cover

Khám phá xu hướng tiêu dùng của Gen Z trong năm 2024: Ưu tiên âm nhạc, giải trí, công nghệ và trải nghiệm du lịch

05 Thg 10
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Không chỉ ngày càng chiếm số lượng đông đảo trên bản đồ dân số, genZ - thế hệ số đang định hình lại hành vi tiêu dùng. Thậm chí họ còn có khả năng trở thành “thế hệ giàu có nhất trong lịch sử” với mức chi tiêu mạnh tay chưa từng có. Bạn đang tò mò lĩnh vực nào khiến GenZ sẵn sàng chi tiêu trong năm 2024 vừa qua, đừng bỏ qua bài viết này nhé!

1. Một thế hệ GenZ đang mạnh tay đầu tư cho trải nghiệm nhiều hơn là tích luỹ

Báo cáo chi tiêu SpendZ từ NielsenIQ (NIQ) hợp tác với World Data Lab cho biết Gen Z (những người sinh năm 1997 đến 2012), chiếm 25% (2 tỷ) dân số thế giới và sức chi tiêu toàn cầu của họ đã được dự đoán tăng lên 12 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Họ có thể trở thành thế hệ giàu có nhất ở mọi khu vực trên thế giới, vượt qua mức chi tiêu của Boomers và genX. Con số dự đoán đến 2034, Gen Z dành thêm hơn 9 nghìn tỷ đô la chi tiêu trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng thế hệ Z trong độ tuổi lao động (từ 15 - 24 tuổi) tới năm 2025, dự kiến sẽ đóng góp vào 1/3 lực lượng trong độ tuổi lao động và được đánh giá sẽ chi phối thị trường mạnh mẽ. Hiểu được xu hướng tiêu dùng của genZ sẽ là chìa khóa cho các thương hiệu mở cánh cửa tiếp cận gần hơn nhóm đối tượng này.

Điểm khác biệt đáng chú ý của genZ so với các thế hệ trước đó là sẵn sàng “vung tiền” cho trải nghiệm hơn là sở hữu của cải vật chất. Thống kê mới đây trong 2024 cho biết, 86% Gen Z cho biết họ bị hấp dẫn bởi bầu không khí trong các sự kiện, điều này khiến họ vô thức chi tiêu quá mức.

2. Sự trỗi dậy của loạt sự kiện giải trí, concert âm nhạc thu hút Gen Z

Concert âm nhạc, sự kiện bùng nổ thời gian gần đây

Tại Việt Nam, thời gian gần đây, mô hình về Concert âm nhạc đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm đông đảo từ khán giả. Điều này thể hiện rõ rệt qua hai buổi concert nổi bật của “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh Trai Say Hi”. Chỉ sau 90 phút mở bán, concert “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” đã “sold out” toàn bộ vé. Trong khi “Anh Trai Say Hi” thành công thu hút hơn 20.000 khán giả tham dự.

Khám phá xu hướng tiêu dùng của Gen Z trong năm 2024

Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai sould out vé concert chỉ sau 90 phút mở bán

Mỗi concert đều hướng đến tệp khách hàng riêng biệt. Chương trình “Anh Trai Say Hi” nhắm đến đối tượng chủ yếu là thế hệ Z. Với format trẻ trung qua hàng loạt ca khúc mới, các “anh trai” đều là ca sĩ trẻ, đặc biệt giá vé theo nhiều khung khác nhau dễ dàng cho GenZ lựa chọn. Giá càng cao sẽ có nhiều đặc quyền riêng (giao lưu, chụp ảnh trực tiếp với các Anh Trai, vị trí ngồi đẹp, view bao quát…). 

Với “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” từ đầu nổi bật thu hút nhóm khán giả thuộc thế hệ 7x,8x,9x tuy nhiên trước khi chính thức bán vé, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát trong các cộng đồng khán giả về mức giá để tạo sự kết nối, trân trọng với khán giả, đặc biệt nhóm trẻ GenZ cũng muốn trở thành 1 phần trong số 20.000 người tại đêm concert.

Những concert lớn trên thế giới thường có hiện tượng “camp vé” - khán giả sẵn sàng xếp hàng hoặc ngồi đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày để mua được vé. Thì hai Concert “Anh Trai Say Hi” và “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai” cũng không ngoại lệ. Người hâm mộ, bao gồm cả thế hệ Z đã sẵn sàng “Camp vé” từ rất sớm để có cơ hội tham gia sự kiện.

Sự thành công của đêm công diễn đầu tiên Anh Trai Say Hi

Sự thành công của đêm công diễn đầu tiên Anh Trai Say Hi

So sánh với một số concert của nghệ sĩ Việt Nam như Mỹ Tâm với Concert Tri Âm đã bán được 30.000 vé hay đến việc lấp đầy 67 nghìn người tại 2 đêm diễn Born Pink của BLACKPINK tại Hà Nội. Kết hợp với hai concert gần đây đã thể hiện được sức hút của các sự kiện giải trí âm nhạc với nhiều thế hệ người Việt, đặc biệt là GenZ.

Điểm chạm 3 bên: Thế hệ trẻ - Concert âm nhạc - Thương hiệu

41% người trẻ Việt Nam sẵn sàng chi tiêu cho các chuyến du lịch trong và ngoài nước với mục đích tham dự các concert âm nhạc (Theo báo cáo của VISA). Đây là một điểm sáng tích cực cho tương lai của ngành giải trí Việt, bởi văn hoá đi xem nhạc trực tiếp không chỉ tạo sân chơi cho các nghệ sĩ mà còn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sự kiện. Khán giả ngày càng quan tâm đến các trải nghiệm âm nhạc trực tiếp, nơi họ được thăng hoa cảm xúc và tận hưởng không gian ánh sáng mãn nhãn.

VIB trở thành nhà tài trợ chính cho Anh Trai Say Hi

VIB trở thành nhà tài trợ chính cho Anh Trai Say Hi

Theo một báo cáo của Event Industry 2024, ¾ (74%) người tham gia các buổi âm nhạc, lễ hội thuộc thế hệ Z đồng ý rằng họ cởi mở hơn với các thương hiệu tại sự kiện âm nhạc. 83% số người trong độ tuổi từ 18 đến 34 đồng ý rằng họ đánh giá cao các thương hiệu cung cấp đặc quyền hoặc giảm giá độc quyền tại các sự kiện mà họ tham dự. Đó là một trong số các lý do mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp thực hiện các chiến lược hợp tác hiệu quả trong các concert âm nhạc.

Techcombank được chọn mặt gửi vàng với vai trò NTT kim cương cho Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

Techcombank được chọn mặt gửi vàng với vai trò NTT kim cương cho Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai

VIB hai năm gần đây trở thành đơn vị tài trợ chính cho sự kiện âm nhạc tầm cỡ như The Masked Singer, Anh Trai Say Hi. Techcombank chọn mặt gửi vàng với vai trò là nhà tài trợ kim cương cho Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Chưa kể trong không gian sự kiện âm nhạc, các doanh nghiệp còn có những mô hình gian hàng để quảng bá sản phẩm. Tại Concert “Anh Trai Say Hi”, nhiều thương hiệu như Grab, BonCha, Mobifone, Samsung và Lay’s đã lập nhiều không gian Pop-up, thu hút sự quan tâm lớn từ khán giả, đặc biệt tăng cường tương tác và nhận diện với người dùng, đặc biệt là nhóm thế hệ trẻ.

Sức nóng từ các show âm nhạc thực tế vẫn là thỏi nam châm thu hút sự tham gia và trải nghiệm của Gen Z. Hoà chung trong không khí của xu hướng mới, các thương hiệu có muôn vàn cách tap-in để hiện diện và định vị trong tâm trí người tiêu dùng.

>>> Bạn có thể quan tâm: Chiến lược tiếp cận Gen Z của VIB

3. GenZ đam mê công nghệ, sẵn sàng xuống tiền để sở hữu iPhone đời mới nhất

Trái ngược với thế hệ Millennials ưu tiên mua sắm đồ gia dụng và nội thất thì người dùng gen Z ưu tiên mua sắm các mặt hàng điện tử, công nghệ (theo báo cáo Consumer Culture 2021 do 5WPR thực hiện). Đơn cử, iPhone vừa ra mắt gần đây đã trở thành món đồ công nghệ được genZ ưa chuộng và sẵn sàng chi tiền để sở hữu phiên bản mới nhất. Theo công ty nghiên cứu thị trường Attain, người dùng Gen Z chiếm 34% số người sở hữu iPhone ở Mỹ.

IPhone trở thành

IPhone trở thành "con cưng" của genZ

GenZ Việt cũng không nằm ngoài xu hướng mong muốn sở hữu món đồ công nghệ mới nhất này. Theo đó, ước tính có ít nhất 37.000 chiếc iPhone 16 đã tới tay người dùng chỉ trong ngày đầu mở bán. Đồng nghĩa với việc người Việt đã chi tới 1,1 nghìn tỷ đồng để sở hữu dòng sản phẩm mới nhất này của nhà Táo Khuyết.

Những hàng dài khách hàng, đa phần là người trẻ, đứng đợi xuyên đêm để mua chiếc iPhone 16 đầu tiên đã cho thấy sức hấp dẫn chưa từng hạ nhiệt của dòng điện thoại này. Báo cáo từ nền tảng lắng nghe mạng xã hội SocialTrend của YouNet Media, ngày 10/9, sự kiện ra mắt iPhone 16 - It’s Glowtime, tạo ra hơn 566.230 thảo luận và 2,96 triệu tương tác trên mạng xã hội Việt Nam chỉ sau 24 giờ đầu tiên. So với sự kiện ra mắt thế hệ iPhone 15 vào năm ngoái, con số này đã tăng gấp đôi, cho thấy sức hút mạnh mẽ của iPhone 16 series đối với người dùng trẻ Việt Nam.

Sự yêu thích của genZ dành cho iPhone đến từ nhiều yếu tố những theo chuyên gia, 3 lý do phố biến đó là: tính thời trang, giá trị sản phẩm mang lại và sự gắn chặt với hệ sinh thái Apple

Người trẻ toàn cầu đang bị thu hút bởi các tính năng độc quyền mà chỉ Apple mới có, như AirDrop cho phép chia sẻ nhanh ảnh, video và tập tin. Việc xây dựng sản phẩm trên cùng hệ sinh thái khép kín giúp Táo Khuyết tăng khả năng giữ chân người dùng và lòng trung thành đối với thương hiệu. Đồng thời, sức hấp dẫn của iPhone sẽ lôi kéo theo như cầu mua sắm các thiết bị đi kèm với nó.

Các sự kiện ra mắt của iPhone luôn thu hút đông đảo sự chú ý

Các sự kiện ra mắt của iPhone luôn thu hút đông đảo sự chú ý

Không chỉ dừng lại ở đó, cách Apple quảng bá sản phẩm cũng gia tăng đáng kể sự hứng thú của giới trẻ dành cho iPhone. Trong đó có thể đến chuỗi chiến dịch “Shot On IPhone” làm nên tên tuổi của hãng - nơi Apple đã lột tả được những tính năng nổi bật nhất của dòng sản phẩm mới theo một cách mới mẻ và đậm chất riêng. 

Khởi nguồn từ năm 2019, “Shot On iPhone” mở màn với MV “Lose You To Love Me” của Selena Gomez, được quay trọn vẹn bằng iPhone 11 Pro. 1 năm sau, vẫn với chiếc iPhone 11 Pro, Apple tiếp tục hợp tác với Lady Gaga quay MV “Stupid Love”. Năm 2023, Apple hợp tác cùng nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên - New Jeans trong MV “ETA” được quay hoàn toàn bằng Iphone 14 Pro và sau đó ra mắt video BTS cho MV “Get Him Back” của Olivia Rodrigo được ghi lại chân thực bằng IPhone 15 Pro. 

Nắm bắt insight hâm mộ thần tượng và mong muốn sở hữu những sản phẩm giống họ của genZ, thương hiệu đã mời những cái tên đình đám của làng nhạc toàn cầu để xuất hiện trong “Shot on Iphone”. Qua đó, Apple vừa gây chú ý với loạt tính năng mới của sản phẩm, vừa lan tỏa được hình ảnh của thương hiệu đến đông đảo người dùng genZ và thúc đẩy họ sở hữu sản phẩm của Apple.

iPhone với genZ không chỉ dừng lại ở một sản phẩm công nghệ mà nó còn là “tuyên ngôn” cho cá tính. Sự ưa chuộng tiêu dùng iPhone của giới trẻ là một tín hiệu tốt cho lợi nhuận của Apple. Nhưng rộng ra, đó là một điểm sáng đáng mừng cho các thương hiệu công nghệ để chinh phục genZ. Các thương hiệu đang tiếp cận với một thế hệ sẵn sàng trải nghiệm những sản phẩm công nghệ cao, thiết kế hiện đại, ứng dụng và tích hợp AI nhiều công năng.

4. Du lịch là ưu tiên hàng đầu trong chi tiêu của Gen Z

Xu hướng chi tiêu cho du lịch của Gen Z Việt Nam đang ngày càng gia tăng, với nhiều đặc điểm thú vị. Theo các báo cáo gần đây, thế hệ này không chỉ thích khám phá những địa điểm du lịch phổ biến mà còn ưu tiên trải nghiệm các hoạt động mới mẻ. Ví dụ, một tỷ lệ lớn Gen Z chọn các chuyến du lịch tự túc, tìm kiếm trải nghiệm thiên nhiên, các hoạt động ngoài trời như trekking, lặn biển, và trải nghiệm văn hóa bản địa. Hơn 71% Gen Z Việt Nam yêu thích du lịch thiên nhiên, trong khi 61% ưu tiên các hoạt động khám phá văn hóa, và 53% chọn các hoạt động dưới nước như lướt sóng, lặn biển. Những điểm đến ưa thích của họ bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Đặc biệt, phần lớn Gen Z có xu hướng chi tiêu cho du lịch nước ngoài nhiều hơn trong nước, với tỷ lệ 60:40.

Sự mạnh tay trong chi tiêu của Gen Z cho du lịch nằm ở việc nhiều người sẵn lòng chi gấp đôi thu nhập trung bình hàng tháng để trải nghiệm những kỳ nghỉ dài hạn. Tại Việt Nam, một nghiên cứu mới chỉ ra du khách 20-40 tuổi ở Việt Nam chi trung bình 30 triệu đồng, gấp đôi tháng lương, cho một chuyến du lịch. Theo đó, khảo sát trên khoảng 300 người trẻ Việt, 36% sẵn sàng chi từ 1.000 USD đến 2.000 USD (23-47 triệu đồng) cho mỗi chuyến du lịch. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quý II cho biết thu nhập của lao động hưởng lương trung bình tại Việt Nam là 7 triệu đồng. 

Khám phá xu hướng tiêu dùng của Gen Z trong năm 2024: Ưu tiên âm nhạc, giải trí, công nghệ và trải nghiệm du lịch- Ảnh 7.

GenZ sẵn sàng chi gấp đôi tháng lương cho chuyến du lịch trải nghiệm

Không phải bỗng dưng du lịch lại trở thành ưu tiên chi tiêu hàng đầu của genZ. Bởi theo khảo sát, 77% Gen Z tại Việt Nam cho rằng họ được là phiên bản tốt nhất của chính mình khi đi du lịch. Đặc biệt, trong những năm gần đây, trào lưu “du lịch chữa lành” nở rộ càng thúc đẩy khả năng chi tiêu của genZ cho du lịch mạnh mẽ hơn. Ông Varun Grover, Giám đốc Quốc gia của Booking.com tại Việt Nam chia sẻ rằng sở thích du lịch của Gen Z là yếu tố quan trọng đang dần tái định hình bức tranh ngành du lịch hiện nay, hé lộ "một tương lai được thúc đẩy bởi đam mê cá nhân và kết nối trực tuyến không giới hạn".

Văn hóa bản địa được genZ yêu thích trong các chuyến du lịch

Văn hóa bản địa được genZ yêu thích trong các chuyến du lịch

Tại Việt Nam, các thương hiệu du lịch ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của Gen Z và đã có những chiến dịch quảng bá đa dạng, sáng tạo. Vietnam Airlines với "VNAmazing Stories" - chiến dịch ra đời với mục tiêu kết nối Gen Z với các trải nghiệm bay thú vị, đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa sau đại dịch. Hãng đã khuyến khích khách hàng trẻ tuổi chia sẻ nội dung sáng tạo trên MXH đồng thời tạo các chương trình khuyến mãi đặc biệt cho nhóm khách hàng trẻ tuổi này. Hay Bamboo Airways khởi động chiến dịch “Fly Green với genZ” tập trung vào nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và thúc đẩy lối sống xanh thông qua du lịch hàng không. Hãng đã bắt tay các influencers để quảng bá thông điệp "du lịch xanh" và khuyến khích khách hàng giảm thiểu dấu chân carbon khi bay. 

Các thương hiệu về du lịch như hàng không, F&B, tiêu dùng, hoặc chính các địa điểm du lịch địa phương cũng có thể theo thói quen tiêu dùng mới này của GenZ để có chiến lược truyền thông phù hợp. Du lịch đối với thế hệ Z không chỉ dừng lại ở thưởng lãm mà còn tạo được sự kết nối sâu sắc.

>>> Bạn có thể quan tâm: Xu hướng tiêu dùng 2025: Sản phẩm, dịch vụ tại nhà lên ngôi

Lời kết:

Trở thành lực lượng áp đảo về quân số, genZ đang dần tấn công vào mọi ngóc ngách của thị trường. Trong đó, những đặc điểm như: Vung tiền cho âm nhạc giải trí, đam mê đồ công nghệ và ưu tiên trải nghiệm du lịch chính là xu hướng tiêu dùng nổi bật ở thế hệ này. Nắm bắt và thấu hiểu những “insight” đó, thương hiệu có thể sáng tạo những “nước đi” chiến lược, chú trọng phát triển sản phẩm mang trải nghiệm độc đáo và tính cá nhân hóa cao để chinh phục nhóm khách hàng tiềm năng này.

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.