- Thông điệp truyền thông là gì?
- Ý nghĩa thông điệp truyền thông là gì?
- Các bước viết thông điệp truyền thông hiệu quả
- Bước 1: Bắt đầu với Insight của khách hàng
- Bước 2: Tạo độ tin tưởng
- Bước 3: Cô đọng và rõ ràng thông điệp truyền tải
- Bước 4: Hình ảnh hóa thông điệp hiệu quả
- Các thông điệp truyền thông của các nhãn hàng ấn tượng, sáng tạo
- Thông điệp truyền thông của Vinamilk
- Thông điệp truyền thông của Coca Cola
- Thông điệp truyền thông của Milo
- Thông điệp truyền thông của VinFast
Thông điệp truyền thông là gì?
Thông điệp truyền thông là thông điệp ấn tượng bất kỳ nào đó mà một doanh nghiệp muốn hướng tới công chúng, khách hàng thông qua hình ảnh, slogan. Thông điệp thường gắn liền với tên gọi, sứ mệnh của doanh nghiệp đó. So với thông điệp nội dung thì thông điệp truyền thông ngắn gọn và đơn giản hơn nhiều.
Sự phát triển của mạng xã hội, đã ngày càng đưa công chúng tới nhiều hơn các thông điệp mỗi ngày. Trung bình một người có thể tiếp nhận tới 1500 thông điệp, do đó phải làm sao để thông điệp của bạn tới được công chúng, làm thế nào để họ nhớ đến bạn giữa các thông điệp khác không phải là điều dễ dàng.
Ví dụ về thông điệp truyền thông:
- Diana - Là con gái thật tuyệt!
- Viettel - Hãy nói theo cách của bạn
- Biti's - Nâng niu bàn chân Việt
>>> Xem thêm:
Ý nghĩa thông điệp truyền thông là gì?
Thông điệp truyền thông mang đến sự thay đổi tích cực trong nhận thức, cảm xúc và hành vi của khách hàng đối với thương hiệu. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn thương hiệu của mình được ghi dấu ấn trong tâm trí khách hàng, ngoài yếu tố về cảm xúc họ còn có thể tạo nên lợi thế cạnh tranh so với đối thủ.
Ngoài ra, thông điệp marketing còn là cung cấp thêm nhiều thông tin cũng là động lực để khách hàng tiềm năng khai thác, tham khảo và tìm kiếm thêm nhiều thông tin hơn về sản phẩm, dịch vụ.
Các bước viết thông điệp truyền thông hiệu quả
Bước 1: Bắt đầu với Insight của khách hàng
Nói đúng ra thì đi tìm Insight luôn là khởi điểm cho một thông điệp, một thông điệp giúp thương hiệu “bán được hàng”. Ai cũng biết Insight là sự thật ngầm hiểu, là nhu cầu hay vấn đề thầm kín mà khách hàng chẳng bao giờ nói ra hoặc thậm chí còn không biết tới cho đến khi được nhắc về nó.
Tuy quan trọng là thế, lại có rất nhiều người biết cách và quy trình tìm ra một Insight tốt, độc đáo khiến thương hiệu thực sự nổi trội vượt bậc so với các đối thủ cạnh tranh. Đây là 4 bước cơ bản bạn có thể áp dụng:
- Xác định đối tượng khách hàng mục tiêu: không những về các tiêu chí cơ bản như tuổi tác, giới tính nghề nghiệp… mà còn bao gồm cả những vấn đề gặp phải, lí do họ mua sản phẩm…
- Áp dụng xen kẽ nhiều hình thức như khảo sát, phỏng vấn chuyên sâu, xin feedback,… Hãy liên tục tự đặt những câu hỏi “Tại sao” liên quan đến thương hiệu, sản phẩm, đối thủ và khách hàng để đào sâu Insight nhất có thể
- Tổng hợp Insight: Sau khi thu thập dữ liệu, bạn sẽ nhận ra có rất nhiều Insight nhỏ, vụn vặt và điều bạn cần làm tiếp theo là nhóm chúng lại để có thể đưa ra một Insight lớn, bao quát hơn
- Test insight: Đó hẳn là một cuộc điều tra Insight tốn công sức nhưng kết quả thì chưa chắc đã chính xác 100%. Vì vậy bạn cần test lại qua chiến dịch quảng cáo hay sản phẩm mới, chẳng hạn như phương pháp A/B testing.
Và sau một loạt dữ liệu, giả thuyết và phân tích, khi có trong tay một Insight hoàn hảo cho chiến dịch truyền thông, bạn có thể “nháp” thông điệp của mình. Hãy nhớ rằng nếu Insight là những nhu cầu, mong muốn, vấn đề (pain point) của khách hàng, thì thông điệp của bạn nên tập trung vào giải pháp. Sản phẩm hay dịch vụ của bạn có thể làm gì để đáp ứng nguyện ước của họ mới là thứ đáng nói trong thông điệp. Khách hàng luôn quan tâm và đi tìm một thứ rất thực tế: lợi ích cá nhân.
Bước 2: Tạo độ tin tưởng
Mục tiêu phải đạt được trong mọi thông điệp truyền thông là gì? Đó chính là sự tin tưởng. Và hai cách để chiến thắng lòng tin từ khách hàng qua thông điệp truyền thông là gắn kết cảm xúc và độ chân thành trong từng ngôn từ.
Cảm xúc là thứ chi phối mạnh mẽ hành vi của con người. Do vậy, một thông điệp hấp dẫn phải khơi gợi và gắn kết một hoặc một vài nét cảm xúc với khách hàng. Kết quả nghiên cứu từ Harvard Business Review 2015 chỉ ra có 10 cảm xúc ảnh hưởng lớn nhất đến động thái của người mua hàng hiện nay. Đó là cảm giác nổi bật , lạc quan, thỏa nguyện, tự do, phấn khích, an toàn, thành công, được khẳng định bản thân, thuộc về một nhóm hoặc cộng đồng và ý thức bảo vệ môi trường.
Tùy thuộc đặc trưng của từng nhóm ngành với các phân khúc khách hàng khác nhau sẽ có những cảm xúc và mong đợi khác nhau. Ví dụ, đối với các sản phẩm công nghệ, người mua sẽ dễ đồng cảm hơn với những thông điệp về tự do, giải phóng cá nhân hay cảm giác được thuộc về một hội nhóm nào đó. Hay với ngành thực phẩm thì lại là thông điệp về an toàn.
Bằng cách biết phân tích tâm lý đối tượng khách hàng rồi vận dụng những thủ thuật khơi gợi cảm xúc, các thông điệp truyền thông hay sẽ được truyền tải một cách mạnh mẽ và có sức lan tỏa hơn.
Ngôn từ của một thông điệp hiệu quả càng đơn giản càng tốt, “cắm rễ” sâu vào Insight khách hàng. Hãy dùng thông điệp đó với mục đích giả quyết vấn đề của khách hàng (Insight), chứ đừng nên khoa trương quảng cáo sản phẩm trong đó. Những từ ngữ mỹ miều sáo rỗng sẽ tạo nên hoài nghi nơi khách hàng “Liệu sản phẩm có thực sự tốt như vậy?”.
Bước 3: Cô đọng và rõ ràng thông điệp truyền tải
Đây là hai yếu tố tối quan trọng, luôn đi liền và tương tác với nhau trong truyền thông, hai chữ C đầu tiên trong nguyên tắc 7C (Clear và Concise). Nếu muốn rõ ràng thì hãy ngắn gọn. Và để giữ cho thông điệp ngắn gọn thì phải rõ ràng trong nội dung truyền tải thông điệp sản phẩm.
Một thông điệp hiệu quả chỉ nên bao trọn 1-2 ý tưởng cụ thể và kết thúc trong một câu ngắn gọn. Và trong một quảng cáo chỉ nên có đến 2 thông điệp về sản phẩm để tránh gây rối, trở nên phức tạp và mơ hồ. Khi ấy khách hàng cũng khó có thể tiếp thu thông tin và chọn lựa xem đâu mới là thông điệp chính. Do vậy, họ cũng sẽ dễ dàng quên luôn thông điệp của bạn.
Và một điều cấm kỵ khi viết thông điệp là những từ ngữ hay khái niệm trừu tượng, ẩn dụ và khó hiểu. Chính cái sự kiểu cách không cần thiết truyền tải thông điệp tới người dùng theo một đường vòng, gây bối rối. Hãy nhớ thông điệp hiệu quả cần ngắn gọn và dễ hiểu khiến người xem có thể nhận đoán ngay ra chỉ sau vài giây lướt qua nó.
Bước 4: Hình ảnh hóa thông điệp hiệu quả
Một thông điệp sẽ được bổ trợ bởi hình ảnh và ngôn từ. Vì vậy làm sao để hình ảnh hóa nó một cách thật hiệu quả và hấp dẫn? Bí quyết ở đây là keyword (từ khóa). Giờ bạn đã có cho mình một thông điệp ưng ý, hãy nhặt ra đâu là từ khóa bạn muốn hướng tới và biểu diễn nó qua hình ảnh tấn công thị giác. Và từ chính từ khóa đó sẽ dẫn bạn đến những liên tưởng khác nhau để biểu diễn nó. Một từ khóa tốt sẽ vô cùng gợi mở, giúp bạn bay cao và xa trong cách thể hiện.
Hãy nhìn cách Starbucks biểu diễn thông điệp: Luôn phải tỉnh táo là một việc khó khăn và cafe giúp mọi thứ trở nên dễ dàng.
Bởi vì “ý tưởng đầu tiên của bạn cũng là ý tưởng đầu tiên của người khác” vậy nên đào sâu nhất những ý tưởng của bạn vì bạn sẽ chẳng bao giờ biết bạn có thể “bay” xa đến đâu. Sau đó thì chọn những hình ảnh mang tính bất ngờ kiểu trào phúng và đôi phần táo bạo một chút cũng không sao, cứ miễn nó liên quan đến nội dung và cảm xúc truyền tải của thông điệp là được.
Về phần chữ thì vẫn luôn trung thành nguyên tắc muôn thuở ngắn gọn, cụ thể và bắt tai chút, đặc biệt với slogan/headline. Còn về phần hình, thì hãy cố chọn hoặc thiết kế sao cho điểm tập trung thật lớn và rõ ràng thì mới thực sự hút mắt.
>>> Xem thêm: 6 Bước giúp cách truyền tải một thông điệp thành công
Các thông điệp truyền thông của các nhãn hàng ấn tượng, sáng tạo
Trong phần này, cùng tìm hiểu các thông điệp truyền thông hay, những thông điệp truyền thông của các nổi tiếng và ấn tượng nhất mọi thời đại của các thương hiệu
Thông điệp truyền thông của Vinamilk
Vinamilk với thông điệp "Vươn cao Việt Nam" đã được triển khai từ năm 2008, luôn gắn liền với các hoạt động CSR của thương hiệu này. Nó không chỉ thể hiện khát vọng nâng tầm sức khỏe và thể chất trẻ em Việt mà còn là lời khẳng định về vị thế dẫn đầu, vươn ra biển lớn của Vinamilk.
Thông điệp truyền thông của Coca Cola
"Open Happiness" - là thông điệp truyền thông nổi tiếng của ông lớn ngành nước giải khát Coca Cola. Thông điệp này như một lời mờ gọi, khơi gợi những khoảnh khắc hạnh phúc từ những điều đơn giản nhất. Qua đó, là truyền tải năng lượng tích cực và niềm vui đến mọi người, kết nối người tiêu dùng với thương hiệu.
>>> Bạn có thể quan tâm: Thông điệp truyền thông của Coca Cola - Bậc thầy sáng tạo
Thông điệp truyền thông của Milo
Không giống như các thương hiệu khác, Milo sử dụng những thông điệp riêng cho từng thị trường và chiến dịch quảng cáo. Tại Việt Nam, thông điệp "Nhà vô địch làm từ Milo" luôn được Milo nhấn mạnh trong các chiến dịch quảng bá của mình.
Thông điệp truyền thông của VinFast
Với thông điệp "Vì tương lai xanh", VinFast muốn truyền tải cũng như cam kết về sứ mệnh phát triển các phương tiện giao thông "xanh", bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, hãng xe công nghệ này muốn truyền tải tới khách hàng rằng họ hướng đến một tương lai bền vững, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới môi trường thông qua các sản phẩm/dịch vụ của mình.
Tổng kết
Như vậy MarketingAI đã đưa đến cho bạn những thông tin về thông điệp truyền thông là gì. Đặc biệt đã giới thiệu đến bạn các thông điệp điệp truyền thông hay của các nhãn hàng ấn tượng, sáng tạo. Mong rằng bạn có thể ứng dụng và tạo được slogan hay đầy thu hút.
>>> Có thể bạn quan tâm: LG nhẹ nhàng tiếp cận người trẻ với thông điệp về lòng tốt: "Tích cực lan tỏa, nụ cười lan xa"
Khánh Khiêm | Marketing AI
Bình luận của bạn