cover

Mô hình Canvas của Vinamilk: Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp sữa

26 Thg 06

Với sự tập trung vào khách hàng, cơ cấu chi phí hiệu quả và các hoạt động chính mang tính sáng tạo, mô hình Canvas đã giúp Vinamilk tạo ra sự cạnh tranh và tăng trưởng bền vững trong ngành công nghiệp sữa đầy biến động. Vậy mô hình Canvas của Vinamilk là gì? Tại sao các ông lớn trong ngành lại nên ứng dụng mô hình này vào trong kinh doanh?

Mô hình kinh doanh Canvas là gì?

Mô hình kinh doanh Canvas thường được biết đến với tên gọi BMC (viết tắt của cụm từ tiếng anh Business Model Canvas), được phát triển bởi chuyên gia quản trị Alexander Osterwalder, người Thuỵ Điển. Đây là một trong những công cụ trực quan hoá được nhiều nhà quản lý chiến lược tin dùng.

Thông qua 9 trụ cột chính như: khách hàng tiềm năng, kênh phân phối, dòng doanh thu, tiềm lực tài chính… doanh nghiệp sẽ có cái nhìn toàn diện về hoạt động kinh doanh của mình. Qua đó, BMC sẽ hỗ trợ doanh nghiệp phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng để có thể đề xuất các chiến lược nhằm gia tăng lợi nhuận.

Tại sao các doanh nghiệp lớn nên ứng dụng mô hình Canvas vào trong kinh doanh?

Sở hữu nhiều ưu điểm, mô hình Canvas là ứng cử viên sáng giá hỗ trợ các nhà quản lý đưa ra chiến lược kinh doanh và truyền thông hiệu quả. Cụ thể:

Đi vào trọng tâm: Mô hình canvas của Vinamilk đã loại bỏ được hơn 40 trang nội dung trong bản kế hoạch kinh doanh truyền thống để thay vào đó là một bản kế hoạch ngắn gọn, tổng quan nhưng lại mang lại hiệu quả cao.

Tổ chức thông tin theo hệ thống: Bằng cách phân chia thành các khối thông tin quan trọng, mô hình Canvas giúp người dùng có cái nhìn toàn cảnh về các yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp có thể bỏ qua.

Mô hình kinh doanh Canvas là gì

Tập trung vào khách hàng: Đặt khách hàng vào trung tâm bằng việc tập trung vào các phần như giá trị đề xuất, mối quan hệ khách hàng và các kênh tiếp thị. Điều này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong đợi của khách hàng và tạo ra các giải pháp phù hợp.

Tính linh hoạt và dễ sử dụng: Là một công cụ linh hoạt và dễ sử dụng, mô hình Canvas cho phép người dùng dễ dàng điều chỉnh và thay đổi các yếu tố trong mô hình kinh doanh khi môi trường kinh doanh có sự biến động.

Khuyến khích sáng tạo và đổi mới: Mô hình Canvas khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới của thương hiệu bằng cách thúc đẩy việc đặt câu hỏi, tạo ra ý tưởng mới và tìm kiếm các cách tiếp cận khác nhau. 

Phân tích mô hình Canvas của Vinamilk

Phân tích mô hình Canvas của Vinamilk

Khách hàng tiềm năng

Vinamilk hiện đang hướng tới nhóm khách hàng tiềm năng là các đại lý phân phối cấp cao, bao gồm chuỗi hệ thống các siêu thị có quầy trưng bày dành riêng cho sản phẩm sữa của thương hiệu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng quan tâm chú trọng đến nhóm khách hàng cá nhân có thói quen và sở thích sử dụng sản phẩm, hay còn được gọi là khách hàng trung thành.

Giá trị đề xuất

Giá trị đề xuất là yếu tố giúp doanh nghiệp giữ chân người tiêu dùng, là lí do khiến người dùng lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp bạn thay vì đối thủ cạnh tranh. Vinamilk muốn mang lại nguồn sữa sạch, dinh dưỡng và chất lượng cao đến với toàn bộ người dùng Việt Nam. 

Điều này hoàn toàn trùng khớp với sứ mệnh và tầm nhìn mà hãng đang theo đuổi, đó là “Cam kết mang đến cho cộng đồng nguồn dinh dưỡng và chất lượng cao cấp hàng đầu bằng chính sự trân trọng, tình yêu và trách nhiệm cao của mình với cuộc sống con người và xã hội”“Trở thành biểu tượng niềm tin hàng đầu Việt Nam về sản phẩm dinh dưỡng và sức khỏe phục vụ cuộc sống con người”.

Giá trị đề xuất là yếu tố quan trọng trong mô hình canvas của vinamilk

Để đạt được những giá trị này, công ty đã đầu tư xây dựng nhiều trang trại bò sữa Organic theo tiêu chuẩn quốc tế và hỗ trợ người dân nuôi bò sữa nhằm nắm thế chủ động về nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, Vinamilk cũng phát triển dự án nuôi bò sữa ở New Zealand - đây là quốc giá xuất khẩu sữa nhiều nhất vào thị trường Việt Nam. Ngoài ra, các nhà máy sản xuất sữa của thương hiệu cũng được đặt ở gần nông trại. Chiến lược này sẽ giúp Vinamilk luôn duy trì được nguồn sữa chất lượng tốt, đồng thời, đẩy mạnh mối quan hệ với nhà cung cấp.

>>> Xem thêm: Vinamilk và chiến dịch ý nghĩa 40 năm Vươn Cao Việt Nam

Kênh phân phối

Vinamilk có hệ thống kênh phân phối rộng khắp nội địa, lên tới 24 tỉnh thành với 240.000 điểm bán lẻ và 575 cửa hàng phân phối trực tiếp. Hiện, thương hiệu đã có mặt ở hơn 1.500 siêu thị lớn nhỏ và gần 600 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Bắt kịp xu hướng thương mại điện tử của thị trường, thương hiệu đầu tư phát triển mạnh trên kênh www.giacmosuaviet.com với nhiều chương trình khuyến mãi ưu đãi hấp dẫn.

Bên cạnh đó, mỗi năm, hệ thống tủ đông, xe lạnh, tủ mát cũng được đưa vào các hệ thống nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nhóm sản phẩm sữa chua, váng sữa.

Các sản phẩm của Vinamilk được trưng bày tại siêu thị Singapore

Hiện nay, kênh phân phối chính của Vinamilk bao gồm:

  • Kênh siêu thị: Các siêu thị lớn như BigC, Metro… và các siêu thị nhỏ như Citimart, Fivimart…
  • Kênh truyền thống: VMS (các nhà phân phối) có sự ràng buộc về trách nhiệm quyền lợi và nghĩa vụ trong hợp đồng.
  • Kênh key account: Các đơn vị như nhà hàng, khách hàng, cơ quan, trường học thường đặt sản phẩm thông qua các đại điện của chi nhánh với số lượng đơn hàng lớn.
  • Kênh xuất khẩu: Vinamilk luôn tìm kiếm và xuất khẩu ra các nước khác trong khu vực, nhằm mở rộng thị trường.

Yếu tố quan hệ với khách hàng

Tại yếu tố này, bạn cần tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi: Làm thế nào để doanh nghiệp giữ chân được nhóm khách hàng cũ, đồng thời thu hút được nhóm người dùng mới?

Đối với thương hiệu, khách hàng chính là mục tiêu hàng đầu mà Vinamilk hướng đến. Vì vậy, hãng đã tập trung đầu tư, nghiên cứu và phát triển hệ thống quản trị khách hàng nhằm mục đích quản lý thông tin và duy trì quan hệ với khách hàng, nội bộ công ty, đối tác và các bên liên quan. Đặc biệt, hệ thống còn giúp thương hiệu bắt trend xu hướng thị trường, hành vi mua sắm của khách hàng và gửi đến các chính sách ưu đãi đến các bên đúng thời điểm.

Dòng doanh thu

Vinamilk hiện đang cung cấp hơn 200 dòng sản phẩm sữa cùng nhiều mặt hàng được chế biến từ sữa khác (bơ, sữa chua, sữa đặc…) cho người dùng. Tuy nhiên, dòng sản phẩm sữa tươi đóng hộp vẫn là danh mục mang lại nguồn doanh thu lớn nhất cho thương hiệu. Đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Nghiên cứu, cải tiến và mở rộng thêm các dòng sản phẩm mới khiến cho sản phẩm của Vinamilk trở nên đa dạng, giúp hãng tối đa hoá lợi nhuận trên nhiều phân khúc thị trường khác nhau.

Doanh thu của Vinamilk đến từ hoạt động xuất khẩu và các dịch vụ liên quan

Ngoài ra, doanh thu của Vinamilk còn đến từ hoạt động xuất khẩu và các dịch vụ liên quan khác như dịch vụ tư vấn dinh dưỡng, các chương trình đào tạo và các hoạt động kết nối cộng đồng.

Nguồn lực tài chính

Trong khi nhiều doanh nghiệp phải vật lộn trên thị trường vì khó khăn về lãi suất vay thì Vinamilk lại trở nên bình thản hơn bao giờ hết. Vinamilk được đánh giá là thương hiệu có cơ cấu vốn an toàn và khả năng tự chủ về tài chính tốt. Bên cạnh đó, việc gián tiếp thâu tóm thương hiệu sữa Mộc Châu cũng góp phần giúp thương hiệu nâng cao và mở rộng vốn tài chính trên thị trường.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV và cả năm 2022 Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk công bố mới đây, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trên 15 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận ròng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng trong 3 tháng cuối năm.

Các hoạt động chính của doanh nghiệp

Nghiên cứu và phát triển: Vinamilk đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để đổi mới sản phẩm, nâng cao công nghệ sản xuất và phát triển các giải pháp dinh dưỡng mới. Điều này giúp Vinamilk duy trì sự cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường đa dạng.

Sản xuất: Vinamilk sở hữu các nhà máy sản xuất hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa. Hoạt động sản xuất bao gồm quản lý quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Marketing và quảng cáo: Vinamilk đầu tư vào hoạt động tiếp thị và quảng cáo để tạo sự nhận diện thương hiệu và tiếp cận khách hàng mục tiêu. Điều này bao gồm việc xây dựng chiến dịch quảng cáo, tham gia các sự kiện, quảng bá sản phẩm và tạo mối quan hệ khách hàng.

Nhắc đến các chiến dịch truyền thông của Vinamilk thì không thể nào không nhắc đến những TVC về những chú bò sữa vui nhộn, đầy sáng tạo của hãng. 

Bên cạnh chiến lược quảng cáo phủ sóng đa kênh qua TV, báo đài, fanpage …, Vinamilk còn triển khai các chương trình khuyến mãi lớn dành cho khách hàng (tặng kèm đồ chơi cho trẻ em, tăng thể tích sữa mà giá không đổi…), chương trình dùng thử sản phẩm tại trường học, siêu thị và triển khai các hoạt động xã hội, từ thiện (quỹ khuyến học, tài trợ…).

Quản lý chuỗi cung ứng: Vinamilk quản lý chuỗi cung ứng của mình từ việc tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu đến vận chuyển và lưu trữ sản phẩm thành phẩm. Hoạt động này đảm bảo sự ổn định và đáng tin cậy trong nguồn cung và đồng thời giảm thiểu rủi ro và chi phí không cần thiết.

Quản lý khách hàng: Vinamilk tạo và duy trì mối quan hệ với khách hàng thông qua hoạt động chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp. Điều này bao gồm việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng, giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại và tạo điều kiện để khách hàng tương tác với doanh nghiệp.

Quản lý tài chính: Vinamilk thực hiện quản lý tài chính để đảm bảo sự ổn định và bền vững của doanh nghiệp. Hoạt động này bao gồm quản lý nguồn vốn, quản lý nguồn lực tài chính, dự báo và phân tích tài chính.

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa Việt Nam

Mối quan hệ với đối tác

Vinamilk thiết lập các mối quan hệ với đối tác nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và mở rộng mạng lưới kinh doanh của mình. Các đối tác chính của Vinamilk bao gồm:

  • Nhà cung cấp nguyên liệu: Thiết lập quan hệ đối tác với các nhà cung cấp nguyên liệu sữa đáng tin cậy nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao cho sản phẩm của mình.
  • Đối tác sản xuất: Hợp tác với các đối tác sản xuất nhằm tăng khả năng sản xuất và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Điều này giúp Vinamilk tối ưu hóa quy trình sản xuất và nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường.
  • Đối tác phân phối: Hợp tác với các đối tác phân phối, bao gồm các nhà bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đại lý phân phối, để mở rộng mạng lưới phân phối và đảm bảo tiếp cận đến khách hàng trên toàn quốc.
Vinamilk thiết lập các mối quan hệ với đối tác nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh
  • Đối tác marketing và quảng cáo: Hợp tác với các đối tác chuyên về marketing và quảng cáo để tăng cường sự nhận diện thương hiệu và tiếp cận khách hàng mục tiêu thông qua các chiến dịch quảng cáo sáng tạo và hiệu quả.
  • Đối tác nghiên cứu và phát triển: Thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức nghiên cứu và phát triển để duy trì sự đổi mới và phát triển sản phẩm. Điều này giúp Vinamilk duy trì sự cạnh tranh và tiên phong trong việc cung cấp các sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa một cách đột phá.

Cơ cấu chi phí

Cấu trúc chi phí là tất cả các chi phí cần thiết nhằm giúp thương hiệu duy trì và điều hành hoạt động kinh doanh. Là một doanh nghiệp lớn, Vinamilk cần phải chi rất nhiều khoản đầu tư cho các hoạt động kinh doanh, truyền thông cũng như hoa hồng cho các nhà phân phối trong kênh. Cơ cấu chi phí của Vinamilk hiện bao gồm các khoản chi phí sau:

  • Chi phí nguyên vật liệu và sản xuất: Bao gồm chi phí mua nguyên liệu, thành phẩm và thành phần cần thiết để sản xuất sản phẩm sữa và sản phẩm từ sữa. Đây là một phần quan trọng để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao cho sản phẩm.
  • Chi phí nhân công: Bao gồm các khoản tiền lương, trợ cấp và các lợi ích khác cho nhân viên làm việc trong các bộ phận quản lý, sản xuất, tiếp thị và bán hàng của Vinamilk.
  • Chi phí tiếp thị và quảng cáo: Bao gồm các chi phí quảng cáo, chi phí tiếp thị và chi phí khuyến mãi để xây dựng thương hiệu, tăng cường nhận diện và tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Cơ cấu chi phí của Vinamilk bao gồm rất nhiều loại chi phí
  • Chi phí phân phối: Bao gồm chi phí vận chuyển, lưu trữ và quản lý kho hàng, chi phí đối tác phân phối và các hoạt động liên quan đến việc đưa sản phẩm đến tay khách hàng.
  • Chi phí nghiên cứu và phát triển: Bao gồm các chi phí liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển để đổi mới sản phẩm, cải tiến công nghệ và duy trì sự cạnh tranh.
  • Chi phí hỗ trợ và quản lý: Bao gồm các chi phí liên quan đến hoạt động quản lý chung, hỗ trợ văn phòng, chi phí pháp lý và tài chính, chi phí hành chính và các hoạt động khác để duy trì hoạt động kinh doanh.
  • Thuế TNDN chiếm 5% cơ cấu chi phí 

Tạm kết

Nhờ vào mô hình canvas của Vinamilk đã khẳng định vị thế của mình trong ngành công nghiệp sữa và sản phẩm từ sữa. Canvas đã giúp Vinamilk duy trì sự nhất quán, tăng cường khả năng thích ứng và đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thanh Thanh - MarketingAI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.