Tuy nhiên, tồn tại song song và được sử dụng phổ biến không kém 4P, lại có phần thực tế hơn chính là 4C. Bài viết dưới đây, MarketingAI sẽ giải đáp mọi câu hỏi liên quan đến 4C và những phân tích mới nhất về loại mô hình 4C trong marketing này.
4C trong marketing là gì?
4C bao gồm Customer Solution (giải pháp cho khách hàng), Customer Cost (chi phí của khách hàng), Convenience (tính thuận tiện) và Communication (sự giao tiếp).
Nhiều chuyên gia và người làm marketing lâu năm cho rằng 4C có giá trị hơn nhiều khi so sánh với 4P. Bởi 4C không chỉ tập trung vào tiếp thị và bán sản phẩm mà còn tập trung vào giao tiếp với đối tượng mục tiêu từ đầu đến cuối quá trình.
4P tập trung vào chiến lược tiếp thị định hướng người bán, có thể cực kỳ hiệu quả để bán hàng. Tuy nhiên, 4C đưa ra quan điểm dựa trên người tiêu dùng nhiều hơn về chiến lược tiếp thị.
Lợi ích của mô hình 4C
Mô hình 4C giúp các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô cạnh tranh với nhau. Bằng cách hiểu đối tượng mục tiêu của mình, doanh nghiệp có thể cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Doanh nghiệp có thể sử dụng mô hình 4C để xác định thị trường mục tiêu của mình. Bằng cách kết hợp 4C vào truyền thông tiếp thị, chiến dịch marketing sẽ có nhiều khả năng nhận được phản hồi tốt của khách hàng và cải thiện hình ảnh cũng như danh tiếng của thương hiệu.
Ví dụ mô hình marketing 4C
4C có giá trị lớn đối với các marketer đang tìm cách kết nối thông điệp giữa sản phẩm và nội dung, hướng đến người tiêu dùng. Tư duy theo 4C giúp các marketer kết nối với khán giả và gắn bó với người tiêu dùng lâu dài hơn.
Amazon là một trong các thương hiệu đã áp dụng thành công mô hình 4C trong marketing.
Customer Solutions - Amazon tập trung vào việc đưa ra giải pháp cho khách hàng khi luôn cung cấp đa dạng các loại sản phẩm để đáp ứng được mọi nhu cầu, mọi nhóm khách hàng ở mọi nơi trên thế giới.
Customer Cost - là một công lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử, Amazon luôn đưa ra các sản phẩm và dịch vụ với giá thành phù hợp cho khách hàng của mình. Bên cạnh đó là những chương trình ưu đãi, khuyến khích khách hàng mua sản phẩm.
Convenience - Amazon có thể giao hàng ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống logistic giúp Amazon vận hành trơn tru, tiết kiệm nhiều công sức và thời gian để chọn được sản phẩm mong muốn của mình. Bên cạnh đó, Amazon thiết kế nhiều chế độ như giao hàng 2 ngày miễn phí, mua hàng nhanh chóng,... để hỗ trợ khách trong quá trình mua bán sản phẩm.
Communication - yếu tố cuối cùng trong 4C là giao tiếp, đóng vai trò chủ chốt trong kinh doanh. Amazon luôn duy trì giao tiếp với khách hàng qua nhiều phương thức từ trước, trong và sau khi mua sản phẩm. Mức độ tương tác với khách hàng qua email, tin nhắn giúp tạo ra cảm giác luôn được hỗ trợ.
Mối liên hệ giữa marketing 4P và 4C trong marketing
4P và 4C có liên quan với nhau vì cả hai đều là thành phần của chiến lược marketing. Tất cả bốn yếu tố đều cần được xem xét trong khía cạnh mối quan hệ của chúng với nhau nếu doanh nghiệp muốn đạt được thành công.
Điều này có nghĩa là các nhà tiếp thị cần xem xét cả hai yếu tố để đạt được mục tiêu tiếp thị thành công. Bằng cách hiểu không chỉ 4P và 4C trong marketing mà còn cả cách chúng hoạt động cùng nhau, các marketer có thể tạo ra các chiến lược thành công tập trung vào việc tối ưu hóa từng lĩnh vực quan trọng này một cách riêng biệt và mối quan hệ giữa hai mô hình này.
Chi tiết các thành phần trong mô hình 4C
Customer Solutions (Giải pháp cho khách hàng)
Chữ C đầu tiên trong 4C là giải pháp cho khách hàng, hay nói cách khác, chữ C này thể hiện mong muốn và nhu cầu của khách hàng. Thay vì tập trung vào chính sản phẩm, chữ C đầu tiên tập trung vào việc lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống cũng như mang lại giải pháp cho khách hàng.
Chiến lược marketing này rất quan trọng đối với các doanh nghiệp quan tâm đến việc tìm kiếm sự hiểu biết về khách hàng mục tiêu của họ. Khi bạn hiểu khách hàng của mình, việc tạo ra một sản phẩm có lợi cho họ sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Khách hàng đưa ra quyết định mua hàng và do đó, điều này trở thành nguồn tài nguyên quý giá nhất trong bất kỳ chiến lược tiếp thị nào.
Customer Cost (Chi phí của khách hàng)
Chữ C thứ 2 trong 4C thể hiện chi phí. Tuy nhiên, chi phí này không phải ám chỉ sản phẩm mà là tổng chi phí mua sản phẩm của khách hàng, tức chi phí của khách hàng.
Điều quan trọng là phải xác định tổng chi phí - không phải giá - của sản phẩm cho khách hàng. Chi phí không chỉ bao gồm giá của mặt hàng mà còn có thể bao gồm những thứ như thời gian cần thiết để khách hàng đến địa điểm mua sản phẩm hoặc chi phí đi lại cần thiết. Chi phí cũng có thể bao gồm lợi ích hoặc thiếu sót của sản phẩm đối với khách hàng.
Convenience (Thuận tiện)
Yếu tố đứng thứ ba là sự thuận tiện. Tương tự như yếu tố địa điểm - Place trong mô hình 4P. Thế nhưng, hai yếu tố này vẫn tồn tại sự khác biệt. Trong khi Place chỉ đơn thuần đề cập đến địa điểm bán sản phẩm, thì Convenience lại hướng đến tiêu chí tiếp cận khách hàng nhiều hơn trong các chiến lược marketing.
Trong quá trình phân tích thói quen của khách hàng, doanh nghiệp sẽ biết liệu khách hàng có mua sắm trực tuyến hay mua tại cửa hàng hay không. Tổng chi phí của sản phẩm mang tính quyết định một phần cho sự thuận tiện của sản phẩm đối với khách hàng. Mục tiêu hướng đến ở yếu tố này là làm cho sản phẩm có chi phía hợp lý, khách hàng không cần tốt nhiều bước để có được.
Communication (Giao tiếp)
Chứ C cuối cùng trong 4C trong marketing là yếu tố giao tiếp. Giao tiếp dù ở marketing hay kinh doanh đều được coi là chìa khóa chủ chốt. Nếu không có giao tiếp, mô hình 4C sẽ vô dụng, không hiệu quả. Chữ C này được đánh giá là tương tự với Promotion trong mô hình 4P nhưng cũng có những điểm khác biệt.
Promotion (quảng cáo) được sử dụng để gây ảnh hướng đến khách hàng, khiến họ mua sản phẩm. Do đó, quảng cáo có thể mang tính chất thao túng và không đạt hiệu quả. Tuy nhiên Communication (giao tiếp/truyền thông) thì lại là cách tiếp cận đầy tự nhiên. Bởi giao tiếp đòi hỏi tương tác giữa người bán và người mua và hoàn toàn dễ thực hiện thông qua các phương tiện truyền thông.
Marketing cho một sản phẩm trên các trang tuyền thông xã hội, mạng xã hội có thể giúp khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn một cách tự nhiên. Điều này cũng giúp khách hàng tương tác với sản phẩm hoặc dịch vụ ở cấp độ cá nhân và nuôi dưỡng lòng trung thành với thương hiệu.
>>> Xem thêm: 7P trong Marketing dịch vụ – Từ tầm nhìn đến thực tiễn
4 bước áp dụng 4C trong Marketing
4C trong marketing có thể có lợi cho bất kỳ chiến lược marketing nào. Tuy nhiên, người áp dụng phải thực sự hiểu đối tượng mà học nhắm đến trước khi phát triển sản phẩm. Chiến lược này yêu cầu giao tiếp trong toàn bộ quá trình bằng cách hiểu khách hàng muốn gì và cần gì ở sản phẩm/dịch vụ.
Tìm hiểu về khách hàng
Như đã nói 4C rất chú trọng bước thấu hiểu khách hàng. Do vậy, khi áp dụng 4C, cần tìm hiểu xem nhu cầu, thói quen, yêu cầu của khách hàng là gì, họ thích mua trực tiếp hay mua online.
Khi đã tìm hiểu về khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp có thể phác thảo chân dung khách hàng, từ đó phát triển sản phẩm đúng trọng tâm nhất, gần gũi và có ích với chân dung này nhất.
Đảm bảo khách hàng có thể liên hệ doanh nghiệp
4C đề cao tính tương tác, giao tiếp tự nhiên, cá nhân giữa hai phía người mua và người bán. Do đó, để áp dụng 4C thành công, cần đảm bảo rằng khách hàng có thể liên hệ với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chắc chắn rằng khách hàng có đầy đủ phương thức để liên hệ và sẽ được hỗ trợ ngay khi cần.
Có thể sử dụng các mạng xã hội hoặc các phương tiện truyền thông tương tự để giao tiếp với người tiêu dùng và thu thập ý kiến, phản ứng của họ.
Trả lời câu hỏi của khách hàng
Trả lời câu hỏi của khách hàng sẽ phục vụ cho cả 4 yếu tố trong 4C khi mà phương thức này vừa đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo ra sự thuận tiện, đảm bảo mức chi phí mà khách hàng trả khi mua dịch vụ hoặc sản phẩm, lại tạo ra tương tác với thương hiệu.
Tiếp tục nghiên cứu và thu thập feedback
Có nhiều cách để thương hiệu phát triển và liên tục cải thiện. Một trong số đó là tiếp tục nghiên cứu và thu thập feedback từ khách hàng, người tiêu dùng.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp khám phá ra những yêu cầu và nguyện vọng mới của khách hàng cũng như sửa chữa những sai lầm có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm.
Kết luận:
Mô hình 4C trong marketing đang ngày một phổ biến trong doanh nghiệp. Việc tiếp cận với mô hình 4C sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng hơn.
Tú Cẩm - Marketing AI
Bình luận của bạn