Báo cáo Xu hướng tiêu dùng 2024 từ Nielsen IQ: Lòng trung thành của người tiêu dùng lung lay vì nhu cầu cắt giảm chi tiêu

29 Thg 03

Trong báo cáo tiêu dùng 2024 mới nhất từ NielsenIQ (NIQ), có thể thấy làn sóng suy thoái kinh tế và lạm phát đã làm thay đổi đáng kể nhu cầu, hành vi và động lực mua sắm của người tiêu dùng. Từ đó, đòi hỏi các thương hiệu cần có những cách thức tiếp cận mới, đáp ứng nhu cầu phức tạp của người tiêu dùng toàn cầu trong bối cảnh thị trường mới. Cùng tìm hiểu về những xu hướng mới nhất của người tiêu dùng trong năm 2024 theo báo cáo từ NIQ!

#1. Người tiêu dùng chịu áp lực lớn bởi Chi phí gia tăng & Suy thoái kinh tế trong năm 2024

Theo khảo sát của NIQ vào năm 2024, người tiêu dùng vẫn đang chịu khá nhiều áp lực bởi tình trạng gia tăng chi phí sinh hoạt trên toàn cầu, cũng như làn sóng suy thoái kinh tế, tương tự như năm 2023. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn trên toàn cầu trong thời gian vừa qua cũng khiến người tiêu dùng bắt đầu quan tâm và lo lắng hơn hơn tới các vấn đề xung đột và khủng hoảng giữa các khu vực. Cụ thể, top 10 vấn đề mà người tiêu dùng đang chú trọng nhiều nhất trong năm nay bao gồm:

  • Giá thực phẩm tăng cao 36%
  • Gia tăng tiện ích 19%
  • Suy thoái kinh tế 17%
  • Xung đột/khủng hoảng leo thang toàn cầu 13%
  • Sự nóng lên toàn cầu/môi trường 12%
  • Chi phí nhà ở tăng 11%
  • Phúc lợi/hạnh phúc cá nhân 10%
  • Khả năng cung cấp những thứ cơ bản cho gia đình 10%
  • Bảo đảm việc làm 10%
  • Chi phí nhiên liệu/vận chuyển 9%

Người tiêu dùng chịu áp lực lớn bởi Chi phí gia tăng & Suy thoái kinh tế trong năm 2024

Tình trạng áp lực về tài chính dự báo sẽ còn diễn ra tới hết năm nay bởi tốc độ tăng lương của người tiêu dùng trên toàn thế giới dự kiến sẽ chậm hơn tốc độ tăng của CPI - Chỉ số giá tiêu dùng, ở hầu hết các thị trường trên toàn cầu. Theo NIQ, mặc dù mức độ tăng trưởng của lạm phát sẽ chậm lại trong năm 2024 tuy nhiên điều này không có nghĩa là sẽ xảy ra tình trạng giảm phát.

#2 Sự thay đổi về nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng 2024:Chi tiêu tiết kiệm & khoa học hơn

Lạm phát khiến cho nhu cầu các mặt hàng FMCG có xu hướng giảm nhẹ

Tình trạng lạm phát đã ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu của người tiêu dùng đối với các mặt hàng fmcg. Trong đó nhu cầu đối với các nhóm sản phẩm fmcg phần lớn đều có xu hướng giảm nhẹ so với năm 2023.

Đối với nhóm sản phẩm ẩm thực, ngoài mảng bánh kẹo & snack vẫn giữ nguyên, phần lớn tổng lượng tiêu thụ các mặt hàng còn lại như đồ hộp, đồ uống, đồ tươi, đồ đông lạnh,... đều giảm nhẹ so với năm 2023. Ngoài ẩm thực, các nhóm sản phẩm khác thuộc FMCG cũng có xu hướng giảm, ngoại trừ mảng sức khỏe và làm đẹp có xu hướng tăng nhẹ khoảng 1%.

Những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống được ưu tiên

Đứng trước những khó khăn về mặt tài chính, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên cho những sản phẩm thiết yếu và cách giảm chi tiêu đối với những sản phẩm không thiết yếu. Các nhóm sản phẩm có xu hướng được người tiêu dùng giảm chi tiêu trong năm 2024 phần lớn là những nhu cầu không quá thiết yếu như ăn uống, giải trí bên ngoài, quần áo, đồ trang trí,... cụ thể:

  • Ăn uống bên ngoài
  • Giải trí bên ngoài
  • Giao đồ ăn/mang về
  • Quần áo, trang phục
  • Trang trí nhà cửa

Các nhóm sản phẩm có xu hướng được chi tiêu nhiều hơn trong năm 2024 phần lớn là những sản phẩm phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu như ăn ở, di chuyển. Cụ thể

  • Tiện ích
  • Sản phẩm tươi sống
  • Sức khỏe & Thể chất
  • Thịt tuơi sống
  • Chi phí vận tải
  • Tiết kiệm và đầu tư
Sự thay đổi về nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng 2024:Chi tiêu tiết kiệm & khoa học hơn

#3 Sự thay đổi về nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng trong năm 2024: Tránh lãng phí & bảo vệ sức khỏe

Những áp lực trong vấn đề về tài chính đã làm thay đổi đáng kể cách thức làm việc và sinh hoạt của người tiêu dùng. Theo NIQ, năm 2024 sẽ là một năm để tái định hình giá trị tiêu dùng trên toàn cầu. Trong đó, những nhóm nhu cầu quan trọng của người tiêu dùng trong thời gian này bao gồm:

1. Lối sống ở nhà

  • 29% thích làm việc tại nhà
  • 46% dành nhiều thời gian ở nhà, đi chơi ít hơn
2. Tránh lãng phí trong chi tiêu

  • 29% không lãng phí thức ăn thừa
  • 38% không cần chi tiêu quá nhiều để hạnh phúc
  • 56 % chỉ mua những gì sẽ sử dụng để tránh lãng phí

3. Bảo vệ sức khỏe & phòng ngừa bệnh tật

  • 40% chủ động trong việc ngăn chặn các vấn đề về sức khỏe

4. Kiểm soát căng thẳng

  • 18% khó cân bằng nhu cầu công việc và gia đình

5. Lập kế hoạch ngân sách

  • 42% Luôn so sánh giá trước khi lựa chọn
  • 43% lên kế hoạch trước khi tôi mua sắm để quản lý chi tiêu
  • 46% chuẩn bị danh sách mua sắm trước khi mua sắm

6. Tìm kiếm sự thuận tiện

  • 12% ăn nhiều hơn từ các cơ sở ăn uống phục vụ nhanh
  • 31% mua thêm các món ăn dễ chế biến tiện lợi
Sự thay đổi về nhu cầu sinh hoạt của người tiêu dùng trong năm 2024: Tránh lãng phí & bảo vệ sức khỏe

#4. Duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng sẽ là một thách thức vào năm 2024

Như đã phân tích, những áp lực về tài chính đang khiến cho người tiêu dùng có xu hướng tiết kiếm và tối giản chi tiêu nhiều hơn trong thời gian tới. Trong khi đó, nhu cầu tiết kiệm của người tiêu dùng lại bị tác động mạnh bởi nhiều yếu tố ngoại cảnh mà thương hiệu khó có thể kiểm soát. Cụ thể như:

  • Tìm kiếm mức giá thấp hơn 89%
  • Chuyển đổi sản phẩm/thương hiệu 74%
  • Giảm tổng chi tiêu 72%
  • Chuyển đổi cửa hàng 65%
  • Chuyển đổi lượng sản phẩm 49%
  • Ưu tiên nhu cầu thiết yếu 43%

Vì vậy, việc giữ chân và duy trì lòng trung thành của người tiêu dùng, cân bằng giữa việc giảm giá và lợi nhuận sẽ là một thách thức rất lớn đối với các thương hiệu trong năm 2024.

Theo khảo sát của NIQ, trong bối cảnh giá cả thị trường leo thang, người tiêu dùng đang mong muốn rằng các thương hiệu sẽ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ đáng tiền hơn, có giá trị cao hơn nếu giá tiếp tục tăng cao. Cụ thể, khảo sát của NIQ cho thấy những mong muốn của người tiêu dùng trong 3 tháng tới, nếu giá cả tiếp tục tăng, bao gồm:

  • Cung cấp các gói sản phẩm tiết kiệm với mức giá thấp hơn cho mỗi sản phẩm 36 %
  • Phát hành các kích thước gói mới, nhỏ hơn với giá thấp hơn 18%
  • Cung cấp cùng số lượng bán hàng nhưng với mức tiết kiệm ít hơn 11%
  • Giảm nhẹ thước bao bì của sản phẩm nhưng vẫn giữ nguyên giá 11%
  • Tăng giá các mặt hàng hiện có một cách tương ứng 9%
  • Sản xuất sản phẩm chất lượng thấp hơn một chút nhưng vẫn giữ nguyên giá 8%

Đây là những căn cứ quan trọng để thương hiệu có thể đưa ra các chiến lược giá và sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời điểm kinh tế khó khăn, đồng thời cân bằng với tình trạng gia tăng chi phí trên toàn cầu.

#5 Vẫn tồn tại nhiều tín hiệu tích cực trong thời buổi suy thoái

Bên cạnh những khó khăn do lạm phát và suy thoái kinh tế, thị trường tiêu dùng toàn cầu vẫn tồn tại nhiều điểm sáng.

Private Label Product có nhiều tiềm năng phát triển

Private Label là khái niệm dùng để chỉ những sản phẩm mang thương hiệu của một nhà bán lẻ, nhưng thực tế được sản xuất bởi một bên khác sản xuất. Mặc dù, tốc độ tăng trưởng có phần chậm lại trong thời gian vừa qua, nhưng Private Label vẫn đang là nhóm sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu và được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Theo NIQ, tổng giá trị của thị trường Private Label tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó khu vực Châu Á Thái Bình Dương tăng tới 16,7%.

Chiến lược cải tiến sản phẩm mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp

Các nhà sản xuất thực hiện đổi mới cách thức bán hàng trong năm 2022 đã tăng trưởng doanh số tổng cao gấp 1,8 lần so với những nhà sản xuất không cải tiến cách bán hàng. Bên cạnh đó, 63% người tiêu dùng toàn cầu cho biết họ sẽ mua một sản phẩm đã được cải tiến để có giá cả phải chăng nhất có thể. Vì vậy, việc đổi mới trong sản phẩm cũng như cách thức tiếp cận khách hàng là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp cần phải xem xét trong năm 2024.

Thị trường Thiết bị Truyền tải & Phân phối có xu hướng tăng trưởng trở lại

Gần bốn năm sau đại dịch Covid, các ngành hàng bước vào những chu kỳ phát triển mới, đặc biệt là nhóm sản phẩm điện thoại thông minh và PC di động. Theo đó, Nhóm ngành Viễn thông dự kiến sẽ tăng trưởng tích cực vào năm 2024, hướng tới những thiết bị cao cấp.

Ngoài ra, khi theo dõi doanh số bán hàng dài hạn của nhóm ngành này, có thể thấy số lượng TV bán ra trong thời gian sắp diễn ra các sự kiện thể thao lớn có xu hướng tăng mạnh. Trong khi đó, 2024 là năm của các hoạt động thể thao hàng đầu thế giới như: Thế vận hội Olympic 2024 và Giải vô địch bóng đá châu Âu,... dự đoán sẽ tạo nên những cơ hội rất tiềm năng cho mảng Điện tử tiêu dùng.

Thương mại điện tử vẫn mang lại cơ hội tăng trưởng toàn cầu cao

Bất chấp tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang chững lại trong thời gian vừa qua, thị trường thương mại điện tử vẫn sẽ có cơ hội tăng trưởng toàn cầu vào năm 2024. Theo NIQ, hiệu suất bán hàng trực tuyến trên toàn cầu tăng 9%, mở ra cơ hội lớn cho mảng thị trường này.

Tăng cường hợp tác mang lại cơ hội tăng trưởng lợi nhuận lâu dài hơn

Một nghiên cứu gần đây của NIQ/Coresight cho thấy lợi thế hàng đầu của việc tăng cường hợp tác giữa các bên như nhà sản xuất và nhà phân phối đã giúp khả năng đáp ứng nhu cầu của người mua hàng gia tăng đáng kể. Ngoài ra, các chiến lược hợp tác giữa các doanh nghiệp cũng làm tăng hiệu quả và năng suất hoạt động nhiều hơn, từ đó tác động trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận chung của công ty. Cụ thể, NIQ đã liệt kê những lợi ích của việc hợp tác giữa các bên bao gồm:

  • Tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của người mua hàng
  • Nâng cao hiệu quả hoạt động
  • Giảm chi phí chuỗi cung ứng
  • Chiến lược khuyến mãi mạnh mẽ hơn
  • Thực hiện đơn hàng nhanh hơn
  • Giá cả thuận lợi hơn

#6 Thương hiệu cần làm gì trước những khó khăn & thách thức từ người tiêu dùng trong năm 2024?

Với những áp lực từ phía người tiêu dùng và tình hình thị trường, 2024 sẽ là một năm có khá nhiều thách thức cho mọi doanh nghiệp. Để đứng vững trước cơn bão suy thoái đó, doanh nghiệp nên chú trọng tới 6 giải pháp trọng điểm sau:

  • Định hình lại mục đích của quảng cáo: Doanh nghiệp cần cân bằng lại giữa các mục tiêu phát triển dài hạn, bền vững và mục tiêu lợi nhuận trong bối cảnh thị trường đang chậm lại. Việc tập trung quá nhiều vào những lợi ích ngắn hạn có thể gây tổn hại đến lợi nhuận dài hạn. Vì vậy, thương hiệu cần định hình lại mục tiêu của các hoạt động quảng cáo sao cho phù hợp giữa lợi nhuận ngắn hạn và tiềm năng phát triển trong dài hạn.
  • Tối đa hóa chủng loại sản phẩm: Các doanh nghiệp có thể điều chỉnh chiến lược tiếp thị và mở rộng chủng loại sản phẩm, mức giá,... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.
  • Đổi mới để luôn phù hợp với xu hướng mới: Các thương hiệu phải đánh giá lại vị thế của mình và đổi mới cách thu hút người tiêu dùng, để thích ứng với những thay đổi về nhu cầu trong thời gian tới.
  • Tiếp cận người tiêu dùng bất cứ nơi nào họ có mặt: Người tiêu dùng di chuyển linh hoạt qua các rất nhiều kênh để đáp ứng nhu cầu thông tin, mua sắm của họ. Vì vậy, để tăng trưởng doanh số, thương hiệu cần có sự cân bằng, kết nối chặt chẽ giữa các kênh offline và online.
  • Lấy người mua làm trung tâm cho mọi quyết định: Lắng nghe tiếng nói của người tiêu dùng để đưa ra những chiến lược cắt giảm chi phí, chiến lược tiếp cận phù hợp nhất.
  • Chú trọng tới những chủ đề về sức khỏe: Người tiêu dùng đang chuyển đổi sự quan tâm nhiều hơn với các vấn đề về sức khỏe và tuổi thọ của họ. Vì vậy, đây là insight quan trọng để các thương hiệu có thể chiến thắng trong lòng người tiêu dùng trong năm 2024.

>>> Xem thêm: Báo cáo về Eco-Active: Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế liệu có tác động đến xu hướng tiêu dùng bền vững?

Lời kết:

Nhìn chung, 2024 vẫn sẽ là một năm có nhiều khó khăn và áp lực đối với người tiêu dùng, đặc biệt về lĩnh vực tài chính. Trong đó, việc cắt giảm, tiết kiệm chi tiêu, tập trung nhiều hơn vào các nhu cầu thiết yếu, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe,... sẽ là những nhóm nhu cầu được quan tâm nhiều nhất trong thời gian tới. Để có thể thích nghi trước những thay đổi đó, thương hiệu cần có chiến lược đổi mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, đồng thời tăng cường việc hợp tác giữa các nhà bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất,....

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.