cover

Giải mã Casestudy “Phương thử việc” dưới góc nhìn của giới marketing

19 Thg 02

Mặc dù chỉ mới thành lập kênh từ tháng 10/2024, nhưng TikToker “Phương thử việc” đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới trên TikTok với hơn 312K lượt theo dõi với 8,7 Triệu lượt thích. Sức nóng của Phương thử việc không chỉ mang lại lượng view lớn cho kênh này mà còn kéo follow cho rất nhiều kênh TikTok vệ tinh khác và đặc biệt là tăng độ nhận diện rất nhanh chóng cho thương hiệu MD - Một công ty về du học Hàn Quốc. Vì vậy, case study của “Phương thử việc” đã được giới truyền thông phân tích và mổ xẻ rất nhiều trong những ngày qua với không ít đánh giá trái chiều. Cùng nhìn lại những điểm đáng học hỏi và cần lưu ý từ chiến lược xây kênh khéo léo của cô nàng Gen Z này nhé!

Phương thử việc” - Ngôi sao mới của Tik Tok gây sốt với các nội dung “Anti” sếp

"Phương thử việc" là kênh TikTok được xây dựng bởi Đỗ Thu Phương - Một Gen Z sinh năm 2003 đến từ Hà Nội. Ngay từ những ngày đầu tiên được thành lập, "Phương thử việc" đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem bởi kịch bản hài hước, duyên dáng và nét diễn rất tự nhiên của nữ TikToker này.

Nội dung chính của kênh "Phương thử việc" là về những câu chuyện nhỏ trong văn phòng của một nhân viên thử việc mới vào làm. Kênh khai thác những tình huống rất quen thuộc với các trẻ khi mới bước chân vào thị trường lao động, lột tả những insight, thói quen đậm chất Gen Z dưới góc nhìn khá hóm hỉnh. Bạn diễn của "Phương thử việc" cũng rất đa dạng từ đồng nghiệp, trưởng phòng, cho tới sếp lớn,... mang lại những giây phút khá thư giãn và thoải mái cho người xem.

Đi cùng với "Phương thử việc" là thương hiệu MD - Một công ty về Du học Hàn Quốc và cũng chính là nơi mà nữ TikToker đang thử việc. Cùng với hàng loạt kênh TikTok khác đến từ các đồng nghiệp & sếp của nữ TikToker như: Sếp Khánh Fly, Sếp Việt, Thùy Dung - Đồng nghiệp,.... Cũng đang có mức tăng trưởng rất ấn tượng. Hiện nay, mạng lưới kênh của MD và "Phương thử việc" cũng đang mở rộng tuyến nội dung, hợp tác cùng một số thương hiệu khác như Hismile để xây dựng các chuỗi câu chuyện mới.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng của "Phương thử việc" và mạng lưới kênh của MD đã khiến cho các hội nhóm về Marketing truyền thông xôn xao trong những ngày qua. Rất nhiều marketer dành lời khen cho cách thức xây dựng kênh thông minh của "Phương thử việc", nhưng cũng có một số những đánh giá trái chiều về tuyến nội dung trên kênh, cũng như hiệu quả về chuyển đổi.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thương hiệu muốn chinh phục Gen Z hãy Nói ít - Làm nhiều

Case Study "Phương thử việc" và những bài học thú vị cho Marketer

#1. Chiến lược nội dung hước theo chuỗi câu chuyện, phù hợp với insight của Gen Z

Có rất nhiều điểm sáng trong chiến lược nội dung của kênh “"Phương thử việc"”. Từ cách thức diễn xuất của các nhân vật chính, kịch bản dễ tạo sự đồng cảm với Gen Z và việc xây dựng các tuyến nội dung nhỏ lẻ trên kênh cũng nhận được nhiều lời khen.

Trước tiên, rất nhiều marketer nhận định rằng nét diễn tự nhiên với những tình huống đối đáp đậm chất Gen Z là yếu tố đầu tiên giúp cho "Phương thử việc" ghi điểm trong mắt người xem. Cô nàng lột tả một hình ảnh rất gần gũi, thân thuộc và dễ thấy ở Gen Z hiện nay, tạo nên cảm giác dễ gần với các bạn trẻ.

Về nội dung, kênh "Phương thử việc" xoay quanh những tình huống rất dễ thấy tại chốn văn phòng như chuyện Chấm công, Lương thưởng, Ở trọ,.... Đây là một nhóm chủ đề rất rộng mở, tiếp cận được nhiều người xem và có nhiều khía cạnh đa dạng để khai thác ý tưởng. Ngoài ra, nhân vật của kênh không chỉ xoay quanh Phương mà còn có rất nhiều bạn diễn đa dạng từ đồng nghiệp tới sếp, tránh nhàm chán cho người xem. Đặc biệt, kênh thể hiện mối quan hệ giữa nhân viên và sếp dưới một góc nhìn rất trẻ trung, gần gũi với những màn đối đáp tay đôi với sếp, không còn khoảng cách “bề trên” xa cách. Đây cũng là mong muốn của nhiều bạn trẻ Gen Z, vì vậy nội dung trên kênh nhanh chóng thu hút sự đồng cảm của khán giả.

Và cuối cùng là các series trên kênh. Bên cạnh những video tình huống nhỏ lẻ, bắt trend, "Phương thử việc" bắt đầu xây dựng những tuyến nội dung cụ thể hơn như: Câu chuyện về phòng trọ, Báo cáo kết quả thực tập,.... Khiến cho nội dung trên kênh có thêm sự liên kết và kích thích người xem theo dõi những nội dung tiếp theo.

Giải mã Casestudy “Phương thử việc” dưới góc nhìn của giới marketing- Ảnh 1.
Giải mã Casestudy “Phương thử việc” dưới góc nhìn của giới marketing- Ảnh 2.

Phương thử việc với lối diễn xuất tự nhiên, nội dung kênh chủ yếu về Chấm công, Lương thưởng,...

Nhìn chung, việc xây dựng các nội dung đúng chuẩn Gen Z đã giúp cho "Phương thử việc" và thương hiệu MD tiếp cận tới rất nhiều bạn trẻ. Đây cũng chính là nhóm khách hàng mục tiêu với nhu cầu du học cao mà thương hiệu này đang nhắm tới. Mặc dù chưa mang lại hiệu quả trực tiếp về mặt doanh số, nhưng không thể phủ nhận rằng, "Phương thử việc" đã giúp cho tên tuổi của MD được phủ sóng rộng rãi hơn rất nhiều từ đó tạo điều kiện cho các bạn trẻ biết tới và bắt đầu tìm hiểu sản phẩm dịch vụ của thương hiệu này.

#2. Xây dựng một mạng lưới kênh cộng hưởng hiệu quả

Một trong những điểm nổi bật tiếp theo của thương hiệu MD khi xây kênh "Phương thử việc" là “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Thương hiệu này xây dựng một mạng lưới kênh với rất nhiều nhân sự đa dạng như sếp lớn, trưởng phòng, đồng nghiệp,... thay vì tập trung vào một kênh duy nhất của Phương, khá giống với chiến lược của Schannel, Hi Smile,...

Từ kênh của "Phương thử việc", công ty bắt đầu đưa những gương mặt khác vào như Khánh Fly, Sếp Việt, Nhung MD,... vào video, đồng thời tag trực tiếp các kênh trên mỗi video, từ đó vừa tạo nên sự đa dạng về nội dung, vừa giúp những gương mặt này tiếp cận tới người xem. Người xem sẽ từ kênh của "Phương thử việc" tìm hiểu và follow các kênh khác trong mạng lưới.

Trước tiên, "Phương thử việc" sẽ là yếu tố “mồi” giúp các kênh khác trong mạng lưới thu hút view. Sau đó, mỗi kênh sẽ bắt đầu có những tuyến nội dung riêng, khai thác cả những khía cạnh khác như câu chuyện đời tư. Ví dụ: TikTok Khánh Fly hợp tác cùng Hi Smile để ra tuyến nội dung hài hước liên quan tới tình cảm. Và dĩ nhiên không thể thiếu kênh TikTok của doanh nghiệp - MD Việt Nam cũng đã đạt tới 108K lượt theo dõi.

Chiến lược này cũng giải quyết nỗi lo về việc mất đi nhân sự. Nếu chỉ tập trung vào một kênh "Phương thử việc", thương hiệu sẽ có nguy cơ bị phụ thuộc vào một nhân sự và sẽ gặp rất nhiều rủi ro khi họ nghỉ việc. Tuy nhiên, khi hoạt động theo một mạng lưới kênh với mức độ liên kết nội dung chặt chẽ như hiện nay thì các kênh đều có sự phụ thuộc vào nhau, cộng sinh để cùng phát triển. Và đặc biệt, mạng lưới kênh sẽ giúp củng cố tên tuổi của MD rõ rệt hơn.

Bàn luận về khả năng chuyển đổi của kênh "Phương thử việc"

Bên cạnh hai điểm sáng nổi bật trên, cũng có nhiều marketer đặt ra vấn đề về khả năng chuyển đổi của kênh "Phương thử việc" và các kênh khác trong mạng lưới, Liệu có mang lại hiệu quả thực sự cho một sản phẩm dịch vụ về du học như MD?

Tuy nhiên, có lẽ thời điểm này là quá sớm để đánh giá về hiệu quả thực tế về doanh số mà "Phương thử việc" và các kênh vệ tinh có thể mang lại cho MD bởi kênh mới được xây dựng từ cuối 2024 và bắt đầu nhận được sự chú ý trong 1 2 tháng gần đây. Khoảng thời gian đó là giai đoạn quan trọng để thương hiệu củng cố sức ảnh hưởng của kênh, tăng cường mức độ nhận diện thay vì quá tập trung vào doanh số hay sản phẩm. Rõ ràng sự phát triển của "Phương thử việc" và mạng lưới kênh bước đầu đã thành công trong việc tăng độ nhận diện cho thương hiệu MD, giúp thương hiệu tiếp cận đông đảo tệp khách hàng mục tiêu là người trẻ, có nhu cầu du học cao. Hiện tại, đã có tới hơn 200  triệu lượt xem dành cho Hashtag #MDVietnam và hơn 100 lượt theo dõi trên TikTok. Như vậy, chỉ cần khi nói tới du học, người xem nghĩ tới "Phương thử việc", Khánh Fly, hay sếp Việt,... của MD, như vậy đã là một kết quả rất tốt cho thương hiệu.

Để mang lại hiệu quả chuyển đổi cao, đòi hỏi một chiến lược khéo léo hơn. Đặc biệt vai trò của những nhân vật quản lý như Sếp lớn Việt, sếp nhỏ Khánh Fly trong giai đoạn này sẽ cần được củng cố mạnh mẽ hơn. Là những người lãnh đạo của MD, hình ảnh của các sếp sẽ tác động rất lớn tới niềm tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm, dịch vụ du học của thương hiệu. Vì vậy, những kênh này có khả năng sẽ mang lại hiệu quả chuyển đổi về sau tốt hơn "Phương thử việc". Ngoài ra, đây cũng là gương mặt nên xuất hiện nhiều hơn ở trên kênh chính thức của thương hiệu sau này, để mang lại các thông tin có giá trị thực tế, phù hợp với những người có nhu cầu du học. Hiện tại, MD cũng đã đẩy mạnh các phiên Livestream và thu hút được lượng người xem tương đối ổn.

Các kênh owned Media của thương hiệu Facebook, Website cần được xây dựng với những thông tin giá trị, để thu hút được khách hàng khi họ dịch chuyển từ các kênh TikTok qua tìm hiểu sản phẩm. Nhìn chung, khi đã có được sức hút truyền thông, để tăng cường khả năng chuyển đổi, thương hiệu bắt đầu củng cố thêm niềm tin của khách hàng thông qua những nội dung có giá trị, khẳng định uy tín chất lượng dịch vụ, sản phẩm.

>>> Có thể bạn quan tâm: Lê Tuấn Khang - Thành công từ cốt truyện "đám giỗ bên cồn" độc nhất & sáng tạo trên từng thước phim

Lời kết: 

Nhìn chung, bên cạnh nét diễn hài hước, tự nhiên của các nhân vật chính, "Phương thử việc" nói riêng và thương hiệu MD nói chung cũng có chiến lược nội dung khá bài bản, hiệu quả. Đặc biệt việc xây dựng một mạng lưới kênh đa nhân vật là một trong những điểm sáng nổi bật của MD. Cũng giống như SChannel và Hi Smile, mạng lưới kênh giúp thương hiệu không phụ thuộc nhiều vào một thương hiệu cá nhân, đồng thời các kênh có thể cùng quảng bá cho nhau, thu hút người dùng tương tác mạnh mẽ hơn. 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.