cover

TOP 7 Xu hướng marketing 2024: Kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) và marketing xanh

27 Thg 07

Marketing luôn thay đổi và có những xu hướng mới phù hợp với sự phát triển của xã hội, Chính vì vậy nắm bắt kịp thời các xu hướng marketing là một lợi thế cạnh tranh đối với các đối thủ.

Trải qua nửa đầu năm 2023 đầy biến động, bối cảnh thị trường chuyển biến rõ rệt kéo theo những xu hướng marketing 2024, dự kiến sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh tiếp thị toàn cầu trong năm 2024. Trong đó, phải kể đến sự bùng nổ mạnh mẽ của tiếp thị tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo AIlàn sóng phát triển bền vững với marketing xanh cùng các xu hướng như SMS Commerce, xu hướng C2B2C,... sẽ giúp các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. 

7 Xu hướng Marketing 2024 có gì và bức tranh tiếp thị toàn cầu thay đổi ra sao?

1. Quảng cáo bằng các nền tảng trí tuệ nhân tạo AI

Năm 2024 được Trend Hunter dự báo sẽ là một kỷ nguyên mới của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong tự động hóa chiến dịch quảng cáo. Những ứng dụng của AI trong quảng cáo ngày càng trở nên đa dạng hơn: Từ việc thiết kế hình ảnh, video, văn bản quảng cáo, cho đến cải thiện quy trình quảng cáo và trải nghiệm khách hàng,... Việc sử dụng AI trong quảng cáo đang mang lại cho thương hiệu những lợi thế rất lớn về nguồn ngân sách và hiệu suất công việc.

Hiện nay đã có rất nhiều doanh nghiệp Startup và các ông lớn trong ngành truyền thông khởi động xu hướng này bằng hàng loạt dự án phát triển và ra mắt nền tảng quảng cáo tùy chỉnh bằng AI. Trong đó phải kể đến một số ứng dụng nổi bật như: 

  • AI-Generated Ad Platform - Nền tảng sử dụng AI để tạo quảng cáo theo yêu cầu: Adpilot từ Picsart là một trong những ví dụ điển hình của công nghệ này.
  • AI-Powered Marketing Services - Dịch vụ tiếp thị bằng AI: Cho phép các thương hiệu thực hiện tự động hóa nhiều tác vụ tiếp thị trên một nền tảng, điển hình như tiếp thị Omnichannel - Skai.
  • Robotic Process Automation - Tự động hóa tiếp thị bằng Robot: Sử dụng robot trong tiếp thị là một xu hướng khá mới mẻ, công nghệ này cho phép tự động hóa những quy trình làm việc lặp lại của nhân sự marketing thông qua robot. Fluency.inc là một trong những thương hiệu đi đầu trong lĩnh vực này. 
  • Contextual Intelligence - Công nghệ phân tích & cảnh báo xu hướng, rủi ro thương hiệu: Sử dụng AI để phân tích xu hướng, phản hồi của khách hàng theo thời gian thực và đưa ra những cảnh báo chính xác. Công nghệ này đã được cung cấp bởi một số đơn vị như GumGum hay Dentsu.
Quảng cáo bằng các nền tảng trí tuệ nhân tạo AI đang là xu hướng marketing 2024 và các năm tới

Quảng cáo bằng các nền tảng trí tuệ nhân tạo AI đang là xu hướng marketing 2024 và các năm tới

2. Điều phối quá trình tương tác với khách hàng 

Bài toán chăm sóc khách hàng đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn thông qua những nền tảng công nghệ cho phép điều phối hoạt động tương tác với khách hàng. Bằng việc sử dụng các phần mềm tự động hóa trong giao tiếp với khách hàng, thương hiệu có thể cải thiện đáng kể tốc độ phản hồi, quy trình phân phối,... 

Tuy nhiên, tự động hóa tương tác với khách hàng vẫn còn tồn đọng nhiều hạn chế, đặc biệt khi xảy ra sự cố, có vấn đề phát sinh hoặc có sự tham gia của nhiều bên thứ 3 như đơn vị giao hàng,...

Một số những nền tảng tiêu biểu cho xu hướng này phải kể đến như:

    • Nền tảng cho phép theo dõi đơn hàng Realtime: Vexsys là một nền tảng nổi bật của xu hướng này, nó cho phép doanh nghiệp liên lạc với khách hàng vào theo dõi đơn hàng theo thời gian thực.
    • Nền tảng phân phối sử dụng công nghệ Cloud-Based: Là những nền tảng khả năng cập nhật đơn hàng liên tục dựa trên Cloud, tối ưu hóa tuyến đường giao hàng bằng AI, tương tác hai chiều với khách hàng... điển hình như DispatchTrack.
    • Chat-bot thương mại điện tử: Là các ứng dụng của công nghệ AI trong tương tác tự động với khách hàng trên các website thương mại điện tử, điển hình như Zowie.
Điều phối quá trình tương tác với khách hàng

Điều phối quá trình tương tác với khách hàng

3. Thương mại qua ứng dụng tin nhắn - SMS Commerce 

Với sự phổ biến smartphone, tiếp thị và bán hàng thông qua SMS đang và sẽ trở thành một xu hướng marketing 2024 quan trọng. Hiện nay, rất nhiều thương hiệu bán lẻ đang nỗ lực tích hợp dịch vụ mua sắm vào các ứng dụng SMS trên điện thoại di động, nhằm tạo nên một trải nghiệm mua hàng liền mạch nhất cho người dùng. Việc tích hợp này có thể cho phép khách hàng mua, thanh toán, duyệt giỏ hàng,... trực tiếp thông qua tin nhắn thay vì phải truy cập vào website hay mobile app. 

Tuy nhiên, SMS Commerce vẫn chưa phải là một mô hình quen thuộc với mọi khách hàng. Việc điều hướng đến trang mua sắm ngay trên một màn hình điện thoại nhỏ cũng có thể khiến cho khách hàng cảnh giác hoặc cảm thấy phiền toái. Vì vậy, một số doanh nghiệp đã kết hợp Chatbot AI để tương tác và điều hướng hoạt động mua sắm trên SMS dễ dàng và thân thiện hơn với người dùng. 

Một số giải pháp cho xu hướng này phải kể đến như:

  • Dịch vụ Text-to-shop cho cửa hàng bán lẻ: Cho phép người dùng nhắn tin cho cửa hàng để đặt hàng dễ dàng hơn, điển hình như mô hình Text-To-Shop của Walmart.
  • Tính năng mua hàng bằng tin nhắn cho sàn thương mại điện tử: Shopify là một trong những thương hiệu tiên phong của xu hướng này.
  • Ứng dụng thanh toán qua tin nhắn: Tăng khả năng giữ chân khách hàng đến những bước cuối cùng bằng tính năng thanh toán qua tin nhắn, điển hình như cú bắt tay của Postscript và ShopPay.
  • Dịch vụ thương mại SMS: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, nền tảng cho phép thương hiệu bán lẻ khác có thể bán hàng qua SMS. 
Thương mại qua ứng dụng tin nhắn - SMS Commerce

Thương mại qua ứng dụng tin nhắn - SMS Commerce

4. Tối ưu trải nghiệm khách hàng bằng thiết kế bao bì độc đáo

Bên cạnh các xu hướng Digital Marketing, tối ưu trải nghiệm của khách hàng đối với bao bì cũng là một trong những vấn đề được nhiều thương hiệu quan tâm trong thời gian tới. Không chỉ để bảo quản sản phẩm, thiết kế bao bì sản phẩm độc đáo, bắt mắt trở thành một điểm nhấn mới trong mắt người tiêu dùng, thể hiện được cá tính và thông điệp của thương hiệu.  

Ngoài ra, với xu hướng mua sắm trên thương mại điện tử, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng bao bì nhỏ gọn, chiếm ít không gian và bảo quản tốt đồ dùng bên trong. Bên cạnh đó, mức độ an toàn và khả năng tái chế của bao bì trở thành một yếu tố được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm khi các vấn đề về môi trường đang trở thành điểm nóng trên toàn cầu. 

Một số chiến lược thiết kế bao bì ấn tượng phải kể đến như: 

  • Bao bì làm từ nấm: Bao bì nấm có thể phân hủy dễ dàng và cho phép sử dụng với nhiều sản phẩm đa dạng. 
  • Túi đóng hàng có thể phân hủy sinh học: Điển hình như comPOST của Better Packaging có khả năng phân hủy sinh học sau 2 tháng.
  • Máy in sợi Mycelium 3D: BioLab Studio đã phát triển một hệ thống in Mycelium - một giải pháp mới cho các loại bao bì bảo vệ môi trường. 
  • Bao bì thương mại điện tử được thiết kế riêng (Bespoke): Tăng cường trải nghiệm và giữ chân khách hàng trong những lần mua tiếp theo bằng các bao bì được thiết kế riêng biệt, độc đáo. Xu hướng này đã và đang được nhiều thương hiệu đầu tư mạnh mẽ. Mình chứng là Packhelp - Một đơn vị sản xuất bao bì thiết kế riêng đã kiếm được 45,6 triệu đô cho dịch vụ này. 
Tối ưu trải nghiệm khách hàng bằng thiết kế bao bì độc đáo

Tối ưu trải nghiệm khách hàng bằng thiết kế bao bì độc đáo

5. Xu hướng C2B2C bùng nổ mạnh mẽ

Những nền tảng kết nối giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng thông qua doanh nghiệp (C2B2C) đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu. Hiện nay, xu hướng mua đồ second hand, xoay vòng sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến hơn nhằm tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Điển hình với các dòng sản phẩm quần áo, công nghệ hay đồ nội thất,.... Khi người tiêu dùng không còn nhu cầu sử dụng, họ có thể pass lại đồ đạc cho những người dùng khác. Tuy nhiên việc mua đi bán lại tiềm ẩn nhiều rủi ro lừa đảo và không đảm bảo chất lượng. 

Vì vậy người tiêu dùng cần một bên thứ 3 trung gian để đảm bảo tính an toàn khi mua đi bán lại sản phẩm. Nhờ đó, mô hình C2B2C trở thành một hướng đi mới được kỳ vọng sẽ bùng nổ mạnh trong thời gian tới.

Mô hình C2B2C cho phép người tiêu dùng bán các sản phẩm không sử dụng tới tay những người tiêu dùng khác có nhu cầu. Doanh nghiệp ở giữa đóng vai trò xử lý các giao dịch và xác minh chất lượng của các mặt hàng được mua bán. Điển hình như một số mô hình sau:

  • Hệ thống tái sử dụng nội thất: Ví dụ như IKEA đã ra mắt Chương trình 'Mua lại & Bán lại' trong Hoa Kỳ.
  • Mua bán quần áo đã qua sử dụng: Tại Việt Nam Piktina là một trong những ứng dụng tiêu biểu của xu hướng này. 
  • Thị trường linh kiện đã qua sử dụng: Frame.work cho phép khách hàng bán sản phẩm đã qua sử dụng trên trang web của mình
  • Nền tảng dành cho những thương hiệu bán lại: Relove là một sân chơi cho phép các người bán mở các cửa hàng đồ theo mô hình C2B2C, giúp cho người bán lại có thể tạo nên một thương hiệu riêng trên nền tảng.
Xu hướng C2B2C bùng nổ mạnh mẽ

Xu hướng C2B2C bùng nổ mạnh mẽ

6. Phát triển bền vững trở thành xu hướng mới để chinh phục GenZ

Gen Z có sự quan tâm rất lớn đến các vấn đề xã hội và môi trường, đồng thời đánh giá cao các thương hiệu thân thiện với môi trường. Thế hệ Z cũng đang dần hình thành thói quen mua hàng bền vững, vì vậy các thương hiệu vừa đáp ứng tốt nhu cầu của họ vừa có tính bền vững sẽ có được sự trung thành lâu dài của nhóm người dùng này. 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tạo thiện cảm và thu hút người tiêu dùng thông qua những hoạt động mang tính phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Một trong những cách thức phổ biến nhất là tổ chức các chương trình, giải thưởng & cuộc thi, trò chơi về môi trường, tái chế,... đi kèm với những thách thức và phần thưởng hấp dẫn. 

Tiêu biểu như: Máy tái chế dưới dạng gaming từ Olyns & Mars Wrigley, ZeLoop -  ứng dụng tái chế dựa trên nền tảng Blockchain dành cho bao bì thực phẩm hay ReTok - Cửa hàng phần thưởng bền vững của Nature Valley kết hợp cùng TikTok,...

Phát triển bền vững trở thành xu hướng mới để chinh phục GenZ

Phát triển bền vững trở thành xu hướng mới để chinh phục GenZ

Bên cạnh đó, các sản phẩm tuổi dậy thì theo xu hướng xanh, tái sử dụng cũng đang trở thành một hướng đi mới để thương hiệu có thể chinh phục thế hệ Z. Điển hình như: Bộ dụng cụ băng kinh nguyệt có thể tái sử dụng Öko-Teens, hay chiến dịch chăm sóc sức khỏe trong thời kỳ dậy thì của Thinx,...  là các ví dụ tiêu biểu của xu hướng ngày.

7. Các nền tảng cộng đồng tài chính, ngân hàng 

Xây dựng cộng đồng là một trong những xu hướng marketing 2024 về ngành tài chính ngân hàng. Nhiều người dùng e ngại các nền tảng, dịch vụ tài chính do thiếu kiến thức về tài chính. Đó chính là lý do các cộng đồng tài chính & ngân hàng được ra đời với mục tiêu tạo nên một không gian cho người dùng có thể chia sẻ, học hỏi và giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với các dịch vụ tài chính. 

Public.com là một ví dụ điển hình của xu hướng này, Ứng dụng này giúp các nhà đầu tư có thể chia sẻ kiến thức và thông báo cho nhau về các tín hiệu đầu tư hấp dẫn.

Các nền tảng cộng đồng tài chính, ngân hàng

Lời kết

Nhìn chung xu hướng Marketing 2024 sẽ tiếp tục tập trung vào những ứng dụng công nghệ nhằm tối ưu hóa hiệu suất & hiệu quả công việc. Ngoài ra, các vấn đề về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường,... vẫn tiếp tục là tâm điểm chú ý của người tiêu dùng, đồng thời cũng chính là hướng truyền thông marketing hiệu quả cho mọi thương hiệu.

Hải Yến | MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.