cover

Chiến lược marketing của Coca Cola: "Bậc thầy" thương hiệu ngành FMCG

01 Thg 08

Hiện nay, Coca Cola đang là một trong những thương hiệu nước giải khát hàng đầu trên thế giới với hơn 3300 sản phẩm, và cạnh tranh với đối thủ “không đội trời chung" Pepsi. Để đạt được thành công như thế, các Marketer của hãng này đã liên tục đổi mới chiến lược marketing mix phù hợp với từng dòng sản phẩm khác nhau. Vậy, chiến lược marketing của Coca Cola được hãng này áp dụng ra sao? Hãy cùng Marketing AI đi vào phân tích 4 chữ P trong chiến lược marketing mix của Coca Cola nhé.

Tổng quan về thương hiệu Coca Cola

Coca Cola lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng vào năm 1886. Sau hơn 130 năm hình thành và phát triển, Coca Cola dần trở thành một thương hiệu nước giải khát có gas lớn nhất thế giới. Tầm ảnh hưởng của nó thậm chí còn được coi là biểu tượng của nước Mỹ và có mặt ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.

Thương hiệu này sở hữu thị phần lớn, chiếm hơn 3.1% tổng sản lượng thức uống toàn cầu, trong đó, sở hữu 15 trong 33 nhãn hiệu nước giải khát hàng đầu. Theo thống kê từ nhãn hàng, mỗi ngày có hơn 2.1 tỷ sản phẩm được tiêu thụ. Năm 2023, giá trị thương hiệu của Coca đạt 106 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kì năm trước.

Tổng quan về thương hiệu Coca Cola

Coca Cola - thương hiệu nước giải khát lâu đời sở hữu thị phần lớn

Coca Cola có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 1990 ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cho đến năm 1994, thương hiệu này thành lập công ty TNHH Coca-Cola Việt Nam, đánh dấu bước tiến chính thức đầu tư vào thị trường này. Hiện nay, các sản phẩm của hãng được phân bố rộng rãi trên toàn quốc và trở thành một trong những "ông lớn" ngành nước giải khát, cùng với Pepsi. Tính đến tháng 3/2024, Coca chiếm 41% thị phần nước giải khát Việt Nam, trong khi đó, Pepsi chiếm 22.7%.

Thị trường mục tiêu của Coca Cola

Một trong những nguyên nhân tạo nên thành công trong chiến lược marketing của Coca Cola tại Việt Nam là xác định đúng thị trường mục tiêu, cụ thể:

  • Theo nhóm nhân khẩu học: độ tuổi từ 15 - 35. Điều này được lý giải bởi giới trẻ có những đặc điểm khác biệt đem lại nhiều cơ hội tiềm năng như: Mức độ sử dụng thường xuyên, thích tụ họp ăn uống, thích nước ngọt có gas hơn những lứa tuổi khác...
  • Theo vị trí địa lý: tập trung nhiều ở những thành phố lớn, nơi có mật độ dân số đông và tần suất sử dụng thường xuyên. Chính vì vậy công ty đã xây dựng nhà máy sản xuất cũng như trụ sở đại diện ở 3 thành phố lớn nhất tại Việt nam (Hà Nội, TP. HCM, TP Đà Nẵng)
  • Theo sản phẩm: Coca-Cola cung cấp đa dạng dòng sản phẩm, từ nước ngọt có ga, nước tăng lực đến nước trái cây và nước lọc, nhắm đến các nhóm khách hàng khác nhau theo độ tuổi và sở thích. Với sự gia tăng của xu hướng sống lành mạnh, Coca-Cola cung cấp các sản phẩm như nước ngọt không calo, nước khoáng và đồ uống thể thao để thu hút nhóm này.

Khách hàng mục tiêu của Coca Cola

Dù có tệp khách hàng rộng lớn và đa dạng nhưng khách hàng mục tiêu của Coca Cola là vẫn chủ yếu thuộc độ tuổi từ 15-35, đây là nhóm khách hàng trẻ, có lối sống năng động, yêu thích sự sảng khoái và kết nối, có nhu cầu sử dụng các loại nước giải khát cao. 

Khách hàng mục tiêu của Coca Cola

Coca chủ yếu hướng tới nhóm khách hàng trẻ tuổi

>>> Bạn có thể quan tâm: Ma trận SWOT của Coca Cola

Phân tích chiến lược marketing của Coca Cola 

Chiến lược marketing mix của Coca Cola  sử dụng chiến lược tiếp thị dựa trên nền tảng của mô hình nổi tiếng 4P trong marketing gồm: Product (sản phẩm), Price (giá cả), Place (địa điểm), Promotion (quảng cáo - tiếp thị). Bên cạnh đó thành công của Coca Cola còn nằm ở sự tinh tế và độc đáo đằng sau của chiến lược.

Chiến lược sản phẩm của Coca Cola

Đa dạng hóa và phát triển các dòng sản phẩm

Theo dữ liệu của Nielson, Coca Cola là thương hiệu số một trong thị trường nước giải khát, nước trái cây, và nước uống đóng chai. Từ sản phẩm chủ lực là nước uống có ga, giờ đây Coca Cola đã đa dạng hóa sản phẩm với nhiều mẫu mã, màu sắc và hương vị như Fanta, Maaza, Limca, sprite, Thums Up, Minute Maid, Nimbu Fresh hay Nested Iced Tea. Đây đều là những nhãn hiệu đồ uống của Coca-Cola tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.

Chiến lược sản phẩm của Coca Cola

Coca-Cola với dòng sản phẩm đa dạng

Công ty đã không ngừng nghiên cứu phát triển thêm nhiều sản phẩm mới như nước uống đóng chai Joy, nước tăng lực Samurai, bột trái cây Sunfill, đồng thời bổ sung nhiều hương vị mới cho các sản phẩm truyền thống đáp ứng thị hiếu và khẩu vị của người Việt Nam như Fanta Chanh, Fanta Dâu.

Năm 2016, Coca cho ra mắt Coca không đường cạnh tranh trực tiếp với Pepsi, đồng thời đáp ứng xu hướng sử dụng đồ uống ít đường ngày càng tăng của người tiêu dùng để tránh tình trạng béo phì và các bệnh liên quan tới đường đang trầm trọng.

Mặc dù đã có mặt tại thị trường Việt Nam trên 20 năm, Coca Cola vẫn đang trên đà phát triển vượt bậc và chưa có dấu hiệu suy giảm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Sáng tạo trong thiết kế bao bì

Bao bì của Coca Cola không ngừng cải tiến giúp kéo dài chu kì sống của sản phẩm nhằm đem đến cho khách hàng cảm giác mới lại, bắt mắt, lạc quan và thuận tiện hơn khi sử dụng. Trong mỗi dịp Tết, Coca Cola sử dụng hình tượng "chim én" báo hiệu mùa xuân về tạo ấn tượng tốt cho người tiêu dùng, giúp cho sản phẩm tăng thêm giá trị, rất phù hợp để biếu tặng và làm quà Tết. Có thể thấy với riêng thị trường Việt Nam, chiến lược marketing của Coca Cola luôn kết hợp các yếu tố văn hóa địa phương để tạo sự gần gũi với người tiêu dùng.

Trước Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, Coca Cola giới thiệu bao bì mới lấy cảm hứng từ Rồng thời Lý, hợp tác với nhà thiết kế Tòn Bùi. Sản phẩm có 100 phiên bản lon với các lời chúc năm mới khác nhau và đã xuất hiện trên kệ hàng từ cuối năm, thu hút sự chú ý của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là từ giới trẻ.

Chiến lược sản phẩm của Coca Cola

Thiết kế thu hút của Coca trong dịp Tết Nguyên Đán năm 2024

Không chỉ vậy, thương hiệu này cũng chú ý đến vấn đề môi trường và phát triển bền vững. Cụ thể, Coca Cola đang chuyển sang sử dụng bao bì từ vật liệu tái chế và thân thiện với môi trường từ cuối năm 2022, như chai nhựa làm từ 100% nhựa tái chế (rPET), nhằm giảm tác động đến môi trường và thu hút khách hàng quan tâm đến vấn đề bền vững.

Nhìn chung trong chiến lược sản phẩm của Coca Cola đã mở rộng danh mục sản phẩm hiện tại bằng cách tăng độ sâu của một dòng sản phẩm và tăng số lượng các dòng sản phẩm, định vị thương hiệu của Coca Cola phù hợp với từng thị trường đặc biệt là thị trường Châu Á và Việt Nam đồng thời Coca biết cách khai thác thương hiệu để có thể cạnh tranh trên thị trường "khổng lồ" nước giải khát

>>> Có thể bạn quan tâm: Coca-Cola và chiến lược bản địa hóa chinh phục Nhật Bản

Chiến lược giá của Coca Cola

Nhờ vào sự đa dạng của của sản phẩm, chiến lược giá của Coca Cola được điều chỉnh phù hợp theo từng phân khúc thị trường và địa lý. Mỗi nhãn hàng của Coca Cola đều có một chiến lược giá khác nhau.

Chiến lược này dựa trên đối thủ cạnh tranh của Coca cola, trong đó Pepsi chính là đối thủ trực tiếp lớn nhất của thương hiệu Coke. Thị trường đồ uống khá độc quyền (số lượng người bán rất ít), do đó các công ty sẽ ký với nhau một hợp đồng thỏa thuận để tạo được thế cân bằng về giá bán sản phẩm.

Sản phẩm của Coca-Cola định giá bằng cách xem nhận thức của người mua về giá trị chứ không phải chi phí của người bán.

Trong chiến lược marketing của Coca Cola, chiến lược định giá 3P và 3A được triển khai nhằm giành lợi thế và phục vụ khách hàng mục tiêu của coca cola và người tiêu dùng tốt nhất.

Chiến lược 3P:

  • Price to value (từ giá cả đến giá trị): người tiêu dùng không chỉ có khả năng mua được Coca Cola mà còn có được những lợi ích từ sản phẩm.
  • Pervasiveness (lan tỏa): người tiêu dùng có thể mua Coca - Cola ở khắp mọi nơi
  • Preference (sự ưa thích/ưu tiên): làm cho người tiêu dùng khôgn chỉ yêu thích sản phẩm mà còn đảm bảo rằng Coca là sự lựa chọn hàng đầu khi họ tìm đến nước giải khát

Chiến lược 3A:

  • Affordability (khả năng chi trả): giá bán Coca Cola đảm bảo phù hợp với mọi đối tượng, ai cũng có thể mua được
  • Availability (tính sẵn có): người tiêu dùng phải mua được Coca bất cứ khi nào và ở đâu
  • Acceptability (sự chấp nhận): Coca Cola phải làm cho khách hàng yêu thích và chấp nhận sản phẩm, cảm thấy vui vẻ khi sử dụng sản phẩm.

Bên cạnh việc định giá tương đối thấp để thâm nhập thị trường, Coca còn định giá chiết khấu, điều chỉnh giá để thưởng cho những khách hàng thanh toán trước thời hạn và mua sản phẩm với số lượng lớn. Ngoài ra, Coca Cola còn sử dụng chiến lược phân biệt giá theo từng loại sản phẩm.

Chiến lược phân phối của Coca Cola

Là thương hiệu được yêu thích nhất và hầu như có sẵn ở khắp nơi trên thế giới. Các phân phối của Coca Cola đều theo mô hình phân phối hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Mạng lưới phân phối toàn cầu

Coca Cola sử dụng một mạng lưới phân phối rộng khắp, bao gồm các trung tâm phân phối và đối tác nhà phân phối ở hầu hết các quốc gia, đảm bảo sản phẩm có mặt tại các điểm bán lẻ trên toàn thế giới. Ví dụ, ở Ấn Độ, Coca Cola đã “chinh phục” thị trường ở nông thôn bằng cách phân phối rộng rãi và làm mất dần đi thị phần của Bovonto, Kalimark,…

Tại Việt Nam, các sản phẩm nước giải khát Coca Cola được sản xuất tại 3 nhà máy đóng chai tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Đồng thời, hệ thống phân phối của Coca Cola rộng khắp cả nước, từ các thành phố lớn tới vùng nông thôn, từ tổng đại lý tới các cửa hàng nhỏ lẻ, có mặt trên khắp các địa điểm bán lẻ trên toàn quốc, các quán cafe, nước giải khát hay nhà hàng, quán ăn,...

Chiến lược phân phối của Coca Cola

Nhà máy sản xuất Coca tại Việt Nam

Kênh phân phối đa dạng

Sản phẩm Coca Cola được phân phối qua nhiều kênh khác nhau, từ siêu thị và cửa hàng tiện lợi đến các nhà hàng, quán cà phê, và máy bán hàng tự động. Hãng cũng hợp tác với các nhà phân phối và đại lý lớn để tăng cường sự hiện diện ở các khu vực khác nhau. Ví dụ, bạn có thể tìm thấy Coca-Cola trong siêu thị lớn như Walmart, cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, và các nhà hàng như McDonald's và Starbucks.

Chiến lược phân phối trực tiếp và gián tiếp

Coca Cola kết hợp giữa phân phối trực tiếp qua các đội ngũ giao hàng của mình và phân phối gián tiếp thông qua các nhà phân phối bên ngoài. Điều này giúp tối ưu hóa việc tiếp cận các điểm bán lẻ và khách hàng cuối cùng.

Chiến lược phân phối của Coca Cola

Đội ngũ giao hàng của Coca Cola

Tại thị trường Việt Nam, Coca Cola có các đội ngũ giao hàng trực tiếp cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi và điểm bán lẻ lớn như VinMart và CoopMart. Các xe tải của Coca Cola sẽ vận chuyển hàng hóa đến các trung tâm phân phối và siêu thị, đảm bảo sản phẩm luôn có mặt trên kệ.

Chiến lược truyền thông của Coca Cola

Đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo

Trong chiến lược marketing của Coca Cola, chiến lược truyền thông được triển khai đa dạng, tích cực phủ sóng các kênh với những quảng cáo sáng tạo và chứa thông điệp ý nghĩa:

  • Quảng cáo truyền hình: Các quảng cáo của Coca Cola thường được phát sóng trên các kênh truyền hình quốc dân như VTV, VTC, HTV,... Trong đó, phải kể đến một loạt các quảng cáo đặc biệt trong các dịp lễ như Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán với thông điệp gắn kết gia đình và bạn bè.
  • Quảng cáo ngoài trời (OOH): Coca Cola đã vận dụng nhiều ý tưởng sáng tạo, sử dụng các biển quảng cáo lớn tại vị trí đông người, sân bay, trung tâm thương mại hoặc giao điểm các đoạn đường lớn như tuyến đường Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, hay phố đi bộ nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
  • Quảng cáo trên mạng xã hội: CocaCola tận dụng mạnh mẽ các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và Youtube để tiếp cận khách hàng. Thương hiệu này cũng thường xuyên tạo các chiến dịch quảng cáo hấp dẫn, video lan truyền và các chương trình tương tác với khách hàng.
Chiến lược truyền thông của Coca Cola

Biển quảng cáo OOH của Coca nổi bật trên đường phố

Hoạt động trade marketing

Thương hiệu này triển khai một loạt chiến lược và hoạt động trade marketing nhằm thúc đẩy doanh số tại các điểm bán lẻ và tăng độ nhận diện thương hiệu:

  • Chương trình khuyến mãi tại điểm bán: Coca thường tổ chức các chương trình giảm giá, tặng kèm sản phẩm hoặc tặng quà như ly sứ, túi đeo chéo…, nhằm thúc đẩy việc mua sắm của người tiêu dùng. Hãng cũng thiết kế các kệ trưng bày sản phẩm bắt mắt tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và điểm bán lẻ, giúp sản phẩm nổi bật và thu hút khách hàng.
  • Tài trợ các sự kiện bán hàng: Coca cũng tài trợ và tham gia các sự kiện bán hàng lớn như hội chợ, triển lãm, giúp tăng độ nhận diện thương hiệu
  • Hỗ trợ, khuyến khích đối tác bán lẻ: Hãng triển khai các chương trình khuyến khích, thưởng doanh số cho các đại lý bán hàng tốt, tạo động lực cho đối tác phân phối.
  • Quảng cáo tại điểm bán: Coca-Cola sử dụng các biển quảng cáo, màn hình kỹ thuật số và các tài liệu quảng cáo tại điểm bán để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Khuyến mãi, ưu đãi

  • Ưu đãi cho khách hàng thân thiết: Coca-Cola triển khai các chương trình ưu đãi đặc biệt cho khách hàng thân thiết như thẻ thành viên, điểm thưởng khi mua hàng, nhằm giữ chân khách hàng và duy trì lòng trung thành với thương hiệu.
  • Khuyến mãi các dịp đặc biệt: Thương hiệu tổ chức các chương trình khuyến mãi đặc biệt trong các dịp lễ hội như Tết Nguyên Đán, Giáng sinh…

>>> Bài viết liên quan: Học cách ứng dụng AI khéo léo như Coca Cola: Từ phát triển hương vị sản phẩm tới ý tưởng truyền thông

Hợp tác với các KOL, nghệ sĩ, người nổi tiếng

Bên cạnh đó, Coca cũng hợp tác với một loạt nghệ sĩ nổi tiếng trong các chiến dịch quảng bá sản phẩm của mình. Đây có thể nói là một cú đánh trực diện tới tệp khách hàng yêu thích K-pop trong chiến lược marketing của Coca Cola.

Mới đây, thương hiệu đã hợp tác cùng JYP Entertainment và các nghệ sĩ Kpop của công ty, quảng bá sản phẩm mới không đường Cola K-Wave Zero Sugar nhằm thu hút giới trẻ. Trong chiến dịch này, Coca cùng với các nghệ sĩ JYP đã tung ra MV mở màn “Like Magic”, cho phép người dùng có cơ hội trải nghiệm trở thành một phần của MV. Cụ thể, họ có thể thêm tên, giọng nói và khuôn mặt của mình vào video, sau đó chia sẻ với bạn bè.

Chiến lược quảng cáo của Coca Cola

Coca hợp tác với các nghệ sĩ JYP quảng bá sản phẩm mới

Tài trợ các sự kiện thể thao và âm nhạc

Coca Cola là nhà tài trợ chính thức của nhiều sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội Olympic và FIFA World Cup. Ngoài ra, thương hiệu cũng tài trợ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam giai đoạn 2018-2019 và đồng hành cổ vũ đội tuyển nữ Việt nam tại Cúp bóng đá nữ thế giới năm 2023. Thông qua các hoạt động đó, thương hiệu đã thành công tiếp cận với người tiêu dùng, đặc biệt những người hâm mộ thể thao.

Các hoạt động CSR

Coca Cola sử dụng trách nhiệm xã hội (CSR) của mình như một công cụ quảng cáo, đánh vào cảm xúc và suy nghĩ của khách hàng. Ví dụ như chiến dịch “Support my school” của Coca-Cola hợp tác cùng NDTV - một kênh truyền hình lớn ở Ấn Độ, với nhiều đại sứ thương hiệu nổi tiếng của Ấn Độ như Shahrukh khan, Hrithik Roshan, diễn viên miền Nam Ấn Độ Vijay, Trisha, Ghambir, Aamir khan,…

Nhờ có chiến dịch, các sản phẩm của Coca-Cola đã được giảm giá nhiều hơn mức bình thường ở quốc gia này cùng một số đặc quyền khác về phân phối và quảng cáo.

Không chỉ vậy, thương hiệu này cũng rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Điển hình là chiến dịch “World Without Waste” được Coca triển khai với mục đích thu gom và tái chế 100% số chai và lon mà họ bán ra vào năm 2030. Đồng thời, hãng cũng tăng cường sử dụng nguyên liệu tái chế trong sản xuất bào bì và giảm thải lượng nhựa sử dụng.

Chiến lược marketing của Coca Cola: "Bậc thầy" thương hiệu ngành FMCG- Ảnh 9.

Coca-Cola luôn quan tâm đến vấn đề môi trường

Các chiến dịch marketing nổi bật của Coca Cola

Share a Coke (2011)

Chiến dịch "Share a Coke" ra mắt năm 2011 với mục tiêu chính là tạo kết nối cá nhân giữa thương hiệu Coca-Cola và người tiêu dùng bằng cách in tên riêng lên nhãn chai. Chiến dịch ban đầu được triển khai tại Úc, sau đó lan rộng ra đến hơn 120 quốc gia trên toàn cầu. Chiến dịch này nhằm tăng tương tác, khuyến khích chia sẻ, và nâng cao nhận diện thương hiệu.

Chiến dịch marketing của coca cola

Chiến dịch Share a Coke (2011) gây sốt với một loạt tên riêng in trên các bao bì

Hiệu quả chiến dịch mang lại:

Với thông điệp chia sẻ niềm vui và kết nối với người khác, "Share a Coke" đã thành công vang dội.

  • Doanh số bán hàng ở Úc tăng 7% trong mùa hè đầu tiên, và trên toàn cầu, có hơn 500,000 bức ảnh được chia sẻ bằng hashtag #ShareaCoke.
  • Chiến dịch cũng tạo ra lượng lớn nội dung do người dùng tạo ra trên mạng xã hội, giúp Coca-Cola trở nên gắn kết hơn với thế hệ trẻ.
  • Thu hút 18 triệu lượt nhìn thấy trên các trang truyền thông xã hội
  • Lượt traffic tăng 870% trên Facebook

Mục tiêu hướng đến người tiêu dùng

Các chiến dịch "Share a Coke" nhất quán trong việc tập trung vào kết nối cá nhân và tạo trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng. Chiến dịch sử dụng đa kênh truyền thông, bao gồm quảng cáo truyền hình, mạng xã hội và sự kiện trực tiếp, để tiếp cận và tương tác với người tiêu dùng. Sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng đã khuyến khích Coca Cola tiếp tục mở rộng chiến dịch này ở nhiều quốc gia, mỗi lần đều điều chỉnh phù hợp với văn hóa và thị trường địa phương.

Nhìn chung, "Share a Coke" không chỉ đạt được mục tiêu tạo kết nối cá nhân và tăng doanh số bán hàng mà còn cải thiện hình ảnh thương hiệu. Chiến dịch giúp Coca Cola trở nên gần gũi và thân thiện hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, qua đó cải thiện hình ảnh thương hiệu và tạo sự gắn kết lâu dài.

Real Magic (2021)

Chiến dịch "Real Magic" của Coca-Cola được triển khai nhân dịp Giáng sinh 2021, với mục tiêu chính là tái định hình hình ảnh thương hiệu, nhấn mạnh vào sự kết nối, chia sẻ và những khoảnh khắc kỳ diệu trong cuộc sống hàng ngày.

Mục tiêu chiến dịch:

  • Tái định hình thương hiệu: Coca Cola muốn mang đến một thông điệp mới, tươi mới và phù hợp với thời đại, gắn liền với những trải nghiệm thực tế và cảm xúc chân thành.
  • Tăng cường sự kết nối: Chiến dịch hướng tới việc tạo ra những khoảnh khắc kỳ diệu và sự kết nối giữa con người, nhấn mạnh vào giá trị của sự gắn kết và chia sẻ trong xã hội hiện đại.

Ý nghĩa của chiến dịch:

"Real Magic" tôn vinh những khoảnh khắc đặc biệt xuất hiện từ những điều bình dị trong cuộc sống, khẳng định rằng phép màu không chỉ tồn tại trong những điều lớn lao mà còn trong những tương tác hàng ngày. Chiến dịch cũng thúc đẩy sự gắn kết, khuyến khích mọi người chia sẻ niềm vui và kết nối với nhau, tạo nên một cộng đồng đoàn kết và tràn đầy yêu thương.

Hiệu quả chiến dịch

Chiến dịch đã thu hút sự chú ý rộng rãi, nâng cao nhận diện thương hiệu Coca Cola trên toàn cầu thông qua các nội dung sáng tạo và câu chuyện cảm động. "Real Magic" khuyến khích người tiêu dùng chia sẻ những khoảnh khắc kỳ diệu của họ trên mạng xã hội, tạo ra một lượng lớn nội dung do người dùng tạo ra (UGC) và lan tỏa thông điệp chiến dịch.

Có thể thấy, các chiến dịch của Coca Cola luôn tập trung vào giá trị kết nối, chia sẻ và trải nghiệm cá nhân, từ "Share a Coke" đến "Real Magic", tạo nên một thông điệp nhất quán về sự gắn kết và niềm vui trong cuộc sống.

Recipe for Magic (2023)

Ba thành phần đơn giản, thiết yếu - khoảnh khắc kết nối, bữa ăn và một lon Coca mát lạnh - kết hợp lại để tạo nên “công thức kỳ diệu” khi bạn bè và gia đình quây quần bên bàn ăn. Đó là thông điệp cốt lõi đằng sau chiến dịch toàn cầu mới của Coca Cola “Recipe for Magic”.

“A Recipe for Magic” ra mắt vào năm 2023 với nội dung sáng tạo có sự góp mặt của các biểu tượng văn hóa và đầu bếp nổi tiếng, cũng như hơn 750 người có ảnh hưởng về ẩm thực địa phương. Những người nổi tiếng đã chia sẻ “Recipes for Magic” của họ và khuyến khích những người theo dõi họ làm như vậy, tạo ra hơn 20 tỷ lượt hiển thị trên phương tiện truyền thông xã hội.

Chiến dịch này hướng tới sự kết nối, gắn kết, sẻ chia giữa mọi người trong những khoảnh khắc đời thường giản dị hàng ngày. Theo chia sẻ của Elif Kaypak, Trưởng nhóm Tiếp thị Thương hiệu Toàn cầu của Coca-Cola “Chúng tôi hy vọng chiến dịch này sẽ khuyến khích người hâm mộ tụ họp lại và chia sẻ nhiều hơn là chỉ những món ăn trên bàn thông qua những khoảnh khắc chân thực”.

>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Pepsi và những bước nhảy vọt trong ngành FMCG

Tiểu luận chiến lược Marketing của Coca Cola

Tiểu luận chiến lược marketing của Coca Cola
https://drive.google.com/file/d/1jic...

Kết luận:

Chiến lược marketing của Coca Cola phù hợp đã có chỗ đứng vứng chắc trong lòng người tiêu dùng thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chiến lược 4P của Coca Cola cũng chính là bài học về cách làm thương hiệu thành công đáng để các nhãn hàng học hỏi. Hi vọng qua cách phân tích chiến lược marketing mix của Coca Cola các bạn có thể tham khảo để thành công với thương hiệu của mình.

Hà Nguyễn - MarketingAI

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.