Chiến lược Marketing Mix - Mô hình tiếp thị hiệu quả trong mọi thời đại

27 Thg 07

Chiến lược marketing mix đã ra đời từ những năm giữa thế kỷ 20 nhưng vẫn được áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay, cho thấy các giá trị bền vững mà công cụ mang lại cho hoạt động...

Chiến lược marketing mix đã ra đời từ những năm giữa thế kỷ 20 nhưng vẫn được áp dụng rộng rãi cho đến ngày nay, cho thấy các giá trị bền vững mà công cụ mang lại cho hoạt động truyền thông của doanh nghiệp. Vậy chiến lược Marketing Mix là gì và có vai trò đặc biệt thế nào? Làm thế nào để phân biệt và khai thác tối đa hiệu quả của các mô hình Marketing hỗn hợp hiện nay?

Chiến lược marketing mix là gì?

Thuật ngữ Marketing Mix hay còn gọi là tiếp thị hỗn hợp được nhắc đến đầu tiên vào năm 1953 bởi Neil Borden - Chủ tịch của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ. Mô hình này tiếp tục được hoàn thiện khi nhà tiếp thị nổi tiếng E.Jerome McCarthy lên ý tưởng phân loại mô hình theo từng tiêu chí 4P mà ngày nay đều được giải thích trong hầu hết sách về marketing.

Nguyên gốc của chiến lược marketing mix được phân loại theo mô hình 4P gồm Product (Sản phẩm), Price (Giá), Place (Kênh phân phối) và Promotion (Xúc tiến). Theo quá trình phát triển, mô hình được cải tiến và hoàn thiện thành 7P với sự bổ sung của 3 tiêu chí khác là Process (Quy trình), People (Con người), Physical Evidence (Bằng chứng vật lý).

Chiến lược marketing mix là gì?

Tại sao Marketing Mix lại quan trọng với doanh nghiệp?

Trải qua hơn 70 năm phát triển, chiến lược marketing mix vẫn được sử dụng rộng rãi trong bối cảnh kinh doanh hiện đại bởi chúng mang lại nhiều hiệu quả đáng kể:

Thiết lập chiến lược truyền thông tối ưu

Marketing hỗn hợp là yếu tố cần thiết trong xây dựng kế hoạch truyền thông tổng thể bởi chúng không những thúc đẩy độ nhận diện thương hiệu mà còn nâng cao doanh số tiêu thụ và lợi nhuận bền vững. Khi thực hiện chiến lược tiếp thị hỗn hợp, doanh nghiệp có sự hiểu biết sâu rộng về thị trường, khách hàng và đối thủ. Qua đó, có cơ sở để lựa chọn các hoạt động marketing sản phẩm, dịch vụ cùng các cải tiến, chiến lược giá, kênh phân phối,…toàn diện và tối ưu nhất

Mang đến sự độc nhất

Khi hiểu rõ đối thủ cạnh tranh thông qua các hoạt động nghiên cứu marketing mix, doanh nghiệp dễ dàng tạo ra sự khác biệt về sản phẩm, chiến lược tiếp thị vượt trội hơn so với mặt bằng chung.

Chẳng hạn, Mixue đã tạo ra một bước đột phá lớn giữa hàng loạt tên tuổi “cộm cán” trong thị trường kem nhờ ứng dụng thành công chiến lược marketing mix. Sau khi phân tích mô hình tiếp thị hỗn hợp của đối thủ cùng ngành, Mixue nhận ra các thương hiệu lớn như Unilever, Nestle, Blue Bell, Herdez và Inspire Brands,…chưa có nhiều sự đầu tư vào bao bì, phong cách bày trí sản phẩm độc đáo. Tận dụng điểm yếu này, Mixue đã tập trung vào thiết kế bao bì đẹp mắt, đáng yêu, lấy hình ảnh Tuyết Vương làm linh vật cho sản phẩm và tạo được sự thích thú, đón nhận của giới trẻ. Như vậy, Mixue đã thành công trong việc nâng cao độ nhận diện thương hiệu, làm nên dấu ấn đặc trưng và gây ấn tượng mạnh mẽ với người tiêu dùng.  

Marketing Mix mang đến sự độc nhất

Gia tăng năng lực cạnh tranh

Môi trường kinh doanh ngày càng có nhiều biến động và cạnh tranh gay gắt từ giữa các thương hiệu. Vì vậy, trong “cuộc chiến’ giành lấy khách hàng, doanh nghiệp càng có nhiều lợi thế cạnh tranh càng dễ đạt được chiến thắng. Điều này đồng nghĩa nhà cung cấp phải nắm rõ bản chất của các yếu tố kinh doanh và tiếp thị trong mô hình marketing mix để kịp thời thích nghi nhanh chóng trong mọi hoàn cảnh và sự thay đổi.

Ưu nhược điểm của chiến lược marketing mix 4P

4P là mô hình nguyên gốc của khái niệm chiến lược marketing mix với những điểm mạnh và hạn chế như:

Ưu điểm

  • Dễ dàng tiếp cận với khách hàng: Thông qua các nền tảng, công cụ trực tuyến, thương hiệu dễ dàng nhận biết được suy nghĩ, nhu cầu của người tiêu dùng về doanh nghiệp hoặc chiến lược marketing. Hơn nữa, nếu các bài đăng về bạn được lan truyền rộng rãi và có nhiều bình luận tích cực thì chứng tỏ kế hoạch truyền thông đang tiến triển tích cực và có hiệu quả.
  • Đo lường đầy đủ các thông số: Trong thời đại công nghệ số như hiện nay, việc đo lường các thông số đánh giá khách hàng được thực hiện nhanh chóng và chính xác. Các dữ liệu thu thập được sẽ nói lên kết quả tiếp cận người dùng và hiệu quả từ các chiến dịch quảng bá hiện tại.  

Nhược điểm

  • Gây phiền toái cho khách hàng: Đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng, chắc chắn bất kỳ ai cũng cảm thấy khó chịu khi mọi hoạt động tìm kiếm trực tuyến của mình đều bị nhãn hàng theo dõi và gợi ý hiển thị.
  • Dễ bị chặn: Tiếp cận khách hàng thông qua hình thức marketing 4P vô cùng tiện lợi và dễ dàng nhưng người cùng hiện nay có thể sử dụng các công cụ để chặn các quảng cáo của bạn. Vì vậy, tỷ lệ chuyển đổi sẽ không tích cực nếu số lượng bỏ qua quá nhiều.
Ưu nhược điểm của mô hình 4P trong Marketing

Các chiến lược Marketing Mix phổ biến được ứng dụng như thế nào?

Marketing mix là công cụ tiếp thị hữu ích có tính ứng dụng cao trong hoạt động kinh doanh nên liên tục được cải tiến và đổi mới để phù hợp với bối cảnh thị trường hiện đại:

Marketing Mix 4P

Chiến lược marketing mix 4P được biết đến lần đầu tiên vào những năm 60 của thế kỷ 20 bởi nhà kinh tế học E.Jerome McCarthy. Từ thời điểm đó, mô hình này đã trở nên nổi tiếng và cũng là nền móng cho các khái niệm marketing mix nói chung với phạm vi tiếp thị gồm:

  • Product (Sản phẩm)
  • Price (Giá cả)
  • Place (Địa điểm)
  • Promotion (Xúc tiến)

Marketing Mix 7P

Mô hình marketing mix 7P thường được ứng dụng trong các ngành dịch vụ, y tế,... bao gồm các yếu tố của chiến lược 4P và bổ sung thêm 3 tiêu chí là:

People

Con người ở đây là tất cả những đối tượng tiếp xúc (cả trực tiếp và gián tiếp) với khách hàng của bạn như đội ngũ bán hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng,…Để đảm bảo nhân sự của mình có những hành vi phù hợp, chuẩn mực với người tiêu dùng, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Đào tạo toàn diện các kỹ năng cho đội ngũ marketing để triển khai các chiến lược truyền thông tích cực nhất
  • Xây dựng văn hóa công ty và cá tính thương hiệu
  • Tuyển dụng và bồi dưỡng các chuyên gia ở mỗi phòng ban, bộ phận công ty
  • Tập trung vào nghiên cứu và tạo dựng mối quan hệ với khách hàng, quản lý tốt khách hàng mục tiêu và khách hàng trung thành.

Ví dụ trên thị trường dược phẩm, FPT Long Châu là một trong những đơn vị bán được đánh giá cao bởi đội ngũ trình dược viên chất lượng. FPT Long Châu có chiến lược đào tạo đội ngũ trình dược viên rất bài bản chặt chẽ, từ đó chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khi mua dược phẩm. 

Physical Evidence

Chữ P thứ 3 trong chiến lược marketing mix 7P là bằng chứng hữu hình của doanh nghiệp, chẳng hạn như dịch vụ, cửa hàng, bao bì, bộ nhận diện thương hiệu, bằng sáng chế, cơ sở vật chất như cửa hàng, nhà máy… Những bằng chứng này là điểm tựa niềm tin rất lớn trong quá trình mua hàng của người tiêu dùng, thể hiện sự chuyên nghiệp và định hình phong cách của thương hiệu. 

Process

Yếu tố cuối cùng làm nền chiến lược marketing 7P hoàn thiện là quy trình tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Quy trình này càng cụ thể, suôn sẻ thì nhân viên dễ dàng ứng dụng, vừa tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp vừa giúp người dùng có được những trải nghiệm tiện lợi, tích cực khi mua sắm. Khi xem xét thiết kế và điều chỉnh quy trình hoạt động, thương hiệu có thể cân nhắc các tiêu chí như:

  • Dịch vụ logistics trong hệ thống phân phối có hoạt động hiệu quả không?
  • Quy trình giao hàng như thế nào để tối ưu chi phí
  • Tình trạng tồn kho và lưu kho có được kiểm soát tốt không?
  • Khả năng quản lý nhân viên có chặt chẽ không?
Marketing Mix 7P

Marketing Mix 4C

Mô hình marketing mix 4C được mở rộng bởi giáo sư Robert F.Lauterborn vào năm 1990 với mục tiêu xác định nhu cầu của khách hàng thay vì tập trung vào khả năng của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể thay đổi và cải tiến các chiến lược tiếp thị của mình phù hợp hơn với người dùng mục tiêu.

Customer Solutions

Chữ C đầu tiên trong chiến lược marketing mix 4C là Customer Solutions (Giải pháp khách hàng). Yếu tố này tương ứng với Product (Sản phẩm) của mô hình 4P, tập trung vào giá trị mà sản phẩm có thể mang đến cho người tiêu dùng. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp phải nghiên cứu và phân tích thật kỹ các mong muốn của khách hàng để tạo ra sản phẩm hữu ích thay vì chỉ hướng đến doanh thu, lợi nhuận.

Customer Cost

Chi phí khách hàng gắn liền với yếu tố Price (Giá cả) góp phần ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dùng. Chi phí này không chỉ thể hiện giá thành sản phẩm mà còn bao gồm chi phí vận hành và tiêu hủy. Chẳng hạn, nhiều khách hàng cân nhắc mua điều hòa không phải vì giá thành cao mà lo ngại về chi phí sử dụng, bảo dưỡng tốn kém. Lúc này, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các sản phẩm tiết kiệm điện, dễ bảo trì, ít hư hỏng.   

Convenience

Tính tiện lợi (Convenience) có liên quan đến yếu tố Place, tức là phương thức phân phối sản phẩm của doanh nghiệp phải thuận tiện, dễ dàng và phủ sóng rộng trên nhiều kênh mua hàng khác nhau. Một ví dụ điển hình về thành công trong mạng lưới phân phối sản phẩm là nhà thuốc Long Châu FPT. Hiện nay, khách hàng dễ dàng bắt gặp các cửa hàng offline của Long Châu FPT tại nhiều khu vực, thậm chí thương hiệu còn đang phát triển hệ thống mua hàng online nhanh chóng, tiết kiệm. Nhờ đó, quá trình mua sắm của mọi người diễn ra rất thuận lợi, không tốn nhiều thời gian.

Communication

Yếu tố cuối cùng trong mô hình 4C tương ứng với Promotion trong chiến lược marketing 4P, nhấn mạnh các hoạt động khuyến mãi, xúc tiến tương tác giữa nhãn hàng và người dùng.

Doanh nghiệp cần tìm hiểu những nhu cầu, kỳ vọng của khách hàng để chứng minh được các sản phẩm của mình có thể đáp ứng mong muốn đó ra sao. Chính sự thúc đẩy thông qua các chương trình tiếp cận, tương tác hai chiều này sẽ tạo nên mối quan hệ tốt đẹp và ấn tượng tích cực cho người tiêu dùng.

Marketing Mix 4C

>>> Xem thêm: Chiến lược Marketing nổi tiếng đến từ những thương hiệu lớn 2023

Câu hỏi thường gặp khi sử dụng chiến lược Marketing Mix

Dưới đây là tổng hợp một số câu hỏi liên quan đến chiến lược marketing mix thường gặp nhất:

  1. Yếu tố nào trong chiến lược marketing mix là quan trọng nhất?

Marketing mix là một mô hình tiếp thị hoàn thiện mà mỗi yếu tố đều có sự tương hỗ, bổ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, tiêu chí Product (Sản phẩm) vẫn là nền tảng đặc biệt quan trọng trong các chiến lược truyền thông bởi chỉ có chúng mới mang đến giá trị cốt lõi cho người dùng. Khi yếu tố sản phẩm đủ tốt, chúng ta mới có thể phát triển thêm các khía cạnh còn lại.

  1. Có những chiến lược định giá nào?

Hiện nay, có 3 loại chiến lược định giá được ứng dụng phổ biến nhất, đó là:

  • Neutral Pricing: Chiến lược định giá trung lập
  • Market Skimming Pricing: Chiến lược giá hớt váng
  • Market Penetration Pricing: Định giá thâm nhập
  1. Chiến lược marketing 4P và 7P khác nhau như thế nào?

4P là tập hợp các yếu tố cơ bản trong mô hình marketing mix gồm Product, Price, Place và Promotion. Trong khi đó, 7P được hoàn thiện thêm 3 tiêu chí là People, Process và Physical Evidence. Nhờ đó, mô hình 7P cung cấp một bức tranh tổng quan và chi tiết hơn, tập trung vào các yếu tố liên quan đến dịch vụ và chăm sóc khách hàng nhiều hơn. Do đó, mô hình này được sử dụng phổ biến hơn trong các ngành dịch vụ, y tế,...

  1. Làm thế nào để xây dựng một chiến lược Marketing mix?

Để xây dựng chiến lược tiếp thị hỗn hợp hiệu quả, thương hiệu cần nghiên cứu và phân tích khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh và chính mình để tìm ra hướng phát triển phù hợp và tối ưu nhất. Từ những phân tích này, bạn cần lựa chọn những yếu tố trọng yếu trong marketing của thương hiệu, sau đó lựa chọn mô hình marketing mix phù hợp trong số những mô hình trên.

Ví dụ đối với các ngành dịch vụ như: nhà hàng, khách sạn thì mô hình 7P sẽ là một lựa chọn phù hợp hơn bởi các yếu tố về con người và vận hành đóng vai trò rất quan trọng trong ngành dịch vụ. Trong khi các cửa hàng tiêu dùng, gia dụng,... lại có thể lựa chọn mô hình marketing mix truyền thống 4P. 

 Tạm kết:

Chiến lược marketing mix đã trải qua nhiều lần bổ sung và cải tiến để phù hợp hơn với bối cảnh và điều kiện kinh doanh hiện đại. Tuy nhiên, mỗi mô hình đều có những điểm mạnh và hạn chế khác nhau mà doanh nghiệp cần tìm hiểu trước khi sử dụng để phát huy tối đa giá trị, sức mạnh. Hy vọng với những chia sẻ trên của MarketingAI đã mang đến những kiến thức marketing, kinh doanh hữu ích cho bạn!

Đánh giá của bạn

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.