Trong ngành hàng F&B, việc marketing quán cafe đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau để có thể dẫn đến thành công. Vậy các thương hiệu lớn trong ngành đã làm như thế nào để gây dựng được danh tiếng như ngày hôm nay.
Hãy cùng Marketing Ai tìm hiểu xem chúng ta có thể học được gì từ họ và đâu là bài học cốt lõi mà các Marketer cho các thương hiệu cà phê có thể "chiêm nghiệm" nhé!
Chiến lược Marketing quán Cafe hiệu quả
Cốt lõi thương hiệu
- Không gian quán
Chưa cần đề cập đến các yếu tố khác, thiết kế và không gian quán chắc chắn là phần đầu tiên mà mỗi khách hàng chú ý đến một quán cafe. Đối với một số bạn trẻ yêu thích chụp ảnh, “sống ảo” trên mạng xã hội thì đôi khi concept trình bày của quán như thế nào chính là yếu tố quan trọng khi lựa chọn.
Hiện nay có vô vàn phong cách thiết kế nội, ngoại thất khác nhau dành cho các quán cà phê. Điều này có thể được quyết định dựa theo sở thích của chủ quán, mục đích của quán, xu hướng chung hoặc địa điểm đặt quán.
- Đồ uống
Dù phần “nước sơn” có đẹp đẽ và thu hút ra sao nhưng chắc chắn là một nơi bán đồ ăn, đồ uống thì “tốt gỗ” hay chất lượng của sản phẩm chính là thứ có thể níu giữ khách hàng lâu dài.
Mọi người có thể bị lôi cuốn và ghé qua quán cà phê của bạn một lần vì quán có không gian cực kỳ “trendy” nhưng hương vị của cà phê hay sự ngon lành của món bánh ngọt mới chính là điều khiến họ phải quay lại nhiều lần sau nữa.
Không chỉ bán cà phê, bạn có thể đa dạng menu của quán bằng những loại thức uống thường được nhiều người yêu thích khác như sinh tố hay nước trái cây. Hoặc bạn có thể biến tấu một món đồ uống truyền thống như cafe thành nhiều kiểu, vị khác nhau. Thông thường một quán cafe thường có 30-40 món trong menu đồ uống cùng các loại bánh, trái cây theo ngày để khách hàng có thể đa dạng lựa chọn.
Thêm vào đó, bạn cũng nên chăm chút đến từng chi tiết nhỏ nhất của quán, ví dụ như lọ hoa, cách trang trí đồ uống hay chất liệu của ly, tách, muỗng, cốc ở quán. Điều này sẽ chứng tỏ sự tinh tế của quán bạn và sẽ khiến những người có gu cực kỳ ấn tượng đó.
- Dịch vụ
Đồ ăn, thức uống ngon và ấn tượng là hai điều kiện cần để tạo nên một quán cafe hút khách, tuy nhiên vẫn cần một điều kiện đủ nữa, đó chính là cách phục vụ của quán. Trong bối cảnh các ý tưởng quán cafe bùng nổ như hiện nay, có rất nhiều concept độc lạ thì việc đào tạo được một đội ngũ nhân viên chuẩn chỉ sẽ là điểm nhấn đáng chú ý của quán bạn.
Nhân viên thân thiện, gần gũi là một điểm cộng rất lớn trong ngành dịch vụ F&BĐồ uống có thể chưa tới mức xuất sắc, không gian quán có thể hơi nhỏ hẹp hoặc địa điểm hơi xa xôi, khó tìm nhưng nếu khách hàng của bạn được chào đón bởi các nhân viên nhiệt tình thì họ sẵn sàng bỏ qua những điểm nhỏ nhỏ mà quán bạn chưa đạt.
Và “dịch vụ” thì không chỉ gói gọn trong cách hành xử của nhân viên mà đó còn là rất nhiều thứ liên quan như: âm nhạc, chỗ gửi xe, chỗ cất đồ, tiện ích giao hàng hay thanh toán…
Gây ấn tượng trước ngày khai trương
Trước khi bắt đầu mở cửa đón khách, đây là giai đoạn mà chủ quán cần đẩy mạnh các kế hoạch truyền thông quảng bá để hình ảnh của quán mình đến được đông đảo mọi người. Có một số phương thức truyền thông dù không mới nhưng vẫn luôn hiệu quả như:
- Chia sẻ hình ảnh quán, giới thiệu menu đồ uống trên các kênh như Facebook, Instagram
- Quay video không gian quán và đăng tải lên TikTok
- Đưa ra một số chương trình khuyến mãi, thu hút khách hàng như giảm giá, tặng voucher…
Đi sâu vào thị trường
Sau giai đoạn hào hứng và tò mò của khách hàng khi khai trương, sẽ đến giai đoạn hoạt động của cửa hàng sẽ đi vào ổn định. Lúc này, bạn cũng không nên lơ là việc truyền thông, marketing.
Một số phương thức có thể tham khảo:
- KOL, KOC và Influencers
Bên cạnh những KOL và Influencers đã quá quen thuộc trong các chiến dịch Marketing thì trong năm 2021 và năm 2022 này, KOC đã nổi lên như một nhân tố không thể thiếu khi muốn review một quán nào đó.
Chi phí để mời các KOC cũng thường thấp hơn, lượng follow cũng có thể thấp hơn người nổi tiếng nhưng độ tin cậy thường cao hơn hẳn. Do đó, 2022 rồi, đừng bỏ lỡ các KOC này nhé!
- Kết hợp với các App thanh toán, giao hàng
Việc người dùng, đặc biệt đối tượng mà nhiều quán cafe tập trung là sinh viên, giới trẻ và dân văn phòng quen thuộc với các app giao hàng là điều không thể phủ nhận.
Ngoài ra, sự đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt sau đại dịch cũng như sự nở rộ của nhiều app tài chính đã khiến nhiều bạn trẻ hiện nay quen với việ chỉ quét mã QR khi đi ăn uống, tiệc tùng. Do đó, hãy tích hợp nhanh những app thanh toán, chuyển khoản tại cửa hàng của bạn để tạo cho khách hàng sự thoải mái nhất.
Các phương thức khác
- Băng rôn, poster quảng cáo: cách thức này có thể được sử dụng trong các dịp đặc biệt như khai trương, ngày lễ tết có triển khai chương trình khuyến mại…
- Phát tờ rơi là một hình thức không mới nhưng trong Marketing nhưng ở một khía cạnh nào đó nó vẫn đạt được hiệu quả nhất định. Đây cũng là một phương thức hay ho mà bạn có thể tham khảo.
- Chương trình tích điểm, thẻ thành viên: đây là một trong những cách để có thể lôi kéo và giữ chân khách hàng một cách hiệu quả, tạo sự gắn kết giữa cửa hàng và khách hàng. Khi có được thông tin của khách hàng thông qua những chương trình tích điểm, thẻ thành viên, bạn có thể dễ dàng sử dụng tin nhắn, email marketing để truyền thông về các chương trình khuyến mại đến khách hàng.
Tạo liên kết với khách quen
Chi phí để giữ chân khách hàng cũ luôn tối ưu hơn chi phí để thu hút những khách hàng mới, đó hãy chú ý những phương thức chăm sóc khách hàng để có thể tạo được sự gắn bó với khách cũ, khuyến khích họ quay lại quán nhiều lần, ví dụ như:
- Mở các dịch vụ miễn phí phụ thêm như: in hình sticker, xem bài tarot…
- Mở các workshop pha chế, làm bánh, đan, thêu
- Sử dụng phiếu tích điểm, thẻ thành viên
Chi phí Marketing cho quán Cafe
Để có thể cân nhắc được chi phí marketing phù hợp cho một quán cafe, bạn cũng cần biết khi mở một quán cafe thì cần những chi phí sau: mặt bằng, giấy tờ đăng ký kinh doanh, thiết kế, mua sắm nội thất, nguyên liệu và dụng cụ pha chế, tiền công nhân viên,...
Chi phí Marketing có thể coi là một phần trong phần chi phí của việc xây dựng và vận hành chung, tuy nhiên để đạt được hiệu quả trong marketing thì số tiền cũng như công sức phải bỏ ra sẽ không về nhỏ. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, quán cafe cũng có nhiều đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.
Để bạn có thể hiểu hơn về các chi phí trong việc Marketing quán cafe, sau đây chúng tôi xin liệt kê các khoản cần chi như sau:
In ấn, thiết kế, tờ rơi, biển quảng cáo | 3-5 triệu |
Chạy quảng cáo trên nhiều nền tảng | 10-15 triệu tùy vào độ phủ sóng |
Hợp tác với các KOL, KOC ngành F&B | 3-15 triệu/cá nhân tùy độ nhận diện |
Chụp ảnh, quay video để làm hình ảnh | 10-30 triệu tùy báo giá từng bên |
Liên kết cùng các app giao hàng, thanh toán điện tử | Tùy thuộc vào từng đối tác |
Đây chỉ là một bảng chi phí tham khảo, Marketing là một lĩnh vực rộng và có nhiều công cụ, cách thức triển khai khác nhau và chủ đầu tư hoàn toàn có thể giảm bớt các khoản chi phí thừa không cần thiết tùy thuộc vào tình hình của quán mình.
Một số cách Marketing quán Cafe hiệu quả của các thương hiệu lớn
Chiến lược Marketing của Cộng Cà phê
Điều ấn tượng với quán cafe này không chỉ là vẻ bề ngoài được trang trí khác lạ so với những đối thủ khác mà người ta còn ấn tượng đến cái tên khá gần gũi, ngắn gọn, dễ nhớ “Cộng Cafe” cùng món thức uống trứ danh: Cafe nước cốt dừa, thơm ngon béo ngậy
Vậy làm cách nào mà Cộng cafe có thể thành công đến như vậy khi sở hữu chuỗi cửa hàng từ Hà Nội đến Sài Gòn và có mặt ở cả Yeonnam-dong Hàn Quốc và chinh phục người dân bản địa nơi đây?
Mang đến cảm xúc mới lạ cho khách hàng bằng vẻ ngoài đầy cá tính và lịch sử, quán cafe này đã thành công trong việc khơi gợi tính tò mò của thực khách. Không gian bài trí cũng như từng chi tiết nhỏ nhất trong menu, cốc, tách đều mang hơi thở của Hà Nội thời bao cấp. Concept này vào thời điểm Cộng ra mắt đã thật sự gây ấn tượng, gây được hiệu ứng Marketing tự nhiên xôn xao trong giới trẻ.
Về phần dịch vụ, nhân viên với đồng phục khác biệt với màu xanh bộ đội khiến cho khách hàng vừa hoài niệm về một thời bao cấp, vừa như tìm được chuyến tàu thời gian về tuổi thơ.
Nếu có thể học được điều gì về Marketing từ Cộng Cà Phê thì đó chắc chắn là một thiết kế độc đáo, concept ấn tượng mới lạ cũng như chú trọng trong khâu dịch vụ, không chỉ là bán cà phê, bán đồ uống mà chính là bán trải nghiệm cho khách hàng.
>>>Xem thêm:Chiến lược Marketing của Cộng cà phê “thâm nhập” vào thị trường Hàn Quốc
Chiến lược Marketing của Phúc Long Coffee & Tea
Đối với Phúc Long, từ một thương hiệu gia đình, thương hiệu này đã được mua lại bởi Masan, cũng như kết hợp với hệ thống các cửa hàng Winmart để mở rộng quy mô, chuỗi cửa hàng rộng lớn trên toàn quốc.
Điều khác biệt ở Phúc Long chính là việc đầu tư vào đồ uống, với vị trà đậm, chát khác hẳn với những thương hiệu trà phổ đại trà hiện này trên thị trường.
Khi Phúc Long khai trương những cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội, hàng nghìn người đã đứng xếp hàng để mong mua được những cốc Phúc Long đầu tiên. Đây chính là một hiệu ứng Marketing tuyệt vời mà không phải thương hiệu F&B nào cũng có được một cách tự nhiên.
>>> Xem thêm: Phân tích chiến lược marketing của Phúc Long Coffee: từ Lâm Đồng tới ông trùm Big3 ngành coffee
Chiến lược Marketing của Highlands Coffee
Tại Highlands, các món đồ uống có mức giá đồ uống dao động từ 40.000 đồng – 70.000 đồng. Mới đây khi vật giá tăng cao do những biến động của kinh tế và chính trị thế giới, Highlands cũng chính là một trong những thương hiệu đồ uống, cafe đầu tiên áp dụng mức tăng giá các sản phẩm của mình.
Việc quyết định mức giá đồ uống của Highlands được dựa trên những phân tích, xác định đối tượng khách hàng. Bởi có thể dễ nhận thấy khách hàng mục tiêu mà Highlands hướng đến phục vụ là nhân viên văn phòng, doanh nhân. Họ là những người yêu thích không gian đơn giản, hiện đại và đồ uống đậm vị cafe giúp mang lại sự tỉnh táo trong công việc.
Highlands thành công nhờ việc xác định đúng phân khúc của mình và xác định được đúng đối tượng mà họ hướng đến, do đó mà họ mới có thể tự tin tăng giá các sản phẩm trong thời điểm này một cách quyết đoán đến vậy.
>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Highlands Coffee: Ăn nên làm ra nhờ “Kiềng Ba Chân”
Chiến lược Marketing của Starbucks
Starbucks là một trong những thương hiệu đồ uống thành công nhờ sự kết hợp của rất nhiều yếu tố như:
- Những sản phẩm merchandise nổi bật và tạo được sức hút, có nhiều phiên bản giới hạn để tạo độ khan hiếm
- Cách phục vụ chuyên nghiệp, nhân viên bài bản
- Hệ thống cửa hàng rộng khắp trên toàn thế giới
Starbucks giờ đây không chỉ là một quán cà phê, một thương hiệu đồ uống mà đã trở thành một biểu tượng của văn hóa Tây phương, du nhập đến nhiều quốc gia khác nhau và trở thành một huyền thoại không dễ đánh gục. Có lẽ thành công này của Starbucks cũng chính là mục tiêu mà bất kỳ quán cafe nào cũng từng khao khát.
>>>Xem thêm: Chiến lược marketing của Starbucks: Cách gã khổng lồ cà phê “chinh phục” khách hàng
Kết luận
Trên đây là tất tần tật những gì mà các Marketer cần biết về việc marketing cho một quán cà phê, để làm sao áp dụng cho đúng, trúng và hiệu quả.
Hy vọng với những gì mà MarketingAI vừa gợi ý, bạn sẽ thiết lập được những cách thức Marketing hiệu quả cho quán cà phê của riêng mình nhé!
Trang Trịnh - MarketingAI
Bình luận của bạn