cover

Chiến lược Marketing của Duolingo: Bí quyết thu hút hàng triệu người dùng

10 Thg 12

Bỏ xa các đối thủ trong cuộc chiến truyền thông và tiếp thị, chiến lược Marketing của Duolingo được đánh giá cao bởi sự sáng tạo và độc đáo trong cách thực thi, triển khai. Duolingo tập trung làm mới và khai thác hiệu quả hình ảnh biểu tượng chú cú xanh, kết hợp hài hòa giữa văn hóa địa phương và thương hiệu. Điều này giúp tạo nên một hình tượng gần gũi, thú vị, thu hút sự quan tâm của người dùng ở mọi độ tuổi. Chiến lược Marketing ấn tượng này đã góp phần định vị Duolingo như một ứng dụng học ngôn ngữ không chỉ hữu ích mà còn rất thú vị. Cùng Marketing AI khám phá chi tiết cách Duolingo thực hiện chiến lược này trong bài viết dưới đây!

Tổng quan về thương hiệu Duolingo

Duolingo là một ứng dụng học ngôn ngữ trực tuyến, cho phép người dùng có thể học tới 35 bộ ngôn ngữ khác nhau trên ứng dụng này. Số lượng ngôn ngữ phong phú, kết hợp tính năng đa dạng và khả năng bản địa hóa đầy ấn tượng khiến Duolingo nhanh chóng gây sốt trên toàn thế giới. 

Sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng này cũng khiến cho nhiều người dùng cũng phải đặt câu hỏi không biết rằng Duolingo là của nước nào mà có thể phủ sóng trên toàn cầu nhanh chóng tới như vậy? Trên thực tế, Duolingo được phát triển bởi một công ty giáo dục trực tuyến nổi tiếng, có trụ sở chính tại Pittsburgh, Pennsylvania, Hoa Kỳ. Công ty này thành lập vào năm 2011 bởi Luis von Ahn và Severin Hacker và chính thức ra mắt vào năm 2012. 

Tính đến quý 2 năm 2024, Duolingo đã cán mốc hơn 500 triệu người dùng, chính thức trở thành nền tảng học ngôn ngữ trực tuyến lớn nhất thế giới (theo báo cáo của Sign House). 

Chiến lược Marketing của Duolingo

Chiến lược marketing của Duolingo: Tổng quan thương hiệu

Khách hàng mục tiêu của Duolingo 

Khách hàng của Duolingo rất đa dạng, bao gồm nhiều lứa tuổi, giới tính và ngành nghề khác nhau. Cụ thể, các nhóm khách hàng mục tiêu chính bao gồm:

  • Người học ngôn ngữ mới: Đây là nhóm đối tượng chính mà Duolingo đang tập trung hướng đến. Họ là những người muốn học ngôn ngữ từ mức độ cơ bản đến nâng cao, thường có mục tiêu ban đầu là học để giao tiếp hàng ngày.
  • Học sinh và sinh viên: Người trẻ đang học ngoại ngữ để đáp ứng nhu cầu học tập hoặc chuẩn bị cho các kỳ thi quan trọng.
  • Người đi làm: Người muốn học ngôn ngữ để phát triển sự nghiệp, phục vụ du lịch, hoặc định cư nước ngoài.
  • Người bận rộn: Những ai cần học ngôn ngữ theo các phương thức linh hoạt, có thể dễ dàng học tập qua điện thoại hoặc máy tính.
  • Người học vì sở thích: Những người yêu thích học ngôn ngữ và muốn học ngôn ngữ mới như sở thích hoặc muốn rèn luyện trí não thông qua các bài học dạng trò chơi.
Chiến lược Marketing của Duolingo về khách hàng mục tiêu

Duolingo hướng đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau

Đối thủ cạnh tranh của Duolingo 

ELSA Speak hiện đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Duolingo. Bên cạnh đó, các ứng dụng học ngôn ngữ khác như Memrise, Babbel và Cake, với những phương pháp học sáng tạo như ghi nhớ từ vựng và luyện phát âm, cũng là những đối thủ cạnh tranh đáng gờm của Duolingo trong thị trường ứng dụng ngôn ngữ hiện nay.

Ứng dụng luyện phát âm Elsa

Elsa Speak là 1 trong những đối thủ của Duolingo

Phân tích chiến lược Marketing Mix của Duolingo

Trong đó, chiến lược marketing của Duolingo tập trung nhiều vào hoạt động quảng cáo, giữ chân người dùng, song song với đó là triển khai các chiến lược về giá và phân phối tương ứng, đảm bảo phù hợp với văn hóa của từng địa phương:

Chiến lược quảng cáo của Duolingo

Trong chiến lược marketing mix của mình, Duolingo luôn được đánh giá cao bởi sự sáng tạo trong phong cách thể hiện, nội dung quảng cáo thu hút và được phủ rộng trên mọi nền tảng:

Nhân cách hóa thương hiệu qua linh vật "Cú Xanh Duo"

Một trong những thành công bậc nhất của Duolingo đó chính là tạo ra linh vật riêng của ứng dụng - cú Duolingo. Nhân vật cú xanh Duo được miêu tả là một nhân vật có tính cách hài hước, tích cực, đôi lúc có hơi láu cá. Cú đảm đương nhiệm vụ nhắc nhở người học ôn tập và học bài mới mỗi ngày để duy trì chuỗi streak liên tục.

Chiến lược Marketing của Duolingo trong quảng cáo

Nhân cách hóa nhân vật cú Duolingo

Những lời nhắc học bài của Duo đã nhanh chóng trở thành hiện tượng viral trên nhiều nền tảng. Duo bắt đầu với sự thân thiện khi người dùng quên học trong vài ngày đầu. Nhưng nếu chuỗi streak bị gián đoạn quá lâu, cú xanh không ngần ngại "cay nghiệt" hơn với những lời nhắc như: “Muốn giỏi mà chỉ nằm mơ không học thì còn lâu mới thành tài” hay “Đừng để cú xanh này buồn nhé!” Những câu nhắc này không chỉ gây ấn tượng mạnh mà còn trở thành yếu tố giải trí, giúp Duolingo nổi bật giữa các đối thủ.

Ngoài xuất hiện dưới dạng nhân vật kỹ thuật số, trong chiến lược marketing của Duolingo, cú xanh Duo còn thực sự tồn tại như một nhân vật có thực. Duo thường xuyên tham gia vào các hoạt động thường ngày của giới trẻ, ví dụ như Duo đã "đi nhà tù Hỏa Lò", "đi làm", "đu trend TikTok", và thậm chí xuất hiện trong các sự kiện của Spotify, nơi Duo có màn duet thú vị cùng các celeb như Kiều Minh Tuấn. Việc nhân cách hóa linh vật này giúp Duolingo không chỉ củng cố nhận diện thương hiệu mà còn tạo ra sự kết nối gần gũi với người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

>>> Xem thêm: Chiến lược nhân cách hóa giúp Duolingo trở thành hiện tượng TikTok

Quảng cáo ngoài trời - nhắc người dùng học tập

Không chỉ bám đuổi trên nền tảng ứng dụng hay hòm thư điện tử, trong chiến lược marketing của Duolingo, lời nhắc còn được “phóng to” trên các biển bảng quảng cáo ngoài trời. Cụ thể, Duolingo đã phát động chiến dịch OOH “Theo Unignorable Notification” hiển thị lời nhắc học bài xuất hiện lần lượt trên các màn hình trình chiếu tại các tòa nhà cao tầng tại Nam Mỹ.

Chiến lược marketing của Duolingo về quảng cáo

Chiến dịch OOH “Theo Unignorable Notification” xuất hiện trên các màn hình trình chiếu tại Nam Mỹ.

Đặc biệt hơn, các lời nhắc này không chỉ mang tính chung chúng, thay vào đó chúng được nhân hóa bằng cách gọi thẳng tên riêng của người dùng. Chính điều này đã tạo ra sức hút không nhỏ cho ứng dụng, đưa cụm từ “Duolingo, cú Duo, cú xanh Duolingo” tràn khắp các nền tảng, diễn đàn thảo luận,....

Một số lời nhắc tiêu biểu được ứng dụng trong chiến dịch này có thể kể đến như: “Adriana, mình đã không gặp nhau 272 ngày rồi. Cùng tiếp tục ôn luyện tiếng Anh thôi nào?”, “Aprende un idioma o te perseguiré en tus sueños” (Học một ngôn ngữ đi, nếu không tôi sẽ ám bạn trong giấc mơ).

Ở Việt Nam, chiến dịch OOH “Theo Unignorable Notification” cũng được việt hóa và chia sẻ rộng rãi trên khắp các trang mạng xã hội. Tất nhiên, hiệu quả về truyền thông và tiếp thị của chiến dịch này vẫn duy trì sức nóng dù ở bất cứ đâu bao gồm cả Việt Nam, tạo tiền đề cho sự lớn mạnh của ứng dụng học ngôn ngữ này trên thị trường Việt.

Sáng tạo nội dung trên đa nền tảng để tiếp cận người dùng

Song song với các hoạt động quảng cáo nêu trên, chiến lược Marketing của Duolingo cũng tập trung mạnh vào hoạt động sáng tạo nội dung trên đa nền tảng, mạnh nhất là ở Facebook và TikTok - nơi tập trung nhóm khách hàng mục tiêu chính của ứng dụng:

  • Trên nền tảng Facebook, Cú Duolingo tích cực đi comment dạo tại các post có độ thảo luận cao, nhắc nhở người dùng học tập hoặc nhắc lại các kiến thức tiếng Anh quan trọng có liên quan đến bài post. Đồng thời cú Duo cũng rất “chăm” đi tương tác, trò chuyện với mọi người đang comment trong các bài đăng của người nổi tiếng hay của các page giải trí, chương trình truyền hình có rating cao,...
  • Đối với nền tảng TikTok, cú Duo có cách hoạt động khác, trẻ trung và sôi động hơn. Ngoài duy trì thói quen nhắc nhở kiến thức và người dùng học bài trong các bài post, cú Duo cũng tích cực bắt trend theo dòng thời gian của giới trẻ, sáng tạo hàng loạt nội dung bắt kịp xu hướng.

Duolingo "tăng nhiệt" việc học bằng chiến dịch tương tác AR

Cú Duo tích cực bắt trend, sáng tạo hàng loạt nội dung bắt kịp xu hướng trên Tik Tok

Ngoài ra, cú Duolingo cũng tích cực tham gia vào nhiều sự kiện lớn như xuống phổ cổ động Seagame 32, xuất hiện tại concert của nhóm nhạc nữ đình đám BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình hay tham gia sự kiện tại quán bar lớn tại Hà Nội và TP.HCM để nhắc nhở người trẻ học bài,.... Có thể thấy, hình tượng cú Duo đã được khai thác gần như triệt để nhất để phục vụ cho các hoạt động tiếp thị, quảng cáo của Duolingo.

>>> Xem thêm: Duolingo tham vọng trở thành một ứng dụng học trực tuyến all-in-one

Chiến lược sản phẩm giữ chân người dùng

Một trong những yếu tố làm nên sự thành công của Duolingo chính là khả năng giữ chân người dùng. Vậy Duolingo đã có những chiến lược gì để người dùng của họ quay lại ứng dụng và sử dụng thường xuyên? Có thể kể đến một số yếu tố dưới đây:

Tăng cường thử nghiệm A/B testing cải tiến sản phẩm

Chiến lược Marketing của Duolingo hướng tới tập trung phát triển sản phẩm, liên tục cải tiến với nguyên tắc A/B testing để mang đến cho người dùng những trải nghiệm học tập thú vị nhất:

  • Kiểm tra giao diện và tính năng: Duolingo đánh giá phản ứng người dùng khi thay đổi cách hiển thị bài tập theo những cách khác nhau. Ví dụ, Duolingo đã kiểm tra từng loại câu hỏi để xác định xem cách nào thu hút người dùng hơn, điển hình như so sánh hiệu quả giữa câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi điền từ để có thể cải thiện tỷ lệ hoàn thành các bài học. Ngoài ra, Duolingo cũng cho thực hiện xây dựng văn hóa doanh nghiệp tập trung vào thử nghiệm và cải tiến sản phẩm hàng tuần. Mục tiêu của Duolingo là cải thiện sản phẩm 1% mỗi tuần. Chính vì thế, ứng dụng tạo được sự hấp dẫn và mới mẻ cho người dùng, điều này đã giúp nền tảng tăng trưởng liên tục và bền vững.
  • Cải thiện tính năng nhắc nhở: Thay vì những thông báo nhắc nhở người học thông thường như bao ứng dụng khác, Duolingo đã sáng tạo những thông điệp độc đáo. Chính những nhắc nhở này đã giữ chân khách hàng ở lại hoặc quay lại ứng dụng hiệu quả hơn so với những nội dung nhàm chán trước đó. Và thông báo của Duolingo cũng hay được cộng đồng nhắc đến với cụm từ “ám ảnh”.
Chiến lược Marketing của Duolingo trong sản phẩm

Duolingo đã cải thiện tính năng nhắc nhở theo hướng mới lạ và sáng tạo

Cung cấp các khóa học đa dạng ngôn ngữ

Chiến lược marketing của Duolingo dựa trên việc cung cấp các khóa học đa dạng ngôn ngữ, giúp thu hút và giữ chân người dùng trên toàn thế giới. Duolingo cung cấp các khóa học với hơn 40 ngôn ngữ khác nhau, từ phổ biến như tiếng Anh, Tây Ban Nha đến ít phổ biến hơn như tiếng Wales hay Klingon. Theo báo cáo của Duolingo 2023, ngoài tiếng Anh có 3 ngôn ngữ được người Việt học nhiều nhất đó là tiếng Trung, tiếng Hàn và tiếng Nhật với 31% người học tại Việt Nam đang học tiếng Trung; 32% học tiếng Hàn và 26% học tiếng Nhật. Chính sự phong phú này tạo ra nhiều sự lựa chọn hơn cho người học, giữ chân họ trên ứng dụng lâu hơn. Đây cũng là một lợi thế cạnh tranh của Duolingo mà ít ứng dụng học ngôn ngữ nào ở thời điểm hiện tại có thể làm được.

Trải nghiệm “học như chơi” - gamification

Chiến lược marketing của Duolingo đã thành công nhờ việc tích hợp gamification - yếu tố trò chơi hóa để mang lại trải nghiệm học tập thú vị và hấp dẫn cho người dùng:

  • Hệ thống điểm thưởng và streaks: Người dùng được khuyến khích duy trì chuỗi học hàng ngày (streak) và nhận phần thưởng khi hoàn thành bài học. Có rất nhiều người học đã duy trì lượt streak lên đến con số hàng nghìn và họ sẵn sàng chia sẻ lên các trang mạng xã hội như một thành tựu đáng tự hào.
  • Bảng xếp hạng và cạnh tranh: Duolingo cho phép người học kết bạn với những người xung quanh và có thể thi đua với nhau về điểm số cùng các phần thưởng đạt được. Các bảng xếp hạng giúp người dùng so sánh điểm số với bạn bè hoặc người dùng khác, tạo động lực để học tập.
  • Nhiệm vụ và thử thách nhỏ: Khi người học hoàn thành các nhiệm vụ hoặc thử thách, sẽ đạt được phần thưởng từ Duolingo. Các phần thưởng này có thể là kho báu, huy chương, đã Ruby, … Và tất nhiên, chúng có thể được khai thác và sử dụng chúng trong hệ thống học tập của Duolingo để mở khóa một số tính năng, tiện ích.
Trải nghiệm gamification trong chiến lược marketing của Duolingo

Duolingo đã trò chơi hóa các bài học trở nên thú vị hơn

Chiến lược về giá của Duolingo

Chiến lược giá của Duolingo được xây dựng để phù hợp với mô hình Freemium, tạo ra sự cân bằng giữa việc cung cấp nội dung miễn phí để thu hút người dùng và cung cấp gói cao cấp để tối ưu hóa doanh thu. Cụ thể, chiến lược giá của Duolingo bao gồm:

  • Chiến lược định giá Freemium: Duolingo cung cấp nội dung học miễn phí, đây cũng là cách để thu hút người dùng trong thời gian mới ra mắt. Sau một thời gian ra mắt trên thị trường, Duolingo giới thiệu các gói trả phí với các tính năng không quảng cáo, cá nhân hóa người dùng, …
  • Định giá linh hoạt theo thị trường: Duolingo sử dụng chiến lược giá theo khu vực để phù hợp với khả năng chi trả ở từng quốc gia khác nhau, đặc biệt là các thị trường nhạy cảm về giá. Tại các nước phát triển, giá của gói Duolingo cao hơn nhiều so với các nước đang phát triển. Ví dụ: ở Mỹ giá Duolingo Plus khoảng 13$/ tháng, ở Anh khoảng 14$/ tháng, nhưng ở các nước đang phát triển như Ấn Độ khoảng 1$/ tháng và ở Việt Nam 3,7$/ tháng. Chiến lược giá này giúp Duolingo thu hút được nhiều đối tượng khách hàng khác nhau và tăng khả năng cạnh tranh với các ứng dụng tại quốc gia đó.
  • Chương trình ưu đãi về giá và dùng thử: Duolingo cung cấp cho người dùng được dùng thử miễn phí gói cao cấp trong thời gian 7-14 ngày.
Chiến lược về giá của Duolingo

Duolingo ra mắt gói sản phẩm theo mô hình Freemium thử trước yêu sau

Chiến lược phân phối của Duolingo

Tính tới hiện tại, Duolingo đã có mặt tại hơn 162 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, tập trung chủ yếu tại một số quốc gia như: Hoa Kỳ (25,07%), Brazil (6.52%), Vương quốc Anh (4,28%), Mexico (3,73%), Đức (3,58%) … Tại khu vực Đông Nam Á, thị trường Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển lớn nhất.

Duolingo tận dụng tối đa sự phổ biến của công nghệ di động và Internet, giúp họ tiếp cận hàng triệu người dùng trên toàn cầu:

  • Phân phối kỹ thuật số: Đây là một yếu tố then chốt trong chiến lược marketing của Duolingo. Ứng dụng được phát hành trên ba nền tảng chính: Google Play cho hệ điều hành Android, App Store cho hệ điều hành iOS, và trực tiếp trên website Duolingo.com, giúp Duolingo tiếp cận được hàng triệu người dùng trên toàn cầu nhờ vào sự phổ biến của công nghệ di động và Internet.
  • Freemium Model: Duolingo áp dụng mô hình freemium, cung cấp các tính năng cơ bản miễn phí để thu hút người dùng: Phiên bản miễn phí được hỗ trợ bằng quảng cáo, phiên bản trả phí (Duolingo Plus) loại bỏ quảng cáo, cung cấp tính năng học ngoại tuyến, và các tiện ích bổ sung khác.
  • Hợp tác với các tổ chức giáo dục: Duolingo hợp tác với các trường học và tổ chức giáo dục để tích hợp ứng dụng vào chương trình giảng dạy hoặc làm công cụ bổ trợ học tập. 

Chiến lược Marketing của Duolingo chinh phục thị trường Việt Nam

Duolingo đã triển khai nhiều hoạt động tại thị trường Việt Nam và đạt được sự tăng trưởng người dùng đáng kể. Bà Haina Xiang, Giám đốc Tiếp thị của Duolingo tại Trung Quốc và Đông Nam Á cho biết “Trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng ở Việt Nam đã vượt xa các thị trường khác”. Chỉ trong 3 năm gần đây, số lượng người dùng ứng dụng Duolingo tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp 5 lần. Để đạt được kết quả đó, phải kể đến những hoạt động marketing toàn diện của Duolingo tại Việt Nam:

Ra mắt kênh Tik Tok chính thức của Duolingo tại Việt Nam

Hiện nay, Tiktok đang là nền tảng mạng xã hội viral nhanh chóng tại Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Nắm bắt cơ hội này, Duolingo đã ra mắt kênh Tik Tok chính thức, nơi chia sẻ những nội dung sáng tạo như video hài hước với hình ảnh cú Duolingo gần gũi với giới trẻ. Kênh cũng thường xuyên tham gia các trend phổ biến tại Việt Nam và đạt được lượng tương tác mạnh mẽ với những video lên đến hàng triệu view. Chiến lược marketing của Duolingo đã giúp thương hiệu nhanh chóng đạt mức độ nhận diện thương hiệu cao và gắn kết với cộng đồng người dùng trẻ tại Việt Nam.

Đẩy mạnh sự hiện diện thương hiệu thông qua các Influencer hàng đầu

Duolingo đang tương tác với các Influencer hàng đầu tại Việt Nam để xây dựng nhận diện thương hiệu, đồng thời tăng hiệu ứng truyền miệng (WoM). Cụ thể, Duolingo đã hợp tác với cầu thủ Văn Toàn và đội tuyển Việt Nam trong kỳ SEA Games 2023. Đại diện Văn Toàn chia sẻ: “Tôi đang nỗ lực học tiếng Anh mỗi ngày với Duolingo. Sau khi tập bóng đá, tôi thường dành 10-15 phút trên ứng dụng để học và luyện từ mới. Đối với một cầu thủ bóng đá, việc hiểu và sử dụng tốt tiếng Anh mang lại cho chúng tôi rất nhiều lợi thế khi thi đấu quốc tế, đặc biệt là trong giao tiếp với ban huấn luyện và các trọng tài; đồng thời, giúp chúng tôi có cơ hội thi đấu trong các đội tuyển quốc tế và cảm thấy thoải mái hơn khi ra sân.” Ngoài ra, vào tháng 7/2023, Duolingo với cái tên Born Duo cũng góp mặt trong concert nổi tiếng của nhóm nhạc BlackPink mang đến sự bất ngờ cho cộng đồng.

Chiến lược Marketing của Duolingo tại thị trường Việt Nam

Cú Duo xuống phố cổ vũ Seagame 32

Triển khai gói đăng ký trả phí Super Duolingo

Sau thời gian dài miễn phí, Duolingo đã ra mắt gói Super Duolingo với mức phí $120 mỗi năm (khoảng 2,8 triệu VNĐ). Với chiến lược marketing của Duolingo, gói dịch vụ này mang lại cho người học những tính năng cao cấp vượt trội so với bản miễn phí. Người học có trải nghiệm học tập mượt mà hơn mà không bị quảng cáo làm phiền, hoặc không bị giới hạn số lần sai. Gói đăng ký trả phí Super Duolingo cung cấp thêm tính năng học nâng cao, bổ sung thêm các bài tập và theo dõi tiến độ học tập cá nhân. Đặc biệt, khi sử dụng gói này, người học được cá nhân hóa nội dung học tập bằng cách theo dõi và cải thiện những kỹ năng còn yếu, từ đó quá trình học tập và kết quả tiến bộ hơn.

Khóa học tiếng Anh địa phương hóa dành cho người Việt

Đây là một trong những đặc điểm Duolingo được người dùng Việt Nam yêu thích. Các nội dung bài học được thiết kế thân thiện với người Việt, sử dụng văn hóa, ngữ cảnh Việt Nam. Chẳng hạn như một số bài học có các từ như cà phê Việt Nam, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… Điều đó chứng tỏ chiến lược marketing của Duolingo đã nghiên cứu và đầu tư chỉn chu cho nội dung bài học tại thị trường Việt Nam.


>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của P/S

                    

Tạm kết

Thành công của Duolingo đến từ sự kết hợp hoàn hảo giữa sản phẩm chất lượng, tính cách thương hiệu độc đáo và chiến lược Marketing sáng tạo. Thành công này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thấu hiểu hành vi khách hàng, tạo ra giá trị thiết thực và không ngừng đổi mới để giữ vững vị thế trong lòng người dùng. Vì lẽ đó, chiến lược marketing của Duolingo là một case study tiêu biểu mà mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các startup, đều có thể học hỏi và áp dụng trong hành trình phát triển và bứt phá của mình.

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.