Nhiều thương hiệu lấy lòng GenZ bằng xu hướng tặng quà lưu niệm
Thực tế đang chứng minh quà tặng lưu niệm thương hiệu dù nhỏ bé nhưng lại cực kỳ ghi điểm trong mắt genZ. Cheez-It là một minh chứng cho điều đó. Năm ngoái, hàng nghìn khách đã đổ về quán ăn pop-up Cheez-In Diner ở vùng ngoại ô New York, nơi phục vụ các món đặc trưng như burger và milkshake hương vị Cheez-It. Không chỉ thu hút thực khách bởi menu độc đáo mà cả các sản phẩm lưu niệm mang thương hiệu Cheez-It cũng cháy hàng. Trong tuần hoạt động, quán đã bán hết 2.100 sản phẩm như mũ lưỡi trai, áo thun, poster, cùng hơn 400 bộ sticker. Một số mặt hàng hot đến mức Cheez-It quyết định bán trực tuyến sau sự kiện.

Pop-up Cheez-In Diner ở vùng ngoại ô New York, nơi phục vụ các món đặc trưng như burger và milkshake hương vị Cheez-It.
Cara Tragseiler - Giám đốc thương hiệu cấp cao của Cheez-It, chia sẻ: “Chúng tôi đã rất cẩn thận trong việc thiết kế bộ sưu tập hàng lưu niệm phiên bản giới hạn. Mục đích là để tiếp cận nhiều nhóm khách hàng, bao gồm cả Gen Z, và cho họ những cách cụ thể để thể hiện tình yêu với thương hiệu.”
Cheez-It không phải là thương hiệu duy nhất khai thác sở thích đặc biệt này của người dùng. Nhiều thương hiệu hiện nay đang tận dụng các sản phẩm vật lý như túi tote, sticker và huy hiệu để giúp khách hàng, đặc biệt là thế hệ Gen Z, thể hiện niềm yêu thích thương hiệu và tìm kiếm cộng đồng cùng chí hướng.
Một trong số đó phải kể đến Glossier. Thương hiệu đã sử dụng bộ sticker làm quà tặng từ khi ra mắt vào năm 2014, ban đầu như một cách giúp làm đẹp trở nên thú vị hơn. Khi thương hiệu mở các cửa hàng, họ tạo ra từng bộ sticker riêng cho từng địa điểm. Họ cũng phát hành sticker theo mùa – tất cả đều miễn phí. Trên Reddit, khách hàng thậm chí còn mua bán và trao đổi sticker như những món đồ sưu tầm. “Nó thực sự là dấu hiệu cho thấy bạn là một phần của cộng đồng Glossier,” Kleona Mack, Giám đốc tiếp thị của thương hiệu, chia sẻ. “Có những khách hàng gặp nhau khi xếp hàng, nhận ra sticker của nhau và trở thành bạn bè thân thiết.”

Glossier sử dụng bộ sticker làm quà tặng như một cách giúp làm đẹp trở nên thú vị hơn
Bên cạnh đó, Studs - một thương hiệu chuyên về xỏ khuyên tai, đã tạo ra các sản phẩm như sticker và huy hiệu để khách hàng thể hiện phong cách cá nhân và kết nối với cộng đồng yêu thích xỏ khuyên. Những sản phẩm này không chỉ là phụ kiện thời trang mà còn là biểu tượng của sự cá tính và độc đáo, thu hút sự quan tâm đông đảo của Gen Z.
Chưa dừng lại ở đó, thương hiệu nước hoa niche D.S. & Durga cũng sử dụng các sản phẩm vật lý như túi tote và sticker để tạo sự kết nối với khách hàng. Những sản phẩm này vừa giúp khách hàng thể hiện niềm yêu thích đối với thương hiệu, đồng thời tạo cảm giác thuộc về một cộng đồng có cùng sở thích với hương thơm độc đáo.

Cann thiết kế các sản phẩm như túi tote với màu pastel và các câu slogan như "Take me to a party"
Hay một ví dụ điển hình khác - Cann, một thương hiệu đồ uống đã thiết kế các sản phẩm như túi tote với màu pastel và các câu slogan như "Take me to a party" hoặc "Bring me out to play", vừa giúp khách hàng dễ dàng mang sản phẩm, vừa khéo léo truyền tải thông điệp. Jake Bullock, đồng sáng lập kiêm CEO của Cann, chia sẻ. ““Ban đầu, chẳng ai biết đến loại đồ uống này. Nhưng từ những câu slogan đó, chúng tôi muốn dùng những câu từ đơn giản để truyền tải rằng đây là một sản phẩm dành cho sự kết nối xã hội.”
>>> Đọc thêm: Louis Vuitton, Muji, các nhà bán lẻ thời trang ồ ạt đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống để chinh phục GenZ
Vì sao Gen Z mê mẩn hàng lưu niệm từ các thương hiệu?
Xuất phát từ cảm giác muốn “thuộc về”
Những món đồ như sticker, túi tote, huy hiệu… không chỉ đóng vai trò như quảng cáo di động, mang hình ảnh thương hiệu ra khỏi cửa hàng vật lý truyền thông mà còn là công cụ giao tiếp xã hội hữu hiệu. Khi vô tình bắt gặp những người dán cùng một chiếc sticker, đeo chung một chiếc túi tote hay gắn chiếc huy hiệu giống nhau, GenZ có thể bắt tín hiệu những người cùng chung sở thích với mình. Theo VistaPrint, công ty sản xuất các sản phẩm tiếp thị vật lý và kỹ thuật số, sticker hiện là một trong những danh mục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt với các thương hiệu DTC (Direct-to-Consumer).

Những items "nhỏ mà có võ" giúp GenZ tìm thấy cộng đồng có chung niềm yêu thích
Bên cạnh đó, việc tổ chức các pop-up store hay tung ra các sản phẩm giới hạn cũng giúp thu hút Gen Z – thế hệ sẵn sàng xếp hàng chờ đợi để trải nghiệm và tạo dựng các mối quan hệ mới. Libby Rodney, Giám đốc chiến lược của Harris Poll, nhận định tại hội nghị NextGen Summit của Ad Age: “Có rất ít không gian để giới trẻ tụ tập và cảm nhận sự thuộc về. Việc được gặp gỡ, tương tác ngoài đời thực có ý nghĩa rất lớn. Những thương hiệu nắm bắt được điều này sẽ giành được lợi thế.”
Xu hướng quay lại các kết nối thực tế
Các chuyên gia cho rằng nhu cầu kết nối xã hội của Gen Z xuất phát từ ảnh hưởng của đại dịch và sự gia tăng cảm giác cô đơn trong thời gian gần đây. Hiện tại, thế hệ này đang bước vào độ tuổi trưởng thành (từ 16 đến cuối 20), và nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng họ chính là thế hệ “cô đơn nhất.” Theo dữ liệu của UTA Entertainment Marketing, có đến 80% Gen Z và Millennials mong muốn các người nổi tiếng và nhà sáng tạo nội dung giúp họ kết nối với cộng đồng thực tế.
Lauren Beitelspacher, giáo sư tiếp thị tại Babson College, cho rằng điều này là một sự thay đổi thế hệ: “Với thế hệ trước, Facebook từng là điều mới mẻ, nhưng với Gen Z, mạng xã hội đã quá phổ biến, và giờ họ muốn xây dựng các mối quan hệ ngoài đời thực.”
Nếu các thế hệ trước coi việc xếp hàng chờ mua hàng là điều phiền toái, thì với Gen Z, đây lại là cơ hội giao lưu. Ví dụ, một khách hàng trẻ ở New York đã kết bạn khi xếp hàng chờ mua quần áo streetwear vào Black Friday. Sau đó, họ vẫn giữ liên lạc qua Instagram và duy trì tình bạn. Hay Glossier cho biết nhiều khách hàng của thương hiệu này đã sắp xếp gặp nhau tại một số cửa hàng thông qua Reddit. Nhận thấy thời gian chờ đợi tại các sự kiện có thể kéo dài hàng giờ - như tại sự kiện son dưỡng Balm DotWorld gần đây ở Mall of America - Glossier đã tìm cách biến khoảng thời gian đó thành trải nghiệm thú vị hơn. Họ bố trí bàn ghế để tạo không gian thư giãn và khuyến khích khách hàng trò chuyện, thậm chí còn chuẩn bị giá vẽ cho các hoạt động sáng tạo. Mack chia sẻ: "Họ biết sẽ phải chờ đợi, nhưng điều quan trọng là làm sao biến khoảng thời gian đó thành một trải nghiệm đáng nhớ."

GenZ coi thời gian chờ đợi mua hàng là cơ hội để giao lưu, kết nối
Không chỉ Glossier, Studs cũng áp dụng chiến lược tương tự. Vào dịp Halloween năm ngoái, thương hiệu này đã tổ chức một xe bán kẹo bên ngoài một cửa hàng ở New York, hợp tác cùng BonBon - thương hiệu kẹo nổi tiếng của Thụy Điển. Sự kiện thu hút đông đảo khách hàng xếp hàng tham gia, chứng minh sức hút của những trải nghiệm tương tác trực tiếp. Lisa Bubbers, đồng sáng lập Studs, khẳng định: “Gen Z là thế hệ ưu tiên trải nghiệm và sẵn sàng chi tiền cho những khoảnh khắc đáng nhớ. Họ muốn tận hưởng thời gian của mình một cách ý nghĩa.”
Sự gần gũi với hoài niệm tuổi thơ
Từ những cuốn sổ dán sticker, bộ sưu tập huy hiệu trên balo đến những món đồ chơi có thể trao đổi với bạn bè, Gen Z từng lớn lên với văn hóa sưu tầm và cá nhân hóa đồ dùng của mình. Giờ đây, khi các thương hiệu mang lại trải nghiệm tương tự thông qua những món quà lưu niệm, họ không chỉ đánh vào tâm lý hoài niệm mà còn giúp Gen Z kết nối với cộng đồng cùng chí hướng. Một chiếc sticker dán trên laptop hay một chiếc túi tote mang logo thương hiệu không chỉ là vật dụng cá nhân mà còn trở thành phương tiện thể hiện cá tính và sở thích, đồng thời tạo cơ hội để giao lưu với những người có chung niềm đam mê.
>>> Xem thêm: Cách Netflix làm thân với Gen Z để chinh phục thị trường Việt Nam: Chiến thần meme không ngại bắt trend mọi lúc
Lời kết:
Trong thời đại mà trải nghiệm và kết nối cá nhân ngày càng quan trọng, những món quà lưu niệm thương hiệu như sticker, túi tote hay huy hiệu đã vượt xa chức năng trang trí đơn thuần để trở thành biểu tượng của lòng trung thành và gắn kết cộng đồng. GenZ không chỉ xem đây là cách thể hiện cá tính mà còn coi đó là sợi dây kết nối và tìm kiếm những người chung sở thích, biến thương hiệu trở thành một phần của bản sắc cá nhân. Việc tiếp thị dựa trên trải nghiệm thực tế sẽ giúp thương hiệu duy trì mối quan hệ bền vững với thế hệ khách hàng trẻ tuổi.
Bình luận của bạn