cover

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”

31 Thg 03
Content Writer

Content Writer

Hải Yến

Trong thời đại số hóa, việc học tập không còn gói gọn trong những trang sách dày cộp hay những giờ học khô khan trên lớp. Thay vào đó, Gen Z - thế hệ trẻ đầy sáng tạo đang tích cực đón nhận xu hướng Edutainment (Education + Entertainment) Vậy điều gì đã thúc đẩy sự phát triển của Edutainment? Những nền tảng nào đang định hình cách Gen Z tiếp cận tri thức? Và thương hiệu có thể làm gì để tận dụng kết nối với GenZ. Báo cáo sau đây từ Zlab sẽ cho bạn câu trả lời!

1. Sự nổi lên của Edutainment - nội dung mang lại giá trị bổ ích lấn át nội dung giải trí đơn thuần

Edutainment thực chất là sự kết hợp giữa "education" (giáo dục) và "entertainment" (giải trí), có nghĩa là giáo dục lồng ghép với giải trí. Đây là phương pháp giảng dạy giúp người học tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng và hứng thú hơn thông qua các hình thức giải trí như trò chơi, phim ảnh, âm nhạc, hoạt hình, hoặc các hoạt động tương tác.

Trong thời gian gần đây, “Edutainment” nổi lên như một hiện tượng - nơi nội dung mang lại giá trị đích thực được ưa chuộng hơn nội dung giải trí đơn thuần. Trong đó, GenZ là những người tiên phong trong việc nâng cao kiến thức thông qua hình thức độc đáo, kết hợp giữa giáo dục và giải trí này.

Vậy đâu là những nền tảng thống lĩnh Edutainment trong lòng Genz?

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 1.

Ảnh: Zlab

YouTube nổi bật là nền tảng hàng đầu

92% người dùng Gen Z tại Việt Nam cho biết Youtube là lựa chọn đầu tiên khi họ muốn xem nội dung nào đó. Sự phổ biến của YouTube trong việc học tập của Gen Z còn được thể hiện qua việc 59% thế hệ này coi Youtube như nền tảng học tập hàng đầu. Điều này cho thấy sự thay đổi trong phương pháp tiếp cận kiến thức, khi Gen Z luôn ưu tiên các nội dung trực quan, sinh động và dễ tiếp cận hơn sách vở truyền thống.

Sự quan tâm của Gen Z đối với các kênh edutainment trên YouTube được thể hiện qua lượng người theo dõi lớn trên các kênh này. Trong đó, nổi bật phải kể đến:

  • ED-Ed - một trong những kênh giáo dục hàng đầu trên YouTube, sở hữu hơn 15 triệu người đăng ký. Kênh cung cấp hơn 2.000 video bài giảng ngắn gọn, sáng tạo, bao quát nhiều lĩnh vực từ nghệ thuật thị giác đến toán học, giúp người xem tiếp cận kiến thức một cách dễ dàng và thú vị.
  • Crash Course cũng là một lựa chọn phổ biến, với hơn 13 triệu người đăng ký. Kênh này cung cấp hơn 1.500 video về các chủ đề như lịch sử, khoa học và thống kê, được thiết kế phù hợp với nhu cầu học tập đa dạng của Gen Z.
  • Khan Academy làmột tổ chức giáo dục phi lợi nhuận, sở hữu kênh YouTube với hơn 18 triệu người đăng ký. Kênh cung cấp một thư viện bài giảng phong phú, bao gồm các môn học từ toán học, khoa học đến kinh tế, giúp người học ở mọi lứa tuổi tiếp cận kiến thức chất lượng cao một cách miễn phí.

Sự phổ biến của các kênh này cho thấy Gen Z đang tích cực tìm kiếm và tận dụng các nền tảng edutainment để mở rộng kiến thức và kỹ năng, đồng thời kết nối với cộng đồng học tập trực tuyến trên toàn cầu.

Ngoài YouTube, TikTok cũng đang dần trở thành kênh tìm kiếm thông tin phổ biến đối với Gen Z. Theo Emarketer, gần 10% người dùng Gen Z ưu tiên tìm kiếm trên TikTok hơn là các công cụ tìm kiếm truyền thống như Google. Trong một nghiên cứu của Adobe năm 2024, TikTok đang dần mở rộng vai trò của mình, không chỉ dừng lại ở giải trí mà còn được người dùng sử dụng như một công cụ tìm kiếm thông tin, công thức nấu ăn, âm nhạc và nhiều nội dung khác.

Xu hướng này cũng được củng cố bởi một nghiên cứu từ HerCampus vào năm 2024, cho thấy 74% người dùng Gen Z sử dụng TikTok để tìm kiếm thông tin và 51% thích TikTok hơn Google. Lý do chính là định dạng video ngắn giúp họ tiếp cận nội dung nhanh chóng và trực quan hơn. Bên cạnh đó, sự đa dạng trong nội dung edutainment trên TikTok đã đáp ứng nhu cầu học hỏi và giải trí của Gen Z, giúp họ tiếp cận kiến thức một cách sáng tạo và thú vị hơn.

2. Những xu hướng Edutainment nổi bật mà GenZ thích mê

Âm nhạc trở thành công cụ truyền tải thông điệp giáo dục & văn hóa

Âm nhạc đang trở thành cầu nối hiệu quả trong việc lan tỏa thông điệp giáo dục và văn hóa nhân văn đến giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Những sản phẩm âm nhạc không chỉ cuốn hút bởi giai điệu bắt tai, ngôn từ trẻ trung mà còn khéo léo lồng ghép các yếu tố văn hóa, lịch sử Việt Nam, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng hơn giá trị truyền thống dân tộc.

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 2.

"LINK" tiếp tục khai thác dòng nhạc mang âm hưởng dân gian kết hợp với chất liệu hiện đại

Một ví dụ tiêu biểu là album "LINK" của Hoàng Thùy Linh. Tiếp nối thành công của album "Hoàng", "LINK" tiếp tục khai thác dòng nhạc mang âm hưởng dân gian kết hợp với chất liệu hiện đại, tạo nên sự mới mẻ và độc đáo. Trong album này, các yếu tố văn hóa truyền thống như tín ngưỡng bấm quẻ, trò chơi phỏm được lồng ghép một cách tinh tế vào các ca khúc, giúp người nghe vừa thưởng thức âm nhạc vừa tiếp cận với những nét đẹp văn hóa dân tộc. Sự sáng tạo này đã giúp "LINK" giành giải Album của năm tại giải thưởng Làn Sóng Xanh 2022.

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 3.

Ảnh; ZLab

Bên cạnh Hoàng Thùy Linh, dòng âm nhạc dân gian hiện đại còn có sự góp mặt của Hòa Minzy qua các MV như “Thị Mầu”, và mới đây nhất là “Bắc Bling”. Trong đó, MV "Bắc Bling" đã không chỉ giới thiệu đến khán giả những địa danh nổi tiếng và phong tục tập quán cổ truyền của Bắc Ninh mà còn có sự tham gia của gần 300 người dân địa phương, từ các cụ già gần 90 tuổi đến các em nhỏ, tạo nên bầu không khí đậm chất quê hương và đầy cảm xúc. Sự kết hợp này đã giúp MV đạt Top 1 Trending YouTube Music Việt Nam chỉ sau vài ngày ra mắt, đồng thời mang về cho Hòa Minzy những kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong sự nghiệp của mình.

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 4.

Ảnh: Zlab

Những sản phẩm âm nhạc như "LINK", "Bắc Bling" không chỉ mang đến trải nghiệm giải trí mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đến giới trẻ, giúp họ hiểu và tự hào hơn về bản sắc dân tộc.

Phim ảnh “góp sức” đưa giáo dục & văn hóa xích lại gần hơn với GenZ

Phim ảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giáo dục và văn hóa với thế hệ Gen Z. Một minh chứng tiêu biểu là "Nhà Gia Tiên" đã làm mưa làm gió trong thời gian qua của đạo diễn Huỳnh Lập, bộ phim khéo léo khai thác tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - một nét văn hóa đặc trưng của người Việt - qua góc nhìn vừa gần gũi vừa hiện đại. Sau hơn 3 tuần công chiếu, bộ phim đã thu về hơn 225 tỷ đồng, với hơn 2,8 triệu vé bán ra, lọt vào Top 7 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại.

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 5.

Ảnh: Zlab

Sự thành công của "Nhà Gia Tiên" không chỉ dừng lại ở doanh thu ấn tượng, mà còn tạo nên làn sóng hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng Gen Z. Trên nền tảng TikTok, giới trẻ nhanh chóng “đu trend” bằng cách chia sẻ những bức ảnh và video với tông màu đen trắng, thể hiện sự kết nối với chủ đề tâm linh và truyền thống gia đình mà bộ phim truyền tải. Trào lưu này đã cho thấy sức sáng tạo của Gen Z trong việc tiếp cận văn hóa dân tộc theo cách của riêng mình.

Những hiện tượng như "Nhà Gia Tiên" và các trào lưu liên quan trên mạng xã hội chứng tỏ rằng phim ảnh có thể là “sợi dây” bền chặt và hiệu quả, thúc đẩy nội dung giải trí mang yếu tố giáo dục và lịch sử đến gần hơn với GenZ, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và ý thức bảo tồn giá trị truyền thống trong lòng thế hệ trẻ.

Sự kiện/ Worshop về văn hóa là cầu nối để genZ học hỏi và mở rộng cộng đồng chung đam mê

Bên cạnh âm nhạc và phim ảnh, các sự kiện/workshop offline về văn hóa cũng đang trở thành “sân chơi” thú vị - nơi Gen Z học hỏi, trải nghiệm và mở rộng cộng đồng những người có chung đam mê. Với những đặc tính thế hệ nổi bật, GenZ ngày nay khao khát khám phá bản thân và kết nối thông qua các hoạt động trực tiếp, nơi họ có thể tương tác và chia sẻ đam mê theo cách chân thực nhất.

Một ví dụ tiêu biểu là WeYoung Fair - sự kiện nằm trong khuôn khổ WeChoice Awards 2024 - diễn ra từ ngày 11 đến 12/1/2025 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Thành phố Hồ Chí Minh. WeYoung Fair đã mang đến hàng loạt hoạt động thú vị như Show Me Your Community, Best Fandom Forever, Đấu trường Pop-up và Loco Art Market, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia.

Sự kiện này không chỉ tạo cơ hội cho Gen Z trải nghiệm văn hóa đa dạng mà còn giúp họ kết nối với những người có cùng sở thích và đam mê. Thông qua việc tham gia các hoạt động offline như WeYoung Fair, giới trẻ có thể học hỏi, khám phá bản thân và xây dựng cộng đồng vững mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nội dung giải trí mang tính giáo dục và lịch sử.

3. Edutainment len lỏi vào trong Marketing và cách thương hiệu tận dụng để kết nối với GenZ

Trong bối cảnh Gen Z ngày càng tìm kiếm những trải nghiệm học tập kết hợp giải trí (edutainment), các thương hiệu đang tìm cách tận dụng xu hướng này để kết nối sâu sắc hơn với thế hệ người dùng trẻ. Thay vì chỉ tập trung vào quảng cáo sản phẩm truyền thống, nhiều thương hiệu chuyển hướng sang cung cấp giá trị giáo dục thông qua các phương pháp sáng tạo và hấp dẫn.

Xu hướng Edutainment: Khi GenZ tích cực “Học mà chơi - Chơi mà học”- Ảnh 6.

Ảnh: Zlab

Một ví dụ điển hình là Duolingo - nền tảng học ngôn ngữ miễn phí, đã áp dụng chiến lược "trò chơi hóa" (gamification) để biến mỗi bài học thành một thử thách thú vị. Người dùng được khuyến khích hoàn thành các bài tập để kiếm điểm, lên cấp và mở khóa thành tựu mới, tạo động lực học tập liên tục và hiệu quả. Nhờ chiến lược này, Duolingo đã thu hút hơn 300 triệu người dùng trên toàn thế giới.

Tương tự, TikTok cũng đã giới thiệu TikTok Academy, một nền tảng cung cấp nội dung học tập miễn phí cho các nhà tiếp thị kỹ thuật số. Tại đây, người dùng có thể tìm hiểu về các mẫu quảng cáo, đo lường hiệu quả và chính sách quảng cáo trên TikTok, giúp họ tối ưu hóa chiến lược tiếp thị trên nền tảng này.

Hay Glossier - thương hiệu mỹ phẩm đã tận dụng “Edutertainment” để triển khai một loạt các hướng dẫn chăm sóc da dành cho khách hàng. Những hướng dẫn này không chỉ giúp người dùng hiểu rõ hơn về quy trình chăm sóc da mà còn cung cấp thông tin, kiến thức bổ ích về cách sử dụng hiệu quả các sản phẩm của hãng nói riêng và về việc chăm sóc da đúng cách nói chung.

Bằng việc tích hợp yếu tố giáo dục vào trải nghiệm giải trí, các thương hiệu không chỉ cung cấp giá trị thực tiễn cho Gen Z mà còn xây dựng mối quan hệ bền chặt và ý nghĩa với họ, đáp ứng nhu cầu học hỏi và phát triển không ngừng của thế hệ này.

Lời kết:

Xu hướng Edutainment không chỉ là một trào lưu nhất thời mà đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cách Gen Z tiếp cận tri thức. Với sự phát triển của các nền tảng số như YouTube, TikTok hay các chương trình giáo dục gamification, thế hệ này giờ đây không chỉ tiếp thu kiến thức một cách chủ động, mà còn góp phần tạo ra và lan tỏa những nội dung giáo dục sáng tạo, giúp biến việc học thành một trải nghiệm hấp dẫn, dễ tiếp cận. Các thương hiệu cũng cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng này để tạo ra những sản phẩm vừa mang giá trị giáo dục, vừa đáp ứng nhu cầu giải trí của thế hệ trẻ.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.