Thiết kế bao bì là “điểm chạm đầu tiên” giữa thương hiệu với người dùng, hình thành nhận diện thương hiệu và giúp sản phẩm khác biệt so với đối thủ cạnh tranh. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 81% người tiêu dùng sẵn sàng thử một sản phẩm mới chỉ vì bao bì bắt mắt, và 63% đã mua lại sản phẩm nhờ vào vẻ ngoài của bao bì. Thế hệ Z ngày nay có ý thức bảo vệ môi trường nhiều hơn, bị thu hút bởi các thiết kế sáng tạo thú vị và luôn muốn các thương hiệu tương tác với họ theo cách chưa từng được thực hiện ở các thế hệ trước đó. Hãy cũng tìm xem Thế hệ Z đang định nghĩa lại thiết kế cho bao bì sản phẩm như thế nào?
1. GenZ yêu thích sự hấp dẫn về mặt thẩm mỹ: Bao bì sáng tạo, màu sắc vui tươi và phù hợp với số đông
GenZ ngày nay yêu thích những sản phẩm cá tính hơn trước. Các màu sắc tươi sáng, sống động, thiết kế độc đáo cùng đồ họa ấn tượng thường sẽ có khả năng “lọt mắt xanh” của genZ nhiều hơn. Kelsey Arnold, giám đốc quan hệ đối tác thương hiệu của công ty truyền thông tập trung vào Gen Z Kyra Media, cho biết việc xác định sở thích về phong cách của Gen Z "khó hơn một chút". "Họ thích những cách thể hiện táo bạo về phong cách, nhưng thực ra có thể là bất cứ thứ gì".
Fanta thay đổi và thống nhất bộ nhận diện thương hiệu mang bản sắc toàn cầu vào tháng 4 năm ngoái. Theo đó, trong logo mới, Fanta đã loại bỏ chi tiết quả cam, chiếc lá và điều chỉnh sắc xanh lam của logo sáng hơn bản cũ. Với các tông màu rực rỡ như cam, xanh lá, và vàng, cùng với các họa tiết minh họa vui nhộn, bao bì được tân trang tạo cảm giác tràn đầy năng lượng, trẻ trung và tươi mới – những yếu tố rất phù hợp với gu thẩm mỹ của Gen Z.
Thương hiệu cũng sử dụng kiểu chữ lớn, dễ đọc với phong cách phá cách, gợi sự liên tưởng đến nghệ thuật Pop-art, giúp Fanta dễ dàng nổi bật trên kệ hàng. Theo công ty mẹ Coca-Cola, việc thống nhất bộ nhận diện sẽ giúp Fanta tăng cường nhận diện thương hiệu và củng cố vị trí khác biệt với các sản phẩm như Coca-Cola hay Sprite, trở thành đồ uống "must have" trong các buổi tụ họp của giới trẻ.
GenZ lớn lên trong một thế giới toàn cầu hóa, với sự tiếp xúc phong phú về văn hóa, giới tính, ngôn ngữ, ẩm thực… vì vậy thế hệ này đặc biệt quan tâm đến sự đa dạng và mong muốn thấy những yếu tố đó thể hiện ngay trên bao bì sản phẩm. Nắm bắt được insight này, năm 2020, Crayola - nhà sản xuất sáp màu lớn nhất thế giới, đã ra mắt bộ sáp màu "Colors of the World" với 24 và 32 màu sắc mô phỏng tông màu da của con người trên toàn thế giới. Đáng chú ý, bao bì của bộ sản phẩm này được thiết kế với hình ảnh các nhân vật đa dạng về sắc tộc, văn hóa và màu da, cùng thông điệp thúc đẩy sự hòa nhập như "Let's Celebrate Diversity!" (Hãy tôn vinh sự đa dạng!). Sản phẩm nhanh chóng được đón nhận một cách tích cực, đa số từ những người dùng trẻ bởi giá trị của sự đa dạng và hòa nhập mà thương hiệu thể hiện ngay từ thiết kế bao bì của mình.
Thêm vào đó, một số yếu tố thẩm mỹ trong thiết kế bao bì được GenZ ưa chuộng bao gồm:
- Bold-Minimal (Tối giản táo bạo): GenZ ngày càng ưa thích chủ nghĩa tối giản. Nhờ việc loại bỏ các chi tiết không cần thiết, những thiết kế theo phong cách Bold-Minimal có sự tương phản rõ rệt, với thông tin sản phẩm chiếm vị trí trung tâm thay vì các logo thương hiệu hoặc đồ họa phô trương. Qua đó, tính chân thật của sản phẩm được thể hiện rõ nét và điều này hoàn toàn phù hợp với hệ giá trị mà GenZ theo đuổi.
- Neo-Vintage (Kết hợp phong cách cổ điển và hiện đại): GenZ luôn hào hứng với phong cách hoài cổ. Xu hướng neo-vintage trong thiết kế bao bì đã tận dụng cảm xúc này để kết hợp nét cổ điển với những yếu tố hiện đại.
- Distorted (Méo mó): Với tính cách yêu thích sự tự do, phóng khoáng, thiết kế bao bì méo mó cũng ngày càng được GenZ ưa chuộng. Đặc trưng bởi các hình dạng không theo quy ước, kiểu chữ fluid (như chất lỏng), bao bì méo mó mở ra một thế giới linh hoạt, luôn biến đổi không ngừng.
- Indie (Độc lập): Nắm bắt tinh thần DIY (Do IT Yourself), xu hướng này thể hiện tính cá nhân hóa qua sự pha trộn của các hoa văn và các yếu tố đồ họa được kết hợp ngẫu nhiên. Qua đó, indie truyền tải tinh thần trẻ trung và sáng tạo mà GenZ mong đợi.
- Fantastic (Kỳ ảo): Xu hướng kỳ ảo đặc trưng bởi các hiệu ứng cầu vồng, không gian mờ ảo, thường kết hợp với các yếu tố ma mị hoặc sự tiên tiến về công nghệ. Từ đó, xu hướng này có thể nhanh chóng thu hút sự chú ý và mang đến cho genZ những trải nghiệm thị giác độc đáo, mới mẻ.
- Freak (Kỳ dị): Xu hướng bao bì dị biệt thách thức các tiêu chuẩn thiết kế truyền thống bằng cách chấp nhận sự không hoàn hảo qua các yếu tố "xấu xí" hoặc gây sốc như màu sắc xung đột, phông chữ không đồng nhất. Xu hướng này phản ánh nhu cầu chân thực và sự từ chối các tiêu chuẩn đẹp phi thực tế của GenZ.
2. Bao bì sản phẩm bền vững ngày càng được GenZ ưa chuộng
Một trong những thay đổi quan trọng trong hành vi tiêu dùng của GenZ là sự chú trọng vào tính bền vững - thế hệ này dành nhiều sự quan tâm và sẵn sàng hành động để bảo vệ môi trường. Các khảo sát cho thấy mong muốn về tính bền vững của Gen Z là xu hướng lâu dài. Theo đó, 62% người mua sắm thuộc Gen Z thích mua từ các thương hiệu bền vững; 73% sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững và gần 75% thường kiểm tra thông tin môi trường trên bao bì sản phẩm.
Jaye Mize, phó chủ tịch chiến lược sáng tạo tại Fashion Snoops, chia sẻ: “Gen Z rất chú trọng đến tính bền vững, họ sẽ thúc đẩy tất cả các thế hệ quan tâm tới bền vững hơn trong cách họ mua sắm và tiêu thụ. Gen Z sẽ mong đợi các thương hiệu cam kết thật sự về tính bền vững như một tiêu chuẩn tối thiểu. Họ sẽ rất khắt khe với các thương hiệu về nguồn gốc xuất xứ và cách thức sản xuất của sản phẩm.”
Đáp ứng thị hiếu của genZ, bao bì bền vững - loại bao bì được làm từ 100% nguyên liệu thô tái chế hoặc tái sử dụng, đang trở thành xu hướng trong ngành công nghiệp đồ uống khi các thương hiệu chuyển sang bao bì thân thiện với môi trường hơn. Ngoài ra, các công ty cũng đang hướng tới việc sử dụng bao bì linh hoạt để giảm thiểu chất thải. Các loại bao bì bền vững – chẳng hạn như túi hoặc bao bì dạng túi – yêu cầu ít năng lượng và nước hơn để sản xuất và cũng thường sử dụng các khóa kéo (ziplock) để người tiêu dùng có thể tái sử dụng trong tương lai.
Một ví dụ điển hình về thiết kế bao bì đề cao yếu tố bền vững nhằm chinh phục Gen Z phải kể đến Oatly, thương hiệu sữa yến mạch nổi tiếng. Oatly sử dụng bao bì giấy tái chế 100% cho các hộp sữa của mình, không chỉ thân thiện với môi trường mà còn dễ phân loại và tái chế, giúp người tiêu dùng có thể tham gia vào quá trình bảo vệ môi trường. Những hình ảnh đơn giản và dễ hiểu trên bao bì kết hợp với các khẩu hiệu dễ nhớ như "WOW, no cow" và "It’s like milk, but made for humans" không chỉ tạo ấn tượng mà còn truyền tải thông điệp về cam kết đạo đức xã hội của thương hiệu - điều mà Gen Z rất coi trọng.
Hay vào năm 2021, Orion - thương hiệu bánh kẹo Việt Nam đã cho ra mắt mẫu túi giấy kraft áp dụng cho các sản phẩm tết, gồm bánh Marika và Goute Mimosa. Việc sử dụng túi kraft nằm trong dự án "Bao bì hiền lành" của Orion nhằm nâng cao nhận thức của người dùng về môi trường, đồng thời góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và các tác động tiêu cực lên hệ sinh thái. Được biết, các túi đựng sản phẩm nói trên đều được làm hoàn toàn bằng giấy, không có lớp phủ nhựa hoặc các phụ kiện như quai vải, dây nilon,… nên chỉ mất khoảng 2-5 tháng để phân hủy, trong túi nhựa lại mất tận 500-1000 năm. Thông qua túi kraft, Orion mong muốn lan tỏa thông điệp sống xanh, chữa lành cho trái đất, qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội của mình.
3. GenZ say mê bao bì có yếu tố cá nhân hóa riêng biệt, thể hiện chất riêng
Theo nghiên cứu của Edelman, 73% Gen Z mua hoặc ủng hộ các thương hiệu dựa trên những niềm tin và giá trị mà thương hiệu đó đại diện. Màu sắc và câu chuyện thương hiệu có cá tính riêng sẽ là “thỏi nam châm” thu hút sự chú ý của Gen Z. Thế hệ này còn muốn các sản phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu mà còn giúp họ thể hiện bản thân. Bao bì độc đáo, sáng tạo hoặc mang thông điệp cá nhân hóa sẽ dễ dàng tạo kết nối cảm xúc với người tiêu dùng.
Coca-Cola với chiến dịch "Share a Coke" đã thay đổi bao bì sản phẩm của mình bằng cách in các tên phổ biến của người mua lên nhãn chai thay vì chỉ đơn thuần là logo thương hiệu. Bắt đầu ở Úc từ năm 2011 và lan rộng nhanh chóng đến 123 quốc gia, Coca-Cola cho phép người dùng toàn cầu tìm thấy chai Coca-Cola với tên của chính họ hoặc tên người thân, bạn bè nhằm tạo ra sự kết nối cá nhân mạnh mẽ. Riêng tại thị trường Úc, chiến dịch đã thành công ngoài mong đợi với lượng traffic tăng 870%, số người nói về trang Coca-Cola trên Facebook ở thời điểm đó đứng nhất Australia và đứng hạng 23 toàn cầu. 76,000 mô hình các vỏ chai Coke được tạo ra và chia sẻ trên facebook. Chiến dịch còn vinh dự đạt giải Gold Lions hạng mục Outdoor, Cannes Lions 2012.
4. Bao bì tích hợp công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng GenZ
Là thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số, Gen Z đã quen với việc tương tác với công nghệ trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Việc tích hợp công nghệ vào bao bì có thể nâng cao trải nghiệm người dùng bằng cách cung cấp thêm thông tin, tính năng tương tác, hoặc thậm chí là trải nghiệm thực tế tăng cường (AR).
Ví dụ như dòng sản phẩm Starlight được Coca-Cola ra mắt vào tháng 2/2022 là một nỗ lực làm mới thương hiệu để thu hút thế hệ trẻ. Theo đó, Coca-Cola đã hợp tác cùng ca sĩ pop Ava Max để tạo ra sản phẩm Starlight đặc biệt - nơi người tiêu dùng có thể quét mã QR trên lon để trải nghiệm thực tế tăng cường AR với màn trình diễn 3 ca khúc hit của Ava Max. Thêm vào đó, tất cả nội dung liên quan đến dòng sản phẩm mới này đều được cung cấp đầy đủ trên một ứng dụng di động.
>>> Xem thêm: Cuộc đại chiến của những chiếc ly của các thương hiệu F&B
Lời kết:
Chinh phục Gen Z qua thiết kế bao bì không chỉ đơn giản là việc tạo ra những sản phẩm đẹp mắt, bởi thế hệ này đòi hỏi nhiều hơn thế: đó là tính đa dạng và toàn diện, yếu tố bền vững và chất riêng không trộn lẫn. Bao bì không chỉ là một lớp vỏ bên ngoài sản phẩm, mà là một công cụ mạnh mẽ giúp thương hiệu thể hiện giá trị, thông điệp và câu chuyện của riêng mình. Hiểu được điều đó, mỗi thương hiệu sẽ có cách để biến bao bì sản phẩm của mình trở thành “vũ khí” lợi hại để chinh phục thành công GenZ.
Bình luận của bạn