- 1. Chat GPT “sập” trên toàn cầu khiến người dùng hoang mang
- 2. WeChoice Awards 2024 - năm thứ 10 tự hào tinh thần “Việt Nam tôi đó” chính thức mở cổng gửi đề cử
- 3. Adobe Lightroom được Apple vinh danh là ứng dụng thịnh hành nhất trên Mac năm 2024
- 4. Hậu cơn sốt Labubu, giới trẻ lại phát cuồng vì búp bê khóc Crybaby
1. Chat GPT “sập” trên toàn cầu khiến người dùng hoang mang
Nối tiếp Facebook, Instagram và Threads, ChatGPT OpenAI ghi nhận sự cố nghiệm trọng khi người dùng không thể truy cập vào khoảng 6 giờ sáng ngày 12/12. Theo thống kế từ Down Detector - nền tảng theo dõi các sự cố dựa trên báo cáo của người dùng, hàng chục nghìn người dùng toàn cầu không thể sử dụng ChatGPT với 88% người dùng báo cáo sự cố với dịch vụ, 5% gặp sự cố với ứng dụng và 7% gặp sự cố với trang web của OpenAI.
Trên trang chủ “chatgpt.com”, OpenAI cho biết đang tìm cách khắc phục, song sự cố vẫn khiến không ít người dùng trên mạng xã hội lo lắng. Nguyên do bắt nguồn từ các giao diện lập trình ứng dụng (API - Application Programming Interface) của OpenAI. Đại diện OpenAI chia sẻ: “Chúng tôi nhận được báo cáo lỗi về API. Chúng tôi đã xác định được vấn đề và đang triển khai bản sửa lỗi nhanh nhất có thể để khôi phục dịch vụ về trạng thái bình thường. Chúng tôi xin lỗi về thời gian ngừng hoạt động này”
Việc ChatGPT bị sập đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc của nhiều người, đặc biệt với những cá nhân sử dụng AI để tìm kiếm thông tin. Sự cố cho thấy dù AI xuất hiện chưa lâu, nhưng con người đã và đang phụ thuộc vào nó. Theo một nghiên cứu được công bố bởi Reuters và Đại học Oxford, ChatGPT có thể không được người dùng phổ thông sử dụng thường xuyên, nhưng hàng triệu người vẫn dựa vào nó để lập trình, lên ý tưởng, viết báo cáo...
Hiện sự cố đã được khắc phục và người dùng có thể sử dụng được dịch vụ như bình thường Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ChatGPT gặp sự cố nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu. Vào đầu tháng 6, chatbot này cũng gặp sự cố tương tự; kéo dài trong hơn 3 ngày mới được khắc phục. Tình trạng lỗi xảy ra với cả người dùng ChatGPT phiên bản miễn phí, cũng như ChatGPT Plus, phiên bản chuyên nghiệp có trả phí.
2. WeChoice Awards 2024 - năm thứ 10 tự hào tinh thần “Việt Nam tôi đó” chính thức mở cổng gửi đề cử
WeChoice Awards - giải thưởng thường niên do VCCorp tổ chức từ năm 2014 ra đời với mục đích tôn vinh những con người, sự kiện, sản phẩm và công trình có tầm ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng cũng như chia sẻ những câu chuyện truyền cảm hứng nhất trong suốt một năm qua.
Bước sang năm thứ 10 lan tỏa niềm cảm hứng sống tới người Việt qua những điều thiện lành, tử tế của người Việt, năm nay WeChoice Awards trở lại với chủ đề “Việt Nam tôi đó” như một lời khẳng định đầy mạnh mẽ và tự hào cho tinh thần Việt Nam. Hành trình tìm kiếm và góp nhặt những câu chuyện nhân văn của năm thứ 10 đã chính thức được bắt đầu khi mới đây, BTC WeChoice Awards thông báo chính thức mở cổng gửi đề cử. Cổng đề cử được mở tại wechoice.vn từ ngày 11/12 đến 23h59 ngày 24/12/2024. Độc giả có thể gửi các đề cử ở 6 hạng mục lớn của WeChoice Awards:
- Hạng mục Nhân vật truyền cảm hứng
- Hạng mục Giải trí
- Hạng mục GenZ Area
- Hạng mục Trái tim dũng cảm
- Hạng mục Dự án vì Việt Nam tôi
- Hạng mục Đơn vị vững mạnh Việt Nam
Được biết, những cá nhân, câu chuyện được đề cử bởi độc giả và tham vấn của Hội đồng thẩm định ở giai đoạn này sẽ là căn cứ để BTC lựa chọn các đề cử chính thức có mặt trong vòng bình chọn. Vòng bình chọn sẽ kéo dài từ 24/12 đến 12h00 ngày 12/1/2025 - mốc thời gian độc giả có thể bình chọn cho đề cử mình yêu thích nhất ở mỗi hạng mục. Khép lại hành trình của WeChoice Awards 2024 là đêm vinh danh và trao giải được mong chờ nhất. Những nhân vật, câu chuyện truyền cảm hứng nhất được xứng tên dưới ánh đèn sân khấu của WeChoice Awards như một sự ghi nhận cho đóng góp lớn lao của cá nhân cho cộng đồng.
Đánh dấu hành trình 10 năm tôn vinh và lan tỏa những giá trị truyền cảm hứng tới cộng đồng, WeChoice Awards năm nay lựa chọn chủ đề “Việt Nam tôi đó” như một cách thể hiện tình yêu và sự tự hào về những thành tựu mà người Việt đạt được, sự tự hào về phẩm chất người Việt có trong mình và bản sắc Việt Nam hiển hiện trong từng sản phẩm mà người Việt tạo tác.
3. Adobe Lightroom được Apple vinh danh là ứng dụng thịnh hành nhất trên Mac năm 2024
Mới đây, Apple đã công bố danh sách các ứng dụng xuất sắc nhất trên App Store năm 2024. Trong đó, Adobe Lightroom chính thức được Apple vinh danh là Mac App of the Year (Ứng dụng Mac của năm).
Các tính năng nổi bật của Adobe Lightroom bao gồm Generative Remove (Xóa tạo sinh) và Lens Blur (Làm mờ ống kính), giúp đơn giản hóa quá trình chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, tính năng Adaptive Presets (Bộ lọc tự động điều chỉnh) cho phép người dùng thực hiện các điều chỉnh nhanh chóng và hiệu quả.
Adobe Lightroom là một công cụ chỉnh sửa ảnh nổi tiếng, được sử dụng rộng rãi bởi hàng triệu người dùng trên toàn thế giới, đặc biệt là trong cộng đồng nhiếp ảnh chuyên nghiệp.Việc Lightroom được Apple công nhận là một sự công nhận cho chất lượng và độ phổ biến của ứng dụng này. Với các công cụ chỉnh sửa ảnh mạnh mẽ, Lightroom không chỉ là một ứng dụng chỉnh sửa ảnh đơn thuần mà còn là một nền tảng toàn diện cho việc tổ chức và nâng cao chất lượng thư viện ảnh của người dùng.
4. Hậu cơn sốt Labubu, giới trẻ lại phát cuồng vì búp bê khóc Crybaby
Búp bê khóc Crybaby đang trở thành món đồ chơi "làm mưa làm gió" trên các nền tảng mạng xã hội những ngày gần đây, khi cơn sốt Labubu chưa kịp hạ nhiệt. Món đồ chơi này với tên gọi “Crybaby” hay Búp bê khóc thuộc dòng art toy - đồ chơi nghệ thuật có thiết kế độc đáo, phong cách dễ thương và mô phỏng lại những biểu cảm khóc “khó đỡ” gây ấn tượng. Những giọt nước mắt được thiết kế tỉ mỉ, kết hợp với khuôn miệng phụng phịu tạo nên tổng thể hết sức đáng yêu, khiến nhiều người mong muốn sở hữu.
Búp bê khóc được thiết kế dựa trên nhiều nhân vật khác nhau như thỏ hồng, gấu nâu, ong vàng... Các sản phẩm Crybaby phổ biến được bán chính hãng ở Pop-mart có giá dao động từ 280k - 700k tùy loại. Nếu mua qua các đầu mối trung gian, mỗi con Crybaby có khi bị đôn giá lên đến cả triệu đồng. Crybaby còn có phiên bản giới hạn theo mùa. Nhiều mẫu sản phẩm khi bán trực tiếp tại trung tâm thương mại đã tăng vọt lên đến vài triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng cho mỗi món. Mẫu Crybaby càng hiếm, giá bán càng cao. Trong đó, búp bê khóc da tối màu, tóc đen, mắt đen có giá đắt nhất vì đây là màu nguyên bản của Crybaby.
Sau Labubu và Baby Three, Crybaby dự sẽ tiếp tục hot rần rần trong thời gian tới và trở thành “must-have” item của cộng đồng sưu tập “art toy” đang ngày càng lớn mạnh.
>>> Xem thêm: Facebook gặp lỗi toàn cầu, Soobin Hoàng Sơn làm đại sứ thương hiệu cho công ty riêng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Bình luận của bạn