cover

7 chiến thuật marketing từ 7 Campaign độc đáo nhất 2024: Không thể bỏ qua Lay’s, Calvin Klein & Heineken

12 Thg 12

Từ Marketing mạo hiểm, Nostalgia hay Purpose Driven Marketing,.... 7 chiến dịch trong bài viết dưới đây sẽ mang lại cho nhà tiếp thị những bài học đắt giá về cách thức triển khai các chiến lược tiếp thị đặc biệt cho thương hiệu.

Marketing mạo hiểm như Liquid Death 

Nhắc tới Marketing Mạo hiểm chắc chắn không thể bỏ qua - Liquid Death - Thương hiệu nước giải khát được biết đến là bậc thầy của những chiến dịch marketing rất kỳ quặc và táo bạo. Ngay từ những ngày đầu tiên, chiến lược tiếp thị của Liquid Death đã được định hình rõ ràng với tôn chỉ: Tập trung tạo nên những nội dung chất lượng có khả năng lan tỏa và không phụ thuộc vào các phương tiện truyền thông trả phí. Marketing Mạo hiểm là định hướng mà Liquid Death lựa chọn để trở nên khác biệt và thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Hằng năm, thương hiệu này liên tục xuất hiện với những thông điệp kỳ quái, sản xuất những sản phẩm độc lạ và sử dụng cách thức tiếp thị không giống ai trên thị trường. Thậm chí Phó chủ tịch sáng tạo của Liquid Death phải thừa nhận rằng đôi khi ông phải theo dõi lại trên kênh YouTube hoặc Instagram mới có thể nhớ hết mình đã làm những gì trong năm vừa qua, bởi những sáng tạo của Liquid Death trong một năm diễn ra quá nhiều. Kết quả là chiến lược Marketing mạo hiểm này đã thực sự mang lại một vị thế khác biệt cho Liquid Death trên thị trường nước giải khát, khiến cho giới trẻ mê mẩn bởi sự táo bạo và đầy cá tính.

Năm 2024 cũng không ngoại lệ, Liquid Death quyết tiếp tục trở lại với hàng loạt chiến dịch marketing theo phong cách mạo hiểm đặc trưng. Điển hình như màn hợp tác bất ngờ giữa Liquid Death và thương hiệu mỹ phẩm Elf Cosmetics để cho ra dòng son xác chết hay bắt tay cùng với chuỗi cửa hàng kem Van Leeuwen để cho ra mắt dòng sản phẩm nước giải khát có vị kem sundae sốt fudge, hay thậm chí là bắt tay cùng một thương hiệu thời trang thể thao tên YETI để cho ra mắt một cỗ quan tài,... 

Liquid Death với hàng loạt chiến dịch marketing mạo hiểm

Liquid Death quyết tiếp tục trở lại với hàng loạt chiến dịch marketing theo phong cách mạo hiểm đặc trưng

Hợp tác với những thương hiệu không hề liên quan, tạo ra những sản phẩm có phần nhạy cảm như quan tài,... là một nước đi khá mạo hiểm đối với những thương hiệu khác. Nhưng nó đã thực sự mang lại cho Liquid Death những hiệu quả truyền thông cực ấn tượng:

Màn hợp tác cùng Elf đã ghi nhận hơn 250 triệu lượt hiển thị trên mạng xã hội, sản phẩm kết hợp cùng Van Leeuwen đã bán hết trong vòng chưa đầy 7 giờ. Thậm chí chiếc quan tài Yeti đã được bán với giá 68.000 đô la trong phiên đấu giá. Những con số này một lần nữa cho thầy bài học đắt giá từ việc sử dụng Marketing Mạo hiểm cho thương hiệu. Tư duy ngược, phá vỡ những khuôn mẫu Marketing thường thấy đã giúp cho Liquid Death tạo nên sự khác biệt hoàn toàn trên thị trường, thu hút sự chú ý và kích thích UGC hiệu quả từ chính người dùng mạng xã hội.

Bài học từ chiến dịch:

  • Không phụ thuộc kênh trả phí mà tập trung vào nội dung chất lượng, khác biệt để viral.
  • Không ngại triển khai những ý tưởng táo bạo, mạnh mẽ sử dụng những sản phẩm không liên quan.
  • Tận dụng các ý tưởng táo báo để kích thích sự chú ý, thảo luận của người tiêu dùng.

>>> Xem thêm: Unhinged Marketing - Khi thương hiệu trở nên nổi loạn trong quảng cáo

Nostalgia Marketing khéo léo như Chili's Big Smasher Burger

Chili's Big Smasher Burger là một chuỗi nhà hàng hamburger có tiếng tại Mỹ. Một trong những yếu tố tạo nên thành công của thương hiệu này tại thiên đường đồ ăn nhanh như Mỹ đó là những chiến dịch marketing mang yếu tố hoài niệm đã giúp thương hiệu chiếm trọn cảm tình của người tiêu dùng. Năm 2024 Chili's tiếp tục trở lại với một chiến dịch Nostalgia Marketing rất đáng học hỏi, khi sử dụng trò chơi điện tử thập niên 80 để khiến người dùng không thể rời mắt.

Vào tháng 6, Chili’s ra mắt Big Smasher BurgerTime, đây là một phiên bản làm mới của trò chơi kinh điển BurgerTime. Trong game, người chơi sắp xếp các bậc thang để biến nguyên liệu thành những chiếc burger hoàn chỉnh.

Trò chơi không chỉ thành công quảng bá cho món Big Smasher Burger trên thực đơn mà còn giúp Chili’s cà khịa các đối thủ sừng sỏ như McDonald’s và Burger King với hình ảnh của một "Liên minh Đồ ăn Nhanh xấu xa tham lợi nhuận”. Qua đó củng cố thông điệp của thương hiệu và niềm tin của người tiêu dùng trong bối cảnh các chuỗi như McDonald’s và Burger King cũng đang cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Chiến dịch Nostalgia Marketing của Chili's Big Smasher Burger

Chiến dịch Nostalgia Marketing của Chili's Big Smasher Burger

Nhưng quan trọng hơn hết chiến lược này giúp Chili’s kích thích một cuộc thảo luận của người dùng về văn hóa. Chiến dịch khiến người xem nhớ về những kỷ niệm thời thơ ấu với trò chơi huyền thoại này và nhanh chóng chia sẻ lại cùng người thân và bạn bè trên mạng xã hội, tạo nên những cuộc thảo luận thú vị khi mọi người cùng hoài niệm về quá khứ. Kết quả cho thấy, chỉ trong 20 ngày, trò chơi Big Smasher BurgerTime đã đạt tới 8.184 giờ chơi và hàng nghìn lượt thảo luận trên mạng xã hội. Từ đó, giúp thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng.

Bài học từ chiến dịch:

  • Tận dụng Nostalgia để gần gũi hơn với người tiêu dùng và thúc đẩy các cuộc thảo luận trên mạng xã hội.
  • Khéo léo lồng ghép câu chuyện thương hiệu vào Nostalgia.

Sử dụng Influencer độc đáo như Calvin Klein

Trong năm vừa qua rất nhiều thương hiệu đã hợp tác với các ngôi sao nổi tiếng để tăng cường sự ảnh hưởng của mình trên thị trường và cũng có rất nhiều những chiến dịch tiêu biểu đạt được kết quả cao tuy nhiên để nói về tính sáng tạo trong Influencer Marketing trong năm qua chắc chắn không thể bỏ qua Calvin Klein với màn hợp tác đầy nóng bỏng cùng nam diễn viên trẻ Jeremy Allen White - Ngôi sao đang lên với vai chính trong series “The Bear” của FX

Chiến dịch này được thực hiện vào tháng 1/2024 nhằm quảng cáo cho BST Xuân 2024. Trong đó, White đã xuất hiện với bối cảnh quê nhà New York City và diện các thiết kế kinh điển của Calvin Klein. Tuy nhiên, điểm nhấn của chiến dịch là một video ghi lại cảnh White tập luyện trên tầng thượng, được lồng nhạc ca khúc “You Don’t Own Me” của Lesley Gore. Video này đã được trình ngay chiếu trên biển quảng cáo lớn đặt tại trung tâm khu SoHo ở New York, Mỹ. Hình ảnh tập luyện cuốn hút và đầy mạnh mẽ của White nhanh chóng thu hút sự chú ý của người xem và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội, với hàng loạt lời khen ngưỡng mộ.

Chiến dịch mãn nhãn của Calvin Klein đã thu về 12 triệu USD giá trị truyền thông (hơn 300 tỷ VND) chỉ trong vòng 48 giờ đầu tiên. Đạt tổng giá trị truyền thông cực khủng lên tới 74 triệu USD xuyên suốt chiến dịch.

Điểm đặc biệt của chiến dịch này nằm ở cách thức lựa chọn người có tầm ảnh hưởng đúng vào thời điểm họ đang gây sốt. Kết hợp với nội dung video hấp dẫn, mang đúng tinh thần của Calvin Klein đồng thời thể hiện nét đẹp của nam diễn viên một cách khéo léo.

Purpose-driven marketing đầy ấn tượng như E.l.f. Cosmetics

Purpose-driven marketing được hiểu là những chiến dịch tiếp thị lấy niềm tin của người tiêu dùng làm mục tiêu chủ đạo. Khi đó các hoạt động trong chiến dịch sẽ hướng tới việc tăng cường giá trị thương hiệu, mối quan hệ với người tiêu dùng, từ đó củng cố sự tin tưởng của họ đối với doanh nghiệp.

E.l.f. Cosmetics sở hữu một trong những chiến dịch Purpose-driven marketing ấn tượng nhất trong năm nay mang tên “Change the boards game” - Một chiến dịch nhằm thúc đẩy sự đa dạng trong ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Trong đó, “So Many Dicks” được ra mắt vào tháng 5/2024, xuất phát từ một thực trạng đáng báo động tại các doanh nghiệp hiện nay: Sự mất cân bằng giới tính trên các hội đồng quản trị tại Mỹ. Số lượng đàn ông trong hội đồng quản trị của các doanh nghiệp đang quá lớn, đặc biệt là những cái tên quen thuộc như Richard, Rick hoặc Dick,... nhiều hơn gấp nhiều lần so với số lượng phụ nữ và giới tính khác. Vì vậy thương hiệu đã triển khai chiến dịch này nhằm chỉ trích sự thống trị của nam giới trong các doanh nghiệp hiện nay thông qua hình ảnh của các tên quen thuộc - "Dicks".

Chiến dịch Purpose-driven marketing ấn tượng của E.l.f Cosmetics

Chiến dịch Purpose-driven marketing ấn tượng của E.l.f Cosmetics

Đến tháng 10, E.l.f. tiếp tục cho ra mắt chiến dịch “Dupe That!” nhằm kêu gọi các công ty khác nên tạo ra những chiến dịch tích cực như mình. Với cách truyền thông tương tự “So Many Dicks,” chiến dịch này đã tạo ra 99% phản hồi tích cực và chứng minh cam kết mạnh mẽ của E.l.f. trong việc nỗ lực thay đổi sự mất cân bằng giới tính ở ban quản trị.

“Giá trị cốt lõi chính là yếu tố quan trọng sẽ giúp thương hiệu của chúng tôi duy trì sức hấp dẫn lâu dài”  - Laurie Lam - Chief Brand Officer tại E.L.F. BEAUTY chia sẻ.

Bài học từ chiến dịch:

  • Các chiến dịch vì cộng đồng, giải quyết vấn đề xã hội là yếu tố quan trọng trong chiến dịch Purpose-Driven.
  • Thương hiệu thể hiện sự quyết đoán, có những hành động rõ ràng & thiết thực khi thực hiện Purpose-Driven.

>>> Có thể bạn quan tâm: Top 10 chiến dịch Marketing ấn tượng nhất trên toàn thế giới trong năm 2024

Music Marketing cuốn hút như Gap

Music Marketing vẫn luôn là một chiến dịch được ưa chuộng trong những năm trở lại đây. Đặc biệt, với sự phát triển của làn sóng âm nhạc trên TikTok, sức ảnh hưởng và khả năng lan tỏa của các chiến dịch Music Marketing đang ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Một trong số những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy các chiến dịch Music Marketing trên TikTok viral phải kể đến Dance Challenge - Những điệu nhảy trendy lôi cuốn trên nền nhạc khiến các nhà sáng tạo nội dung lẫn người dùng trên toàn cầu mê mẩn.

Thương hiệu thời trang Gap đã tận dụng rất tốt xu hướng này trong năm 2024. Trong chiến dịch Thu-Đông 2024 của mình, Gap đã bắt tay với ngôi sao nhạc pop Troye Sivan, người vừa gây sốt sau một tháng lưu diễn cùng Charli XCX, tác giả của Brat. Gap đã tung ra một video có tên là “Get Loose”, trong đó Sivan cùng nhóm nhảy CDK Company diện quần denim dáng rộng của Gap và thực hiện một màn trình diễn công phu trên nền bản nhạc “Funny Thing” của Thundercat – một ca khúc nổi tiếng trên TikTok.

Ngay sau đó, video đã được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội. Người dùng bị lôi cuốn bởi âm nhạc bắt tai kết hợp những điệu nhảy rất đẹp mắt và cũng rất dễ để học theo. Từ đó, thúc đẩy họ tham gia vào dance challenge của GAP và tạo nên một làn sóng viral trên khắp mạng xã hội này. Chiến dịch kết hợp quảng bá trải rộng trên các kênh digital, báo in, OOH, mạng xã hội, và event tại cửa hàng.

Ý tưởng này, tiếp tục được Gap thực hiện trong chiến dịch mùa Xuân với ca sĩ Tyla và cũng tạo nên sức ảnh hưởng rất lớn đối Gen Z, đồng thời củng cố câu chuyện "hồi sinh", trẻ hóa của thương hiệu thời trang này. Kết quả cho thấy chiến dịch “Get Loose” đạt tỷ lệ tương tác trung bình tới 8,72% và tỷ lệ xem trung bình 50,3% vượt xa những chỉ số trung bình trong ngành.

Bài học từ chiến dịch:

  • Tận dụng TikTok để lan tỏa Music Marketing
  • Các bản nhạc trên TikTok có khả năng viral chủ yếu dựa vào Dance Challenge
  • Để thúc đẩy người dùng thực hiện Dance Challenge đòi hỏi âm nhạc hấp dẫn & điệu nhảy lôi cuốn, dễ học.

Chiến lược Media ấn tượng từ Groundhog Lay’s

Đi ngược lại với xu hướng tiếp thị viral trên mạng xã hội, trong năm 2024 Lay's lại lựa chọn một hướng đi riêng cho mình thông qua chiến lược truyền thông trả phí trên các kênh truyền thống.

Vào dịp Groundhog Day (Ngày Chuột Chũi), Lay’s phát sóng tám đoạn quảng cáo liên tục, tổng cộng 75 lần trên kênh ABC, tái hiện vòng lặp thời gian gây nổi tiếng từ bộ phim nổi tiếng kinh điển một thời Groundhog Day (1993). Chiến dịch có sự tham gia của Stephen Tobolowsky, diễn viên trong phim Groundhog Day, trong vai một người đi siêu thị bị mắc kẹt ở bước thanh toán. Việc liên tục lặp lại quảng cáo của Lay’s đã biến nhân vật chính và người xem như lạc vào một vòng lặp thời gian thực sự của bộ phim và nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng.

Từ một dịp lễ mà rất ít thương hiệu khai thác, Lay’s đã biến nó thành một sân chơi tiếp thị độc nhất cho riêng mình. Quảng cáo dù lặp lại nhiều lần nhưng không khiến người xem khó chịu mà còn tạo cho họ sự bất ngờ và kích thích các cuộc thảo luận diễn ra rầm rộ, tạo nên sự viral cho chiến dịch. Trong chiến dịch này Lay’s cũng không sử dụng quá nhiều hoạt động truyền thông phức tạp mà chỉ dựa vào một cú trigger duy nhất trên sóng truyền hình để thúc đẩy các luồng tin tức tự nhiên trên các kênh khác như báo chí hay mạng xã hội.

Kết quả, chiến dịch thu về 1,4 tỷ lượt hiển thị tự nhiên (earned media impressions) và đạt được khá nhiều giải thưởng trong ngành quảng cáo, điển hình như giải Clio với Huy chương Vàng trong hạng mục quảng bá thương hiệu.

Bài học từ chiến dịch:

  • Tận dụng thời điểm mà các thương hiệu khác ít chú ý
  • Trigger người xem trên kênh truyền hình, tạo làn sóng thảo luận tự nhiên trên social

Chiến dịch mobile sáng tạo như Heineken’s “Boring Mode”

Có thể nói chiến dịch Mobile marketing trong năm 2024 của Heineken vượt ra tất cả các chiến dịch cùng loại trên thị trường. “Boring Mode” là một chiến dịch được lấy cảm hứng từ thực trạng sử dụng smartphone quá nhiều của người trẻ. Việc sử dụng smartphone với tần suất quá nhiều đang khiến cho các cuộc trò chuyện tự nhiên dần biến mất, mỗi người đều cầm trên tay một chiếc điện thoại và làm việc của riêng mình. Từ đó, Heineken đã nảy sinh ý tưởng về một chiến lược sử dụng chính chủ đề về điện thoại để đánh thức người dùng khỏi cơn nghiện smartphone.

Chiến dịch đưa mọi người trở về đến năm 2000 thời điểm mà smartphone vẫn chưa thực sự phổ biến và những kết nối trong xã hội rất sâu sắc. Thương hiệu đã phát triển một ứng dụng có khả năng biến mọi chiếc điện thoại trở thành một chiếc điện thoại nhàm chán (*boring phone*). Ứng dụng này có khả năng chặn thông báo đến từ các ứng dụng và chặn chức năng camera trong một khoảng thời gian nhất định để khiến điện thoại trở về hai tính năng truyền thống là nghe gọi, giúp người dùng có thể bị tận hưởng cuộc sống thực tại một cách trọn vẹn nhất. 

Để truyền tải thông điệp mạnh mẽ hơn Heineken còn hợp tác với một thương hiệu thời trang đường phố để sản xuất ra một chiếc điện thoại nhàm chán thực thụ, chỉ có hai chức năng nghe gọi đơn giản và được thiết kế theo phong cách Y2K. Những chiếc điện thoại này được ra mắt vào tháng 4 tại Milan Design Week, thu hút hơn 70.000 người tham gia với mong muốn sở hữu một trong 5.000 chiếc giới hạn.

Bài học từ chiến dịch:

  • Thấu hiểu insight của người trẻ, tạo nên thông điệp ý nghĩa.
  • Tạo nên giải pháp thiết thực, mang lại giá trị thực tiễn cho người dùng

>>> Đọc thêm: Top 10 chiến dịch Marketing nổi bật nhất trên thế giới 2024

Lời kết: 

Những chiến lược Marketing độc đáo đã giúp Heineken, Lay's,... và rất nhiều thương hiệu khác đạt được hiệu ứng truyền thông bùng nổ trong năm qua. Điểm đặc biệt là phần lớn các chiến dịch này không phụ thuộc quá nhiều vào quảng cáo trả phỉ, mà tập trung vào chất lượng và chiến thuật nội dung để tạo nên sự khác biệt và nổi bật trên thị trường. Từ đó thúc đẩy chiến dịch trở nên viral trên các kênh truyền thông khác. Hi vọng những bài học đặc biệt này sẽ giúp bạn có thêm ý tưởng cho chiến dịch tiếp trong năm 2025 sắp tới. 

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.