- Thói quen mua sắm của GenZ nở rộ trên các sàn TMĐT: Chi tiêu thực tế và ưu tiên sự tiện lợi
- Đọc vị kỳ vọng của GenZ đối với các nhà bán lẻ trực tuyến trên sàn TMĐT trong năm 2025
- GenZ kỳ vọng nhận được hàng sớm nhất có thể hoặc sẵn sàng “chốt deal” nếu được Miễn phí Ship
- Trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch giúp GenZ tập trung ra quyết định tốt hơn
- GenZ sẵn sàng trả thêm chi phí và lựa chọn các sản phẩm ưu tiên tính bền vững
- Kỳ vọng vào các trải nghiệm cá nhân hóa hoặc tích hợp công nghệ
- Trào lưu mua sắm qua giọng nói được ưa chuộng
- Sự minh bạch được coi trọng hàng đầu
Gen Z (gồm những người sinh từ năm 1997 đến 2012) đang chiếm 25% dân số thế giới, tức khoảng 2 tỷ người. Trong một báo cáo "Spend Z" mới đây của Nielsen IQ và World Data Lab dự báo vào năm 2030, sức mua toàn cầu của thế hệ này sẽ chạm mốc 12 nghìn tỷ USD, đưa GenZ trở thành thế hệ giàu có nhất trong lịch sử.
Tại Việt Nam, Gen Z hiện chiếm khoảng 25% lực lượng lao động cả nước, tương đương khoảng 15 triệu người. Và tới năm 2025, genZ dự kiến đóng góp vào một phần ba lực lượng trong độ tuổi lao động tại Việt Nam. Điều này cho thấy vai trò ngày càng lớn của Gen Z như một lực lượng chủ chốt thúc đẩy các xu hướng tiêu dùng và định hình thị trường trong tương lai.
Thói quen mua sắm của GenZ nở rộ trên các sàn TMĐT: Chi tiêu thực tế và ưu tiên sự tiện lợi
Trong bối cảnh lạm phát và áp lực tài chính gia tăng, GenZ có thói quen chi tiêu thận trọng và tính toán hơn các thế hệ đi trước. Họ có ý thức rõ ràng về việc lên kế hoạch chi tiêu, sẵn sàng điều chỉnh lối sống để ứng phó với chi phí tăng cao. 40% trong số họ chi tiêu ít hơn cho việc ăn uống và các mặt hàng không cần thiết. Tuy nhiên, GenZ vẫn hào phóng xuống tiền cho các phần quà tặng (tăng 55%) so với các năm trước (Theo nghiên cứu của Pymnts 2024).
Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, GenZ có nhiều phương thức mua sắm trên đa kênh và ưa thích trải nghiệm shopping liền mạch. Khoảng 68% người tiêu dùng Gen Z sử dụng mạng xã hội để tìm kiếm sản phẩm và 22% hoàn tất mua hàng thông qua các nền tảng này. Trong một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng cứ 3 trên 4 người tiêu dùng Gen Z có kế hoạch mua sắm qua mạng xã hội. Sự phụ thuộc ngày càng lớn vào mạng xã hội khi GenZ không chỉ để tìm kiếm hay tìm hiểu về sản phẩm, mà còn để ra quyết định mua sắm trực tiếp.
Thanh toán liền mạch là tính năng mua sắm được Gen Z yêu thích nhất với sự phổ biến của các ví điện tử như Momo, Apple Pay, và Cash App…Đặc biệt việc tích hợp ví điện tử trên các sàn TMĐT càng giúp quá trình mua sắm của GenZ tiện lợi hơn rất nhiều. Trong một khảo sát được Shopee công bố vào hồi đầu 2024 về hành vi mua sắm của GenZ tại Việt Nam do Kantar Profiles thực hiện, 2/3 Gen Z tham gia khảo sát xem các nền tảng TMĐT là điểm khởi đầu cho hành trình mua sắm của họ.
Lý do chính khiến Gen Z ưa chuộng TMĐT gồm nhiều yếu tố như: chất lượng sản phẩm tốt (90%), đa dạng mặt hàng (81%), nhiều deal và voucher giảm giá (71%) cũng như phương thức thanh toán tiện lợi như mua trước - trả sau SPayLater và ví điện tử (65%). Có thể nói thị trường TMĐT đang đứng trước cơ hội phát triển bùng nổ với sự giúp sức lớn từ GenZ. Do đó, nắm bắt và đáp ứng những sự kỳ vọng của thế hệ này đối với các nhà bán lẻ trực tuyến trong năm 2025 sẽ là “chìa khóa” để thương hiệu gặt hái thành công.
>>> Đọc thêm: Khám phá xu hướng tiêu dùng của Gen Z Việt trong năm 2024
Đọc vị kỳ vọng của GenZ đối với các nhà bán lẻ trực tuyến trên sàn TMĐT trong năm 2025
GenZ kỳ vọng nhận được hàng sớm nhất có thể hoặc sẵn sàng “chốt deal” nếu được Miễn phí Ship
Giao hàng hỏa tốc hay Freeship dần trở thành những tiêu chuẩn cơ bản để GenZ ra quyết định mua hàng. Theo một khảo sát gần đây của Salesforce, 64% Gen Z kỳ vọng đơn hàng của mình được giao trong vòng hai ngày, thậm chí là nhanh hơn. Một nghiên cứu khác của Uber Direct cho thấy, 96% thanh niên trong độ tuổi 18-26 coi giao hàng trong ngày rất quan trọng và họ sẵn sàng trả thêm phí để nhận được hàng sớm nhất.
Có thể thấy việc đáp ứng được kỳ vọng về vận chuyển hỏa tốc là yếu tố then chốt giúp các nhà bán lẻ trực tuyến tạo lợi thế cạnh tranh và chinh phục thành công genZ. Dịch vụ giao hàng trong ngày hoặc chỉ sau một ngày của Amazon Prime, hay tại Việt Nam, với Tiki NOW, Shopee Express, và Lazada Express đều đã triển khai các dịch vụ giao hàng hỏa tốc trong vòng 2-4 giờ hoặc trong cùng 1 ngày mang đến trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, đồng thời tăng tính cạnh tranh về tốc độ giữa các sàn thương mại điện tử với nhau.
Chiến lược cho thương hiệu/ Các nhà bán lẻ trên sàn TMĐT
Giao hàng hỏa tốc:
- Hợp tác với các công ty chuyển phát nhanh (có dịch vụ giao hàng nhanh): Phương án này khá phổ biến khi vấn đề vận chuyển được thuê ngoài (bởi 1 bên thứ 3). Tuy nhiên sẽ có nhiều điểm hạn chế như các nhà bán lẻ không kiểm soát được việc đóng gói (đơn hàng bị bóp méo, hư hỏng), đơn hàng thất lạc hoặc giao muộn hơn dự kiến
- Tự giao hàng: Lựa chọn này giúp nhà bán lẻ kiểm soát được toàn bộ quá trình giao hàng: từ đóng gói, vận chuyển, đến cách thức tài xế giao hàng, thái độ, tốc độ.
- Quyết định tự giao hàng hay thuê ngoài qua một công ty vận chuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mô hình kinh doanh, loại hàng hoá, sản phẩm, khối lượng vận chuyển, nguồn lực, nhân sự của bạn…
Miễn phí Ship:
- Tích hợp phí vận chuyển vào giá sản phẩm: Đây là cách phổ biến để nhà bán lẻ vẫn nhận được chi phí giao hàng mà không thể hiện cụ thể cho người mua. Bởi khách hàng sẽ dễ dàng chốt deal hơn khi được freeship thay vì mua sản phẩm có thêm phí vận chuyển. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cần được thực hiện cẩn trọng để duy trì tính cạnh tranh, cân đối so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.
- Áp dụng với giá trị đơn hàng tối thiểu: Yêu cầu này chỉ áp dụng cho các đơn hàng đạt mức giá tối thiểu trở lên. Điều này cũng khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn, mua đơn hàng giá trị lớn hơn giúp tăng doanh thu cho người bán hàng.
- Các thành viên khách hàng thân thiết: Chiến lược này thúc đẩy các chương trình khách hàng thân thiết. Đây là một chiến lược mà “đôi bên đều có lợi”, khi khách hàng vừa nhận được ưu đãi đặc biệt trong khi nhà bán lẻ vừa có cơ hội quảng bá sản phẩm, sự kiện và chương trình khuyến mãi của mình.
Trải nghiệm mua sắm đa kênh liền mạch giúp GenZ tập trung ra quyết định tốt hơn
Là những Digital Native - người sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số, GenZ mong muốn được kết nối với thương hiệu và trải nghiệm mua sắm liền mạch qua các nền tảng từ online như ứng dụng di động, trang web, MXH đến offline hay mua trực tiếp tại cửa hàng. Nhiều tính năng đã được ra đời nhằm hỗ trợ các nhà bán lẻ tiếp cận và chinh phục genZ một cách dễ dàng hơn.
- Chatbot trên các trang web và ứng dụng di động là một công cụ tăng cường tương tác và hỗ trợ khách hàng. Những trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI này có thể trả lời thắc mắc nhanh chóng, giúp GenZ cảm thấy được hỗ trợ ngay lập tức và có một trải nghiệm mua sắm chuyên nghiệp đáng nhớ.
- Các tính năng hữu ích như “click-and-collect” hoặc giao hàng tận nơi cho phép khách hàng mua hàng trực tuyến và nhận hàng nhanh chóng, mang đến trải nghiệm mua sắm tiện lợi và linh hoạt hơn.
- Nhiều thương hiệu cũng tận dụng thành công "social commerce" - hình thức kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội, cho phép người dùng mua sắm trực tiếp khi đang sử dụng mạng xã hội. Với Social Commerce, toàn bộ quá trình mua hàng của người tiêu dùng sẽ diễn ra trên một nền tảng, không cần chuyển hướng người dùng qua một website khác bên ngoài.
GenZ sẵn sàng trả thêm chi phí và lựa chọn các sản phẩm ưu tiên tính bền vững
GenZ ngày càng ý thức rõ ràng về hậu quả của những thói quen tiêu dùng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện tại và cộng đồng. Do đó, sự bền vững trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng của genZ khi quyết định mua hàng. Theo nghiên cứu của Nielsen, 73% Gen Z sẵn sàng trả thêm chi phí để sở hữu sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đối với các nhà bán lẻ trực tuyến, việc tạo ra tác động tích cực với cộng đồng sẽ được ghi nhận và đánh giá cao hơn như việc chọn vật liệu có thể phân hủy sinh học hoặc tái chế được sẽ thể hiện cam kết của thương hiệu đối với môi trường. Ngoài ra, Lộ trình giao hàng được tối ưu hóa không chỉ giúp tăng tốc độ giao hàng mà còn giảm thiểu lượng khí thải carbon, góp phần vào sự bền vững dài hạn. Những nỗ lực bền vững này sẽ quyết định lòng trung thành và sự tin yêu của genZ đối với sản phẩm của thương hiệu.
>>> Có thể bạn quan tâm: 12 facts "thầm kín" về Gen Z mà các thương hiệu nhất định phải biết
Kỳ vọng vào các trải nghiệm cá nhân hóa hoặc tích hợp công nghệ
Là thế hệ có cá tính riêng biệt và tôn trọng bản sắc cá nhân, GenZ ưa chuộng trải nghiệm mua sắm phù hợp và độc đáo. Thực tế cho thấy 75% Gen Z có xu hướng mua hàng cao hơn tại nền tảng thương mại điện tử đưa ra được các gợi ý sản phẩm phù hợp. Đặc biệt, GenZ cũng đánh giá cao các chương trình khuyến mãi được cá nhân hóa dành riêng cho mình. Thay vì nhận các mã giảm giá chung chung, họ mong muốn ưu đãi riêng biệt dựa trên thói quen chi tiêu, ngày đặc biệt hay sản phẩm họ đã quan tâm.
Để đáp ứng nhu cầu cao về cá nhân hóa, các nhà bán lẻ trực tuyến nên đầu tư tập trung vào AI và phân tích dữ liệu. Thông qua các công cụ phân tích dữ liệu, họ sẽ nắm được sở thích và mong muốn của từng đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ cũng đừng bỏ qua việc thiết kế chương trình khuyến mãi theo nhu cầu từng khách hàng, đặc biệt trong các dịp đặc biệt như: ngày sinh nhật, Black Friday, các ngày lễ lớn, bởi điều này sẽ mang đến cảm giác được quan tâm và ưu tiên - điều mà genZ rất coi trọng trong quá trình mua sắm.
Sinh ra trong thời đại số, genZ yêu thích những trải nghiệm mua sắm tích hợp công nghệ. Công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thử đồ ảo đang dần phổ biến trong thương mại điện tử.
Ví dụ, Sephora, một trong những thương hiệu mỹ phẩm hàng đầu, đã tích hợp công nghệ AR trong ứng dụng Sephora Virtual Artist để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm thử sản phẩm mỹ phẩm một cách trực quan và dễ dàng. Theo đó, khi người dùng mở ứng dụng, họ có thể sử dụng camera của điện thoại để nhận diện khuôn mặt.
Ứng dụng sẽ cho phép người dùng thử các sản phẩm như son môi, phấn mắt, mascara, hay kem nền ngay trên khuôn mặt của họ thông qua AR. Sau đó, người dùng có thể tìm hiểu thêm về chúng và mua trực tiếp thông qua ứng dụng nếu họ thích. Với việc ứng dụng AR, Sephora không chỉ cải thiện trải nghiệm khách hàng mà còn khuyến khích người dùng khám phá và thử các sản phẩm mới mà họ có thể không nghĩ đến trước đó, từ đó nâng cao tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu bán hàng.
Tính tương tác này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm của khách hàng mà còn giảm đáng kể tỷ lệ trả hàng, mang lại lợi ích cho cả khách hàng và nhà bán lẻ. Đồng thời việc áp dụng các công nghệ tiên tiến này cũng là minh chứng cho cam kết của thương hiệu đối với trải nghiệm khách hàng sáng tạo, từ đó tăng cường niềm tin và sự hài lòng của khách hàng.
Trào lưu mua sắm qua giọng nói được ưa chuộng
Voice Commerce (hay còn gọi: Mua sắm qua giọng nói) là quá trình mà người tiêu dùng sử dụng lệnh thoại để tìm kiếm và mua sắm sản phẩm trực tuyến. Xu hướng mới trong ngành thương mại điện tử này đang cho thấy sự phát triển nhanh chóng. Theo đó, thị trường mua sắm qua giọng nói dự kiến sẽ đạt 40 tỷ USD vào năm 2024, nhờ vào sự gia tăng sử dụng loa thông minh và trợ lý giọng nói.
Trong một nghiên cứu của Mail Modo, 64% dân số Gen Z tại Mỹ sẽ sử dụng trợ lý giọng nói thường xuyên vào năm 2027. Mua sắm qua trợ lý giọng nói phù hợp với mong đợi của Gen Z về một trải nghiệm kỹ thuật số nhanh chóng và tiện lợi, giúp họ mua sắm trong khi vẫn có thể làm các công việc khác.
Tận dụng xu hướng này, các nhà bán lẻ có thể tối ưu hóa việc tìm kiếm bằng giọng nói, bao gồm việc đảm bảo thông tin sản phẩm rõ ràng, tích hợp với các trợ lý giọng nói phổ biến và cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm thường xuyên để cung cấp phản hồi nhanh chóng và chính xác cho các truy vấn giọng nói từ khách hàng.
Sự minh bạch được coi trọng hàng đầu
Để xây dựng lòng tin với GenZ, thương hiệu không thể bỏ qua việc chứng minh tính minh bạch trong tất cả mọi khía cạnh, từ mô tả sản phẩm chính xác đến các phương thức kinh doanh có đạo đức. Từ việc thấu hiểu kỳ vọng này, các nhà bán lẻ cần thể hiện rõ ràng nguồn gốc sản phẩm, quy trình sản xuất và giá cả. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng nên chú trọng vào nâng cao dịch vụ khách hàng như phản hồi nhanh chóng, giải quyết vấn đề chủ động - những yếu tố then chốt để duy trì mối quan hệ tích cực với khách hàng Gen Z.
>>> Đọc thêm: Xu hướng ngành F&B 2025 dưới sự tác động của Gen Z
Lời kết:
Trong năm 2025, Gen Z sẽ không chỉ mong đợi từ các nhà bán lẻ trực tuyến, mà còn thực sự "đòi hỏi" một trải nghiệm mua sắm trọn vẹn, tiện lợi, và mang tính cá nhân hóa tối đa. Đối với thế hệ này, miễn phí vận chuyển không còn là một ưu đãi xa xỉ mà là điều kiện cần thiết, trong khi trải nghiệm cá nhân hóa không chỉ dừng lại ở gợi ý sản phẩm, mà phải chạm đến từng điểm trong hành trình mua sắm, từ tìm kiếm đến thanh toán. Với sự thông minh và nhanh nhạy của mình, GenZ sẽ lựa chọn đồng hành cùng các thương hiệu biết kết hợp hài hòa giữa công nghệ và sáng tạo để biến mỗi lần mua sắm trở thành một hành trình thú vị, độc nhất.
Bình luận của bạn