cover

Louis Vuitton, Muji, các nhà bán lẻ thời trang ồ ạt đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống để chinh phục GenZ

28 Thg 02
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Mang ẩm thực vào thời trang - xu hướng xuất hiện cả trăm năm trước, giờ trỗi dậy với sự tham gia của đông đảo các nhà bán lẻ thời trang như Louis Vuitton, Muji hay Arc’teryx

Lịch sử những thương hiệu tiên phong mang ẩm thực vào thời trang

Việc kết hợp thời trang cao cấp với ẩm thực thực tế đã có từ nhiều thập kỷ trước, theo Richard Hodos, Phó Chủ tịch của JLL’s New York Retail Services. Một trong những người tiên phong trong lĩnh vực này vào thế kỷ 20 là nhà bách hóa xa xỉ Neiman Marcus, khi họ mở nhà hàng đầu tiên mang tên Zodiac Room tại Dallas vào năm 1953. “Ý tưởng kết hợp ẩm thực với thời trang xa xỉ không hề mới nếu bạn nhìn vào Neiman Marcus và Bergdorf Goodman. Từ cách đây 150 đến 200 năm, các nhà bán lẻ sáng tạo luôn cố gắng tạo ra những trải nghiệm đặc biệt để khách hàng gắn bó hơn với thương hiệu của họ.”

Tiffany khai trương Blue Box Cafe vào năm 2017

Tiffany khai trương Blue Box Cafe vào năm 2017

Sau đó, biểu tượng thời trang và điện ảnh Audrey Hepburn trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s (1961) đã lãng mạn hóa ý tưởng thưởng thức bữa sáng giữa những món trang sức lấp lánh. Tuy nhiên, phải đến năm 2017 - tức 56 năm sau khi bộ phim ra mắt - khách hàng mới thực sự có thể dùng bữa tại Tiffany. Nhà kim hoàn xa xỉ này đã khai trương Blue Box Cafe trên tầng bốn cửa hàng flagship tại Đại lộ Fifth Avenue. Dù đóng cửa vào năm 2019 để tu sửa, quán cà phê đã tái khai trương vào năm 2023 dưới sự dẫn dắt của đầu bếp danh tiếng Daniel Boulud và nhanh chóng có danh sách chờ lên đến 1.200 người.

Tiffany khai trương Blue Box Cafe vào năm 2017

Một số món ăn signature tại cửa hàng của Tiffany

Với mức giá 68 USD/người, thực đơn bữa sáng tại Tiffany bao gồm bánh croissant, bánh danish và trứng bác trong vỏ trứng kèm trứng cá muối. Theo CEO Sebastien Silvestri của Blue Box Cafe, dù đã mở lại gần hai năm, sức hút của trải nghiệm này vẫn không hề giảm. Ông tiết lộ quán phục vụ hơn 400 thực khách mỗi ngày. “Nhà hàng hoạt động rất tốt, gần như không có lúc nào vắng khách,”

Neiman Marcus, Bergdorf Goodman và Tiffany’s đã đặt nền móng cho việc kết hợp ẩm thực với thời trang, khi khách hàng có thể thưởng thức đồ ăn trong không gian đậm chất thời trang thương hiệu. Theo Shawn Grain Carter, Phó giáo sư tại Viện Công nghệ Thời trang (Fashion Institute of Technology) ở Chelsea, chiến lược này không chỉ giúp thu hút khách hàng mới và giữ chân khách hàng trung thành, mà còn góp phần làm mới trải nghiệm mua sắm trực tiếp. Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, các thương hiệu đang tìm cách lôi kéo thế hệ khách hàng trẻ trở lại với không gian bán lẻ thực tế, nơi họ có thể tận hưởng những trải nghiệm độc đáo và mang tính cá nhân hóa cao hơn. Carter chia sẻ: “Trên mọi phương diện, họ muốn bạn không chỉ mua quần áo, mà còn mua đồ trang trí, thưởng thức cà phê và tráng miệng tại cửa hàng. Đây là một chiến lược tiếp cận khách hàng đầy khéo léo và hiệu quả.”

Dù không phải là một xu hướng hoàn toàn mới nhưng ngày càng nhiều nhà bán lẻ thời trang nhận thấy lợi ích của việc kết hợp trải nghiệm ẩm thực với mua sắm này.

Các nhà bán lẻ thời trang nhanh chóng nhập cuộc vào lĩnh vực ẩm thực

Vào tháng 11 năm ngoái, Louis Vuitton chính thức ra mắt quán cà phê mang thương hiệu đầu tiên tại Mỹ, được điều hành bởi Starr Restaurants—tập đoàn đứng sau nhiều nhà hàng danh tiếng tại Manhattan như Pastis, Upland và Buddakan. Ngay bên cạnh đó là Le Chocolat Maxime Frédéric, cửa hàng socola cao cấp do Louis Vuitton trực tiếp vận hành. Tại đây, khách hàng có thể dễ dàng xếp hàng mua sô-cô-la tại Le Chocolat Maxime Frédéric. Tuy nhiên, nếu muốn trải nghiệm ẩm thực , khách hàng buộc phải đặt bàn trước. Theo chia sẻ của nhân viên nhà hàng, vào đầu tháng này, thời gian chờ cho một bàn hai người có thể lên đến 90 phút.

Louis Vuitton chính thức ra mắt quán cà phê

Không gian nhà hàng đậm chất Louis Vuitton

Không chỉ Louis Vuitton, nhiều thương hiệu thời trang cũng đang dấn thân vào lĩnh vực ẩm thực, nhằm thu hút cả giới mộ điệu lẫn những tín đồ yêu thích trải nghiệm mới.

Muji, thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng với đồ gia dụng và thời trang, đã khai trương khu chợ thực phẩm đầu tiên tại Mỹ vào tháng trước, bên trong Chelsea Market. Tại đây, khách hàng có thể thưởng thức đồ uống đặc biệt cùng những món ăn truyền thống Nhật Bản như onigiri, súp miso và dorayaki. Theo thông tin trên trang web của Muji, khu chợ này được thiết kế nhằm “khuyến khích sự khám phá, sáng tạo và kết nối.”

Thực đơn đậm chất Nhật Bản của MUJI tại Chelsea Market

Thực đơn đậm chất Nhật Bản của MUJI tại Chelsea Market

Trong khi đó, thương hiệu thời trang Members Only, vốn gắn liền với những chiếc áo khoác racer jacket đình đám thập niên 1980, cũng lên kế hoạch mở cửa hàng kết hợp lounge vào mùa xuân 2025 tại Greenwich Village. Không chỉ bày bán quần áo, cửa hàng còn phục vụ cocktail và đồ ăn nhẹ, mang đến một không gian nơi “nghệ thuật, phong cách và giao lưu hội tụ.”

Xu hướng kết hợp giữa thời trang và ẩm thực ngày càng phổ biến, biến các cửa hàng truyền thống thành điểm đến không chỉ để mua sắm mà còn để trải nghiệm, khám phá và kết nối.

Khi cà phê trở thành “vũ khí” lợi hại mới của ngành bán lẻ

Ngoài ẩm thực, nhiều thương hiệu thời trang đang sử dụng sức hấp dẫn của cà phê để kéo khách hàng vào cửa hàng của mình.

Ngay khi Louis Vuitton khai trương quán cà phê của mình vào tháng 11, đã có tin đồn rằng Prada cũng có kế hoạch tương tự. Theo nhiều nguồn tin, thương hiệu Ý đang tìm cách mở một nhà hàng cao cấp và có thể thay thế nhà hàng Lure Fishbar lâu đời tại 142 Mercer St. Mặc dù Prada chưa xác nhận kế hoạch, Hodos tin rằng việc mở một nhà hàng Ý sẽ là bước đi hợp lý. “Họ đang tìm cách mở rộng trải nghiệm của thương hiệu”.

Prada dự định mở quán cà phê thay thế nhà hàng Lure Fishbar lâu đời

Prada dự định mở quán cà phê thay thế nhà hàng Lure Fishbar lâu đời

Tháng 9 năm 2024, Arc’teryx - thương hiệu thời trang outdoor và đồ leo núi đã khai trương cửa hàng flagship lớn nhất tại SoHo, New York mang tên A-Frame. Tại đây, khách hàng có thể thử đồ trượt tuyết rồi thư giãn với một ly cà phê. Được biết đây quán cà phê đầu tiên của Arc’teryx tại Mỹ. Theo Delaney Schweitzer, Giám đốc thương mại của công ty, các quán cà phê Arc’teryx tại Nhật Bản và Trung Quốc đã gặt hái thành công lớn, giúp thương hiệu xây dựng cộng đồng khách hàng gắn kết mạnh mẽ.

Arc’teryx khai trương cửa hàng flagship lớn nhất tại SoHo, New York

Arc’teryx khai trương cửa hàng flagship lớn nhất tại SoHo, New York

Trước Arc’teryx, Ralph Lauren đã mở quán cà phê đầu tiên của mình tại Manhattan vào năm 2014. Nhà thiết kế khởi nghiệp với bộ sưu tập cà vạt nam vào năm 1967, nay đã phát triển thương hiệu không chỉ bao gồm thời trang mà còn sở hữu 5 nhà hàng và nhiều quán cà phê trên toàn cầu. Dù cửa hàng cà phê đầu tiên tại New York đã đóng cửa vào năm 2017, chuỗi Ralph’s Coffee vẫn tiếp tục phát triển mạnh với các địa điểm trên Đại lộ Madison và tại Flatiron District. Ralph Lauren từng chia sẻ trên website của thương hiệu: “Mùi hương cà phê tươi gợi lên nhiều ký ức về những khoảnh khắc bên gia đình và bạn bè. Tôi muốn tạo ra những loại cà phê mang tinh thần đó, đồng thời mở ra không gian nơi mọi người có thể tạm gác lại bộn bề để tận hưởng.”

Chuỗi Ralph’s Coffee vẫn tiếp tục phát triển mạnh

Chuỗi Ralph’s Coffee vẫn tiếp tục phát triển mạnh với các địa điểm trên Đại lộ Madison và tại Flatiron District.

Không chỉ ngành thời trang, các lĩnh vực khác cũng đang tận dụng sức hút của cà phê để thu hút khách hàng. Đơn cử như Capital One, đã ra mắt chuỗi quán cà phê liên kết với ngân hàng vào năm 2014 tại Boston, và mở rộng đến New York vào năm 2022. Hiện tại, đã có gần 60 địa điểm trên toàn nước Mỹ.

Capital One ra mắt chuỗi quán cà phê liên kết với ngân hàng

Capital One ra mắt chuỗi quán cà phê liên kết với ngân hàng

Chinh phục GenZ bằng kết hợp thời trang và ẩm thực - đích đến của thương hiệu

Mike O’Neill, Phó Chủ tịch Cushman & Wakefield, cho rằng xu hướng kết hợp thời trang với ẩm thực sẽ tiếp tục phát triển trước khi đạt đến điểm bão hòa. Ông nhận định rằng sau đại dịch, nhu cầu trải nghiệm đặc biệt một cách trực tiếp của khách hàng đã tăng vọt, khiến các thương hiệu ngày càng đầu tư vào yếu tố này. Theo Carter, việc mở rộng trải nghiệm mua sắm là một chiến lược thông minh giúp khách hàng ở lại cửa hàng lâu hơn, từ đó chi tiêu nhiều hơn. “Đây là một đề xuất giá trị hấp dẫn. Các thương hiệu muốn tăng độ nhận diện, thu hút khách hàng tiềm năng cũng như giữ chân nhóm khách hàng xa xỉ hiện tại.”

Một trong những nhóm khách hàng mà các thương hiệu đặc biệt nhắm đến là thế hệ Gen Z - thế hệ đầu tiên lớn lên hoàn toàn trong môi trường kỹ thuật số nhưng lại đang có xu hướng quay lại mua sắm trực tiếp. Carter nhận xét: “Họ khao khát những trải nghiệm ngoài đời thực vì họ là thế hệ đầu tiên sinh ra trong thế giới số hóa 100%. Và đây là cách tuyệt vời để các thương hiệu mở rộng dấu ấn phong cách sống của mình với nhóm khách hàng mà họ mong muốn giữ chân trong nhiều thập kỷ tới.”

>>> Đọc thêm: Selena Gomez đã biến Rare Beauty thành đế chế tỷ đô và thương hiệu phổ biến với GenZ như thế nào?

Lời kết:

Bằng cách mở rộng trải nghiệm khách hàng, từ mua sắm đến thưởng thức ẩm thực trong không gian đậm chất thương hiệu, các nhà mốt không chỉ tạo sự gắn kết sâu sắc với khách hàng mà còn thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng. Khi ranh giới giữa mua sắm và phong cách sống ngày càng mờ nhạt, những cửa hàng thời trang tích hợp quán cà phê, nhà hàng sẽ định hình một chuẩn mực mới cho ngành bán lẻ xa xỉ.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.