cover

Xu hướng tiêu dùng Tết 2025: Người Việt không còn mê tiệc tùng, thời gian sắm Tết online & offline khác nhau

13 Thg 11

Tết Nguyên Đán - Thời điểm mua sắm lớn nhất trong năm của người tiêu dùng Việt Nam đã tới rất lớn. Đặc biệt, trong báo cáo mới từ Kantar, mùa Tết 2025 dự đoán sẽ có nhiều thay đổi trong xu hướng mua hàng, tận hưởng ngày Tết của người tiêu dùng. Những cuộc vui tiệc tùng lớn đang dần bớt đi, thay thế bằng những giờ phút tận hưởng, thư giãn cho bản thân và gia đình. Kéo theo đó, xu hướng mua sắm các sản phẩm Tết, quà tặng Tết và thời điểm mua sắm trên từng kênh online, offline cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ.

Nhìn lại mùa Tết 2024: Có phải người tiêu dùng đang thờ ơ với Tết

Trước khi chuẩn bị đón một mùa tết mới 2025 cùng nhìn lại những diễn biến trên thị trường FMCG trong mùa Tết vừa qua. Tết 2024 là một thời điểm khá đặc biệt khi mà mức tăng trưởng chi tiêu cho các mặt hàng FMCG có dấu hiệu bị chững lại so với đà tăng trưởng của các năm trước đó. 

Một trong những yếu tố lớn nhất dẫn tới sự chững lại này là do những áp lực về kinh tế, tài chính của người dân vào thời điểm cuối năm 2023, dẫn đến ý định cắt giảm chi tiêu của họ trong dịp Tết. Ngoài ra, những lo ngại về vấn đề việc làm, tiền thưởng và sự ổn định của nền kinh tế nói chung cũng khiến cho tâm lý của người tiêu dùng trở nên không được thoải mái và tác động đến xu hướng chi tiêu của họ trong mùa Tết 2024.

Xu hướng tiêu dùng Tết 2024 với các mặt hàng FMCG

Xu hướng tiêu dùng Tết 2024 với các mặt hàng FMCG

Có phải người tiêu dùng đang dần “thờ ơ” với Tết?

Hai tháng trước Tết thường là khoảng thời điểm mà mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG của người tiêu dùng thường bùng nổ mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên theo báo cáo mới đây của Kantar, giá trị chi tiêu trong giai đoạn Tết (tức vào khoảng tháng 1 và tháng 2 hàng năm) không còn chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị của cả năm như trước. Ví dụ vào năm 2019 tổng giá trị mua sắm các mặt hàng FMCG trong dịp Tết tại các thành phố lớn chiếm đến 21% tổng giá trị cả năm, tuy nhiên đến năm 2024 những con số này chỉ còn vào khoảng 19%.

Điều này khiến một số nhà tiếp thị nghi ngờ rằng liệu có phải Tết đang dần mất đi ý nghĩa đối với người tiêu dùng Việt Nam?

Tuy nhiên thì trên thực tế người tiêu dùng chỉ đang thay đổi về cách thức mà họ đón nhận cái Tết sau những tác động phức tạp từ nền kinh tế và môi trường sống thời gian qua. Trong khoảng 5 năm trở lại đây người tiêu dùng Việt Nam cũng như toàn thế giới phải đối mặt với rất nhiều biến động: từ đại dịch, khủng hoảng kinh tế với tình trạng lạm phát kéo dài và hàng loạt đợt thiên tai bão lũ lớn,... cho tới những vấn đề về đời sống như an ninh việc làm không đảm bảo,... Tất cả những tác động đó đã bủa vây và tạo nên cảm giác bất ổn, áp lực đối với tâm lý của người tiêu dùng. 

Chính vì vậy họ sẽ có xu hướng thư giãn và nghỉ ngơi nhiều hơn vào dịp Tết. Họ thực hiện điều này bằng cách đơn giản hóa đi quá trình chuẩn bị Tết, giảm số lượng những mặt hàng cần chuẩn bị, bớt đi các buổi tiệc tùng lớn và ưu tiên những mặt hàng thiết yếu, dành thời gian cho bản thân và gia đình.

Như vậy đối với người tiêu dùng Việt Nam Tết vẫn là một dịp rất đặc biệt. Họ chỉ đang lựa chọn đón Tết một cách trầm lắng hơn, hướng về bản thân và gia đình nhiều hơn để tiết kiệm chi phí và được thư giãn nghỉ ngơi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, các thương hiệu vẫn có thể khai thác tốt nhu cầu chi tiêu mua sắm trong dịp Tết của người tiêu dùng nếu như nắm bắt chính xác xu hướng đón Tết hiện đại của họ.

>>> Đọc thêm: Báo cáo Xu hướng tiêu dùng 2024 từ NielsenIQ

3 Điểm thay đổi chính trong Xu hướng tiêu dùng Tết 2025

#1. Tính thực tiễn lên ngôi

Xu hướng ưu tiên những sản phẩm thực tiễn hữu ích không chỉ tăng trưởng trong lối chi tiêu hàng ngày của người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng rất lớn tới hành vi mua sắm trong dịp Tết. Trong dịp Tết 2025 sắp tới người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên các sản phẩm có tính thực tiễn cao và đơn giản hóa quá trình lựa chọn sản phẩm.

Như đã phân tích, người tiêu dùng sẽ tập trung hơn về gia đình và bản thân giảm bớt những buổi tụ họp đông đúc. Ngoài ra, chính phủ Việt Nam cũng đã thắt chặt hơn về quy định chống lái xe khi sử dụng các loại đồ uống có cồn. Vì vậy các danh mục sản phẩm thường thấy trong những mùa lễ hội như rượu bia và bánh kẹo có khả năng sẽ giảm bớt trong giỏ hàng ngày Tết, mặc dù chúng vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Xu hướng tiêu dùng Tết 2025

Các danh mục sản phẩm rượu bia và bánh kẹo có khả năng sẽ giảm bớt trong giỏ hàng ngày Tết

Thay vào đó những mặt hàng thiết yếu và thực dụng như Đồ gia dụng, Dụng cụ nấu ăn, Sản phẩm chăm sóc cá nhân hay Các loại thực phẩm đồ uống không cồn,... sẽ là những lựa chọn mà người tiêu dùng ưu tiên trong mùa Tết sắp tới.

Các sản phẩm Tết được yêu thích:

  • Các sản phẩm chiếm sản lượng lớn: Đồ uống có cồn, Mì, Dụng cụ nấu ăn,...
  • Các sản phẩm được ưa chuộng: Đồ gia dụng, Dụng cụ nấu ăn, Sản phẩm chăm sóc cá nhân hay Các loại thực phẩm đồ uống không cồn,..
  • Các sản phẩm có xu hướng bị cắt giảm: Đồ uống có cồn, Bánh kẹo Tết,...

#2. Xu hướng quà Tết 2025: Ưu tiên các bộ quà tặng hữu ích, chi phí tốt

Theo khảo sát của Kantar về các loại quà tặng trong dịp Tết 2024, có thể thấy số lượng hộ gia đình nhận các sản phẩm FMCG là quà đang có xu hướng giảm xuống. Dường như thói quen lựa chọn các sản phẩm FMCG để làm quà tặng trong dịp Tết đang có chiều hướng giảm nhẹ. Xu hướng này có lẽ xuất phát từ mong muốn được tổ chức các buổi họp mặt ngày tết một cách giản dị hơn là những món quà. 

Ngoài ra các lựa chọn về quà tặng Tết của người tiêu dùng ngày nay cũng đã trở nên đa dạng hơn, họ có thể tặng tiền, thời trang, sản phẩm gia dụng,... và rất nhiều loại hình quà độc đáo mới. Điều này khiến cho các mặt hàng FMCG đang bị lung lay vị thế trên thị trường quà Tết.

Đặc biệt, khi lựa chọn các sản phẩm FMCG làm quà người tiêu dùng cũng có xu hướng ưa chuộng những sản phẩm mang tính thiết thực, lành mạnh và phù hợp với túi tiền hơn. Theo khảo sát của Kantar, các mặt hàng FMCG thiết yếu như dầu ăn, gia vị,.. lại đang trở thành những món quà hấp dẫn đối với người tiêu dùng trong dịp Tết, thay cho những sản phẩm quen thuộc như bia hoặc bánh kẹo. Một số những sản phẩm tốt cho sức khỏe như đồ ăn nhẹ, các loại hạt, sữa chua, yến sào,... cũng là những lựa chọn đang được người tiêu dùng ưu ái làm quà trong dịp Tết.

Xu hướng quà tặng Tết 2025

Xu hướng lựa chọn sản phẩm mang tính thiết thực, lành mạnh được ưa chuộng

Ngoài ra, một số nhà sản xuất và nhà bán lẻ đã khéo léo kết hợp những sản phẩm này thành các bộ quà tặng vừa đảm bảo giá trị thiết thực vừa mang lại lợi ích về mặt dinh dưỡng, sức khỏe. Các bộ quà tặng hữu ích này đã được rất nhiều người tiêu dùng hưởng ứng trong mùa Tết vừa qua.

Xu hướng quà tặng Tết Ất Tỵ 2025:

  • Ưu tiên những sản phẩm thiết thực có tính ứng dụng cao trong gia đình và những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.
  • Lựa chọn các các bộ sản phẩm được đóng gói, dạng combo với chi phí phải chăng và giá trị thực tiễn.
  • Các mặt hàng FMCG như bánh kẹo, rượu bia,... vẫn là lựa chọn phổ biến nhất, nhưng đang có xu hướng giảm bớt.

#3. Xu hướng du lịch trong dịp Tết Nguyên đán ngày càng trở nên phổ biến

Một xu hướng đặc biệt khác của người tiêu dùng trong dịp Tết 2024 đó là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các hoạt động du lịch ngày Tết. Sau nhiều áp lực của cuộc sống, người tiêu dùng có xu hướng tìm lại bản thân, tận hưởng một kỳ nghỉ lễ thật trọn vẹn bằng các chuyến du lịch.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, số lượng các chuyến du lịch nội địa và quốc tế của người Việt Nam trong dịp Tết đều đã có sự tăng trưởng đáng kể. Xu hướng này có lẽ sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới và trở thành một hoạt động phổ biến trong cách thức ăn Tết hiện đại của người tiêu dùng ngày nay.

3 Điều thương hiệu cần biết để thu hút người tiêu dùng trong dịp Tết 2025

#1. Đúng thời điểm - Yếu tố quyết định chiến thắng của thương hiệu trong dịp Tết

Khi mà mức chi tiêu cho các sản phẩm FMCG của người tiêu dùng đang có xu hướng chững lại, cũng là lúc mức độ cạnh tranh trên thị trường càng trở nên gay gắt hơn. Vì vậy các thương hiệu cần phải xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ để thu hút càng nhiều người tiêu dùng càng tốt.

Theo khảo sát của Kantar, ba tuần trước Tết được xem là thời điểm vàng để các thương hiệu có thể tăng cường tối đa mức độ hiện diện của mình trên thị trường. Bởi lẽ đây là thời điểm mà hoạt động mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu đạt đỉnh. Như vậy, từ khoảng thời gian trước 3 tuần (5-6 tuần trước Tết), các chiến dịch Tết đã cần phải được phủ sóng để củng cố lại nhận diện thương hiệu, đón đầu nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thương hiệu cần lưu ý, thời gian mua sắm và mức độ mua sắm giữa các khu vực nông thôn và thành thị sẽ có đôi chút khác biệt.

Cụ thể, tại khu vực nông thôn mỗi dịp Tết đến sẽ có một lượng người dân rất lớn đổ về từ các thành phố và nghỉ Tết ở đây trong khoảng 1 tuần. Điều này dẫn tới việc chi tiêu trong dịp Tết ở nông thôn sẽ tăng cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu hàng tuần. Đồng thời thời gian mua sắm Tết cũng sẽ kéo dài hơn do nhiều người dân sẽ ở lại để ăn Tết tại quê. Thậm chí thời gian mua sắm Tết cao điểm ở nông thôn có thể sẽ kéo dài tới một tuần sau Tết, cho tới thời điểm mà những người con xa quê tiếp tục quay trở lại thành phố làm việc.

Trong khi đó ở khu vực thành thị, nhịp độ mua sắm sẽ khốc liệt hơn. Thời gian sắm Tết cao điểm ở thành thị có thể sẽ diễn ra sớm hơn và trong khoảng thời gian ngắn hơn. Cũng có nghĩa là áp lực cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi thương hiệu cần có những chiến lược quảng cáo sắc bén hơn, đúng thời điểm và tạo ấn tượng thật nổi bật với người tiêu dùng trong khoảng thời gian đó.

Thời điểm sắm Tết theo từng khu vực:

  • Tại Nông Thôn: Thời điểm sắm Tết diễn ra muộn hơn khi người dân từ thành phố về quê ăn Tết. Nhưng khoảng thời gian mua sắm Tết sẽ kéo dài hơn, thậm chí sau Tết.
  • Tại Thành Thị: Thời gian sắm Tết cao điểm diễn ra sớm & trong khoảng thời gian ngắn hơn và thường kết thúc trước Tết.

>>> Bài viết liên quan: Insight người tiêu dùng Tết 2025

#2. Kênh mua sắm trực tuyến sẽ có nhiều tiềm năng 

Không chỉ thay đổi về cách thức lựa chọn sản phẩm, người tiêu dùng Việt Nam còn đang thay đổi cả hành vi và địa điểm mua sắm Tết. Trong đó, phải kể đến cơn sốt mua sắm online đang càn quét thị trường ngày Tết tại Việt Nam. Đặc biệt tại các khu vực thành thị, tổng giá trị mua sắm Tết qua các kênh online đã tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Tại các khu vực nông thôn, mặc dù các kênh truyền thống được ưu ái nhiều hơn nhưng người tiêu dùng cũng đang dần làm quen với việc mua hàng online. Thậm chí, tốc độ tiếp cận kênh mua sắm online của người dân nông thôn có thể sẽ nhanh hơn cả người dân khu vực thành thị những thời gian trước.

Hình thức mua sắm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng Việt ưu ái nhờ vào những ưu điểm vượt trội như: Sự tiện lợi trong quá trình mua, Nhiều voucher ưu đãi hấp dẫn, Miễn phí vận chuyển,.... cùng các mặt hàng đa dạng và những hình thức bán hàng cũng ngày càng hấp dẫn như Livestream, Gamification,... Những yếu tố này không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí mà còn khiến cho trải nghiệm mua hàng trở nên thú vị hơn.

Các kênh mua sắm chủ đạo của người tiêu dùng trong dịp Tết

  • Các kênh chiếm sản lượng mua hàng nhiều nhất vẫn bao gồm: Cửa hàng tạp hóa, Chợ, Cửa hàng chuyên dụng, Kênh Online và Siêu thị Mini.
  • Sản lượng mua sắm Tết trên các kênh online có xu hướng tăng.
  • Voucher, ưu đãi hấp dẫn, Sự tiện lợi trong mua sắm & các loại hình mua sắm hấp dẫn là điểm khiến người dùng ưa chuộng kênh Online.

#3. Lựa chọn thời điểm tiếp cận khách hàng chính xác trên từng kênh online & offline

Mặc dù các kênh trực tuyến đang là xu thế. Tuy nhiên người tiêu dùng cũng dành rất nhiều thời gian cho các kênh offline khác. Chính vì vậy điểm mấu chốt để thành công trong các chiến dịch Tết đó là thương hiệu phải xác định đúng vào từng thời điểm nên tiếp cận người dùng trên những kênh nào?

Nhìn chung, theo báo cáo của Kantar, giai đoạn mua sắm Tết cao điểm trên các kênh trực tuyến sẽ xảy ra sớm hơn so với các cửa hàng offline. Điển hình như vào mùa Tết 2023 thời gian sắm Tết cao điểm của kênh online diễn ra vào khoảng tháng 12, trong khi năm mới rơi vào khoảng tháng 1. Vào Tết 2024 cao điểm mua sắm online diễn ra vào tháng 1, trong khi Tết xảy ra vào tháng 2.

Như vậy có thể thấy, đa phần người tiêu dùng sẽ có xu hướng sắm Tết sớm trên các kênh online trước và họ sẽ dành thời gian những ngày cận Tết để mua sắm những sản phẩm cuối cùng tại các cửa hàng vật lý. Bởi lẽ ở giai đoạn cận Tết này, các kênh online sẽ bị hạn chế về thời gian vận chuyển và chỉ các kênh vật lý mới đáp ứng việc mua sắm gấp rút của người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là lúc người tiêu dùng thích các trải nghiệm mua sắm offline hơn để tận hưởng không khí Tết.

Do đó việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online và offline là yếu tố rất quan trọng để các thương hiệu có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc đúng chỗ. Từ đó nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.

Dự đoán xu hướng mua sắm Tết 2025: Sẽ khởi sắc hơn sau một năm đặc biệt

Về xu hướng chung, theo dự đoán của Kantar mức tăng trưởng FMCG trong dịp Tết 2025 sẽ đạt từ 1 đến 3%, với mức tăng trưởng của khu vực nông thôn sẽ có phần cao hơn so với khung thành thị.

Trong đó, nhờ vào những chuyển biến tích cực của nền kinh tế đã phần nào thúc đẩy tâm lý của người tiêu dùng cải thiện hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn sẽ chú trọng nhiều vào giá cả, họ sẽ tiếp tục so sánh nhiều hơn giữa các kênh bán, người bán để tìm ra những sản phẩm có giá trị nhất với ưu đãi tốt nhất trong phạm vi tài chính của bản thân.

Mặt khác, dù trong năm vừa qua có khá nhiều sự kiện đặc biệt đối với người tiêu dùng Việt Nam, điển hình như thiệt hại nặng nề mà bão Yagi và những trận lũ lịch sử đã để lại sau khi càn quét qua miền Bắc. Nhưng dường như, những yếu tố này không ảnh hưởng quá nhiều tới tình hình tài chính của người tiêu dùng trên cả nước. Thay vào đó, các sự kiện này lại thúc đẩy người tiêu dùng chú ý nhiều hơn tới các thông điệp mang tính chất nhân văn. Vì vậy, nhiều thương hiệu đã thành công ghi điểm với người tiêu dùng sau những sự kiện này nhờ vào các hoạt động CSR ý nghĩa.

Nhìn chung, 2025 sẽ là một mùa Tết đáng mong đợi cho các thương hiệu nếu như nắm bắt được những yếu tố sau:

  • Tập trung vào insight tận hưởng, thư giãn ngày Tết của người tiêu dùng: Không còn hứng thú quá nhiều với những buổi tiệc tùng đông đúc, sôi động, rất nhiều người tiêu dùng Việt mong chờ một cái Tết thật thư giãn và bình yên bên gia đình. Vì vậy, cách thức quảng cáo, lựa chọn thông điệp, xây dựng hình ảnh cho các chiến dịch Tết của thương hiệu cũng nên chú ý tới insight đặc biệt này.

  • Đẩy mạnh sản phẩm thiết thực & lành mạnh: Những sản phẩm đa dụng, có thể ứng dụng được trong đời sống hàng ngày và các sản phẩm dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe sẽ giúp thương hiệu thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, bội thu trong mùa Tết này. Vì vậy, trong các thông điệp, nội dung truyền thông cho sản phẩm Tết, thương hiệu cũng nên nhấn mạnh vào những giá trị thiết thực, giá trị dinh dưỡng, sức khỏe của sản phẩm thay vì các yếu tố hào nhoáng khác.

  • Đặc biệt lưu ý về thời điểm vì Tết 2025 sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm: Việc sắm Tết trên các kênh online sẽ diễn ra sớm hơn, trong khi các kênh offline sẽ được ưa chuộng hơn vào những ngày cận Tết. Do đó, các chiến dịch đẩy bán sản phẩm Tết trên kênh online cần được triển khai sớm hơn và đẩy mạnh kênh offline vào thời điểm cận Tết. Nhìn chung, thương hiệu cần tính toán chính xác thời gian mua sắm Tết cao điểm trên từng kênh để đưa ra chiến lược tiếp cận khách hàng đúng lúc, đúng chỗ.

>>> Đọc thêm: Xu hướng tiêu dùng 2025 từ NielsenIQ

Tham khảo: Kantar

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.