- Ẩm thực 1 mình - Trào lưu rầm rộ trên thế giới đang nhen nhóm mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam
- Vì sao người trẻ thích đi ăn một mình? Insight của họ là gì?
- #1. Sự tự do về sở thích, linh động về mặt thời gian
- #2. Áp lực từ môi trường sống & guồng quay của công việc
- #3. Tỷ lệ độc thân ngày một tăng cao
- #4. Yếu tố khác: Môi trường công nghệ & Tâm lý
- Cơ hội mới cho ngành F&B
Ẩm thực 1 mình - Trào lưu rầm rộ trên thế giới đang nhen nhóm mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam
Trước đây khi nhắc tới những bữa ăn tại nhà hàng hay khách quán ăn bên ngoài phần lớn chúng ta sẽ đều nghĩ đến những cuộc hẹn với bạn bè gia đình người thân. Tuy nhiên quan điểm này đã thay đổi trong một vài năm trở lại đây, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Trong một bài viết của báo “Tuổi Trẻ Thủ Đô”, Kiều Trinh - một cô gái trẻ đang sinh sống ngay giữa Thủ Đô náo nhiệt nhưng lại rất mong muốn được thưởng thức những bữa ăn một mình: “Mình không cảm thấy cô đơn vì có thể vừa ăn, vừa giải trí bằng những việc mình thích như đọc sách, lướt mạng xã hội, chơi game. Mình không muốn gượng ép bạn bè đi ăn cùng mình vì ai cũng bận rộn với cuộc sống, công việc riêng” - Kiều Trinh chia sẻ.
Tương tự như Kiều Trinh, ngày càng có nhiều người trẻ tại Việt Nam và trên toàn thế giới tìm đến những bữa ăn một mình tại các nhà hàng quán ăn, thay vì tụ họp cùng người thân. Không còn lo ngại sự cô đơn hay những cái nhìn đánh giá, họ yêu thích những bữa ăn một mình bởi sự riêng tư, tự do và thoải mái.
Sự phát triển của xu hướng này cũng được thể hiện rõ rệt thông qua các nội dung trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. Tiêu biểu như sự phổ biến của từ khóa “Self Date - Hẹn hò, đi ăn uống một mình” đang trở thành một chủ đề hấp dẫn được đông đảo người trẻ theo dõi trên Tik Tok hiện nay. Ngoài ra khi theo dõi các nội dung liên quan đến ẩm thực trên Tik Tok cũng sẽ nhận thấy rằng ngày càng có thêm nhiều nội dung review, chia sẻ về những quán ăn “Dành cho người đi một mình”, “Suất ăn cho người FA”,... Và nhận được lượng tương tác của đông đảo người dùng trẻ.
Từ những thay đổi trên có thể thấy ăn một mình không còn là một trào lưu mà đang dần trở thành một xu hướng một lựa chọn mới trong việc trải nghiệm ẩm thực của người tiêu dùng hiện nay. Vì vậy đây cũng sẽ là một cơ hội để các thương hiệu trong mảng F&B có thể tận dụng để mở rộng thị trường.
Vì sao người trẻ thích đi ăn một mình? Insight của họ là gì?
Để có thể nắm bắt được cơ hội kinh doanh đặc biệt này trước hết cách nhận hàng cần thấu hiểu được insight phía sau nhu cầu thưởng thức bữa ăn một mình của người tiêu dùng. Đây không chỉ đơn thuần là một trải nghiệm để tìm kiếm sự tự do hay thoải mái mà nó còn bị tác động bởi rất nhiều nhân tố từ trong bản thân của người trẻ cũng như ảnh hưởng từ xã hội:
#1. Sự tự do về sở thích, linh động về mặt thời gian
Nếu đi ăn với bạn bè hoặc người thân bạn sẽ phải hẹn trước và sắp xếp thời gian giữa khá nhiều cá nhân khác nhau để có thể phù hợp với lịch trình của tất cả mọi người. Ngoài ra, sự khác biệt về mật khẩu vị cũng khiến cho nhiều người cảm thấy không thoải mái đối với những bữa ăn chung.
Đó là lý do người tiêu dùng tìm đến những bữa ăn một mình, nơi mang lại cho họ sự tự do lựa chọn theo những món ăn mình thích, chủ động về mặt thời gian mà không cần bị ràng buộc bởi bất cứ ai. Vì vậy, khi muốn tiếp cận tới thị trường này thương hiệu cần đặc biệt lưu ý về việc mang tới trải nghiệm thực sự tiện lợi, linh động và thoải mái, tự do cho khách hàng.
#2. Áp lực từ môi trường sống & guồng quay của công việc
Ngày nay áp lực từ môi trường sống và công việc đối với người trẻ đang ngày một tăng cao, những khoảng thời gian chăm sóc cho bản thân ngày càng trở nên quý giá. Sau một ngày dài mệt mỏi điều mà họ mong muốn nhất là được dành một chút thời gian cho chính bản thân mình. Vì vậy những bữa ăn một mình là một trải nghiệm rất phù hợp để họ có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa có được khoảng thời gian nghỉ ngơi thư giãn cho tinh thần.
Đây cũng là insight quan trọng nhất khi mà các nhãn hàng F&B cần nghiên cứu khi muốn khai thác thị trường đặc biệt này. Hãy tập trung vào việc mang lại những thông điệp, trải nghiệm về sự thư giãn, yên bình và riêng tư nhất cho thể cho khách hàng khi thưởng thức những bữa ăn một mình.
#3. Tỷ lệ độc thân ngày một tăng cao
Xu hướng lựa chọn sống độc thân và tỷ lệ độc thân tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới đang ngày một tăng cao, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ như Gen Z. Theo một cuộc khảo sát mới của Tinder: 72% thanh niên độc thân được Tinder phỏng vấn đã trả lời rằng việc sống độc thân trong một khoảng thời gian là lựa chọn sáng suốt. Và hơn 81% trong số họ thấy việc độc thân mang lại nhiều lợi ích ngoài đời sống tình cảm. Tại các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Mỹ, các khảo sát cũng đều cho thấy tỷ lệ độc thân càng ngày càng tăng cao.
Cho tới khoảng 1, 2 năm trở lại đây xu hướng lựa chọn lối sống độc thân này đã dần tiếp cận và trở nên phổ biến hơn tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỉ lệ người độc thân đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019. Khi theo dõi các kênh truyền thông cũng có thể thấy rõ những nội dung liên quan đến lối sống độc thân, tự do đang trở nên khá phổ biến và nhận được sự hưởng ứng khá nhiều của người trẻ.
Số lượng người độc thân ngày càng tăng cao, trong khi nhu cầu và sự đa dạng ẩm thực cũng tăng trưởng không kém cạnh, khiến cho nhu cầu đối với các mô hình quán ăn một mình được thúc đẩy.
#4. Yếu tố khác: Môi trường công nghệ & Tâm lý
Bên cạnh đó cũng có một số những tác động khác như sự ảnh hưởng của môi trường công nghệ. Những chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng đã khiến cho những bữa ăn một mình không còn trở nên cô đơn. Người dùng có thể vừa ăn vừa theo dõi những nội dung mình yêu thích trên mạng xã hội hay xem một bộ phim nào đó.
Ngoài ra còn có một khía cạnh tâm lý đặc biệt khác là cảm giác về sự độc lập và mạnh mẽ khi đi ăn một mình. Nhiều người cảm thấy rằng việc đi ăn một mình sẽ khiến cho hình ảnh của họ có phần thú vị mang chút màu sắc của sự cô độc, bí ẩn hơn. Đây cũng là một insight khá hay ho mà các thương hiệu có thể nghiên cứu, để mang lại cho người dùng một cảm giác khác biệt hơn khi trải nghiệm ẩm thực một mình.
Tuy nhiên, nhìn chung đây vẫn sẽ tiếp tục là một xu hướng có tiềm năng phát triển trong thời gian tới, mở ra những cơ hội mới cho các thương hiệu trong mảng F&B.
Cơ hội mới cho ngành F&B
Hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh đã có khá nhiều nhà hàng và quán ăn nắm bắt khá thành công xu hướng thưởng thức ẩm thực một mình của người tiêu dùng trẻ. Thùy Trang, quản lý chi nhánh của Lẩu bò Sài Gòn tại trung tâm thương mại trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), nói rằng nhờ set "lẩu một người", nhà hàng đã tiếp cận được nhu cầu đa dạng của khách hàng. “Nhiều năm trước, mô hình lẩu một người nổi lên thành trend nhưng phần lớn khách đi ăn do tò mò. Khách vẫn đi hai người, gọi hai nồi lẩu ăn cùng nhau. Nhưng gần đây, nhiều người đi một mình cũng thích ăn lẩu. Họ e ngại vì một phần ăn lớn, giá cao, có gọi cũng không ăn hết. Vì vậy, set ăn của chúng tôi mới thật sự đáp ứng nhu cầu của đúng tập khách hàng cần" - Nguồn Z.News
Ngoài ra, khi theo dõi các nội dung review ẩm thực trên các nền tảng mạng xã hội như YouTube hay Tik Tok cũng có thể thấy rõ sự nở rộ về cả số lượng lẫn quy mô của các mô hình trải nghiệm ẩm thực một mình. Đặc biệt, trong giai đoạn chớm nở này, cơ hội nắm bắt sớm để thành công của các thương hiệu là tương đối cao.
Tuy nhiên, để bước chân vào thị trường mới mẻ này là điều không hề dễ dàng bởi insight của người tiêu dùng cũng khá phức tạp. Mặc dù yêu thích các bữa ăn một mình bởi sự tự do và thoải mái, nhưng thực tế người trẻ vẫn còn một số những rào cản tâm lý đối với nhu cầu này. Đặc biệt là những ánh mắt đánh giá và soi xét từ mọi người xung quanh, bởi lẽ tại Việt Nam xu hướng ăn một mình vẫn là một điều mới mẻ. Ngoài ra, một số người tiêu dùng cũng e ngại về việc chi phí khi đi ăn một mình sẽ cao hơn so với việc ăn nhóm.
Vậy làm thế nào để thương hiệu có thể đáp ứng nhu cầu ẩm thực một mình của người tiêu dùng hiện nay?
- Hiểu những “mong muốn” và cả “nỗi sợ” của người trẻ trong cuộc sống hiện tại: Sự riêng tư và tự do là hai động lực lớn nhất của người tiêu dùng khi tìm kiếm những trải nghiệm ẩm thực một mình. Vì vậy, nếu muốn chinh phục thị trường này dịch vụ của bạn phải tối thiểu cần phải đáp ứng hai insight này, ví dụ tạo nên khu vực bàn ăn đơn riêng trong nhà hàng, tạo thành các quầy ăn kín cho một người,....
- Kinh doanh suất ăn riêng cho một người tại nhà hàng & cả kênh online: Như đã phân tích vẫn còn rất nhiều người ngại ngần với việc đi ra các quán ăn hay nhà hàng, nhưng họ vẫn mong muốn được thưởng thức các bữa ăn ngon một mình. Vì vậy, bên cạnh việc cung cấp suất ăn một người tại nhà hàng, hãy kết hợp với các kênh giao đồ ăn như Grab, Shopee để đáp ứng mong muốn ăn tại nhà của họ.
- Tối ưu về giá cả: Đối nhiều món ăn như lẩu, nướng,... người tiêu dùng thường khá lo ngại về mặt chi phí khi đi ăn một mình. Vì vậy, chiến lược về giá là yếu tố rất quan trọng khi thương hiệu muốn gia nhập vào thị trường này. Thương hiệu cần phải đảm bảo cân bằng giữa chi phí phù hợp với một cá nhân, vừa phải tối ưu quy trình và cách thức đóng gói sản phẩm để đảm bảo lợi nhuận.Đồng thời không quên thúc đẩy họ đi ăn thông qua các chương trình khuyến mãi, quà tặng dành riêng cho người đi ăn một mình… đặc biệt trong những dịp nghỉ lễ.
- Kết hợp KOC, KOL truyền thông xu hướng này tới người tiêu dùng: Giúp người tiêu dùng cảm thấy bình thường hóa việc ăn một mình thông qua các nội dung dạng UGC, kết hợp với KOL, KOC,... Qua đó vừa quảng bá thương hiệu, vừa khiến cho người xem cảm thấy việc đi ăn một mình trở nên phổ biến và đơn giản hơn.
Lời kết
Nhìn chung, bữa ăn một mình tại các nhà hàng, quán ăn vẫn còn là một xu hướng mới tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, cơ hội để gia nhập và chinh phục thị trường là rất rộng mở cho các thương hiệu F&B. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, các thương hiệu vẫn nên kết hợp giữa mô hình quán ăn truyền thống và quán ăn một mình thay vì đi riêng vào ngách thị trường mới mẻ này. Bởi tâm lý đi ăn một mình vẫn chưa thực sự cởi mở tại thị trường Việt Nam.
Bình luận của bạn