cover

Mô hình 3C là gì? Phân tích ứng dụng mô hình 3C của các thương hiệu tỷ đô

17 Thg 08

Mô hình 3C trong marketing là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp có một cái nhìn tổng quan về bối cảnh thị trường và hoạt động kinh doanh. Điều này sẽ giúp ích cho ban quản trị có cơ sở đưa ra các quyết định marketing, bán hàng tốt nhất. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu ứng dụng mô hình 3C trong sự thành công của nhiều thương hiệu lớn như Adidas, Vinamilk, Starbuck,…ngay dưới đây nhé!

Mô hình 3C là gì?

Mô hình 3C trong marketing được phát triển bởi nhà phân tích chiến lược hàng đầu thế giới – Kenichi Ohmae nhằm đánh giá sự thành công của chiến lược thông qua 3 tiêu chí gồm Customer, Competitor và Company.

Với khả năng phân tích và thấu hiểu các yếu tố về khách hàng, đối thủ cạnh tranh và doanh nghiệp mà các thương hiệu sẽ có cái nhìn rõ nét về tiềm lực nội tại và nhiều yếu tố ngoại cảnh khác có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của mình. Từ đó, doanh nghiệp sẽ xác định được các cơ hội, lợi thế cạnh tranh để đưa ra phương hướng chiến lược tốt nhất.

Mô hình 3C là gì?

>>> Xem thêm: Mô hình marketing 4P không bao giờ cũ trong mọi chiến lược marketing

Vai trò của mô hình 3C trong marketing

Phân tích mô hình 3C trước khi thực hiện các chiến dịch marketing được xem là quyết định rất lớn đến sự thành công bởi chúng đóng góp nhiều vai trò to lớn như:

Đối với Marketing Client

Hiểu rõ đối thủ, khách hàng và năng lực của bản thân doanh nghiệp giúp bạn biết được mình có thể làm gì để định vị thành công trên thị trường. Mục tiêu của mô hình 3C trong marketing nội bộ thương hiệu là xây dựng được những nét đặc trưng cho sản phẩm, dịch vụ để phân biệt bạn với những đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường. Bên cạnh đó, mô hình này còn mở ra nhiều hướng phát triển bền vững cho tương lai nhờ việc thấu hiểu và xâm nhập thị trường tốt.

Đối với Agency Marketing

Từ quá trình nghiên cứu customer trong mô hình 3C, thương hiệu dễ dàng nhận biết insight, pain point, mong muốn ẩn sâu trong nhận thức của khách hàng. Nếu doanh nghiệp có thể tận dụng tốt những sự hiểu biết này để đưa ra các giải pháp marketing tối ưu thì sẽ chinh phục thành công khách hàng và giữ chân họ một cách lâu dài.

Bên cạnh đó, từ cơ sở dữ liệu về khách hàng đã có, chúng ta sẽ xác định đúng mục tiêu của mình để tiếp cận và truyền thông đúng đối tượng, đúng thời điểm, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí marketing.

Vai trò của mô hình 3C trong marketing

Phân tích các yếu tố của mô hình 3C marketing trong doanh nghiệp

Mô hình 3C trong marketing gồm 3 yếu tố với những ý nghĩa đặc trưng, cụ thể:

Customer – Khách hàng

Khách hàng là người trực tiếp tạo ra doanh thu và quyết định đến sự thành công của thương hiệu trên thị trường. Vì vậy, mọi chiến lược của doanh nghiệp đều đặt yếu tố Customer lên hàng đầu. Để tạo ra những chiến lược marketing thành công, bạn cần phải hiểu về khách hàng mục tiêu thông qua việc phỏng vấn sâu, khảo sát,… Những dữ liệu thu thập được về nhân khẩu học, hành vi, tâm lý mua hàng,…đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kế hoạch truyền thông hiệu quả.

Trong phạm vi nghiên cứu customer của mô hình 3C còn bao gồm phân đoạn thị trường nhằm bổ trợ việc xác định nhu cầu người dùng tốt hơn. Hoạt động này diễn ra trên 3 tiêu chí là mục tiêu thị trường, phạm vi thị trường và tái phân khúc thị trường.

1. Phân đoạn khách hàng theo mục tiêu thị trường                                                     

Một sản phẩm có thể tiếp cận với nhiều tệp khách hàng với mục đích sử dụng khác nhau nên doanh nghiệp có thể phân đoạn thành nhiều thị trường mục tiêu để áp dụng chiến lược marketing phù hợp.

Chẳng hạn như mặt hàng rượu ngoại nhập có thể dùng làm hàng tiêu dùng, quà tặng, đồ cúng kính,…Theo đó, các cơ sở kinh doanh rượu ngoại có thể lựa chọn hướng phát triển thành đơn vị cung cấp rượu cho nhiều mục tiêu làm quà tặng, phân khúc sản phẩm bình dân, cao cấp và nhiều hướng đi khác để tạo ra sự khác biệt cho thương hiệu.

2. Phân đoạn theo phạm vi thị trường

Mục tiêu của hoạt động này là nhằm tối đa hóa phạm vi tiếp cận thị trường mục tiêu với chi phí truyền thông thấp nhất. Điều đó đồng nghĩa lợi nhuận tạo ra từ việc thu hút nhiều khách hàng nhiều hơn các khoản đầu tư cho marketing.

3. Phân đoạn theo tái phân khúc thị trường

Doanh nghiệp có thể chọn ra một nhóm nhỏ khách hàng mới trong phân đoạn thị trường của mình để tiến hành xác định mong muốn, insight của họ với sản phẩm. Chẳng hạn, đơn vị kinh doanh rượu ngoại nhập có nhận thấy nhóm khách hàng của mình đang mong đợi các dòng rượu có tuổi đời trên 25 năm. Qua đây, thương hiệu đã tìm thấy một thị trường kinh doanh tiềm năng mới – các loại rượu trên 25 năm trong chính thị trường quen thuộc của mình.

Competitor – Đối thủ cạnh tranh

Việc "biết mình biết ta" là yếu tố cạnh tranh rất quan trọng, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của chiến dịch truyền thông. Khi phân tích đối thủ, doanh nghiệp có thể trả lời những câu hỏi như sau:

  • Danh mục sản phẩm của họ là gì? Phân khúc giá và thị trường ra sao?
  • Khách hàng mục tiêu của họ là ai?
  • Chu trình bán hàng, phân phối sản phẩm, dịch vụ diễn ra như thế nào?
  • Doanh số tiêu thụ hằng năm đạt bao nhiêu?
  • Định vị thương hiệu của họ ra sao?
  • Các chiến lược truyền thông diễn ra trên những kênh nào?
  • Mức độ hiệu quả của các hoạt động marketing của đối thủ như thế nào?

Ví dụ: Trong lĩnh vực sữa tươi, Vinamilk, TH True Milk, Dutch Lady,... không có quá nhiều sự khác biệt, tuy nhiên, điều làm nên lợi thế cạnh tranh của Vinamilk là một thương hiệu tôn vinh dòng sữa Việt, hướng đến lợi ích sức khỏe người tiêu dùng, phát triển thế hệ trẻ em Việt Nam.

Các yếu tố của mô hình 3C marketing trong doanh nghiệp

Company – Công ty

Để đáp ứng các nhu cầu khách hàng hay đủ năng lực cạnh tranh với các đối thủ, trước hết doanh nghiệp phải hiểu rõ về mình với những tiềm năng, ưu nhược điểm của mình. Qua đó, mỗi công ty có thể tận dụng tốt những cơ hội, lợi thế của mình để tạo ra sự khác biệt và vượt trội hơn.

Đây cũng là một trong những yếu tố đã giúp Apple vươn mình thành công, vượt qua đối thủ Nokia lớn mạnh vào năm 2007. Thay vì chạy theo những tính năng, đặc điểm mà đối thủ đã thực hiện thành công như 3G, GPS,… Apple tập trung phát huy những điểm mạnh của mình về tư thiết kế và trải nghiệm người dùng. Nhờ đó, các dòng smartphone của Apple đã được đón nhận rộng rãi và nhanh chóng trở thành một biểu tượng mới trong lĩnh vực công nghệ.

Tổng hợp Case study về phân tích mô hình 3C trong marketing của thương hiệu lớn

Dưới đây là một số bài học ứng dụng mô hình 3C trong marketing thành công của nhiều thương hiệu "tỷ đô" trên thế giới:

Mô hình 3C của Starbucks

Starbuck là thương hiệu cafe lớn nhất thế giới với hơn 10.000 cửa hàng tại Mỹ và 6000 chi nhánh trên toàn thế giới. Sự thành công của Starbucks hiện nay không thể không kể đến sự đóng góp của mô hình 3C:

  • Customer: Starbucks không chỉ chú trọng về chất lượng đồ uống mà còn mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng từ không gian, nội thất, cách bài trí đến phong cách phục vụ. Các quán Starbucks luôn có đủ không gian rộng rãi, tự do để khách hàng có thể làm việc thoải mái trong thời gian dài, điều mà ít cửa hàng nào làm được. Dĩ nhiên, Starbucks nhanh chóng nhận được sự ưa chuộng của nhân viên văn phòng.
  • Competitor: Chất lượng đi đôi với giá thành nên chi phí không phải là yếu tố cạnh tranh khôn ngoan của Starbucks. Do đó, thương hiệu này đã tập trung vào trải nghiệm khách hàng và xây dựng phong cách nhất quán để tạo ra lợi thế cạnh tranh với đối thủ.
  • Company: Starbucks có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển tổng hợp như chất lượng sản phẩm, dịch vụ, kinh nghiệm hoạt động đa quốc gia, chính sách đãi ngộ nhân sự,…
Case study về phân tích mô hình 3C trong marketing

Mô hình 3C của Vinamilk

Vinamilk là thương hiệu "sữa sạch" hàng đầu Việt Nam và được đánh giá cao trong nhận thức người tiêu dùng so với các đối thủ khác. Để tạo ra thành tựu ấn tượng này, mô hình 3C của Vinamilk trong marketing được thực hiện như sau:

  1. Customer: Phân khúc khách hàng của Vinamilk là những người có thu nhập khá trở lên với người dùng trực tiếp là trẻ em trong độ tuổi 5-15 tuổi có mong muốn nâng cao thể chất, sức khỏe.
  2. Competitor: Trong cùng phân khúc thị trường sữa tươi có những đối thủ cạnh tranh khác như TH Truemilk, Dutch Lady, Nestle, Abbott…nhưng Vinamilk vẫn chiếm trọn niềm tin của người dùng bởi sự nhất quán trong tôn chỉ hoạt động hướng tới ươm mầm tài năng trẻ - trụ cột của nước nhà.
  3. Company: Hiện nay, Vinamilk chiếm hơn 45% thị phần sữa trong nước nổi tiếng với danh hiệu "hàng Việt Nam chất lượng cao" và được bình chọn là thương hiệu có "nguồn sữa tươi đạt chuẩn". Vinamilk đã không ngừng đầu tư vào hệ thống trang thiết bị, công nghệ tiên tiến nhập khẩu từ các nước Thụy Sĩ, Đức, Ý,… cùng trang trại "bò vui vẻ". Ngoài ra, đóng góp vào sự thành công của Vinamilk còn đến từ những chiến dịch marketing rầm rộ được xây dựng chỉn chu, chuyên nghiệp.

Mô hình 3C của Adidas

Adidas là một trong những thương hiệu giày dép và thể thao lớn nhất thế giới và trải qua rất nhiều biến động để đạt được sự thành công như ngày nay. Theo đó, Adidas đã triển khai nhiều chiến lược marketing hiệu quả xuất phát từ mô hình 3C như sau:

  1. Customer: Adidas nhận thấy nhóm khách hàng mục tiêu của mình chính là các vận động viên thể thao chuyên nghiệp hoặc người đam mê phong cách thể thao cá tính, trẻ trung. Ngoài ra, Adidas còn đa dạng hóa danh mục sản phẩm từ việc bắt kịp xu hướng mới nhất nhưng vẫn giữ lại sắc màu đặc trưng của mình. Đây cũng là yếu tố giúp Adidas tồn tại lâu dài trong nhận thức người tiêu dùng và vượt qua những thách thức từ thị trường. 
  2. Competitor: Đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Adidas chính là Nike khi cũng cùng chung phân khúc người dùng. Để tạo ra sự cách biệt và độc đáo cho mình, Adidas đã áp dụng thành công chiến lược giá hớt váng. Theo đó, 90% sản phẩm Adidas sản xuất tại châu Á để tận dụng nguồn nhân công đông đảo, giá rẻ cùng các chính sách nhập khẩu ưu đãi. Nhờ đó, Adidas có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng với mức giá ổn định và hấp dẫn nhất trên thị trường chung.
  3. Company: Adidas vẫn đang không ngừng tập trung đa dạng hóa sản phẩm và thúc đẩy thêm nhiều thương hiệu con để tăng độ phủ sóng, mức độ nhận diện trên thị trường.
Mô hình 3C của Adidas

>>> Xem thêm: Mô hình AISAS là gì? Ứng dụng của mô hình AISAS vào Marketing

Tạm kết:

Trên đây là những nội dung về mô hình 3C trong marketing mà MarketingAI muốn chia sẻ đến các bạn. Mong rằng với những hiểu biết nhất định về 3 thành phần chính trong 3C có thể giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định truyền thông, bán hàng hiệu quả nhất.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.