cover

Insight Gen Z năm 2025: Xu hướng mua sản phẩm bền vững & work from home bất ngờ giảm

04 Thg 03

Đứng trước một giai đoạn quan trọng của công việc, hôn nhân và gia đình, xu hướng hành vi của người tiêu dùng thế hệ Z đã có những điểm mới đầy bất ngờ. Không còn quá đề cao các sản phẩm xanh như trước, hay đam mê làm việc tại nhà, Gen Z đã thay đổi khá nhiều về tư tưởng, thói quen của bản thân. Vì vậy, thương hiệu cũng cần tìm kiếm những hướng đi mới, để có thể chinh phục Gen Z trong năm 2025.

#1. Gen Z có thực sự muốn đầu tư cho sản phẩm bền vững?

Trong năm vừa qua, những xu hướng như “underconsumption” (tiêu dùng tối giản - mua sắm tiết kiệm, thấp hơn nguồn cung sản phẩm) bùng nổ đầy mạnh mẽ trên TikTok, nhằm hạn chế sự lãng phí trong quá trình sử dụng sản phẩm. Điều này đã khiến cho rất nhiều nhà tiếp thị tin rằng Gen Z quan tâm và ưa chuộng các sản phẩm từ môi trường hơn hẳn các thế hệ khác.

Tuy nhiên, báo cáo của GWI đã cho thấy một thực trạng hoàn toàn mới trước thềm năm 2025. Hiện nay, Gen Z không sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường so với người tiêu dùng nói chung và thậm chí mức độ sẵn sàng này đang giảm dần theo thời gian. Họ cũng ít có xu hướng tái chế sản phẩm sau khi sử dụng hơn so với các thế hệ trước.

Cụ thể khảo sát của GWI cho thấy rằng, từ năm 2020 tới quý 3/2024 tỷ lệ Gen Z (16-27) “Muốn trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường” đang có xu hướng giảm dần.

Insight Gen Z năm 2025

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người tiêu dùng Gen Z không quan tâm tới các vấn đề về môi trường. Thay vào đó, quan điểm của họ đối với hoạt động bảo vệ môi trường hoặc phát triển bền vững nói chung của doanh nghiệp đã ngày càng trở nên khắt khe, rõ ràng hơn. Từ góc độ người tiêu dùng Gen Z tính bền vững chỉ thực sự hiệu quả khi nó… bền vững. Có nghĩa là để thực sự tạo ra giá trị tích cực cho môi trường, đời sống, những sáng kiến của thương hiệu cần mang lại lợi ích dài hạn không chỉ cho môi trường mà còn cho con người.

Trong đó, có một số mô hình bền vững đã thực sự thu hút được GenZ trong thời gian vừa qua như: Chuỗi cà phê giảm giá cho khách mang theo ly tái sử dụng, Cửa hàng bán lẻ thu mua và bán lại đồ nội thất đã qua sử dụng, hay các công ty công nghệ trao thưởng khi khách hàng đổi rác thải điện tử.

>>> Tìm hiểu thêm: Xu hướng Mua sắm trực tuyến của GenZ năm 2025

#2. Gen Z ngày càng yêu thích cuộc sống độc thân

Trong năm vừa qua, xu hướng DINKs (Dual Income, No Kids – hai thu nhập, không con cái) đã được nhắc tới rất nhiều trong cộng đồng Gen Z. Và thực tế cũng cho thấy rằng, ngày càng có nhiều người trẻ bước sang tuổi 30 mà không có con, họ lựa chọn cuộc sống độc thân thay vì lập gia đình.

Từ “single-girl era” tới chủ nghĩa 4B tại Hàn Quốc, nhiều người phụ nữ trẻ lựa chọn một lối sống độc lập không bị ràng buộc bởi cuộc sống hôn nhân. Xu hướng này phản ánh phong cách sống của Gen Z ngày càng mang tính độc lập cao hơn, phá bỏ những khuôn mẫu truyền thống để tìm tới sự tự do cho bản thân.

Khảo sát từ giai đoạn 2014 - 2024 cho thấy, tỷ lệ Gen Z độc thân đang có xu hướng tăng nhẹ từ 63% lên 69% trong năm 2024.

Insight Gen Z năm 2025

Tuy nhiên, việc sống độc thân cũng đặt ra một vấn đề khác cho người trẻ: Chi phí sinh hoạt cao hơn do phải tự chi trả mọi thứ mà không thể chia sẻ với ai. Vì vậy, các chiến dịch tiếp thị, ưu đãi, gói sản phẩm,... hướng tới người độc thân, giúp giảm tác động của “single tax” sẽ là một hướng đi hiệu quả cho các thương hiệu trong thời gian tới.

Một trong những chiến lược đơn giản nhất phải kể đến như thiết kế sản phẩm dành riêng cho cá nhân, như suất ăn một người, đồ gia dụng mini (máy giặt nhỏ, lò vi sóng cỡ bé) hay gói dịch vụ cá nhân với mức giá hợp lý hơn. Điều này giúp người độc thân không phải mua số lượng lớn hoặc trả phí cao, bởi các sản phẩm trên thị trường hiện nay chủ yếu được thiết kế để sử dụng trong gia đình.

Thương hiệu cũng có thể cải thiện trải nghiệm du lịch và dịch vụ cho người đi một mình, như loại bỏ phụ phí phòng khách sạn đơn lẻ hoặc tích hợp tính năng chia sẻ hành trình an toàn trên các ứng dụng gọi xe. Ngoài ra, các sản phẩm công nghệ hỗ trợ an toàn cá nhân cũng là một hướng đi tiềm năng.

Những chiến lược này không chỉ giúp thương hiệu tiếp cận tốt hơn nhóm khách hàng cá nhân mà nắm bắt tốt hơn xu hướng sống hiện đại của người tiêu dùng - Độc lập & Riêng tư. Bằng cách cung cấp các lựa chọn sản phẩm linh hoạt, thương hiệu vừa tăng lòng trung thành của khách hàng, vừa có thể mở rộng thị trường hiệu quả.

#3. Ưa chuộng du lịch một mình

So với các du khách khác, những người du lịch một mình thuộc Gen Z có xu hướng lựa chọn những sản phẩm như:

  • Ưu tiên phương thức thanh toán linh hoạt, đặc biệt là trả góp.
  • Lên kế hoạch cho những chuyến đi năng động, như lướt sóng hay leo núi.
  • Tìm kiếm thông tin trên diễn đàn và hội nhóm trực tuyến trước khi đặt chuyến.

Vì không thể chia nhỏ chi phí với ai khác, du khách du lịch một mình mong muốn có sự linh hoạt trong thanh toán. Vì vậy, thương hiệu du lịch có thể đáp ứng nhu cầu này bằng cách cung cấp các tùy chọn trả góp hoặc chương trình thanh toán linh hoạt với nhiều phương thức, công cụ thanh toán đa dạng,.... giúp họ dễ dàng chi trả cho hành trình của mình. Thương hiệu cũng cần duy trì sự hiện diện trên những kênh mà Gen Z dùng để nghiên cứu thông tin du lịch, chẳng hạn như các diễn đàn du lịch, nhóm Facebook hay Reddit,... từ đó tiếp cận đúng đối tượng vào thời điểm họ cần thông tin nhất.

Mặt khác, kể từ năm 2023, số lượng Gen Z coi trọng yếu tố an toàn khi đặt chuyến đi đã tăng 16%. Do đó, thương hiệu cần phát triển những những giải pháp giúp họ cảm thấy an tâm hơn trong hành trình của mình.

#4. Gen Z vẫn sẽ gia tăng kết nối trên mạng xã hội

Mặc dù đã có những nỗ lực để giảm bớt tần suất sử dụng mạng xã hội, nhưng trên thực tế Gen Z vẫn rất yêu thích các nền tảng này. Gen Z đang ngày càng chia sẻ nhiều video và thoải mái giai tiếp hơn trên mạng xã hội. Từ những hoạt động như meme, theo dõi xu hướng đến duy trì những cuộc trò chuyện trong nhóm chat,.... mạng xã hội cho phép Gen Z tương tác theo cách riêng của họ - tiện lợi, sáng tạo và hài hước.

Khảo sát về tần suất sử dụng Instagram và TikTok của Gen Z cho thấy rằng, từ năm 2020 - 2024, mức độ sử dụng các nền tảng này ngày càng tăng cao. Với Instagram, Gen Z thường sử dụng cho các nhu cầu như: Nhắn tin với gia đình bạn bè, Xem Reels,... và gửi tin nhắn hội thoại - một xu hướng mới khá thú vị của Gen Z. Còn đối với TikTok, Gen Z chủ yếu sử dụng để chia sẻ video và update xu hướng mới.

Insight Gen Z năm 2025

Ngoài ra, cách Gen Z sử dụng mạng xã hội ngày càng mang tính cá nhân hóa và sôi động hơn. Các nền tảng cũng đang nhanh chóng bổ sung các tính năng mới phù hợp với nhu cầu của Gen Z. Điển hình như Instagram cập nhật những tính năng như Notes trên Reels hay Broadcast Channels. Trong khi đó, TikTok mở rộng nhóm chat lên đến 32 người, thúc đẩy các cuộc trò chuyện của Gen Z. Bên cạnh đó, Gen Z cũng rất ưu thích phần bình luận, cho phép họ kết nối với cộng đồng những người có cùng sở thích.

Như vậy, có thể thấy Gen Z không chỉ tiêu thụ nội dung mà còn dùng mạng xã hội để gắn kết với mọi người xung quanh. Do đó, một số thương hiệu đang thay đổi cách tiếp cận của mình, họ tạo ra những nội dung dễ chia sẻ trong group chat,khai thác sự hài hước thông qua các yếu tố như meme,...

#5. Thế hệ đón đầu nhưng cũng lo sợ bởi AI nhiều nhất

Gen Z là thế hệ đón đầu làn sóng AI, nhưng họ cũng lo lắng về tác động của công nghệ này đến cơ hội nghề nghiệp của mình. Gen Z cũng thường xuyên sử dụng các công cụ như ChatGPT để hỗ trợ công việc nhưng lại luôn lo lắng về việc AI có thể thay thế họ trong công việc. Vì vậy, Gen Z đang nỗ lực rất nhiều để tìm cách bảo vệ vị trí công việc của mình trong môi trường lao động ngày càng số hóa.

Điều Gen Z mong muốn là những công cụ AI có thể giúp giúp giải quyết vấn đề, cải thiện năng suất, đảm nhiệm các công việc lặp lại, từ đó cho họ nhiều thời gian hơn để phát triển chuyên môn. Họ cũng đánh giá cao những doanh nghiệp sử dụng AI để đào tạo lại nhân sự và hỗ trợ sự nghiệp của họ. Tuy nhiên, Gen Z không muốn AI thay thế những công việc cần có tư duy phản biện hay các nhiệm vụ mang tính chiến lược – những lĩnh vực họ tin rằng nên do con người đảm nhiệm.

Nhìn chung, khi AI ngày càng được tích hợp phổ biến hơn vào quy trình làm việc, nỗi lo của Gen Z có thể gia tăng, đặc biệt với những vị trí. Vì vậy, các doanh nghiệp cần tìm cách cân bằng giữa việc tận dụng AI để tối ưu hóa hiệu suất và đảm bảo giá trị con người trong công việc.

#6. Podcast - Không gian trò chuyện mới của Gen Z

Podcast cũng đang chiếm lĩnh khá nhiều thời gian nghe của Gen Z. Một trong những lý do lớn nhất khiến Gen Z yêu thích podcast là bởi nó mang đến cảm giác gần gũi, tự nhiên và dễ kết nối hơn. Một ví dụ điển hình là The Girl’s Bathroom—bắt đầu từ một podcast được yêu thích, sau đó phát triển thành chuỗi sự kiện trực tiếp thu hút đông đảo Gen Z. Điều này cho thấy nhu cầu của Gen Z về sự kết nối ngoài đời thực sau khi trải nghiệm các nội dung trên digital.

Insight Gen Z năm 2025

Ngày nay, với sự phát triển của video podcast, định dạng âm thanh đặc biệt này sẽ ngày càng ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa tới thói quen giải trí của giới trẻ. Tuy nhiên, để khai thác nền tảng này, thương hiệu cần hiểu được rằng, so với những người yêu thích radio, Gen Z nghe podcast theo một cách thức chủ động hơn:

  • Họ thường nghe Podcast vì mục đích học tập hoặc để tìm ý tưởng/cảm hứng mới
  • Họ muốn các thương hiệu lắng nghe phản hồi của khách hàng
  • Họ thích những quảng cáo cho phép họ được tham gia hoặc được truy cập những nội dung độc quyền.

#7. Làn sóng Work from Home

Đối với Gen Z trước đây, họ thường thích được làm việc từ xa hơn là tới văn phòng. Những trong thời gian gần đây, xu hướng này đã thay đổi, Gen Z đang dần yêu thích việc quay trở lại văn phòng làm nhiều hơn. Một trong những nguyên nhân có thể đến từ quá trình trải nghiệm làm việc online trong đại dịch đã thúc đẩy họ mong muốn có được kết nối trực tiếp với đồng nghiệp khi làm việc hơn.

Khảo sát cho thấy tỷ lệ Gen Z thích làm tại văn phòng đã tăng lên đáng kể so với năm 2022.

Insight Gen Z năm 2025

Tuy nhiên, nhìn cung lựa chọn làm việc từ xa hay tại văn phòng chủ yếu phụ thuộc vào ngành nghề. Đặc biệt, cách thức làm việc mới là yếu tố mang tính chất quyết định, thay vì địa điểm làm việc. Vì vậy, doanh nghiệp nên tập trung vào việc hỗ trợ các thiết bị, quy trình, công nghệ,... cho nhân sự khi làm việc theo từng mô hình. Ví dụ, nhân viên trong các công ty công nghệ thường được ưu tiên làm việc từ xa và họ sẽ được hưởng ưu đãi như giảm giá mua sắm hay vé sự kiện miễn phí. Trong khi đó, những người làm việc tại văn phòng lại nhận được hỗ trợ như trợ cấp trông trẻ hoặc phụ cấp đi lại.

#8. Mức độ trung thành với công việc giảm, thích làm nghề tay trái

Trong năm qua, các xu hướng TikTok như "lazy girl jobs" (công việc nhẹ nhàng, ít áp lực) hay phong trào #ActYourWage (làm việc đúng với mức lương) đã tăng trưởng khá mạnh mẽ. Tuy nhiên nó chưa thực sự phản ánh đúng xu hướng làm việc của Gen Z.

Thực tế, Gen Z có xu hướng ít gắn bó với công việc hơn và tỷ lệ tìm kiếm việc làm mới của họ luôn cao hơn so với các thế hệ trước. Đối với các thế hệ khác, việc thay đổi công việc thường phổ biến khi mới bắt đầu sự nghiệp, nhưng với Gen Z nghiên cứu cho thấy thời gian gắn bó với một công ty của thế hệ này đang ngày càng rút ngắn.

Ngoài ra, Gen Z có xu hướng không đi theo lộ trình công việc truyền thống như làm lâu dài, hướng tới mục tiêu thăng tiến. Kể từ năm 2022, tỷ lệ người tìm việc Gen Z coi trọng cơ hội thăng tiến đã giảm 34% – dấu hiệu cho thấy họ có thể đang dần mất hứng thú với con đường sự nghiệp truyền thống.

Tuy nhiên những con số trên không có nghĩa là Gen Z đang trở nên lười biếng, ngược lại họ cống hiến rất nhiều qua công việc. Điều này có thể thấy rõ qua xu hướng làm nghề tay trái (side hustle) ngày càng nhiều hơn, nhiều hơn. Như vậy, Gen Z không phải chán làm việc, mà họ chỉ không muốn gắn bó với một công việc nhàm chán.

Đặc biệt, một trong những lý do hàng đầu khiến Gen Z muốn tìm công việc mới đó là thiếu cơ hội học hỏi, mục tiêu không hấp dẫn và khó khăn trong việc hợp tác. Điều này đến từ việc các nhân viên mới như Gen Z thường bị giao quá nhiều công việc hành chính và bị loại khỏi các cuộc họp quan trọng. Một số khác chia sẻ rằng họ rời đi vì công ty không có một tầm nhìn phát triển cụ thể cho các bộ phận, khiến họ cảm thấy công việc “không có tương lai”. Như vậy, giải pháp để giữ chân Gen Z rất đơn giản đó là hãy cho họ làm nhiều hơn, đưa họ vào các cuộc thảo luận quan trọng và khuyến khích sự sáng tạo của riêng họ.

>>> Đọc thêm: Tiếp thị thế hệ 2025: Gen Beta xuất hiện, GenZ áp lực với hôn nhân, Millennials "chín muồi" về tài chính

Nguồn: GWI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.