Mặc dù chỉ là "tân binh" trên thị trường di động nhưng những gì Oppo làm được cho tới nay khá ấn tượng. Năm 2017 vừa qua là một năm được đánh giá là thành công của Oppo khi họ đã bứt phá rất mạnh mẽ, vượt qua cả những đối thủ sừng sỏ, để sở hữu mức thị phần lớn trong ngành mà nhiều hãng smartphone phải ao ước. Đặc biệt, ở Việt Nam, Oppo chỉ chịu đứng sau duy nhất "ông lớn" Samsung trong cuộc chiến thị phần. Bí quyết thành công của Oppo liệu có gì đặc biệt? Hãy cùng phân tích chiến lược marketing mix của Oppo để tìm ra câu trả lời.
Tổng quan về Oppo
Oppo Electronics Corp là nhà sản xuất điện từ từ Trung Quốc, có trụ sở đặt tại Quảng Đông, được sáng lập bởi Tony Chen vào năm 2004. Oppo tham gia vào thị trường điện thoại di động vào năm 2008 và tiến vào thị trường Việt Nam vào năm 2013. Với trọng tâm là thị trường Trung Quốc và Đông Nam Á, Oppo tự tin nêu cao mong muốn "vượt mặt" các ông lớn Samsung, Apple tại thị trường này và vươn xa trên thế giới.
Từ khi thâm nhập vào thị trường điện thoại di động, Oppo không ngừng áp dụng những công nghệ mới nhất, chất lượng tốt nhất và sản phẩm thân thiện với người dùng nhất. Oppo là thương hiệu đã được đăng kí trên 140 nước trên thế giới, cung cấp cho khách hàng các sản phẩm được nhiều chuyên gia hàng đầu đánh giá cao.
Chiến lược marketing mix của Oppo
Product (Sản phẩm)
Oppo là công ty dẫn đầu tại Trung Quốc trong việc xây dựng danh tiếng thương hiệu với các sản phẩm có chất lượng cao. Trong phân khúc điện thoại di động, nhóm khách hàng mục tiêu chính là khách hàng trẻ, đặc biệt là nữ. Sản phẩm Oppo có kiểu dáng những đường nét mỏng, chi tiết phù hợp với nhu cầu của phái nữ. Đặc biệt, điện thoại Oppo tập trung vào nâng cao chất lượng camera, phục vụ cho việc "selfie" của giới trẻ. Oppo cố gắng tạo sự khác biệt với các sản phẩm khác của đối thủ trên thị trường bằng cách khẳng định sản phẩm của họ là "selfie expert" - "chuyên gia selfie".
OPPO khi vào Việt Nam là một hãng điện thoại nhỏ với các dòng điện thoại tầm trung, nếu so với các “ông lớn” trong ngành smartphone như Samsung hay LG thì không hề có lợi thế. Tuy nhiên, định vị của OPPO lại rất độc đáo “Camera Phone” – Điện thoại chụp ảnh selfie. Định vị này không chỉ đánh đúng tâm lý của tập khách hàng mục tiêu của OPPO (các bạn trẻ từ 16 đến 22) với thói quen chụp ảnh “tự sướng” thường xuyên, mà còn trở thành lợi thế cạnh tranh mũi nhọn của điện thoại.
>>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược marketing của Sony
Nhưng khác với Sony, OPPO còn thiết kế sản phẩm đánh vào thời trang và phong cách với màu sắc tinh tế, đa dạng, mẫu điện thoại thanh lịch nhưng trẻ trung. Điều này khiến cho OPPO còn là một hãng điện thoại đang đưa đến cho người dùng một lối sống hiện đại.
Các sản phẩm của Oppo nổi bật và bán chạy nhất hiện nay là Oppo F1 Plus, Oppo F1, Oppo F1s, Oppo Neo7, Oppo A39, Oppo R7s, Oppo A37, Oppo N1, Oppo Mirror 5. Các sản phẩm của Oppo có những ưu điểm khá lớn, chiếm được cảm tình của đa số khách hàng. Thứ nhất, Oppo có sản phẩm được thiết kế rất đẹp mắt, thời thượng, cá tính, có những đặc điểm riêng, có những điểm nhấn khác biệt nên được giới trẻ rất ưa chuộng. Thứ hai, điện thoại Oppo có cấu hình cao, màn hình cảm ứng với độ nhạy tốt, độ phân giải màn hình cao, dễ dàng sử dụng với hệ điều hành Android.
Ngoài ra, Oppo cũng thực hiện tốt dịch vụ hỗ trợ sản phẩm tư vấn khách hàng Trên website của Oppo, Oppo khẳng định khách hàng là cốt lõi kinh doanh và làm khách hàng hài lòng và thỏa mãn là tiền đề cho sự tồn tại của công ty.
Oppo còn sở hữu những chiếc smartphone rất độc đáo. Điển hình là OPPO N1 với camera xoay đã từng một thời làm nhiều người mê mẩn, hay như mẫu OPPO R5 với độ mỏng chỉ 4.85 mm lại còn có tính năng sạc nhanh VOOC. Trước đó, OPPO đã chinh phục được nhiều khách hàng khó tính thông qua hai chiếc flagship Find 5 và Find 7 với cấu hình "khủng" thời bấy giờ.
Price (Giá cả)
Có thể thấy, Oppo dùng chiến lược "định giá sản phẩm thấp để dẫn khách hàng". Oppo luôn đưa ra mức giá thấp hơn 20% so với các smartphone cùng loại bằng cách sử dụng kênh cấp 1, cấp 2 để bán ra thị trường với mức giá thấp nhất có thể, tạo tâm lý hấp dẫn khách hàng. Sở hữu một chiếc smartphone với tính năng và kiểu dáng tương tự mà chỉ cần bỏ ra mức giá thấp hơn 20%, có khách hàng nào không muốn? Tuy giá rẻ hơn, nhưng chất lượng của điện thoại Oppo vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao. Oppo muốn thực hiện chiến lược với mức giá tầm trung để sở hữu điện thoại cấu hình cao, hình dáng đẹp để có thể dễ dàng thuyết phục nhóm khách hàng mục tiêu.
Chiến lược giá rẻ của Oppo liệu có đi ngược lại với tâm lý coi hàng Trung Quốc là rẻ và kém chất lượng của người Việt Nam? Không hề. Oppo luôn chú ý và tập trung xây dựng tên tuổi, PR thương hiệu, tạo thiện cảm với công chúng và tạo uy tín về một thương hiệu điện thoại di động giá rẻ và vẫn đáp ứng đủ mong muốn và nhu cầu của người dùng. Hơn nữa, sản phẩm Oppo luôn được định giá lẻ, ví dụ như Oppo F1 có giá 5.490.000, tạo tâm lý cho khách hàng cảm thấy giá rẻ và ra quyết định mua nhanh hơn dù không chênh lệch 5.500.000 là bao nhiêu.
Place (Địa điểm)
Oppo đã chứng tỏ mình là thương hiệu toàn cầu khi xuất hiện ở rất nhiều nước và các sản phẩm của Oppo đều có sẵn ở 21 nước trên thế giới từ châu Phi, Nam Á, Châu Âu, châu Úc và Mỹ. Ngoài trụ sở chính tại Quảng Đông, Oppo còn có các trụ sở theo từng địa điểm để có thể nghiên cứu và bán hàng theo sở thích và yêu cầu phù hợp với văn hóa từng đất nước như OPPO Bangladesh, OPPO Pakistan, OPPO Sri Lanka, OPPO India, OPPO Thailand, OPPO Vietnam, OPPO Malaysia, OPPO Philippines, OPPO Myanmar và OPPO Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Oppo sử dụng kênh cấp 1 để mức giá bán ra rẻ nhất có thể. Oppo thực hiện chiến lược độ phủ thị trường lớn: có mạng lưới phân phối dày đặc, tập trung nhiều ở những địa điểm tập trung nhiều những khách hàng mục tiêu như gần các trường đại học, cao đẳng, rạp chiếu phim,...
Xem thêm bài phân tích về chiến lược thương hiệu:
- IKEA và chiến lược kinh doanh Do-It-Yourself
- Chiến lược marketing của Tiki và sự lấn sân sang Marketplace
- Phân tích chiến lược marketing của Điện Máy Xanh
Promotion (Truyền thông)
Oppo là thương hiệu rất nhạy bén và tập trung vào chiến lược marketing mix. Họ sử dụng kết hợp và đa dạng rất nhiều kênh và phương thức marketing để xây dựng thương hiệu một cách thành công.
KOLs
Một trong những chiến lược marketing mix của Oppo mang lại hiệu quả cao nhất chính là sử dụng đại sứ thương hiệu. Mỗi đại sứ thương hiệu của Oppo sẽ có "nhiệm vụ" đánh vào một phân khúc khách hàng khác nhau.
Nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy OPPO đang thu hút được rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí châu Á làm đại sự thương hiệu cho họ, từ G-Dragon, Dương Mịch và Lee Min Ho. Còn riêng ở Việt Nam không chỉ có Sơn Tùng M-TP mà còn có rất nhiều đại sứ tên tuổi khác là Hồ Ngọc Hà, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh hay Chi Pu. Tất cả những nhân vật này đều là đại sứ thương hiệu của OPPO Việt Nam, nhưng mỗi người lại có nhiệm vụ riêng cho từng phân khúc nhất định.
Ví dụ, Sơn Tùng M-TP gần đây gắn liền với chiếc OPPO F1s nằm trong tầm giá 6 triệu đồng. Đây là phân khúc chủ đạo quan trọng nhất của OPPO, và họ đang dùng vị “tướng” tốt nhất của mình để đánh vào phân khúc này.
Còn như Hồ Ngọc Hà thì sao? Hồ Ngọc Hà quảng cáo cho chiếc OPPO F1s Plus có giá bán gần 10 triệu đồng, có thể coi là thuộc phân khúc đắt tiền. Hình ảnh cô ca sĩ này luôn gắn với sự sang trọng, đẳng cấp, nên phù hợp với lớp khách hàng có 10 triệu đồng mua điện thoại.
Ở mặt ngược lại Chi Pu – cô nàng chính là hình mẫu cho đối tượng khách hàng tuổi teen, vốn chỉ có hầu bao hạn hẹp. OPPO A39 do Chi Pu làm đại sứ thương hiệu có giá khoảng 4 triệu đồng, vậy là khách hàng teen hâm mộ Chi Phu mua được.
Có thể thấy, OPPO chia các dòng sản phẩm của mình thành nhiều phân khúc để tiếp cận được tối đa tập khách hàng. Từ đó, với từng nhóm đối tượng khác nhau, nhãn hàng sẽ phải chọn nhân vật phù hợp với sở thích, túi tiền, cũng như nhu cầu của tập khách hàng đấy.
Tài trợ
Một trong những chiến lược của Oppo là chạm mặt khách hàng "càng nhiều càng tốt". Khán giả chắc hẳn đã quen mặt với Oppo trong tư cách là nhà tài trợ, xuất hiện với tần suất dày đặc trên các đài truyền hình Quốc gia như VTV3. Các chương trình có lượng người xem đông đảo như “Bố ơi, mình đi đâu thế”, “The Remix – Hòa âm ánh sáng”, “Táo quân 2015”. Những ai yêu thích Sơn Tùng, chắc cũng không bỏ qua được bộ phim chiếu rạp, cháy vé vào năm 2015 như “Chàng trai năm ấy”. Tần suất xuất hiện ở những kênh truyền hình Quốc gia như vậy, khách hàng trên cả nước không thể nào không biết đến thương hiệu này.
Hơn nữa, Oppo còn xuất hiện trong các sự kiện như Heartbeat: Liveshow đánh dấu chặng đường 10 năm của Mỹ Tâm và sự kiện Color Me Run rất "hot" trong giới trẻ.
Video marketing
Oppo còn chinh phục khách hàng bằng cách sản xuất những phim ngắn cảm động, hấp dẫn, đánh đúng tâm lý từng nhóm khách hàng mục tiêu.
Ví dụ như phim ngắn "Âm bản" với sự góp mặt của Kiều Trinh và Đại sứ thương hiệu Sơn Tùng. Bộ phim với nội dung nhẹ nhàng: “Khi tưởng rằng thế gian chẳng ai hiểu mình, bên cạnh Phương Xù vẫn còn đó một người chở che, bảo vệ. “Diện sắc Đen, không có cánh, không bất tử”, nhưng sức mạnh nào từ chàng Thiên sứ Sơn Tùng M-TP đã khiến cô bé “Cừu Đen” lột xác?”. Nội dung khá dễ thương và hình ảnh phim cũng rất đẹp khiến trong chỉ 1 đêm đã có hơn 3 triệu lượt xem.
Không chỉ dừng lại ở đối tượng khách hàng trẻ tuổi, khi lấn sân sang phần khúc trung bình cao và cao OPPO còn cho ra quảng cáo “Làm cha cần cả đôi tay” khiến cho cư dân mạng khen ngợi hết lời.
Kết luận
Oppo ngày càng chứng tỏ bản lĩnh của mình khi có những đường đi nước bước đầy tính toán và thông minh trong chiến lược marketing mix của Oppo. Năm nay, khi các đối thủ như lớn như Apple, Samsung, hay thậm chí như Xiaomi, Huawei đang tăng tốc, liệu Oppo sẽ làm gì để có thể đột phá hơn?
Loan Nguyen - Marketing AI
Bình luận của bạn