằng ngoại tệ hoặc bán sản phẩm rồi thu tiền bằng ngoại tệ. Đây đều là hai kịch bản khả dĩ vì với quy mô trải dài hơn 200 quốc gia, việc trả tiền cho người bán hàng và thu về một đồng tiền khác với đồng tiền tại quốc gia trụ sở sẽ khiến độ nhạy cảm tỷ giá tăng cao. Lúc này, tiền vốn bỏ ra để sản xuất hoặc giá thành của sản phẩm bị biến thiên theo hướng không có lợi sẽ trở thành điểm yếu cho nhãn hiệu.

Các vấn đề liên quan đến sức khỏe

Nước ngọt nói chung thường khiến người tiêu dùng có các nỗi lo đến sức khoẻ. Coca Cola không phải ngoại lệ khi phần lớn các sản phẩm của hãng đều có lượng đường cao. Khi dung nạp quá nhiều đường vào cơ thể, người tiêu dùng có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng như béo phì và tiểu đường.

Nhiều chuyên gia y tế đã cấm sử dụng các loại nước ngọt và điều ngày khiến Coca Cola bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy vậy, nhãn hiệu vẫn chưa đưa ra được các giải pháp thay thế hợp lý nào.

Phần lớn sản phẩm của Coca Cola là nước ngọt pha sẵn đều có lượng đường cao có thể gây hại cho sức khoẻ.

Phần lớn sản phẩm của Coca Cola là nước ngọt pha sẵn đều có lượng đường cao có thể gây hại cho sức khoẻ.

Bên cạnh các tác nhân trực tiếp, Coca Cola cũng có điểm yếu về các tác nhân gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Như trong báo cáo của TearFund năm 2020, Coca Cola là một trong bốn thương hiệu đang góp phần vào sự nóng lên toàn cầu và lượng khí thải carbon do sản xuất nhiều chai nhựa. Dù thương hiệu đang cố gắng kêu gọi người dùng tái sử dụng các chai nhựa này nhưng hiệu quả thực tế vẫn chưa đạt được mức cải thiện như mong muốn.

>>> Đọc thêmMô hình 5 áp lực cạnh tranh của Coca Cola có gì đặc biệt?

Cơ hội của Coca Cola

Nếu nhận xét khách quan thì điểm yếu thực chất là cơ hội chưa được khai phá. Vậy trong ma trận SWOT của Coca Cola, những cơ hội hội nào mà nhãn hiệu có thể khai thác được từ các điểm yếu trên. Đâu là cơ hội mà Coca Cola đang trên đà triển khai và đâu là những cơ hội tiềm năng nhất?

Đa dạng hóa sản phẩm

Đa dạng hoá sản phẩm xuất hiện ở cả mục điểm yếu, điểm mạnh và cơ hội của Coca Cola. Có thể nhìn từ góc nào để thấy vẫn có cơ hội cho Coca Cola phát triển ở tiêu chí này?

Việc làm “bá chủ” tại một ngạch hàng và bị “lép vế” ở một ngạch hàng khác dù có chủ đích đầu tư thực ra có thể là cơ hội cho Coca Cola. Lấy ví dụ về ngạch hàng đồ ăn nhẹ như đã phân tích ở trên. Thực chất chưa có một nhãn hiệu nào thống lĩnh được thị trường đồ ăn nhẹ như cách Coca Cola thống lĩnh thị trường nước giải khát. Các thương hiệu còn phân chia thị phần lẻ tẻ và ít thế mạnh vượt trội.

Dựa trên tiềm năng kinh tế và kinh nghiệm “chinh chiến” tại rất nhiều quốc gia, Coca Cola có vô số điểm mạnh. Điểm mạnh từ việc hiểu thị trường bản địa, dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp đến tiềm lực tài chính vững chãi là thế mạnh không thể phủ nhận của Coca Cola.

Khai thác thị trường ở các quốc gia đang phát triển

Đặc điểm của rất nhiều các quốc gia đang phát triển là khí hậu khá nóng. Do đó, nhu cầu tiêu thụ nước giải khát tại các quốc gia này cao ngất ngưởng. Với vị thế của Coca Cola, không khó để khai thác các thị trường vô cùng tiềm năng này..

The manh cua Coca Cola

Đặc điểm về khí hậu của các nước đang phát triển có thể giúp Coca Cola nhanh chóng chiếm được thị trường tại đây.

Có thể kể đến các ví dụ đi trước đã thành công rực rỡ như tại Trung Đông và châu Phi, Coca Cola đã khai thác vô cùng thành công và vẫn tiếp tục đứng đầu tại đây.

Mang hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến

Hệ thống kinh doanh của Coca Cola hoàn toàn phụ thuộc vào việc trung chuyển và chuỗi cung ứng. Hơn nữa, chi phí cho vận tải và nguyên liệu luôn có xu hướng tăng. Khó khăn này mở ra cơ hội cho Coca Cola khi muốn ứng dụng một hệ thống tiên tiến hơn để quá trình phân phối được cải thiện.

Đổi mới liên tục

Sự phát triển và chuyển đổi nhanh chóng của xã hội dẫn đến thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi theo. Vì vậy một trong những cách để giữ chân khách hàng là cần phải đổi mới liên tục.

Sự đổi mới có thể nằm ở bao bì sản phẩm hoặc các chiến dịch marketing, truyền thông độc đáo trong chiến lược marketing của Coca Cola. Các chiến dịch này sẽ góp phần thổi một làn gió mới vào sản phẩm tưởng chừng đã cũ.

Coca Cola Tiktok ma tran SWOT cua Coca Cola

Hợp tác giữa TikTok và Coca Cola.

Ví dụ có thể kể đến vào cuối năm 2021, Coca Cola tại Mỹ đã kết hợp cùng TikTok để cho ra mắt thử thách đầu tiên của nhãn hàng. Đây được xem là động thái đổi mới tuyệt vời giúp nâng cao nhận diện thương hiệu của công ty.

Tập trung vào đồ uống có lợi cho sức khỏe

Điểm yếu của Coca Cola là còn phụ thuộc vào sản xuất đồ uống nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Nhưng cơ hội cho Coca Cola cũng nằm ở việc phát triển dòng đồ uống có lợi cho sức khỏe.

Tương tự như Pepsi, ma trận của Coca Cola nên tập trung vào hoạt động đưa ra sản phẩm trong phân khúc đồ uống mới mẻ này. Nếu đầu tư kịp thời thì việc gia nhập ngạch sản phẩm tốt cho sức khoẻ có thể mang lại cho Coca Cola nhiều lợi ích như cải thiện hình ảnh thương hiệu và tăng doanh thu từ dòng sản phẩm mới.

Theo báo cáo thường niên của Coca Cola, hãng đã giảm đường trong đồ uống và đầu tư 28% sản lượng bán ra cho đồ uống ít calo hoặc không chứa calo. Thị trường tiềm năng này sẽ còn mang lại nhiều lợi thế cho Coca Cola hơn nếu đầu tư đường dài, khi mà người tiêu dùng đang dần hướng đến lối sống lành mạnh hơn.

Thách thức của Coca Cola

Mối đe dọa cạnh tranh rất cao

Thách thức lớn nhất của trong ma trận SWOT của Coca Cola có lẽ nằm ở những đối thủ cạnh tranh trực tiếp và gián tiếp. Mặc dù những đối thủ cạnh tranh trực tiếp có thể thấy rõ như Pepsi thường tạo tác động lớn hơn cả. Thì cũng không thể phủ nhận rằng có vô số những công ty nhỏ hơn đang tạo ra một cuộc chiến gián tiếp trong thầm lặng với Coca Cola.

Starbuck, Tropicana, nước hoa quả của Lipton hay Nescafe đều có chỗ đứng vững chãi, tên tuổi phổ biến ở một mức độ nhất định và một thị phần đáng kể trên thị trường. Điều này hoàn toàn có thể trở thành thách thức và tác động đến vị thế trên thị trường của Coca Cola.

Nhiều sản phẩm đã lỗi thời

Nếu đổi mới liên tục là cơ hội thì mặt ngược lại cũng có thể là thách thức, khó khăn của Coca Cola. Có đến 136 năm tuổi đời và được biết đến với sản phẩm chủ đạo là nước ngọt Coca Cola, không thể tránh khỏi việc khách hàng cảm thấy các sản phẩm của hãng đã lỗi thời.

Phu thuoc vao thi truong nuoc giai khat

Thách thức này đòi hỏi Coca Cola không chỉ là sự ứng biến và đổi mới, mà còn buộc nhãn hàng phải phát triển thêm nhiều sản phẩm hợp thời đại và mới mẻ hơn.

Nhu cầu về các sản phẩm thân thiện với sức khỏe

Khi xã hội hiện đại càng phát triển thì người tiêu dùng sẽ càng có ý thức cao về việc sử dụng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Điều này tạo ra trào lưu tránh xa các thành phẩm gây hại ví dụ như đường có trong nước giải khát.

Ý thức chung của xã hội sẽ có tác động tiêu cực đến doanh thu cũng như lợi nhuận của Coca Cola khi người tiêu dùng chuyển sang dòng nước giải khát có lợi cho sức khỏe hoặc bỏ hẳn thói quen sử dụng nước giải khát pha sẵn. Đây có thể là thách thức chí mạng với một nhãn hàng phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm nước giải khát pha sẵn như Coca Cola.

Tạm kết

Từ những phân tích về ma trận SWOT của Coca Cola trên, có thể kết luận rằng Coca Cola có lợi thế vô tận trong nghành công nghiệp nước giải khát. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không tồn tại điểm yếu hay thách thức nào.

Kể cả khi bạn đã lèo lái doanh nghiệp của mình suốt 136 năm thì vẫn có những lời khuyên có thể áp dụng để doanh nghiệp tiếp tục phát triển hơn nữa. Ví dụ như việc nên đầu tư quyết liệt hơn vào thị trường đồ ăn nhẹ hay phân khúc thực phẩm nói chung. Hoặc tập trung gi ải quyết các vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Hay đi theo xu hướng mà hầu như mọi doanh nghiệp đều theo đuổi hiện nay, đó là hoạt động dựa trên tính bền vững và marketing xanh để cải thiện hình ảnh của thương hiệu trên thị trường.

Tú Cẩm - Marketing AI

Nguồn: Tổng hợp

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.