UGC Creator là gì? Các chiến lược sử dụng UGC Creator dành cho thương hiệu

11 Thg 04
Content Writer

Content Writer

Bích Ngọc

Các bài đăng đánh giá, review sản phẩm là nội dung rất phổ biến trên TikTok, Instagram. Thực tế, những nội dung UGC do UGC Creator tạo ra có sức ảnh hưởng vượt ngoài mạng xã hội. Theo Stackla, 79% người được hỏi cho biết UGC tác động lớn đến quyết định mua hàng của họ. Nó cũng tạo ra doanh số gấp đôi so với quảng cáo trả tiền. Vậy UGC Creator là gì và doanh nghiệp có thể áp dụng chiến lược này như thế nào? Tất cả các thắc mắc đó sẽ được giải đáp trong bài viết này.

1. UGC Creator là gì?

Trước khi đi sâu vào UGC Creator, chúng ta cần hiểu UGC là gì? UGC (User-generated Content) là các nội dung do người dùng tạo ra. Đó có thể là các bài đánh giá, hình ảnh, video giới thiệu, phân tích chi tiết một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó.

Từ khái niệm trên, có thể thể hiểu UGC Creator là những người chuyên tạo ra các nội dung UGC. Họ có thể là khách hàng, người theo dõi của thương hiệu, các influencer hay bất kỳ ai đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ và chia sẻ lại trải nghiệm của mình thông qua bình luận, đánh giá, hình ảnh, video…

Nội dung này có thể hoàn toàn tự nhiên hoặc được các thương hiệu/ công ty tài trợ để quảng bá cho một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Nếu trả phí, thương hiệu sẽ sở hữu UGC đó và có quyền phân phối nội dung này trên các kênh khác nhau của mình để phục vụ cho mục đích tiếp thị.

UGC Creator là gì

>>> Xem thêm: KOC là gì? KOC sẽ trở thành xu hướng mới thay thế cho KOLs Marketing?

2. Vai trò của UGC trong marketing hiện đại

2.1. Tăng độ tin cậy cho thương hiệu

UGC giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh đáng tin cậy trong mắt khách hàng vì bản thân nó giống như lời giới thiệu truyền miệng từ bạn bè hoặc các thành viên gia đình. Theo Market Splash, 56% người được hỏi thấy UGC đáng tin cậy hơn các nội dung do thương hiệu sản xuất. Khảo sát của Tintup với các nhà tiếp thị cũng chỉ ra điều tương tự khi có đến 93% marketer cho biết người tiêu dùng tin tưởng nội dung do khách hàng tạo ra.

Điều này có thể được lý giải từ hành vi của người dùng. Ngày nay, trong bối cảnh quảng cáo phủ sóng mọi mặt trận, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác với các thông điệp quảng cáo, tiếp thị truyền thống. Thay vào đó, họ có xu hướng tìm kiếm những thông tin chân thực và không thiên vị từ người quen trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Bởi vậy, các nội dung do người dùng tạo ra chính là bằng chứng uy tín nhất,khẳng định chất lượng và giá trị của sản phẩm, dịch vụ.

2.2. Xây dựng lòng trung thành thương hiệu

Các nội dung UGC từ cả người dùng và UGC Creator có thể giúp doanh nghiệp tạo cảm giác gần gũi và kết nối sâu sắc hơn với khách hàng. Khi khách hàng tương tác với thương hiệu thông qua các bài chia sẻ về sản phẩm, họ sẽ trở thành một phần của cộng đồng thương hiệu và có cảm giác gắn kết với một thứ gì đó lớn lao hơn.

Để thúc đẩy lòng trung thành của khách hàng với nhãn hàng, Calvin Klein cũng đã áp dụng chiến lược UGC một cách hiệu quả. Hãng thời trang này xây dựng hẳn một landing page để đăng tải các nội dung do người dùng tạo ra. Tại trang #mycalvins, người dùng có thể chia sẻ về phong cách cá nhân của mình thông qua những bức ảnh họ mặc đồ Calvin Klein. Từ đó, hãng có thể khuyến khích khách hàng tích cực tham gia vào việc định hình câu chuyện của thương hiệu và tạo mối liên hệ bền chặt với cộng đồng người tiêu dùng.

Vai trò của UGC trong marketing hiện đại

2.3. Tối ưu chi phí

Không chỉ tăng độ tiếp cận, UGC còn là chiến lược marketing giúp tối ưu chi phí. Báo cáo của Social Media cho thấy UGC giúp tiết kiệm chi phí đến hơn 50% so với các hình thức truyền thống. Không giống với các hình thức quảng cáo khác, phần lớn nội dung do người dùng tạo ra hoàn toàn tự nhiên và có sẵn.

Ngoài ra, UGC dễ dàng được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi tiếp cận và tiết kiệm chi phí quảng cáo. Ngoại trừ tài trợ cho các UGC creator để giới thiệu, review về sản phẩm, doanh nghiệp có thể ứng dụng nhiều cách thức khác để tạo ra các nội dung UGC tự nhiên, ví dụ như triển khai các cuộc thi trên mạng xã hội để khuyến khích người dùng đăng bài về sản phẩm kèm hashtag, nhờ khách hàng đánh giá về sản phẩm thông qua email marketing và sử dụng những đánh giá tích cực nhất trên trang web…

2.4. Ảnh hưởng đến quyết định mua hàng

Xem review, đánh giá từ người xung quanh và các UGC Creator trên mạng xã hội là thói quen mới của người tiêu dùng trong thời đại kỹ thuật số. Một cách tự nhiên, UGC trở thành yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc khách hàng có mua sản phẩm đó hay không. Một báo cáo của Nosto cũng đã chỉ ra rằng 79% người được hỏi cho biết UGC tác động lớn đến quyết định mua hàng của họ.

Còn theo góc nhìn tâm lý học, trong cuốn sách “Blindsight”, tác giả Matt Johnson giải thích rằng khi thấy những người giống mình sử dụng một món đồ, não của chúng ta sẽ bị kích thích và tạo ra cảm giác muốn sở hữu, trải nghiệm sản phẩm đó.

Năm 2020, khi Hyram - một YouTuber về skincare chia sẻ về CeraVe trên kênh YouTube của mình, các sản phẩm của thương hiệu đã hết hàng ngay lập tức. Điều đáng chú ý là nội dung này không được nhãn hàng tài trợ và Hyram chỉ đơn thuần chia sẻ lại kinh nghiệm của mình. Cùng năm đó, theo WWD, giá trị truyền thông của CeraVe đã tăng 128% so với năm trước và có hơn 2.300 influencer nói về các sản phẩm của CeraVe. Sức ảnh hưởng từ nội dung của Hyram và các influencer, UGC creator khác cũng được chính Marc Toulemonde, chủ tịch bộ phận mỹ phẩm khu vực Bắc Mỹ của L'Oreal (tập đoàn sở hữu Cerave) khẳng định trên trang CNN rằng đã thúc đẩy doanh số bán hàng một cách mạnh mẽ.

Ảnh hưởng đến quyết định mua hàng

2.5. Phân loại UGC Creator

Bất kỳ ai cũng có thể trở thành UGC creator và tạo ra các nội dung liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Nhìn chung, có thể phân loại UGC creator thành các nhóm sau đây:

  • Khách hàng trung thành: Đây là những người dùng thường xuyên mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của một thương hiệu và tạo nội dung trên các kênh truyền thông để chia sẻ trải nghiệm của họ. Họ thường được biết đến với sự trung thành và có ảnh hưởng lớn đối với cộng đồng của thương hiệu đó.

  • Người có sức ảnh hưởng (Influencers): Đây là những cá nhân hoặc nhóm người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội. Họ thường tạo các nội dung UGC để tương tác với người theo dõi của mình và cũng hợp tác với thương hiệu để tạo UGC.

  • Người sáng tạo nội dung (Content Creators): Đây là những người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hoặc trên các nền tảng khác như YouTube, blog cá nhân, podcast... Họ thường tạo ra nội dung liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ của một thương hiệu và chia sẻ trải nghiệm của họ với cộng đồng. Giống influencer, nhãn hàng và các content creators cũng thường bắt tay với nhau để tạo UGC quảng cáo cho một sản phẩm nào đó.

  • Người dùng bình thường: Đây là những người dùng tạo ra UGC chỉ trong một thời gian ngắn, thường là do được kích thích bởi các chiến dịch hay sự kiện đặc biệt của thương hiệu.

3. So sánh UGC Marketing với Influencer Marketing

UGC và Influencer Marketing đều là những chiến lược phổ biến trong các chiến dịch tiếp thị ngày nay, giúp thương hiệu tăng độ tiếp cận, thu hút sự chú ý của khách hàng và từ đó thúc đẩy doanh thu. Tuy nhiên, cả 2 có những điểm khác biệt chính được tóm gọn trong bảng dưới đây:


UGC

Influencer Marketing

Bản chất về nội dung

UGC là những nội dung do người dùng hoặc UGC creator tạo ra. Đó có thể là người dùng bình thường, không phải là những người nổi tiếng hoặc có sức ảnh hưởng lớn.

Nội dung được tạo ra bởi những cá nhân hoặc nhóm có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, có lượng người hâm mộ đáng kể trên nhiều nền tảng khác nhau.

Tính xác thực và đáng tin cậy

Thường được cho là chân thực và đáng tin cậy hơn do được tạo ra bởi người dùng bình thường, không phải là một phần của chiến dịch tiếp thị.

Nội dung do influencer tạo ra thường khá bóng bẩy và có thể gặp phản ứng tiêu cực từ một số người tiêu dùng vì họ coi influencer là những người quảng cáo và không chân thành.

Tầm ảnh hưởng và tiếp cận

Nếu được tài trợ, nội dung của UGC creator sẽ được sử dụng trên các nền tảng khác nhau của thương hiệu thay vì kênh của UGC creator.

Nhờ nội dung chân thật, UGC có khả năng tác động đến nhận thức và niềm tin của người tiêu dùng cao hơn.

Khán giả có thể tương tác với UGC Creator bằng cách nhận xét, chia sẻ nội dung đó, thậm chí tạo UGC của riêng mình.

Influencer thường chia sẻ nội dung quảng cáo trên nền tảng của họ, ví dụ như Instagram, YouTube, Twitter (X) hoặc blog.

Vì có lượng người theo dõi nhất định nên tầm ảnh hưởng của influencer thường lớn hơn UGC creator. Họ cũng có tỷ lệ tương tác cao vì những người theo dõi có xu hướng tương tác tích cực với nội dung của influencer. Đó có thể lượt thích, bình luận, chia sẻ và thậm chí cả mua sản phẩm do influencer quảng bá.

Chi phí

UGC thường không yêu cầu chi phí lớn hoặc hoàn toàn miễn phí.

Có thể đòi hỏi chi phí lớn hơn, đặc biệt là khi hợp tác với các influencer có sức ảnh hưởng lớn.

Kiểm soát nội dung

Thường khó kiểm soát nội dung vì nó được tạo ra bởi người dùng và có thể không phản ánh hoàn toàn ý kiến của thương hiệu.

Với Influencer Marketing, các thương hiệu có một số quyền kiểm soát đối với việc truyền tải thông điệp và trình bày nội dung. Các điều khoản hợp tác thường quy định cách thức và thời điểm influencer đăng bài về sản phẩm.

Đo lường hiệu suất

Việc đo lường tác động của UGC có thể gặp khó khăn do sự đa dạng của nền tảng và nội dung.

Các chiến dịch Influencer Marketing tương đối dễ theo dõi và đo lường hơn bằng cách sử dụng các số liệu như tỷ lệ tương tác, phạm vi tiếp cận, chuyển đổi…

Mục tiêu tiếp thị

Mục tiêu của thương hiệu khi thúc đẩy UGC là nuôi dưỡng ý thức cộng đồng, tăng độ tin cậy, nâng cao lòng trung thành của khách hàng, nhận thức về thương hiệu và mức độ tương tác.

Mục tiêu của thương hiệu là tiếp cận lượng người theo dõi của influencer, trong đó có đối tượng phù hợp với khách hàng mục tiêu của thương hiệu.

>>> Xem thêm: 16 xu hướng Influencer Marketing: “Vén màn” bức tranh bùng nổ thị trường trong năm 2024

4. Làm thế nào để trở thành UGC Creator?

4.1. Xác định thể loại thương hiệu bạn muốn hợp tác

Trước khi tạo tài khoản và trở thành một UGC Creator, bước đầu tiên là xác định lĩnh vực, thể loại mà bạn sẽ theo đuổi. Đó có thể là mỹ phẩm, thời trang, ẩm thực, thể thao… Bạn nên bắt đầu với một thị trường ngách trước, sau đó mở rộng ra các mảng rộng hơn. Natalie Sportelli, Trưởng bộ phận Nội dung tại Thingtesting - một nền tảng dành chuyên review sản phẩm cho biết bằng cách này, bạn có thể tập trung hơn vào một thể loại nội dung và tạo sự khác biệt với các kênh khác.

4.2. Tạo nội dung

Tiếp theo, hãy bắt đầu thực hành sáng tạo nội dung liên quan đến lĩnh vực mà bạn đã chọn và đăng tải chúng lên các mạng xã hội. Nếu tập trung vào UGC hình ảnh, bạn có thể chọn các nền tảng như Pinterest và Instagram. Còn nếu không ngại diễn xuất trước máy quay, hãy tập trung vào Reels trên Instagram và TikTok, đồng thời luyện tập các kỹ năng bổ trợ liên quan như viết kịch bản, quay phim. Sau khi đăng, bạn có thể dựa vào phản hồi và tương tác từ mọi người để phân tích đâu là nội dung hiệu quả, từ đó điều chỉnh và có sự đầu tư phù hợp.

Ngoài ra, để tăng cơ hội các thương hiệu tiếp cận được UGC của mình, bạn không nên sử dụng các hashtag như #UGC hoặc #UGCcreator vì nó sẽ khiến thuật toán chia sẻ nội dung đến các UGC creator khác. Thay vào đó, hãy sử dụng các hashtag liên quan đến ngành và sản phẩm. Bên cạnh đó, đừng quên thêm email và các kênh liên lạc vào phần bio của mình để giúp thương hiệu liên hệ với bạn dễ dàng hơn.

Làm thế nào để trở thành UGC Creator

4.3. Tạo và xây dựng portfolio

Portfolio là một công cụ hữu ích giúp các UGC Creator thể hiện kinh nghiệm chuyên môn và khoe kỹ năng của mình. Hãy đảm bảo rằng portfolio của bạn thể hiện được sự đa dạng cũng như chất lượng của nội dung để thu hút sự chú ý từ người theo dõi và các thương hiệu. Nếu mới bắt đầu, bạn có thể tập trung hơn vào video vì đây là định dạng UGC phổ biến nhất. Một số thể loại video UGC đáng để thử nghiệm và đầu tư là:

  • Mở hộp (unbox): Video mở hộp thường mang đến cái nhìn thực tế về sản phẩm và khiến người xem tò mò, mong đợi. Khi quay, bạn có thể thuật lại chức năng của các phần đi kèm và cách sử dụng chúng.

  • Đánh giá sản phẩm (review): Loại nội dung này tập trung vào việc đánh giá và xếp hạng các sản phẩm hoặc dịch vụ. Các đánh giá của UGC creator nên ngắn gọn, chân thật và có thể chỉ tập trung vào một khía cạnh thay vì toàn bộ sản phẩm.

  • Hướng dẫn sử dụng sản phẩm: Ngoài giới thiệu về cách sử dụng, UGC creator có thể tập trung vào lối sống, cho thấy cách bạn sử dụng sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

5. Chiến lược sử dụng UGC creator hiệu quả

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, UGC đã trở thành một công cụ mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp kết nối với khách hàng tiềm năng. Để có thể khai thác tính chân thực và sự sáng tạo của UGC, từ đó giúp tăng độ nhận diện và thúc đẩy doanh số, các thương hiệu cần lưu ý một số điểm sau:

  • Xác định mục tiêu: Các doanh nghiệp cần xác định rõ mục tiêu trước khi cộng tác với UGC Creator. Cho dù đó là nâng cao nhận thức về thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng hay chỉ đơn giản là tăng danh tiếng, việc đặt mục tiêu rõ ràng sẽ định hướng cho toàn bộ quá trình hợp tác.

  • Xác định và nghiên cứu những UGC creator tiềm năng: Doanh nghiệp nên tìm kiếm những UGC Creator có phong cách và đối tượng khách hàng phù hợp với thương hiệu. Các công cụ phân tích mạng xã hội sẽ giúp doanh nghiệp có những insight giá trị về nhân khẩu học và mức độ tương tác của người dùng.

  • Xây dựng thỏa thuận hợp tác: Thỏa thuận giữa 2 bên có thể bao gồm quy định về chi phí, sản phẩm bàn giao, tiến độ và các yêu cầu cụ thể khác để đảm bảo quá trình hợp tác diễn ra suôn sẻ.

  • Đưa ra brief (bản tóm tắt) rõ ràng: Bản tóm tắt mà thương hiệu gửi cho UGC Creator cần nêu rõ các yêu cầu về hình thức và nội dung của sản phẩm như tông màu, giọng điệu, thông tin về sản phẩm… Tuy nhiên, thương hiệu cũng cần cho UGC Creator không gian sáng tạo để nội dung mang tính chân thực nhất có thể.

  • Đo lường và tối ưu hóa: Thương hiệu nên theo dõi các số liệu như tỷ lệ tương tác, lưu lượng truy cập trang web và chuyển đổi để đánh giá tính hiệu quả của nội dung, đồng thời có hướng điều chỉnh, cải thiện cho lần hợp tác tiếp theo.

Chiến lược sử dụng UGC creator hiệu quả

6. Ví dụ một số thương hiệu sử dụng UGC thành công

6.1. Shot on iPhone - Apple

Trước khi làn sóng UGC và UGC creator bùng nổ như hiện tại, đã có khá nhiều chiến dịch UGC thành công rực rỡ, và một trong số đó là Shot on iPhone của Apple. Được triển khai lần đầu vào 2015, đến hiện tại, Shot on iPhone được xem là một trong những chiến dịch bền bỉ và dài hơi nhất của Apple. Lấy chiến lược UGC làm trọng tâm, mục tiêu của thương hiệu là chứng minh rằng người dùng có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt chỉ bằng cách sử dụng điện thoại di động của họ.

Quay trở lại vào năm 2014, Apple tung ra iPhone 6 và 6 Plus với nhiều cải tiến dành cho camera của điện thoại như chế độ chụp ảnh Panorama độ phân giải cao, quay chậm slow-motion…, tuy nhiên không nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dùng. Bởi vậy, để chứng minh các tính năng ưu việt của camera thế hệ mới, Shot on Iphone đã ra đời và mở đường cho chuỗi chiến dịch tương tự, được tiếp nối mỗi mùa iPhone ra sản phẩm.

Ví dụ một số thương hiệu sử dụng UGC thành công

Khởi động chiến dịch, Apple khuyến khích người người nhà nhà trở thành UGC creator bằng cách chia sẻ hình ảnh và video quay chụp bằng iPhone trên các mạng xã hội với hashtag #ShotOniPhone. Hình ảnh và video thu thập được từ người dùng ở 24 quốc gia sau đó đã được chọn lọc và đăng lên các kênh truyền thông của hãng. Bên cạnh đó, Apple cũng mở rộng phạm vi chiến dịch bằng cách đặt 10 nghìn bảng quảng cáo billboard ở 25 quốc gia để trưng bày 77 bức ảnh của người dùng kèm hashtag #ShotOniPhone.

Suốt 8 năm qua, Shot on iPhone vẫn là một trong những chiến dịch kinh điển của Apple và không ngừng được triển khai, đổi mới. Ngoài OOH, TVC, quảng cáo trên mạng xã hội, thương hiệu cũng hợp tác với UGC creator là người nổi tiếng như ca sĩ Lady Gaga, Selena Gomez… để quay các MV hoàn toàn bằng iPhone. Trong khuôn khổ chiến dịch tại thị trường Việt Nam, năm 2023, Apple từng hợp tác với đạo diễn Phương Vũ và blogger Yến Jii để sản xuất các video ngắn mang đậm bản sắc Việt Nam. Gần đây nhất, nhà táo đã kết hợp với nghệ sĩ Tlinh để quay MV ca nhạc “Đừng làm nó phức tạp” bằng iPhone 15, đồng thời quảng bá cho sản phẩm này.

6.2. My Crocs Era - Crocs

Ra mắt vào năm 2002, những đôi giày có lỗ giống như pho mát Thụy Sĩ của Crocs đã trở thành biểu tượng của thời đại. Để khuyến khích người dùng chia sẻ trải nghiệm cá nhân và cách họ sáng tạo với những đôi Crocs, năm 2023, thương hiệu này đã triển khai chiến dịch My Crocs Era và thu hút rất nhiều fan của thương hiệu cũng như các UGC creator tham gia.

Cụ thể, trên các trang mạng xã hội như TikTok, X, Crocs đã khuyến khích mọi người chia sẻ cách họ làm mới những đôi Crocs bằng các phụ kiện nhỏ xinh, cũng như những khoảnh khắc gần gũi của đôi giày trong cuộc sống đời thường kèm hashtag #mycrocsera.

Bằng cách ứng dụng UGC, chiến dịch đã được cộng đồng fan của Crocs hưởng ứng tích cực, đồng thời tạo hiệu ứng tốt trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ riêng trên TikTok, hashtag #mycrocsera đã thu về 105,7 triệu lượt xem.

My Crocs Era - Crocs

6.3. Wanderlust - National Geographic

Trên Instagram, National Geographic là một trong những tạp chí về tự nhiên hàng đầu, sở hữu 284 triệu người theo dõi. Tận dụng lợi thế này, National Geographic đã triển khai nhiều chiến dịch UGC thành công, nổi bật là cuộc thi Wanderlust năm 2015.

Cụ thể, người tham gia cuộc thi cần chụp ảnh về con người, địa điểm và trải nghiệm trong chuyến du lịch của mình rồi chia sẻ chúng trên Instagram với hashtag #wanderlustcontest. Một trong những tác phẩm ấn tượng nhất là bức ảnh của nhiếp ảnh gia Gaylen Wampler, chụp ba người bạn đứng bên cửa núi Yasur ở Vanuatu. Tác phẩm này đã giúp anh giành chiến thắng và đạt được giải thưởng là một cuộc chuyến đi đến Công viên Quốc gia Yosemite.

Wanderlust - National Geographic

Với thể lệ và cách thức tham gia đơn giản, cuộc thi của National Geographic đã thu hút nhiều đối tượng tham gia, bao gồm cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người cầm máy nghiệp dư. Kết quả, đã có hơn 55.000 bức ảnh trên Instagram với hashtag #wanderlustcontest do các UGC creator tạo ra. Đồng thời, nó cũng chứng minh rằng nội dung người do dùng tạo ra có chất lượng chẳng kém gì nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.

Tổng kết:

Kế thừa những ưu điểm của hình thức marketing truyền miệng, sức ảnh hưởng và độ hiệu quả của UGC là điều mà các thương hiệu không thể phủ nhận. Bởi vậy, trong những chiến dịch tương lai, các marketer có thể cân nhắc hợp tác với các User Generated Content để khai thác công cụ này hiệu quả và có chủ đích hơn, đảm bảo nội dung, thông điệp tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu và đạt mục tiêu tiếp thị.  Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về UGC Creator là gì? và có được những chiến lược UGC thật ấn tượng trong tương lai.

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.