- Organic Marketing là gì?
- So sánh Organic Marketing và Paid Marketing
- Các kênh Organic Marketing
- Tiếp thị trên mạng xã hội (Organic Social Media Marketing)
- Viết blog (Blogging)
- Viết blog khách mời (Guest Blogging)
- SEO (Organic Search Engine Marketing)
- Nội dung do người dùng tạo (User-generated Content)
- Bản tin email (Email Newsletters)
- Quan hệ công chúng & truyền thông (Public Relations/Media Relations)
- Video trên YouTube (YouTube Videos)
- Podcast
- Một số ví dụ về Organic Marketing
- Chili's Grill & Bar – Tiếp thị trên mạng xã hội
- Canva – Blogging
- Eternal Works – Guest Blogging
- Glossier – UGC
- Airbnb – Email Marketing
- HubSpot Marketing – YouTube
- Cách xây dựng chiến lược Organic Marketing hiệu quả
- Xác định kênh tiếp thị phù hợp
- Lập kế hoạch & Lên lịch nội dung
- Tạo nội dung
- Tối ưu hóa nội dung
- Đăng tải và theo dõi hiệu quả
- Organic Marketing liệu có còn hiệu quả vào năm 2025? So với Paid Marketing - Đâu là sự lựa chọn tốt hơn?
Organic Marketing là gì?
Organic Marketing (tiếp thị hữu cơ) là chiến lược tiếp thị giúp nâng cao nhận diện thương hiệu dựa trên giá trị thực thay vì quảng cáo trả phí (Paid Marketing). Nói cách khác, đây là nội dung mà khách hàng nhìn thấy và tiếp cận tự nhiên. Hình thức này có thể bao gồm bài blog, nghiên cứu, bài viết từ khách mời, video, email, mạng xã hội, PR...
Mục tiêu chính của tiếp thị hữu cơ là gia tăng nhận diện thương hiệu và xây dựng mối liên kết tự nhiên với khách hàng thông qua nội dung mang tính giáo dục hoặc giải trí.
Khái niệm này gợi nhớ đến phương pháp "inbound marketing" lần đầu được nhắc đến từ HubSpot vào năm 2013. Khi đó, quan điểm tiếp thị truyền thống dựa trên hình thức "đẩy" thông điệp đến khách hàng, như quảng cáo trên biển hiệu hoặc truyền hình không còn hiệu quả. Ngược lại, Organic Marketing hoạt động theo cơ chế "kéo" giúp thương hiệu được tìm thấy khi khách hàng chủ động tìm kiếm giải pháp. Cách tiếp cận này thu hút đúng đối tượng có nhu cầu thực sự, ngay cả khi họ chưa chuyển đổi ngay lập tức.
Lợi ích lớn nhất của Organic Marketing là tạo trải nghiệm khách hàng tự nhiên, ít gây gián đoạn. Phương pháp này giúp xây dựng lòng tin bằng cách cung cấp giá trị thực, đồng thời tận dụng các kênh có chi phí thấp.
Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của hình thức marketing này là thời gian. Các bài viết trên blog hay trang web cần thời gian để công cụ tìm kiếm thu thập và xếp hạng. Việc xây dựng cộng đồng mạng xã hội hay danh sách email cũng không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.
>>> Tìm hiểu thêm: Marketing hiện đại là gì?
So sánh Organic Marketing và Paid Marketing
Đặc điểm | Organic Marketing | Paid Marketing |
Định nghĩa | Chiến lược thu hút khách hàng một cách tự nhiên, không cần trả phí trực tiếp.
| Chiến lược tiếp cận khách hàng bằng cách trả phí để hiển thị nội dung.
|
Tốc độ hiệu quả | Chậm, cần thời gian để xây dựng lượng khán giả và uy tín. | Nhanh chóng, có thể tiếp cận khách hàng ngay lập tức. |
Chi phí | Ít tốn kém hơn, chủ yếu đầu tư vào nội dung và SEO | Yêu cầu ngân sách để chạy quảng cáo trên các nền tảng.
|
Mục tiêu chính | Xây dựng nhận diện thương hiệu, lòng tin và mối quan hệ lâu dài. | Tăng nhanh lượt tiếp cận, chuyển đổi và doanh thu. |
Phương pháp phổ biến | SEO, blog, bài đăng trên mạng xã hội, email, UGC, PR. | Quảng cáo Google Ads, Facebook Ads, TikTok Ads, quảng cáo hiển thị, quảng cáo video. |
Các kênh Organic Marketing
Trên thực tế, hầu hết các nền tảng đều có thể hoạt động theo cách tự nhiên nếu không có sự hỗ trợ của quảng cáo trả phí. Tuy nhiên, dưới đây là những kênh Organic Marketing thường được sử dụng:
Tiếp thị trên mạng xã hội (Organic Social Media Marketing)
Thời kỳ hoàng kim của mạng xã hội “organic”. Khi nội dung được đăng tải chỉ hiển thị với những người theo dõi hoặc được khám phá qua lượt chia sẻ, hashtag, liên kết. Không có quảng cáo trả phí hay bài viết được tài trợ, vì vậy nếu một bài đăng nhận được nhiều tương tác hoặc lượt truy cập, đó là thành quả thực sự. Một trong những lợi thế lớn nhất của tiếp thị organic trên mạng xã hội là không tốn phí để bắt đầu. Tùy vào nền tảng, nội dung có thể là video, hình ảnh, bài viết blog hoặc thậm chí là bài đánh giá sản phẩm.
Viết blog (Blogging)
Bài viết blog là các bài viết dạng dài được đăng trên blog hoặc trang web nhằm chia sẻ kiến thức, tin tức hoặc quan điểm với khán giả. Chúng giúp thể hiện sự uy tín và chuyên môn, từ đó xây dựng lòng tin với khách hàng tiềm năng và thuyết phục họ rằng thương hiệu có thể đáp ứng đúng cam kết của mình.
Ngoài ra, các bài blog thường được tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm (SEO) để giúp website dễ dàng được tìm thấy hơn. Ngoại trừ chi phí thuê người viết nội dung, việc duy trì một blog nhìn chung có chi phí khá thấp.
Viết blog khách mời (Guest Blogging)
Viết blog khách mời là khi một bài viết được đăng trên một trang web hoặc blog không thuộc sở hữu của doanh nghiệp hay cá nhân đó với tư cách như một “khách mời”. Đây là chiến lược khá phổ biến, từng được áp dụng rộng rãi cho nhiều thương hiệu, trong đó HubSpot là điểm đến quen thuộc. Mục tiêu của blog khách mời là tiếp cận nhóm đối tượng mới và phù hợp, đồng thời giới thiệu thương hiệu đến họ. Thông thường, điều này có nghĩa là đóng góp nội dung cho một nền tảng có lượng độc giả lớn hơn hoặc mức độ tương tác cao hơn.

Mục tiêu của blog khách mời là tiếp cận một nhóm đối tượng mới và giới thiệu thương hiệu đến họ.
SEO (Organic Search Engine Marketing)
SEO là quá trình tối ưu hóa nội dung trên website hoặc các nền tảng trực tuyến khác để giúp đối tượng mục tiêu dễ dàng tìm thấy thông qua các công cụ tìm kiếm. Dù mạng xã hội thường thu hút nhiều sự chú ý, nhưng SEO mới là kênh tiếp thị hữu cơ mang lại hiệu quả cao nhất, có thể tạo ra lượng truy cập cao hơn tới 1000% so với các kênh khác.
Nếu chưa chắc chắn về hiệu quả SEO của mình, các công cụ như AI Search Grader và Website Grader có thể giúp đánh giá chiến lược hiện tại và xác định những điểm cần cải thiện.
Nội dung do người dùng tạo (User-generated Content)
UGC (User-Generated Content) là nội dung do chính khách hàng tạo ra về thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ. Họ không được trả tiền để đăng bài hay nhắc đến thương hiệu, nhưng có thể được khuyến khích gắn thẻ hoặc sử dụng một hashtag cụ thể.
Loại nội dung này có giá trị lớn vì nó phản ánh trải nghiệm thực tế của khách hàng sau khi mua sản phẩm hoặc dịch vụ. Đây chính là bằng chứng xã hội (social proof) giúp củng cố mọi cam kết mà thương hiệu đưa ra.
Bản tin email (Email Newsletters)
Bản tin email là những email dạng dài được gửi đến danh sách người đăng ký, những người đã chủ động lựa chọn nhận thông tin từ doanh nghiệp. Vì không được đăng công khai trên internet, đây là kênh lý tưởng để chia sẻ nội dung một cách chân thực và độc quyền hơn. Không giống nhiều kênh tiếp thị khác, email không có hình thức quảng cáo trả phí trực tiếp. Tuy nhiên, một số định dạng quảng cáo, như Gmail Sponsored Promotions, có thể được thiết kế để trông giống như email thông thường
Quan hệ công chúng & truyền thông (Public Relations/Media Relations)
Quan hệ công chúng đề cập đến việc thương hiệu được truyền thông đưa tin mà không phải trả phí hay chủ động yêu cầu. Điều này có thể bao gồm các bài đánh giá sản phẩm, phỏng vấn hoặc bài viết giới thiệu về đội ngũ, thương hiệu hoặc dịch vụ.
PR giúp xây dựng uy tín và tăng độ nhận diện một cách tự nhiên thông qua những nguồn tin đáng tin cậy.
Video trên YouTube (YouTube Videos)
YouTube trở nên đặc biệt vì các video trên nền tảng này có thể xuất hiện trong kết quả tìm kiếm của công ty mẹ Google. Nhiều chuyên gia thậm chí coi YouTube là "công cụ tìm kiếm lớn thứ hai thế giới" sau Google. Nếu muốn một video có cơ hội tiếp cận lượng khán giả mới rộng lớn nhất, YouTube là nền tảng lý tưởng để đăng tải và tối ưu hóa nội dung doanh nghiệp.
Podcast
Dù ở định dạng video hay chỉ âm thanh, podcast là một cách tuyệt vời để xây dựng lòng tin và mối quan hệ với khán giả.Dan Stillgoe, Quản lý Tiếp thị tại Blend, từng chia sẻ: "Đúng là không thể trực tiếp gán doanh thu hay khách hàng tiềm năng vào podcast, nhưng đó không phải là mục đích chính của nó. Podcast là công cụ lý tưởng để tăng sự gắn kết với thương hiệu, tạo ra nội dung hấp dẫn và chân thực - điều mà người mua ngày càng mong muốn trong thời đại AI. Khi nhận ra những lợi ích lâu dài và tác động xung quanh mà podcast mang lại, bạn sẽ thấy đây là một khoản đầu tư xứng đáng."
Một số ví dụ về Organic Marketing
Chili's Grill & Bar – Tiếp thị trên mạng xã hội
Một trong những thương hiệu thành công với tiếp thị organic trên mạng xã hội gần đây là Chili's Grill & Bar. Chuỗi nhà hàng Mỹ này đã tận dụng lối hài hước dí dỏm trên mạng xã hội để kết nối với thế hệ Gen Z, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh. Theo Insider, công ty mẹ của Chili's, Brinker International, báo cáo doanh thu tại các cửa hàng Chili's tăng 7,4% trong năm 2024 và tăng 14% trong quý đầu tiên của năm tài chính 2025. Chiến lược nội dung sáng tạo và gần gũi đã giúp thương hiệu thu hút sự chú ý mà không cần dựa vào quảng cáo trả phí.

Chili's Grill & Bar thành công với tiếp thị organic trên mạng xã hội
Canva – Blogging
Một thương hiệu nổi bật với nội dung blog organic chất lượng chính là Canva. Công ty phần mềm thiết kế này cung cấp nội dung toàn diện và hữu ích trên blog của mình, giúp người dùng hiểu hơn về thiết kế đồ họa cũng như cách sử dụng các công cụ của Canva. Nội dung này không chỉ đáp ứng mối quan tâm của khán giả mà còn mang lại giá trị miễn phí, đồng thời định vị thương hiệu như một chuyên gia trong lĩnh vực này.

Canva cung cấp nội dung toàn diện trên blog, giúp người dùng hiểu hơn về cách sử dụng các công cụ
Ngoài ra, các bài viết trên blog của Canva còn được tối ưu hóa để tăng khả năng xuất hiện trên công cụ tìm kiếm, dễ dàng được chia sẻ và liên kết, giúp thương hiệu tiếp cận rộng rãi mà không cần chi phí quảng cáo.
Eternal Works – Guest Blogging
Dù không còn quá phổ biến vào năm 2025, viết blog khách mời vẫn mang lại giá trị đáng kể. HubSpot đã hợp tác với nhiều chuyên gia bên ngoài trong suốt những năm qua, trong đó có Tim Jones, thành viên sáng lập của agency tăng trưởng Eternal Works.Jones chia sẻ những bài viết giàu kinh nghiệm thực tiễn về bán hàng trên blog của HubSpot. Điều này giúp HubSpot có được nội dung chuyên sâu, chất lượng cao, trong khi Jones có cơ hội tiếp cận một lượng khán giả toàn cầu rộng lớn - một chiến lược đôi bên cùng có lợi.

Ví dụ về một bài Guest Blogging trên Hubspot
Glossier – UGC
Ngày càng nhiều thương hiệu đầu tư mạnh vào nội dung do người dùng tạo ra (UGC). Theo báo cáo State of Marketing 2025, đây là một trong ba kênh hàng đầu mà các marketer có kế hoạch mở rộng trong năm nay. Và Glossier là một trong những thương hiệu làm rất tốt chiến lược này. Thương hiệu mỹ phẩm này khuyến khích khách hàng tạo nội dung bằng cách mở cơ hội được xuất hiện trên kênh chính thức và thiết kế những trải nghiệm tương tác thú vị tại các cửa hàng bán lẻ, khiến khách hàng háo hức chia sẻ về sản phẩm một cách tự nhiên.
Airbnb – Email Marketing
Dù vẫn mang tính quảng bá, email marketing của Airbnb lại hướng đến phong cách "soft sale" – bán hàng một cách tự nhiên và tinh tế. Trong một chiến dịch điển hình, Airbnb sử dụng một sự thật khoa học về tác động tích cực của việc ở gần nước đối với con người để làm nổi bật các lựa chọn lưu trú ven biển. Hình ảnh sắc nét kết hợp với lời kêu gọi hành động hấp dẫn như "Play it cool" giúp email không chỉ mang tính quảng cáo mà còn tạo cảm giác gần gũi và truyền cảm hứng cho người nhận.

Email marketing của Airbnb lại hướng đến phong cách "soft sale" – bán hàng một cách tự nhiên và tinh tế.
HubSpot Marketing – YouTube
Kênh HubSpot Marketing YouTube tập trung vào việc chia sẻ kiến thức thực tiễn về marketing và kinh doanh, không chỉ đơn thuần mang tính quảng bá. Là một kênh khám phá, YouTube giúp HubSpot xây dựng nhận diện thương hiệu bằng cách cung cấp nội dung giải quyết các vấn đề phổ biến trong kinh doanh. Dù có phải là người dùng HubSpot hay không, khán giả vẫn nhận được giá trị hữu ích, tạo sự gắn kết tự nhiên với thương hiệu.

HubSpot Marketing YouTube tập trung vào việc chia sẻ kiến thức thực tiễn về marketing và kinh doanh
Cách xây dựng chiến lược Organic Marketing hiệu quả
Xác định kênh tiếp thị phù hợp
Để xây dựng một chiến lược tiếp thị hữu cơ hiệu quả, trước tiên cần xác định loại nội dung nên đầu tư. Cách tốt nhất để làm điều này là phân tích chân dung khách hàng lý tưởng cũng như các nguồn lưu lượng truy cập hiện tại. Organic Marketing chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi doanh nghiệp hiểu rõ khách hàng mục tiêu và loại nội dung họ quan tâm. Hãy tự đặt câu hỏi: Lưu lượng truy cập tự nhiên hiện tại đến từ đâu? YouTube, blog hay email newsletter?

Phân tích chân dung khách hàng lý tưởng là điều tối cần thiết
Khách hàng tiềm năng thường tìm thấy doanh nghiệp theo cách nào? Từ đó, xác định đúng kênh tiếp thị, điều này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và mang lại kết quả bền vững cho doanh nghiệp
Lập kế hoạch & Lên lịch nội dung
Sau khi xác định kênh tiếp thị, bước tiếp theo là xây dựng nội dung có giá trị với các bước:
- Nghiên cứu từ khóa & đối thủ để xác định chủ đề tiềm năng.
- Trả lời câu hỏi phổ biến giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi lên đến 131% (theo Conductor).
- Giải quyết mối quan tâm của khách hàng để xây dựng lòng tin.
- Lập lịch nội dung trên bảng tính hoặc tài liệu để duy trì sự nhất quán.
Tạo nội dung
Đây là giai đoạn biến ý tưởng thành hiện thực với đa dạng cách thức như; viết blog, thiết kế đồ họa, quay video hoặc chọn lọc nội dung do người dùng tạo (UGC). Nhà tiếp thị có thể tận dụng các công cụ AI như HubSpot’s Free AI Content Writer để hỗ trợ tạo nội dung blog, website, hoặc bài đăng mạng xã hội. Tuy nhiên, AI chỉ là bước khởi đầu, bởi nội dung do AI tạo ra thường rập khuôn và thiếu tính độc đáo. Vì vậy, hãy chỉnh sửa, cá nhân hóa và "thổi hồn" vào nội dung trước khi sử dụng để đảm bảo chất lượng và sự khác biệt.
Tối ưu hóa nội dung
Sau khi nội dung được tạo ra, việc tối ưu hóa là chìa khóa quan trọng để giúp nó hiển thị tốt trên công cụ tìm kiếm và mạng xã hội. Về SEO, nhà tiếp thị có thể sử dụng từ khóa mục tiêu trong bài viết blog, mô tả video và bài đăng mạng xã hội tăng khả năng tìm kiếm. Trong khi đó, định dạng cũng là yếu tố quan trọng không kém khi người đăng cần đảm bảo video, hình ảnh tuân thủ đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng nền tảng. Ví dụ, video Instagram Story nên được quay theo chiều dọc để mang lại trải nghiệm tối ưu cho người xem.
Đăng tải và theo dõi hiệu quả
Mọi chiến dịch tiếp thị, dù được xây dựng dựa trên dữ liệu, đều cần theo dõi các chỉ số quan trọng như lượng truy cập website, mức độ tương tác trên mạng xã hội, tỷ lệ mở email và lượt nhấp chuột. Các công cụ như HubSpot Reporting có thể giúp phân tích dữ liệu này, xác định nội dung nào mang lại hiệu quả cao và nội dung nào cần điều chỉnh. Việc đánh giá và cải thiện thường xuyên sẽ giúp tối ưu chiến lược tiếp thị hữu cơ, nâng cao hiệu suất và gia tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng.
Organic Marketing liệu có còn hiệu quả vào năm 2025? So với Paid Marketing - Đâu là sự lựa chọn tốt hơn?
Câu trả lời là có, nhưng môi trường đã thay đổi, và việc đạt được kết quả không còn dễ dàng như trước. Thực tế chứng minh, organic marketing vẫn mang lại giá trị và được nhiều doanh nghiệp áp dụng, nhưng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khiến các kết quả như lưu lượng truy cập, tương tác và tăng trưởng người theo dõi khó đạt được hơn.
Mặt khác, Paid Marketing ra đời giúp thương hiệu đảm bảo nội dung của mình tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu, không bị giới hạn bởi thuật toán hay lượng nội dung khổng lồ trên mạng. Tuy nhiên, chi phí là một rào cản, và không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ ngân sách để liên tục duy trì quảng cáo.
Vì vậy, thay vì chỉ chọn một trong hai phương pháp, sự kết hợp giữa tiếp thị hữu cơ và tiếp thị trả phí mới là chiến lược tối ưu:
- Organic marketing nên là nền tảng chính, giúp xây dựng nhận diện thương hiệu và lòng tin với khách hàng.
- Paid marketing nên được sử dụng có chọn lọc để khuếch đại hiệu quả, đặc biệt là khi cần đẩy nhanh kết quả.
- Trong một số trường hợp, paid marketing có thể giúp thiết lập nền tảng ban đầu, trong khi organic marketing lại cung cấp dữ liệu quan trọng để tối ưu hóa các chiến dịch quảng cáo.
>>> Xem thêm: Unhinged Marketing: Khi thương hiệu trở nên nổi loạn trong quảng cáo
Lời kết:
Dù tiếp thị trả phí - paid marketing mang lại lợi thế rõ ràng - đó là tốc độ, độ chính xác và khả năng hiển thị, nhưng organic marketing lại đem đến giá trị lâu dài mà không khoản tiền nào có thể thay thế: niềm tin, uy tín và một cộng đồng khách hàng trung thành. Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh, organic marketing chính là cơ hội để khác biệt hóa thương hiệu thông qua sự chân thành, hữu ích và nhất quán.
Bình luận của bạn