Cho dù nội dung được đăng tải trên bất kỳ nền tảng truyền thông nào, những yếu tố sau vẫn cần phải đảm bảo: chủ đề nội dung phải khơi gợi được sự tò mò và ham muốn tìm hiểu của khán giả, CTA đính kèm luôn rõ ràng, thúc đẩy hành động và một thông điệp linh hoạt có khả năng chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau.
Trên thực tế, việc bắt tay vào sáng tạo một nội dung mới luôn là một thách thức, ngay cả khi bạn đã biết rõ những gì mình muốn truyền tải những gì. Dù bạn đã có trong tay một concept và thông điệp nhất định, nhưng đó không phải ý tưởng rõ ràng nhất mà bạn cần để chia sẻ chúng trong một bài đăng blog, video hay viết caption trên mạng xã hội.
Đảm bảo chính xác thông điệp cần truyền tải cũng như chất lượng của nội dung sản xuất ra là một thách thức mà nhiều người làm Content Marketing phải đối mặt. Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nội dung bạn đăng lên trên Internet. Chính vì thế, việc bỏ sót các yếu tố quan trọng góp phần làm nên một nội dung hay trên bất kỳ phương tiện nào là điều không ít marketers gặp phải.
Bốn yếu tố được nhắc đến dưới đây sẽ tạo nên những mảnh ghép quan trọng mà trong đó và sẽ giúp nội dung của bạn được lan tỏa hơn, thậm chí có thể đạt được sự “viral” mà bạn vẫn luôn kỳ vọng. Chính vì thế, khi bắt tay vào việc sáng tạo một nội dung mới, hãy đảm bảo rằng bạn xác định rõ được các yếu tố ảnh hưởng đến truyền thông marketing trong đây.
Các yếu tố ảnh hưởng đến truyền thông marketing mà bạn cần biết
Chủ đề của bạn phải giải quyết được các pain point (điểm đau) của khách hàng
Cho dù đó là một tweet mang tính giải trí hay một bài đăng blog hữu ích giúp khách hàng giải quyết được các vấn đề nổi cộm gần đây, thì chủ đề bạn đưa ra đều sẽ đóng một vai trò quan trọng - nó có thể khiến cho bài đăng của bạn trở nên thú vị nhưng cũng có thể khiến nó thất bại thảm hại. Nếu bạn không thể kết nối được với khán giả của mình ngay trong phần chủ đề, thì cho dù nội dung bạn tạo ra có thú vị đến mấy cũng không thể đem tới kết quả ấn tượng nào. Do đó, chủ đề bài đăng của bạn cần phải giải quyết được điểm đau của khách hàng và cung cấp cho họ giải pháp tối ưu giải quyết điểm đau đó.
Một ví dụ mà bạn có thể theo dõi ngay dưới đây: Khách sạn Wynn Las Vegas đã có một hành động tuyệt vời khi cung cấp cho khách hàng giải pháp cũng như các phương thức để giải trí trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19 thông qua một nội dung được gửi tới bằng newsletter qua email. Trong newsletter, Wynn chia sẻ cho khách hàng biết cách để duy trì được trải nghiệm với họ mà không cần bước chân tới chuỗi khách sạn.
>>> Có thể bạn quan tâm:
Mỗi phần của newsletter đều mang một chủ đề khác nhau, nhưng đều hướng tới mục tiêu kết nối và giải quyết các điểm đau của khách hàng khi họ đang phải trải qua quãng thời gian khó khăn trong đại dịch này.
Wynn hiểu được những khó khăn của khách hàng là gì và làm thế nào để mang tới cho khách hàng những giải pháp phù hợp mà không cần mở cửa khách sạn của họ. Bạn có thể xác định các điểm đau này cho đối tượng mục tiêu của mình bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Đối tượng mục tiêu (Nhân khẩu học) của bạn hiện đang gặp vấn đề gì?
- Những loại thông tin họ đang tìm kiếm?
- Những câu hỏi họ đang đặt ra trên các mạng xã hội cũng như các công cụ tìm kiếm?
- Họ đang có nhu cầu được giải trí hay cập nhật tin tức, hay cả hai?
- Bạn muốn họ làm gì với nội dung của mình?
Hãy coi bước trả lời câu hỏi này là một KPIs cho chủ đề của bạn trong việc sáng tạo nội dung. Nếu sau khi bài đăng được đăng tải, có người dùng mới nào có thể dễ dàng hiểu được nghĩa của nội dung đó cũng như tìm ra được giải pháp cho riêng họ, thì chủ đề của bạn đã được coi là thành công và phù hợp với những gì mà người dùng của bạn đang tìm kiếm.
Bạn có thể đo lường mức độ thành công của yếu tố này thêm một lần nữa bằng cách phân tích thời gian trên trang so với tỷ lệ rời trang cho bài đăng được đăng tải trên web của mình theo tiêu chuẩn sau:
Tỷ lệ rời trang thấp + Thời gian trên trang cao
Đây là sự kết hợp kỳ diệu mà bạn phải hướng tới. Khi tỷ lệ rời trang (bounce rate) thấp và ngược lại, thời gian trên trang (time on page) cao, tức là bạn đã tạo ra được một chủ đề có khả năng kết nối cao với khách hàng rồi đó.
Tỷ lệ thoát cao + Thời gian trên trang thấp
Đây là sự kết hợp tồi tệ nhất và nói lên rằng khách hàng thường sẽ sớm rời khỏi trang do không “tiêu hóa” nổi nội dung trên trang của bạn và thường là do nó không đáp ứng được mong đợi của họ về chủ đề được nhắc tới. Điều này xảy ra rất nhiều với các chủ đề theo phong cách clickbait - những loại bài viết hoặc bài đăng trên mạng xã hội mà người dùng không đọc thêm bất cứ nội dung nào ngoài phần headline. Khi bạn nhận được kết quả như vậy, tốt nhất là hãy đánh giá lại chủ đề của nội dung và phương tiện phù hợp.
Nghiên cứu từ khóa để gia tăng tỷ lệ hiển thị nội dung
Google nhận được hơn 63.000 tìm kiếm mỗi giây mỗi ngày. Nghiên cứu đó cho thấy mọi mục trong bài đăng của bạn phải được tối ưu hóa từ khóa để phù hợp với các tìm kiếm của người dùng cũng như gia tăng thứ hạng hiển thị.
Hãy thử nghĩ về thói quen tìm kiếm của bạn. Khi bạn tìm kiếm bất kỳ điều gì trên một công cụ tìm kiếm, hoặc một nền tảng phát video hay một trang mạng xã hội nào đó, phương pháp bạn sử dụng là gì? Nhìn chung, mọi người sẽ nhập một từ khóa liên quan đến nhu cầu tìm kiếm của bản thân.
Facebook cung cấp các tùy chọn tìm kiếm liên quan đến tên, địa điểm và thuật ngữ. Instagram cho phép bạn tìm kiếm theo tên người dùng, địa điểm và hashtag. Pinterest cho phép bạn tìm kiếm theo thuật ngữ hoặc chủ đề.
Google, Yahoo!, Và Bing có thể tạo ra kết quả cho bất kỳ thông tin nào mà bạn nhập. YouTube cho phép bạn tìm kiếm theo kênh video và cụm từ tìm kiếm. Danh sách này sẽ còn tiếp tục được đa dạng hóa, và kết quả hiển thị sẽ được tạo ra dựa trên mức độ phù hợp và phổ biến của nội dung.
Đây là lý do tại sao bạn phải nghiên cứu và lựa chọn các từ khóa phù hợp, với mục đích duy nhất là phát hiện ra các chủ đề nào đang hot và đưa vào nội dung trên web của bạn. Nếu bạn muốn đối tượng mục tiêu tìm thấy nội dung mới của mình, thì bài đăng của bạn phải được tối ưu hóa đúng cách và sở hữu các từ khóa đang có lượt tìm kiếm cao.
Vậy làm thế nào để người dùng có thể tìm thấy nó một cách tự nhiên?
Tuy nhiên, giống như những gì bạn cảm nhận được khi đi thu thập từ khóa, việc chọn từ khóa có lượt tìm kiếm nhiều không phải lúc nào cũng giống nhau. Ví dụ: đối với nội dung trên mạng xã hội, các hashtag sẽ được đính kèm trong văn bản kèm theo bất kỳ ảnh hoặc video nào bạn đang chia sẻ. Đối với nội dung trên trang web, các từ khóa ngắn hoặc dài sẽ được đính kèm trong phần nội dung trên web, cũng như tiêu đề, bài đăng trên blog, bài viết, v.v. hay còn gọi là tối ưu hóa từ khóa kiểu cũ.
Tất nhiên, bạn phải tránh việc chèn quá nhiều từ khóa. Trên mạng xã hội, các bài đăng đính kèm hơn 30 hashtag trên Instagram hay một bài tweet chỉ chứa từ khóa là những dấu hiệu cho thấy bạn đang lạm dụng việc sử dụng từ khóa quá nhiều. Bạn nên vạch rõ ra rằng, từ khóa sẽ chỉ phục vụ mục đích tối ưu hóa khả năng hiển thị nội dung của bạn, và chỉ có vậy.
Để tìm từ khóa trên mạng xã hội, hãy nhập một chủ đề vào thanh tìm kiếm và xem những hashtag nào được tạo ra. Hashtags nào có số lượng bài đăng hoặc lượt reach đạt dưới 500.000 thường có mức độ cạnh tranh trung bình, và vẫn có thể tiếp cận được. Hashtags với bài đăng có 1 triệu kết quả trở lên sẽ có mức độ cạnh tranh khá cao, và bạn sẽ chỉ có thể so sánh 3 kết quả hiển thị đầu tiên trên trang tìm kiếm, vị trí mà đôi khi chỉ có những thương hiệu lớn đạt được.
Từ khóa cho nội dung video và trang web của bạn có thể được tìm thấy bằng nhiều công cụ tìm kiếm từ khóa khác nhau. Bạn có thể tiến sâu thêm một bước và nghiên cứu những câu hỏi mà mọi người đang hỏi về các chủ đề cụ thể. Làm như vậy không chỉ giúp bạn tạo ra các ý tưởng cho chủ đề mới, mà còn nảy ra ý tưởng cho các từ khóa dài.
Một lời kêu gọi hành động rõ ràng và xác định được mục đích người dùng
Cho dù bạn đang điều hành loại hình kinh doanh nào, thì mục tiêu cuối cùng bạn cần đạt được đó là thúc đẩy người dùng làm “một hành động gì đó” và đó cũng chính là kết quả của nội dung bạn tạo ra.
Hãy suy nghĩ về những “chuyển đổi” tạo ra giá trị và ý nghĩa cho bạn. Hành động nào của người tiêu dùng khiến bạn nghĩ rằng những nỗ lực xây dựng nội dung của mình đã đạt được thành công?
Đó có thể là việc đăng ký nhận email, thích một bài đăng, mua sản phẩm, đăng ký, tham dự webinar, tải xuống một phần mềm miễn phí hay bất cứ điều gì, miễn là nó đem lại được những kết quả tích cực cho hoạt động kinh doanh và bán hàng của bạn.
Khi nội dung được kết hợp tốt với lời kêu gọi hành động, nó sẽ dẫn tới một câu hỏi nhỏ liên quan đến thông điệp truyền tải cũng như bước tiếp theo trong hành trình khách hàng. Nói đơn giản thì, việc thêm CTA vào bài đăng của bạn sẽ giúp giữ chân khách hàng hướng tới mục tiêu cuối cùng của bạn, và làm cho hành trình của họ trở nên đơn giản và rõ ràng hơn.
Ví dụ: Nội dung trên trang web của bạn nên có một lời kêu gọi hành động ngay trên đầu trang và xuất hiện ngay khi khách hàng truy cập vào trang web để họ có thể nhìn thấy, cũng như được nhắc nhở liên tục trong thời gian hoạt động trên trang. Nó có thể là nút đăng ký nhận newsletter được chèn vào giữa bài đăng trên blog, hashtag #linkinbio trên một bài đăng trên Instagram hay danh sách liệt kê ở đầu trang infographic.
(Nguồn: Marketingreview)
>>> Có thể bạn quan tâm:
Người tạo và nhà quảng cáo nội dung trên Facebook có thể thêm các tùy chọn CTA cho độc giả của mình, ví dụ như “Mua ngay” (Shop Now) hoặc “Tìm hiểu thêm” (Learn More), “Đặt chỗ ngay” (Book Now),vv.... YouTubers có thể thêm link liên kết hướng người xem đến sản phẩm, trang mạng xã hội, trang web doanh nghiệp, và nhiều điều hướng khác nữa.
Điều quan trọng là CTA bạn đính kèm trong bài đăng phải rõ ràng, nhờ thế, kết nối giữa bạn và người tiêu dùng sẽ không chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nếu bạn không chắc chắn liệu CTA đó có rõ ràng hay không, hãy gửi nội dung đó cho đội ngũ của mình và xem họ thực hiện hành động nào. Nếu họ bỏ lỡ một điểm nào đó quan trọng, hãy đánh giá CTA đó theo tiêu chí như sau:
- Vị trí: Là những gì bạn đang muốn khách hàng của mình sẽ thực hiện và liệu điều họ có thể thực hiện mọt cách dễ dàng từ thiết bị của mình hay không (cả mobile lẫn PC)
- Chủ đề: Chủ đề nội dung có phù hợp với những gì bạn mong đợi khách hàng sẽ làm không? Nó có được thể hiện rõ ràng trong cả bài đăng trên mạng xã hội lẫn landing page không?
- Phương tiện truyền tải nội dung: Phương tiện truyền thông bạn đã chọn để đăng tải nội dung đã phù hợp để hướng dẫn khách hàng thực hiện hành động hay chưa? Ví dụ, việc yêu cầu ai đó mua hàng qua bài đăng trên LinkedIn sẽ không đạt được hiệu quả như trong Quảng cáo trên Facebook.
Một thông điệp có thể được chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau
Nội dung mà doanh nghiệp của bạn tạo ra phải truyền đạt được cách thức và lý do tại sao quan điểm, giá trị, sản phẩm và dịch vụ của thương hiệu của bạn khác biệt so với các đối thủ khác trên thị trường. Đồng thời, nó phải phù hợp và thể hiện được tính tương quan với bất kỳ nền tảng nào bạn đang xây dựng và triển khai, cũng như phù hợp với mong muốn của người dùng.
Sáng tạo nội dung là sự kết hợp lành mạnh giữa cách kể chuyện và khả năng thuyết phục, đòi hỏi sự sáng tạo và kỹ năng viết chân thật và đem lại giá trị cao - tất cả những yếu tố đó là vô cùng cần thiết nếu bạn muốn khách hàng của mình hành động theo CTA như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, những câu chuyện này không phải được kể một cách tùy ý, mà nó phải được lên kế hoạch từ việc nghiên cứu từ khóa và sau một quá trình lập kế hoạch cho các chủ đề chiến lược.
Khi bạn đã xác định được các chủ đề có giá trị, hãy đảm bảo rằng bạn có thể tạo các nội dung đa mục đích từ đó. Quá trình tạo ra một nội dung hấp dẫn không hề nhanh chóng hay dễ dàng, vì thế, để tiết kiệm thời gian thì tốt nhất bạn nên tạo ra các nội dung phù hợp để chia sẻ trên nhiều nền tảng và phương tiện truyền thông khác nhau.
Tận dụng thời gian và nỗ lực này bằng cách tạo ra các nội dung có khả năng “biến hóa” thành các bài đăng trên blog, infographic, bài đăng social hay video - như vậy, nhiều phương tiện truyền thông sẽ sử dụng chung một chủ đề. Thông điệp truyền tải cũng giống nhau, nhưng mỗi phương tiện sẽ hướng khách truy cập tới một giai đoạn khác nhau của chu kỳ bán hàng.
(Nguồn: medium)
Ví dụ: một bài đăng nói về một chiếc chảo có thể được giới thiệu theo các cách sau:
- Một video YouTube trình bày năm mẹo làm sạch chảo nhanh chóng và dễ dàng
- Một infographic minh họa lợi ích của việc làm sạch chiếc chảo này theo một cách cụ thể, liên kết với video minh họa
- Nội dung minh họa có thể hướng người xem đến một bài đăng trên blog cung cấp các công thức nấu ăn bằng chảo yêu thích của công ty, hoặc cửa hàng thương mại điện tử - nơi người tiêu dùng có thể mua hàng.
Mỗi một phương tiện này đều sẽ giúp “educate” khách hàng mới, dẫn họ qua các chu kỳ bán hàng mới sau khi đã có được các thông tin cần thiết và trở nên thoải mái hơn khi đưa ra quyết định mua hàng.
Các chủ đề nội dung có thể linh hoạt để phục vụ cho nhu cầu giải trí hoặc cập nhật thông tin của đối tượng mục tiêu, do đó, bạn có thể tùy ý sáng tạo ra các loại nội dung này trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Điều này cũng giúp bạn có thể tận dụng lại các chủ đề nội dung thành công trong quá khứ vào các bài đăng trong tương lai và cập nhật lại một số nội dung chưa được hiệu quả trước đó.
Xây dựng nội dung không phải là quá trình đơn giản, dù ở trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào, vì vậy đừng quên xác định rõ bốn yếu tố này mỗi khi đặt bút sáng tạo nên các nội dung mới.
Tô Linh - MarketingAI
Theo MarketingLand
>>> Có thể bạn quan tâm:- Truyền thông Marketing là gì? Cách xây dựng chiến lược truyền thông
Bình luận của bạn