- Tổng quan về Apple - Thương hiệu hướng tới sự "hoàn hảo"
- Thị trường mục tiêu của Apple
- Khách hàng mục tiêu của Apple
- Chiến lược marketing mix của Apple: Điều gì làm nên sự khác biệt?
- Chiến lược sản phẩm của Apple
- Chiến lược giá của Apple
- Chiến lược phân phối của Apple
- Chiến lược xúc tiến của Apple
- Những chiến dịch marketing kinh điển của Apple
- 1. Get a Mac
- 2. Shot on iPhone
Tổng quan về Apple - Thương hiệu hướng tới sự "hoàn hảo"
Là một tập đoàn công nghệ được thành lập vào ngày 01/04/1976, có trụ sở tại California, Hoa Kỳ, ít ai biết rằng, dòng sản phẩm đầu tiên của Apple là máy tính cá nhân. Mãi cho đến khi Steve Jobs - người từng bị đuổi ngay tại chính nơi mà ông tạo ra, quay lại Apple vào 10 năm sau và đã làm nên chuyện với mẫu điện thoại làm khuynh đảo thị trường thế giới. Sự ra mắt của Iphone 2G vào năm 2007 đã đánh dấu bước ngoặt, Apple đã cho thế giới thấy định nghĩa hoàn toàn khác về điện thoại là như thế nào và trải nghiệm màn hình cảm ứng hoàn hảo ra sao.
Sau đó là sự phát triển thần kỳ với sự ra mắt của các dòng điện thoại như:
- 2008: iPhone 3G
- 2009: iPhone 3GS
- 2010: iPhone 4G
- 2011: Iphone 4GS
- 2012: iPhone 5
- 2013: iPhone 5S/5C
- 2014: iPhone 6/ 6 plus
- 2015: iPhone 6S/ 6S plus
- 2016: iPhone SE/ 7/ 7 plus
- 2017: iPhone 8/ 8 plus/ X
- 2018: iPhone Xs, Xs Max và Xr
- 2019: iPhone 11/ 11 Pro/ 11 Pro Max
- 2020: iPhone 12/12 Mini/ 12 Pro/ 12 Pro Max
- 2021: iPhone 13/ 13 Mini/ 13Pro/ 13 Pro Max
- 2022: iPhone SE/ iPhone 14/ 14 Plus/ 14 Pro/ 14 Pro Max
- 2023: iPhone 15/ 15 Plus/ 15 Pro/ 15 Pro Max
- 2024: Iphone 16/ 16 Pro/ 16 Pro Max (dự kiến)
Thị trường mục tiêu của Apple
Apple xác định thị trường của hãng trải rộng khắp toàn cầu và sự thực chứng minh, Apple đã xây dựng sự hiện diện của một đế chế công nghệ mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trong đó, có những thị trường Apple đầu tư chủ lực, phải kể đến như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản... - những quốc gia có mức thu nhập cao sẽ là "điểm đến" lý tưởng cho các dòng sản phẩm của Apple.
Khách hàng mục tiêu của Apple
Với những tiên phong về công nghệ đẳng cấp hàng đầu thế giới, Apple hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu có thu nhập cao, yêu thích công nghệ và có mong muốn sở hữu những sản phẩm chất lượng cao. Từ đó, những sản phẩm và dịch vụ của hãng được phát triển để đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng mục tiêu này.
>>> Bạn có thể quan tâm: Ma trận SWOT của Apple: Chiến lược biến Apple thành thương hiệu giá trị nhất thế giới
Chiến lược marketing mix của Apple: Điều gì làm nên sự khác biệt?
Chiến lược sản phẩm của Apple
Kể từ khi ra mắt, hơn 2 tỷ chiếc iPhone đã được bán ra trên toàn cầu, khiến Apple trở thành "đế chế" công nghệ hùng mạnh bậc nhất. Để đạt được kỳ tích ấy, Apple đã tập trung phát triển sản phẩm: thiết kế đột phá, công nghệ tiên tiến và hệ sinh thái khép kín
Thiết kế đột phá
Apple nổi bật với chiến lược sản phẩm tập trung vào đổi mới, sáng tạo và thiết kế tinh tế. Các sản phẩm của Apple thường có giao diện người dùng trực quan và dễ sử dụng, giúp người dùng tiếp cận công nghệ một cách dễ dàng. Hãng cũng sử dụng các vật liệu chất lượng cao như nhôm, kính cường lực và thép không gỉ, không chỉ tăng độ bền mà còn tạo cảm giác sang trọng, đẳng cấp.
Đơn cử, iPhone 15 Pro được Apple cho ra mắt với khung viền làm từ hợp kim titan cấp 5. Đây là loại vật liệu vô cùng bền bỉ, được NASA ứng dụng trong các dự án hàng không vũ trụ như tên lửa phóng lên sao hỏa. Cũng theo nhà sản xuất, khung viền titan trên iPhone 15 Pro có độ bền cao hơn thép không gỉ khoảng 45%. Đồng nghĩa với việc iPhone 15 Pro sẽ có khả năng va đập tốt hơn so với model tiền nhiệm.
Iphone luôn ngừng cải tiến thiết kế sản phẩm của mình đáp ứng nhu cầu sử dụng của các fan Táo Khuyết. Khi iPhone 14 được công bố vào năm 2022, Apple đã khiến nhiều người ngạc nhiên với sự tích hợp đầy sáng tạo các chức năng phần mềm với đường cắt hình viên thuốc ở phía trên màn hình. Apple gọi đây là "Dynamic Island" và từ đó đã mở rộng tính năng này cho tất cả mẫu iPhone thế hệ sau - iPhone 15.
Công nghệ tiên tiến
Gã khổng lồ công nghệ toàn cầu có lẽ chưa bao giờ khiến công chúng thất vọng khi sự cải tiến trong công nghệ của hãng diễn ra từng ngày, trong từng sản phẩm. WWDC - Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu được Apple mạnh tay rút hầu bao để tổ chức hàng năm. Đây cũng là nơi nhiều tính năng ưu việt vượt trội được công bố trước những con mắt kinh ngạc của cộng đồng iFan toàn cầu.
Mới đây, tại WWDC 2024, Tim Cook đã thay mặt thương hiệu trình làng Apple Intelligence - hệ thống trí tuệ cá nhân của riêng nhà Táo Khuyết. Apple Intelligence được tích hợp sâu vào iOS 18, iPadOS 18 và macOS Sequoia. Công cụ này tận dụng sức mạnh của Apple silicon để hiểu và tạo ra ngôn ngữ và hình ảnh, cũng như thực hiện các thao tác trên các ứng dụng. Không nằm ngoài guồng quay của thời đại trí tuệ nhân tạo, Apple cho thấy sự nhanh nhạy và đẳng cấp công nghệ của mình.
Hệ sinh thái khép kín
Hệ sinh thái của Apple cũng cấp một trải nghiệm toàn diện và liền mạch nhờ sự tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng, phần mềm và các dịch vụ. Các sản phẩm như iPhone, iPad, Mac, Apple Watch và AirPods hoạt động hiệu quả với các hệ điều hành như iOS, macOS, cùng các dịch vụ số như iCloud, Apple Music, Apple TV+, và Apple Pay.
Sự kết nối và đồng bộ hóa giữa các thiết bị qua iCloud, cùng với các tính năng bảo mật mạnh mẽ, tạo nên một hệ sinh thái an toàn và dễ sử dụng. Hệ sinh thái này không chỉ tăng cường trải nghiệm người dùng mà còn xây dựng lòng trung thành cao đối với thương hiệu Apple.
Chiến lược giá của Apple
Là một thương hiệu hướng tới tệp khách hàng mục tiêu có thu nhập cao, luôn chú trọng xây dựng và duy trì hình ảnh cao cấp, không quá khó hiểu khi Apple đã xây dựng chiến lược giá đánh trúng tâm lý khách hàng.
Chiến lược định giá sản phẩm cao cấp
Apple áp dụng chiến lược giá cao cấp nhằm định vị sản phẩm của mình là hàng xa xỉ, chất lượng cao. Công ty sử dụng mô hình giá cao để phản ánh giá trị và sự đổi mới mà sản phẩm mang lại. Mức giá cao của các sản phẩm Apple không chỉ giúp duy trì sự độc quyền mà còn tạo ra lợi nhuận cao với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 45.9% trong quý 1 năm 2024.
Chiến lược định giá sản phẩm theo giá trị
Apple tập trung vào việc định giá dựa trên giá trị mà sản phẩm mang lại cho người tiêu dùng như trải nghiệm liền mạch, chất lượng vượt trội và công nghệ tiên tiến, chứ không dừng lại ở chi phí sản xuất. Thương hiệu mạnh mẽ và sự khác biệt độc quyền của sản phẩm cũng góp phần làm nên giá trị gia tăng, cho phép Apple duy trì mức giá cao. Đồng thời, chiến lược giá linh hoạt với các tùy chọn sản phẩm ở nhiều mức giá khác nhau giúp đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Chiến lược định giá theo tâm lý khách hàng
Chiến lược giá “đẹp” của Apple sử dụng các mức giá lẻ, chẳng hạn như $999 thay vì $1000, nhằm tạo cảm giác sản phẩm có giá hợp lý hơn trong mắt người tiêu dùng. Kỹ thuật này khai thác hiệu ứng tâm lý, làm cho giá trông rẻ hơn và tạo cảm giác giá trị tốt hơn, dù sự khác biệt chỉ là một khoản nhỏ Chiến lược này không chỉ tăng khả năng mua hàng mà còn giúp sản phẩm nổi bật hơn trong quảng cáo và các chương trình khuyến mãi.
Bên cạnh đó, dù việc giá các sản phẩm của Apple cao hơn so với mặt bằng chung các sản phẩm của đối thủ, người tiêu dùng vẫn sẵn sàng xuống tiền bởi họ không chỉ mua một sản phẩm mà còn mua một "biểu tượng địa vị". Giá cả lúc đó không còn quá là vấn đề ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người dùng.
Chiến lược phân phối của Apple
Apple sử dụng chiến lược phân phối trực tiếp và gián tiếp để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, cụ thể:
- Kênh phân phối trực tiếp: Các cửa hàng Apple Store, trang web chính thức và ứng dụng Apple Store, nơi khách hàng có thể mua sản phẩm, trải nghiệm và nhận hỗ trợ dịch vụ.
- Kênh phân phối gián tiếp: Các nhà bán lẻ đối tác, đại lý ủy quyền trên toàn thế giới
Hãng vận hành hệ thống cửa hàng Apple Store trên toàn cầu, cung cấp trải nghiệm mua sắm độc đáo với dịch vụ khách hàng tận tâm. Đồng thời, Apple cũng hợp tác với các nhà bán lẻ và đối tác phân phối để mở rộng mạng lưới tiếp cận. Hiện nay, hãng có hơn 500 cửa hàng trên toàn thế giới và hợp tác với hơn 3.000 nhà bán lẻ, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm.
Chiến lược xúc tiến của Apple
Apple nổi bật với các chiến lược xúc tiến mạnh mẽ, tập trung vào quảng bá sáng tạo và sự kiện ra mắt sản phẩm.
Quảng cáo sáng tạo và ấn tượng
Apple nổi tiếng với các chiến dịch quảng cáo sáng tạo và thiết kế đẹp mắt, thường nhấn mạnh vào sự đổi mới và trải nghiệm người dùng. Các chiến dịch quảng cáo của Apple không chỉ gây ấn tượng mạnh mà còn đạt hiệu quả cao trong việc tạo ra nhận thức thương hiệu cho người dùng.
Sự kiện ra mắt sản phẩm
Với mỗi sản phẩm mới, Apple đều biết cách "trình làng" một cách ấn tượng và thu hút sự chú ý của truyền thông và đông đảo công chúng. Mới đây nhất, nhằm quảng bá cho dòng sản phẩm iPhone 15 Pro, Apple đã hợp tác cùng nữ nghệ sĩ đa di năng genZ của Việt Nam - Tlinh trong MV "Đừng làm nó phức tạp". Không chỉ giới thiệu sản phẩm, MV còn phô diễn thế mạnh về chất lượng quay phim trên iPhone 15 Pro như khả năng quay 4K, quay file LOG thô để chỉnh sửa hậu kỳ hay xuất hình trực tiếp qua cổng USB-C. Được biết, trước Tlinh, Apple từng hợp tác với nữ ca sĩ Mỹ Olivia Rodrigo, Selena Gomez và nhóm nhạc Hàn NewJeans thực hiện MV quay bằng điện thoại iPhone.
Chiến lược truyền thông và PR
Apple duy trì một chiến lược truyền thông mạnh mẽ, hợp tác với các phương tiện truyền thông để quảng bá sản phẩm và các sáng kiến mới. Công ty cũng thường xuyên phát hành thông cáo báo chí và tổ chức các cuộc họp báo để cập nhật thông tin về sản phẩm và công ty.
Chương trình khuyến mãi và giảm giá hạn chế
Dù nổi tiếng với chiến lược giá cao cấp, Apple thỉnh thoảng triển khai các chương trình khuyến mãi hạn chế, chẳng hạn như giảm giá cho học sinh, sinh viên hoặc các gói bảo hành đặc biệt. Điều này giúp thu hút khách hàng trong những thời điểm cụ thể mà không làm giảm giá trị thương hiệu.
Những chiến dịch marketing kinh điển của Apple
1. Get a Mac
Chiến dịch "Get a Mac" bắt đầu vào tháng 5 năm 2006 và kéo dài đến năm 2009, được thực hiện bởi hãng quảng cáo TBWA\Chiat\Day. Mục tiêu chính của chiến dịch là so sánh các sản phẩm Mac với PC, nhấn mạnh sự vượt trội của Mac về tính thân thiện, sáng tạo hơn so với PC, vốn được nhận xét là đã nhàm chán và lỗi thời.
Chiến dịch này sử dụng các video quảng cáo hài hước với hai nhân vật đại diện: "Mac" và "PC" trong khi "Mac" được miêu tả là trẻ trung, hiện đại thì "PC" có phần cổ điển, kém linh hoạt. Apple đã truyền tải thông điệp về sự khác biệt trong trải nghiệm sử dụng và khả năng sáng tạo. Nhờ chiến dịch marketing thú vị này, chỉ trong ba năm, thị phần của Mac đã tăng gấp bốn lần từ 5% lên mức đáng kinh ngạc là 23% đồng thời còn tạo ra sự chú ý lớn từ công chúng và truyền thông.
2. Shot on iPhone
Chiến dịch "Shot on iPhone" ra mắt vào tháng 6 năm 2015 nhằm quảng bá chất lượng camera của các dòng iPhone mới. Chiến dịch được thiết kế để chứng minh rằng iPhone có thể chụp được những bức ảnh và video chất lượng cao, đủ để chia sẻ với thế giới. Apple khuyến khích người dùng gửi những bức ảnh và video do chính mình chụp bằng iPhone để sử dụng trong các quảng cáo, trưng bày.
Apple đã sử dụng chiến dịch “Shot on iPhone” thay cho thông điệp iPhone không chỉ là một công cụ công nghệ mà còn là một thiết bị tuyệt vời giúp người dùng thể hiện khả năng sáng tạo cá nhân. Các hoạt động truyền thông bao gồm quảng cáo trên truyền hình, trực tuyến, OOH,.. với mức độ tiếp cận cực kỳ “khủng”. Apple cũng tổ chức các triển lãm, sự kiện để giới thiệu các tác phẩm nổi bật từ người dùng. Chiến dịch này đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về chất lượng camera của iPhone, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực của cộng đồng người dùng cũng như tăng doanh số bán hàng của sản phẩm.
3. Think Different
Chiến dịch "Think Different" được Apple khởi động vào tháng 9 năm 1997 trong bối cảnh công ty đang gặp khó khăn tài chính và cần khôi phục hình ảnh thương hiệu. Mục tiêu chiến dịch là tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với các giá trị sáng tạo, đổi mới mà Apple theo đuổi.
Xuyên suốt chiến dịch, Apple đã sử dụng hình ảnh của những nhân vật lịch sử, văn hóa vĩ đại như Albert Einstein, Martin Luther King Jr., Mahatma Gandhi,... nhấn mạnh sự vĩ đại của những người đã thay đổi thế giới bằng cách suy nghĩ khác biệt. Điều này đã góp phần truyền cảm hứng cho người tiêu dùng, các nhà sáng tạo hãy dám suy nghĩ khác biệt và chấp nhận sự đổi mới. Chiến dịch đã triển khai rộng rãi trên các quảng cáo truyền hình, tạp chí, OOH,...
Theo báo cáo của The Guardian, "Think Different" đã không chỉ giúp khôi phục hình ảnh của Apple mà còn góp phần gia tăng doanh số, củng cố danh tiếng của hãng như một biểu tượng của sự sáng tạo và đổi mới trong ngành công nghệ.
Bài học từ chiến lược marketing của Apple: Sự khác biệt tạo nên thành công
1. Chiến lược khác biệt hóa sản phẩm
Chiến lược marketing của Apple mang đến nhiều bài học quý giá cho các doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu và tạo ra sự khác biệt. Từ thiết kế sản phẩm ấn tượng, hệ điều hành chuyên biệt đến chiến lược định giá "ngược dòng", Apple đã chứng minh rằng việc xây dựng một thương hiệu khác biệt là rất quan trọng. Apple đã tạo dựng được một thương hiệu mang tính biểu tượng, đại diện cho sự sáng tạo, chất lượng và đẳng cấp. Từ logo quả táo cắn dở đến các chiến dịch quảng cáo kinh điển như "Think Different", thương hiệu Apple không chỉ là một cái tên mà còn là một biểu tượng của sự đổi mới, tinh tế.
2. Quảng cáo dựa trên chính trải nghiệm của khách hàng
Lấy khách hàng làm trọng tậm cho sự phát triển và sáng tạo sản phẩm, "Customer Centric" là chiến lược kinh doanh mà Apple luôn theo đuổi suốt bao năm qua. Thương hiệu luôn đặt trải nghiệm người dùng lên hàng đầu từ việc thiết kế sản phẩm đẹp mắt, dễ sử dụng đến dịch vụ khách hàng tận tâm cùng hệ sinh thái sản phẩm đồng bộ. Mỗi chi tiết nhỏ đều được chăm chút kỹ lưỡng để đảm bảo mang lại sự hài lòng tối đa cho khách hàng. Chính điều này đã khiến khách hàng dành trọn sự trung thành và yêu mến với thương hiệu trong gần nửa thế kỷ.
3. Tận dụng marketing truyền miệng
Hầu hết các quảng cáo của Apple đều đi ngược lại các sản phẩm thương mại có công nghệ tiêu chuẩn với vô số thông số và tính năng độc đáo. Apple rất biết cách khiến người dùng thích thú với mỗi TVC quảng cáo của hãng khi tập trung vào việc giải trí cho người xem và mang lại những tiếng cười cho khán giả. Cảm xúc tốt là yếu tố ghi điểm và khiến công chúng "truyền tai" nhau những sản phẩm nhà Táo Khuyết. Chưa kể vị thế của một đế chế công nghệ hàng đầu đã là một "bảo chứng" truyền thông đủ uy tín để người dùng tin tưởng vào những sản phẩm của hãng này chứ không chỉ thông qua yếu tố marketing truyền miệng.
4. Đơn giản hóa là tất cả
Tim Cook, CEO của Apple đã từng nói: "Chúng tôi nói không với những ý tưởng "tốt" mỗi ngày, để có thể tập trung vào những ý tưởng đã có sẵn". Câu nói mang đầy tính tự hào của vị thuyền trưởng con tàu Apple ẩn chứa nhiều dụng ý nhưng trong đó nhấn mạnh một thành tố làm nên giá trị và tên tuổi của "Quả táo khuyết": Sự đơn giản.
Sự đơn giản là "kim chỉ nam" mà Apple áp dụng trong mọi lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ của mình. Bởi chính sự không phức tạp mới có thể đồng hành với người dùng lâu dài. Thấu hiểu điều đó, Apple luôn tập trung cải tiến công nghệ hướng tới sự đơn giản tới tối giản cho người sử dụng toàn cầu.
5. Phát triển cộng đồng và kết nối người dùng
Một trong những lý do phổ biến nhất để người dùng chọn sản phẩm Apple đó là tính kết nối với cộng đồng người dùng xung quanh. Từ khi thành lập đến bây giờ, Apple đã xây dựng nên một cộng đồng những người dùng trung thành với thương hiệu. Cho dù đó là bạn bè, đồng nghiệp, người thân hay thậm chí là những người hoàn toàn xa lạ với nhau, chỉ cần sở hữu một sản phẩm của Apple, mọi người đã có thêm một sợi dây kết nối vô hình. Chính hệ sinh thái rộng lớn của Apple đã cung cấp khả năng kết nối người dùng một cách hiệu quả. Bất kỳ người nào sử dụng hệ điều hành Mac hoặc iOS đều có thể dễ dàng chia sẻ thông tin, ảnh, hoặc video với người khác một cách thuận tiện.
Kết luận
Apple đã cho cả thế giới thấy "chủ nghĩa hoàn hảo" là như thế nào thông qua những sản phẩm mà hãng tạo ra. Sản phẩm Iphone XS vừa qua đã chứng tỏ cho câu nói "Đẳng cấp là mãi mãi". Chiến lược Marketing của Apple hướng đến mục tiêu khách hàng là trên hết, và dù không quảng cáo rầm rộ thì hãng những con số về số lượng bán ra và lợi nhuận vẫn ở con số ấn tượng. Apple vẫn là hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới bởi chiến lược Marketing khôn ngoan và "chạm" tới khách hàng.
>>> Bài viết liên quan: Chiến lược marketing của Samsung - Định vị thương hiệu đỉnh cao tại Việt Nam
Bình luận của bạn