- Food Livestream - Cánh cổng mới cho các doanh nghiệp ngành F&B
- KFC khơi mào làn sóng Livestream F&B, thu về 1,2 tỷ chỉ sau vài phiên live
- The Pizza Company tiếp nối KFC chào sân Livestream
- MCDonald's chơi lớn miễn phí vận chuyển trên Livestream
- Thương hiệu nhận được gì khi Livestream bán đồ ăn?
- #1. Có thêm nguồn doanh thu & tiếp cận khách hàng mới
- #2. Mang lại hiệu quả về mặt truyền thông
- #3. Tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng
- Những lưu ý khi làm Food Livestream trong ngành F&B
- #1. Giải quyết bài toán Logistic
- #2. Tạo dựng niềm tin và educate người dùng
Food Livestream - Cánh cổng mới cho các doanh nghiệp ngành F&B
Trong thời gian trước đây, livestream là một kênh bán hàng khá xa lạ đối với ngành F&B. Người tiêu dùng chỉ biết đến các phiên livestream của những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài như FMCG hay thời trang. Còn đối với ngành F&B, đặc biệt là các mặt hàng như đồ ăn nhanh, do tính chất sản phẩm cần phải tiêu thụ trong thời gian ngắn khiến cho các thương hiệu không mấy mặn mà với một kênh bán hàng như livestream.
Cho đến 2 năm trở lại đây, sức ảnh hưởng của livestream đối với người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Không chỉ vì mục tiêu săn sale, các phiên Livestream còn được yêu thích bởi trải nghiệm thú vị kết hợp khéo léo giữa giải trí và mua hàng, mang lại cảm giác thích thú, thỏa mãn cho người dùng khi mua được các deal hot. Vì vậy, hình thức mua sắm này đang chi phối phần lớn hành vi mua sắm online với 62% hoạt động mua sắm online có yếu tố livestream (theo ACCESSTRADE). Một nghiên cứu khác của Wifi Talents cũng cho thấy sức mạnh vượt trội của Livestream khi 73% người dùng nhấn nút "Mua ngay" sau khi theo dõi các phiên livestream. Đặc biệt, riêng tại Việt Nam, người tiêu dùng đang dành tới 13 giờ/tuần để xem livestream bán hàng và khả năng sẵn sàng rút hầu bao mua hàng online đứng Top 11 thế giới.
Những con số này một lần nữa khẳng định rằng livestream đang là một kênh bán hàng tiền tỷ quá đỗi tiềm năng tại thị trường Việt Nam hiện nay. Khiến cho các ngành nghề khác như xe cộ, hay thậm chí là BĐS cũng không thể bỏ lỡ và bắt đầu tìm kiếm cơ hội để khai thác miếng bánh màu mỡ này.
Sức ảnh hưởng của Livestream cũng từ đó lan rộng sang ngành F&B. Các thương hiệu bắt đầu tìm cách giải quyết những hạn chế trước đây của Livestream như khả năng giao hàng nhanh, chi phí giao hàng,... để có thể đưa các mặt hàng F&B, đặc biệt là đồ ăn nhanh, lên các phiên Livestream.
Kết quả cho thấy các phiên live bán đồ ăn nhanh đã thực sự thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, tạo nên một xu hướng mua đồ ăn nhanh thú vị mới, vừa giải trí vừa săn deal giá hời, lại được giao đồ ăn ngay trong vài tiếng. Giúp các thương hiệu F&B thu về doanh số khá hấp dẫn, đồng thời khả năng tiếp cận người dùng trên kênh social media tăng trưởng chóng mặt.
Vậy các thương hiệu F&B hiện nay đang làm thế nào để có thể gia nhập vào cuộc chiến Livestream?
>>> Bạn có thể quan tâm: Xu hướng ngành F&B 2025 dưới tác động của thế hệ Z
KFC khơi mào làn sóng Livestream F&B, thu về 1,2 tỷ chỉ sau vài phiên live
Vào giữa tháng 6 năm 2024, KFC trở thành thương hiệu đầu tiên đưa các sản phẩm đồ ăn nhanh của mình lên một phiên livestream và ngay lập tức, phiên live của thương hiệu đã thu hút đông đảo sự chú ý của người tiêu dùng, tạo nên một cuộc thảo luận rầm rộ trên các kênh Social Media cũng như báo chí.
Trong đó, KFC cho phép người tiêu dùng đặt món ăn ngay trên livestream với các deal hot. Sau đó, tận dụng mạng lưới cửa hàng dày đặc của mình, KFC sẽ gom các đơn trong phiên live và ship đồ ăn đến tay người dùng chỉ trong vòng 1 giờ. Đặc biệt, nhờ gom nhiều đơn trong phiên live nên chi phí giao hàng từ livestream khá rẻ, chỉ 10.000 đồng, rẻ hơn khá nhiều so với việc đặt đồ ăn online trên các ứng dụng giao đồ ăn hiện nay.
Người xem vừa được tham gia tương tác giải trí với thương hiệu, vừa được mua sản phẩm với các deal hot, lại có thể nhận đồ ăn và thưởng thức ngay trong 1 giờ, đảm bảo tính chất sử dụng sản phẩm của đồ ăn nhanh.
Sau thành công của phiên live đầu tiên, KFC bắt đầu thực hiện các phiên live đều đặn hàng ngày trên TikTok Shop và thành công thu hút hàng nghìn lượt xem. Chỉ trong vòng khoảng 2 tháng đầu tiên mở bán loại hình đặc biệt này, KFC đã thành công thu được 30.000 đơn hàng và tạo ra khoảng 1,2 tỷ đồng doanh thu từ kênh livestream.
So với doanh số của KFC, con số này có thể còn khá nhỏ tuy nhiên nó cho thấy tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai, giúp thương hiệu giảm bớt sự phụ thuộc vào các ứng dụng giao đồ ăn, thêm một nguồn thu mới. Và đặc biệt hơn hết là livestream giúp KFC tạo nên trải nghiệm mua sắm thú vị hơn cho người tiêu dùng, mang lại cả hiệu ứng rất tích cực về mặt truyền thông, marketing. Cụ thể, sau bốn phiên livestream của KFC, ROAS - Tỷ lệ doanh thu trên quảng cáo của thương hiệu này đã tăng từ 400% lên hơn 1000% so với trước đây, cho thấy sức ảnh hưởng khủng khiếp mà livestream đã mang lại cho KFC.
The Pizza Company tiếp nối KFC chào sân Livestream
The Pizza Company cũng gia nhập đường đua livestream với phiên live đầu tiên diễn ra vào ngày 5/12. Ngay từ khi thông báo về phiên live này, The Pizza Company cũng khẳng định đã “bắt đầu thời kỳ của food livestream”, cho thấy kỳ vọng rất cao của thương hiệu vào hình thức này.
Tương tự như hai nhãn hàng trên, The Pizza Company cũng tung ra rất nhiều những ưu đãi hấp dẫn như voucher 50,000đ, combo ưu đãi giảm 40%, và đặc biệt cũng áp dụng hình thức giao hàng nhanh chỉ trong vòng một tiếng kể từ khi người dùng đặt hàng trên TikTok.
Thương hiệu còn kết hợp với những hot trend khá thú vị như "túi mù pizza" chỉ với 10,000 đồng nhằm bắt trend “Xé túi mù" gây bão trên mạng xã hội hồi tháng 12 vừa qua. Trước đó, The Pizza Company cũng thử nghiệm hình thức livestream này thông qua một phiên Live hợp tác cùng với thương hiệu 7UP Soda Chanh Việt Nam vào tháng 8/2024. Các phiên live của The Pizza Company nhận về khá nhiều phản hồi tích cực cho thương hiệu.
MCDonald's chơi lớn miễn phí vận chuyển trên Livestream
Tiếp nối thành công của đối thủ KFC, thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald cũng nhanh chóng gia nhập đường đua livestream vào đầu tháng 9 vừa qua.
Tương tự như KFC, McDonald’s cũng mang đến những combo giá hời và các hot deal cho người dùng trên phiên livestream. Ngoài ra, để kích thích người xem, McDonald’s cũng thiết kế những sản phẩm độc quyền chỉ có trên livestream. Đặc biệt thương hiệu còn có chương trình miễn phí ship khi người dùng đặt hàng qua live và vẫn đảm bảo giao đồ ăn rất nhanh chỉ trong khoảng 1 giờ.
Trên thực tế, trước đây McDonald’s cũng đã từng thực hiện những phiên livestream vào năm 2023. Tuy nhiên, mới tới năm 2024 thì thương hiệu này mới thực sự đẩy mạnh hoạt động livestream để bán đồ ăn nhanh trên Tik Tok Shop.
Thương hiệu nhận được gì khi Livestream bán đồ ăn?
#1. Có thêm nguồn doanh thu & tiếp cận khách hàng mới
Mặc dù chỉ mới trong giai đoạn đầu triển khai, nhưng hình thức livestream bán hàng trong ngành F&B cũng đã được khá nhiều người tiêu dùng hưởng ứng, mở ra một nguồn doanh thu mới mà các thương hiệu có thể khai thác. Dĩ nhiên, so với các hình thức bán hàng trực tiếp hay qua các ứng dụng giao đồ ăn, thì doanh thu từ livestream vẫn còn khá hạn chế. Nhưng nếu có thêm các hình thức tương tác hấp dẫn, chiến lược sản phẩm rõ ràng và đặc biệt là cách thức educate người dùng làm quen hơn với hình thức mua hàng độc đáo này, Livestream là một kênh bán màu mỡ với ngành F&B trong tương lai.
Tại sự kiện Việt Nam Mega Sale 2024 được TikTok tổ chức vào hồi tháng 7, các chuyên gia nhận định răng nếu chiến lược sản phẩm tốt, các thương hiệu sẽ có tới 70 đến 60% cơ hội bán hàng thông qua các phiên livestream.
#2. Mang lại hiệu quả về mặt truyền thông
Lợi ích và các phiên livestream mang lại cho thương hiệu đồ ăn nhanh không chỉ là những con số về mặt doanh thu mà hơn thế còn là những hiệu ứng truyền thông khá ấn tượng. Các phiên Livestream giúp tương tác giữa người dùng và thương hiệu trên kênh social tăng cao, tạo nên các cuộc thảo luận rầm rộ trên mạng xã hội. Điển hình với KFC, YouNet Media đã thống kê từ 27-5 đến 12-8, trên các nền tảng trực tuyến xuất hiện hơn 5.000 lượt thảo luận về livestream của thương hiệu và 76% trong số này đến từ nền tảng TikTok.
Livestream cũng giúp thương hiệu tận dụng sức ảnh hưởng của các đợt Mega Sale 11/11, 12/12 - điều mà các nhãn hàng F&B thường bỏ qua trước đây - để tăng sức ảnh hưởng với khách hàng. Ngoài ra, thương hiệu F&B hiện nay như McDonald's hay The Pizza Company cũng bắt đầu mời thêm các Influencer, KOL, KOC vào trong chiến dịch của mình, mang lại hiệu ứng truyền thông bùng nổ hơn nữa cho các phiên live.
#3. Tăng cường trải nghiệm cho người tiêu dùng
Livestream cho phép người dùng vừa giải trí vừa đặt đồ ăn với các hot deal giá hời, đáp ứng mong muốn "shoppertainment" mà họ luôn tìm kiếm trong thời gian vừa qua. Từ đó, các phiên live giúp thương hiệu đến gần hơn với khách hàng, tạo ra một trải nghiệm mua đồ ăn nhanh mới mẻ và thú vị hơn cho họ. Đồng thời, đây cũng là một hình thức mua đồ ăn khá tiện lợi bởi người dùng có thể nhận hàng nhanh chóng trong một tiếng đồng hồ, đảm bảo chất lượng của đồ ăn không kém cạnh các ứng dụng giao đồ ăn.
Những lưu ý khi làm Food Livestream trong ngành F&B
#1. Giải quyết bài toán Logistic
Để thực hiện được các phiên livestream đối với ngành F&B, đặc biệt là những mặt hàng thực phẩm tươi sống và đồ ăn nhanh, đòi hỏi thương hiệu cần phải có được một mạng lưới giao hàng và nhận hàng khá rộng. Bởi khi giao đồ ăn, thương hiệu cần cam kết giao hàng trong vòng 1-2 giờ đến tay khách hàng, đồng thời phải đảm bảo chất lượng tươi ngon của sản phẩm. Trong khi đó, thương hiệu cũng không nên quá phụ thuộc vào kênh vận chuyển nội bộ từ sàn thương mại điện tử, bởi rất khó để đảm bảo về chất lượng giao hàng đến tay người dùng.
Vì vậy, đối với hình thức bán đồ ăn trên livestream này, bài toán logistics là một trong những vấn đề rất quan trọng hàng đầu mà các thương hiệu cần phải xử lý. Từ quy cách đóng gói, quy trình vận hành, quy trình giao hàng, công nghệ kết nối với phiên livestream và hệ thống vận hành đơn,... Tất cả đều là những nút thắt thương hiệu cần phải xử lý được trước khi gia nhập vào cuộc đua màu mỡ như livestream.
#2. Tạo dựng niềm tin và educate người dùng
Những phiên livestream trong ngành F&B vẫn còn là hình thức khá mới mẻ đối với người dùng. Vì vậy, vẫn còn rất nhiều nghi ngờ về chất lượng sản phẩm như: Giao hàng chậm, đồ ăn bị nguội, ăn phải hàng tồn,... Vì vậy, thương hiệu cần củng cố niềm tin của người tiêu dùng thông quá các nội dung truyền thông, đồng thời kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung và các influencer để lan tỏa sự ảnh hưởng của chiến dịch và chinh phục niềm tin khách hàng.
Đồng thời, thương hiệu cũng cần educate người dùng làm quen hơn với hình thức mua sắm mới mẻ này. Thông qua những hoạt động như tổ chức các phiên live đều đặn, định kỳ, thông báo phiên live tới người dùng qua đa nền tảng như Social, SMS, Email,... để tạo dựng thói quen mới. Đặc biệt là việc lựa chọn thời điểm Livestream cũng rất quan trọng, cần phải phù hợp với hành vi ăn uống của người tiêu dùng.
Và cuối cùng là chiến lược về sản phẩm. Đặc sản của các phiên livestream luôn là những hotdeal, những combo sản phẩm hấp dẫn. Vì vậy thương hiệu cũng cần xây dựng một chiến lược sản phẩm rõ ràng trước khi đưa những sản phẩm của mình lên trên live, đảm bảo mang lại nguồn doanh thu tối ưu nhất.
>>> Đọc thêm: Toàn cảnh thị trường Fast Food Việt Nam 2024
Lời kết:
Livestream đang thực sự tạo nên một cuộc chơi mới trong ngành F&B, không chỉ vì doanh số mà còn nhờ vào hiệu quả truyền thông mà nó mang lại cho các nhãn hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn hình thức này còn chưa phổ biến, các thương hiệu có nhiều cơ hội để gia nhập và cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một hình thức khó nhằn khi thương hiệu phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về Logistic, Vận hành tới truyền thông.
Bình luận của bạn