- 1. GenZ nối dài “khoảng cách thế hệ” chốn công sở
- 2. Lương quan trọng nhưng…môi trường làm việc còn quan trọng hơn
- 3. Thế hệ khao khát cân bằng giữa công việc và cuộc sống
- 4. GenZ đề cao sự hòa trộn giữa “High Touch” và “High Tech”
- 5. Nhàm chán với công việc văn phòng gò bó - Sự gắn bó là điều xa xỉ với GenZ
Là thế hệ đang tấn công mạnh mẽ vào mọi ngóc ngách của thị trường, GenZ hiện chiếm khoảng hơn 30% lực lượng lao động tại các doanh nghiệp và được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng từ năm 2025. Sinh ra trong kỷ nguyên công nghệ và được gọi là những “Digital Natives”, GenZ lớn lên với internet, kỹ thuật số và các thiết bị kết nối. Do đó, thế hệ này sở hữu khả năng sử dụng công nghệ một cách thành thạo và dễ dàng hơn so với các thế hệ trước. Bên cạnh đó, GenZ cũng nổi tiếng là một thế hệ “nổi loạn” yêu thích sự mới mẻ, và không ngại thể hiện cá tính mạnh mẽ. Việc dấn thân vào cuộc sống “người trưởng thành” đã khiến GenZ mang nét đặc trưng của thế hệ mình vào thị trường lao động và định hình lại văn hóa nơi làm việc.
1. GenZ nối dài “khoảng cách thế hệ” chốn công sở
75% người đi làm cảm thấy “xung đột thế hệ” vì GenZ. Đó là một phần trong báo cáo về thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt do Anphabe (đơn vị tư vấn về các giải pháp xây dựng nguồn nhân lực hạnh phúc) công bố tại hội nghị 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam vào năm ngoái. Khảo sát được thực hiện từ tháng 4-9, với sự tham gia của gần 64.000 người đi làm, 752 doanh nghiệp và 150 lãnh đạo.
Sự khác biệt trong môi trường trưởng thành, quan điểm và phong cách làm việc của GenZ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên, việc xuất hiện “khoảng cách thế hệ” là điều tất yếu, buộc các công ty dần chấp nhận và tìm cách cải thiện. Đơn cử, để giảm thiểu xung đột và tăng cường sự hòa hợp giữa các thế hệ, một số doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp "Reverse Mentoring" (Coaching Ngược), trong đó nhân viên trẻ hướng dẫn và chia sẻ kiến thức với những người lớn tuổi hơn. Phương pháp này không chỉ giúp Gen Z hòa nhập và đóng góp hiệu quả cho tổ chức mà còn tạo cơ hội cho các thế hệ khác hiểu và học hỏi từ GenZ.
>>> Đọc thêm: 12 facts về Gen Z mà các thương hiệu nhất định phải biết
2. Lương quan trọng nhưng…môi trường làm việc còn quan trọng hơn
Một khảo sát gần nhất của Anphabe cũng cho thấy 56% GenZ coi thu nhập đủ để sống thoải mái và tiết kiệm là yếu tố quan trọng nhất khi chọn công việc - cho thấy sự chủ động của thế hệ này để có một nền tảng tài chính vững chắc ngay sau khi ra trường 53% số người được hỏi, cho rằng sự ổn định trong công việc là một ưu tiên khi họ lựa chọn công việc. Tuy nhiên, khái niệm về sự “ổn định” trong mindset của GenZ lại khác với thế hệ 8X, 9X khi ngoài mong muốn công việc có mức lương hấp dẫn, họ còn quan tâm đến lộ trình thăng tiến của cá nhân và định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Dù tiêu chuẩn về mức lương là yêu cầu thứ yếu nhưng GenZ còn kỳ vọng nhiều hơn ở môi trường làm việc. 49% GenZ đặt mục tiêu được phát triển và đào tạo ngay tại doanh nghiệp họ làm việc. Ngoài việc được cung cấp công cụ và trau dồi kiến thức cho công việc hiện tại, thế này khao khát có cơ hội để học hỏi, phát triển kỹ năng mới và tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc đa dạng văn hóa và sự hòa nhập chốn công sở cũng trở thành “top of mind” đối với GenZ. 70% thế hệ Z nói rằng mức độ đa dạng văn hóa của một công ty ảnh hưởng đến quyết định làm việc của họ ở đó; 63% GenZ tham gia khảo sát còn cho biết mối bận tâm hàng đầu là liệu họ có được làm việc với những người có trình độ học vấn và kỹ năng đa dạng hay không. Và thêm 20% nghĩ rằng những thành viên đến từ các nền văn hóa khác nhau (hoặc dân tộc, vùng miền) là điều quan trọng nhất đối với một tổ chức. Có thể nói, chính sự đa dạng và hòa nhập trong văn hóa công ty là thứ giúp giữ chân GenZ.
3. Thế hệ khao khát cân bằng giữa công việc và cuộc sống
28% nhân viên trẻ thường xuyên cảm thấy kiệt sức trong công việc, tăng 7% so với thế hệ cũ; và cứ 10 người thuộc thế hệ Y thì có tới 7 người trải nghiệm ít nhất một vài lần kiệt sức tại nơi làm việc. Khác với các thế hệ trước, GenZ nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần và thể chất. Họ không để công việc chiếm hết thời gian và năng lượng, mà thay vào đó, họ mong muốn có thời gian để chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và tham gia các hoạt động ngoài công việc như thể thao, du lịch, hoặc các sở thích cá nhân.
Đặc biệt, sau những tác động của đại dịch COVID-19, Gen Z đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề sức khỏe tinh thần và mong muốn tránh xa những công việc gây căng thẳng, áp lực quá mức. Đối với họ, công việc không phải là toàn bộ cuộc sống, mà chỉ là một phần trong đó. Do đó, GenZ cũng sẽ không “vắt kiệt sức” để làm việc.
4. GenZ đề cao sự hòa trộn giữa “High Touch” và “High Tech”
Dù là một thế hệ kỹ thuật số và gần như không thể sống thiếu "high tech” - những công nghệ cao ứng dụng vào mọi mặt của đời sống nhưng có đến hơn 90% GenZ vẫn ưu tiên mối quan hệ con người trong công việc. Lý do là bởi công nghệ có thể là trợ thủ đắc lực giúp họ làm việc hiệu quả hơn, nhưng chính mối quan hệ con người, sự hỗ trợ trực tiếp từ sếp và đồng nghiệp giúp họ cảm thấy gắn kết và có ý nghĩa hơn trong công việc.
"High Touch” - yếu tố tương tác trực tiếp thể hiện từ các cuộc trò chuyện ngắn cho đến các buổi họp nhóm, brainstorming hay các hoạt động xã hội của công ty. GenZ luôn tìm kiếm một môi trường làm việc gắn kết, nơi mà tinh thần đồng đội được phát huy, các mối quan hệ cá nhân trong công việc được xây dựng và duy trì. Chính yếu tố con người giúp tạo nên một môi trường làm việc tích cực, thúc đẩy sự sáng tạo và năng suất hơn.
5. Nhàm chán với công việc văn phòng gò bó - Sự gắn bó là điều xa xỉ với GenZ
Sự linh hoạt và dễ thích nghi - một đặc điểm nổi bật của GenZ vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với thị trường lao động. Với khả năng đa nhiệm nhanh nhạy, không thể phủ nhận, GenZ có thể quản lý và xử lý nhiều công việc khác nhau cùng lúc, làm việc mọi lúc mọi nơi, bất kể không gian thời gian, từ công việc chuyên môn cho đến các “task” ngoài lề. Chính điều này biến GenZ trở thành nguồn nhân lực làm việc năng suất và đóng góp hiệu quả trong các môi trường làm việc đòi hỏi yêu cầu cao.
Mặc dù vậy, GenZ cũng mang trong mình nhiều tham vọng và hoài bão. Ngay cả khi công việc tốt cùng môi trường năng động, nhiều GenZ không chịu an phận và chọn “dứt áo ra đi” khi thấy mình đã học hỏi được hết ở môi trường cũ hoặc khi nhận được những lời đề nghị với mức đãi ngộ tốt hơn. Do đó, không quá khó hiểu khi Gen Z có xu hướng chuyển công việc nhiều hơn so với các thế hệ trước, đặc biệt nếu công việc không đáp ứng được kỳ vọng của họ về sự phát triển cá nhân.
Khi bước chân vào thị trường lao động, GenZ không chỉ đơn giản tìm kiếm một công việc mà còn khao khát được sống với đam mê và thể hiện giá trị bản thân. Những thống kê cho thấy các ngành nghề đòi hỏi sự linh hoạt, năng động như: Ẩm thực, Nghỉ dưỡng, Dịch vụ tài chính, Thương mại, Công nghệ… đứng đầu trong danh sách các lĩnh vực ưa thích của GenZ. Công việc bàn giấy gò bó về không gian và thời gian không phải là lựa chọn lý tưởng cho GenZ, vì thế hệ này luôn mong muốn sự linh hoạt, sáng tạo và cơ hội phát triển cá nhân.
>>> Xem thêm: Những xu hướng nào đang được lòng thế hệ Z?
Lời kết:
Trong một thế giới mà sự đổi thay là điều tất yếu, việc nắm bắt được những đặc tính và tinh thần của GenZ chính là chìa khóa mở ra tương lai của thị trường lao động Từ việc ưu tiên sự linh hoạt, sáng tạo, đến việc đòi hỏi môi trường làm việc đa dạng, hòa nhập cao, thế hệ này đã và đang định hình một chuẩn mực mới cho văn hóa công sở hiện đại. Nhìn nhận một cách tích cực, sự thay đổi do GenZ mang lại không chỉ là một thách thức mà còn là cơ hội để các tổ chức đổi mới và thích ứng linh hoạt hơn.
Bình luận của bạn