cover

Tương lai ngành thời trang: Chiến lược marketing hàng hiệu và phục trang sang trọng hậu COVID-19

14 Thg 04

Ngành công nghiệp thời trang đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Từ khi có sự chuyển dịch trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng đến nay, chúng ta đã được chứng kiến sự thay...

Ngành công nghiệp thời trang đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Từ khi có sự chuyển dịch trong tâm lý mua sắm của người tiêu dùng đến nay, chúng ta đã được chứng kiến sự thay đổi nghiêm trọng trong xu hướng mua sắm của mọi người. Họ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn thay vì những món đồ xa xỉ, hào nhoáng nhằm mục đích “khoe của” như trước đây. Vậy nên, không có gì ngạc nhiên khi Tập đoàn tư vấn Boston cho biết, doanh thu do ngành công nghiệp thời trang tạo ra đã giảm hơn 1/3 vào năm 2020, tương đương với mức thâm hụt khoảng 640 tỷ USD. Tuy nhiên, nói gì thì nói, đây vẫn là một mức biến động cực lớn trong lịch sử ngành hàng xa xỉ này. 

Tương lai ngành thời trang: Chiến lược marketing hàng hiệu và phục trang sang trọng hậu COVID-19- Ảnh 1.Một sáng tạo của Givenchy trong BST Thu Đông 2020-2021 Ready-to-Wear dành cho nữ giới, được trình diễn tại Paris ngày 1/3/2020

Theo thống kê, không ít thương hiệu thời trang từ bình dân đến cao cấp đã phải đóng cửa các cửa hàng bán lẻ của họ trên khắp thế giới. Trên thực tế, nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới, H&M, có kế hoạch đóng cửa 250 trong số 5.000 cửa hàng trên toàn cầu và chủ sở hữu của Zara là Inditex SA cũng đã đóng cửa hơn 1.000 cửa hàng bán lẻ vào đầu năm nay.

>>> Có thể bạn quan tâm

Quan trọng hơn, tuy quần áo là những vật phẩm có nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, nhưng bản chất của ngành công nghiệp thời trang là một ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, hay nói cách khác là một ngành có tốc độ thay đổi về mặt mẫu mã và xu hướng một cách nhanh chóng, nên không có gì ngạc nhiên khi nó dễ là ngành bị rơi vào tình cảnh khó khăn nhất, trong bối cảnh người tiêu dùng không hề sẵn sàng mua những mẫu sản phẩm mới nếu họ phải đối mặt với tình trạng tài chính bấp bênh. Chưa kể, ngày nay, do đại dịch, người tiêu dùng hầu như chỉ ở nhà và không thể mặc quần áo mới đi ra ngoài, nên họ càng tránh bỏ tiền ra mua những thứ không cần thiết.

Tóm lại, rất ít người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho những bộ quần áo mới chỉ để mặc chúng ở nhà, nhất là trong một cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay!

Để đối phó với đại dịch COVID-19 và những ảnh hưởng của nó, nhiều thương hiệu thời trang đang hướng tới các giải pháp kỹ thuật số. Ví dụ, Inditex SA đã đầu tư 3 tỷ USD để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử của các chuỗi như Zara và Bershka. Xu hướng số hóa này cũng đang được phản ánh rõ nét trong ngành Tiếp thị thời trang (Fashion Marketing). Để hiểu rõ hơn về xu hướng này, bài viết dưới đây của MarketingAI sẽ cho bạn thấy một số thay đổi thay đổi quan trọng đang xảy ra trong thị trường thời trang ngày nay và cả tương lai.

Chiến lược Marketing ngành thời trang sẽ thay đổi như thế nào vào năm 2021?

Trong bối cảnh việc mua sắm tại cửa hàng đang gặp nhiều khó khăn và hạn chế, các thương hiệu thời trang sẽ buộc phải tối ưu hóa các cửa hàng online của mình nhằm cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mua sắm càng dễ tiếp cận càng tốt. Một cuộc khảo sát của Gartner năm 2018 cho thấy, 46% các nhà bán lẻ đã lên kế hoạch triển khai các giải pháp AR hoặc VR vào năm 2020.

Và với việc đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa, con số này dự kiến sẽ còn tăng hơn nữa vào năm 2021. Theo Giám đốc cấp cao và Nhà phân tích Brian Manusama của Gartner, khoảng 25% công ty đang có kế hoạch triển khai công nghệ AI như chatbots trong 12 tháng tới.

Tương lai ngành thời trang: Chiến lược marketing hàng hiệu và phục trang sang trọng hậu COVID-19- Ảnh 2.Hình ảnh người mẫu mặc trang phục nằm trong BST Thu / Đông 2020-2021 của thương hiệu Dolce & Gabbana bước trên sàn catwalk tại MiLan, Ý ngày 11/1/2020

Chatbots và các giải pháp kỹ thuật số khác là một cách đơn giản và dễ dàng giúp cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa hơn, điều này không chỉ làm tăng mức độ hài lòng của khách hàng mà còn giúp thúc đẩy doanh số bán hàng hiệu quả cho thương hiệu. Trên thực tế, đã có một số thương hiệu đang cung cấp các cửa hàng ảo để tái hiện lại những trải nghiệm mua sắm bán lẻ tại cửa hàng cho khách hàng. Cái tên đầu tiên phải kể đến chính là Dior. Nhà mốt xa xỉ này đã tung ra một cửa hàng ảo có chế độ xem 360 độ, nơi khách hàng có thể dạo quanh và xem toàn bộ các mặt hàng trong cửa hàng giống như khi đi mua hàng tại một cửa hàng bán lẻ thông thường. Trải nghiệm này tất nhiên chưa thể thay thế hoàn toàn việc mua sắm trực tiếp, nhưng cũng phần nào cho thấy nỗ lực của các thương hiệu thời trang. Gần đây, Dolce & GabbanaRalph Lauren cũng là những cái tên nổi bật đang phát triển trải nghiệm mua sắm ảo này.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng sẽ đóng một vai trò to lớn trong lĩnh vực tiếp thị thời trang. Nhiều thương hiệu đã tận dụng thành công dịch vụ quảng cáo trả tiền cho các chiến dịch marketing của họ. Các quảng cáo Native ads trên social media là một cách tuyệt vời để tạo ra các chiến dịch marketing trực tuyến đích thực. Jason Modemann, Giám đốc điều hành của Mawave Marketing cho biết: “Trong thời đại ngày nay, tiếp thị qua mạng xã hội (social media marketing) là cách tốt nhất để thúc đẩy doanh thu bán hàng.”

Tương lai ngành thời trang: Chiến lược marketing hàng hiệu và phục trang sang trọng hậu COVID-19- Ảnh 3.

Jason và Patrick, những nhà sáng lập Mawave là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Cùng với đội ngũ chuyên gia về performance marketing, họ đang giúp các thương hiệu thời trang và phong cách sống trẻ phát triển mạnh bằng cách sử dụng các chiến lược tiếp thị truyền thông xã hội hiện đại. Một số khách hàng trước đây của họ có thể kể đến như: thương hiệu tất nổi tiếng SNOCKS (được biết đến với việc phát minh ra những đôi tất đi giày vô hình), DRYKORN, About YouHoly Fashion Group, một công ty cổ phần của nhiều thương hiệu quần áo khác nhau như JOOP !, Strellson và Windsor.

Một yếu tố quan trọng khác là tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm trên thiết bị di động. Ngày nay, tỷ lệ sử dụng điện thoại di động để tìm kiếm, mua sắm và sử dụng các ứng dụng truyền thông xã hội ngày càng nhiều. Vì vậy, điều cần thiết là phải làm cho trải nghiệm mua sắm trên thiết bị di động diễn ra suôn sẻ nhất có thể để đảm bảo khách hàng không phải gặp bất cứ rắc rối gì khi họ muốn mua một sản phẩm trên mạng bằng chiếc di động thông minh của họ. Có lẽ sẽ chẳng phải nói quá nhiều về ứng dụng của di động trong cuộc sống hiện nay khi hầu hết mọi người đều đang sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi, vậy nên, nếu trải nghiệm mua sắm của bạn chưa được tích hợp tốt trên nền tảng này, sẽ là một thiếu sót rất lớn.

Ngoài ra, cũng còn những khía cạnh khác mà các thương hiệu thời trang cần phải tính đến. Đó là các sự kiện thời trang nhằm quảng bá bộ sưu tập mới. Vào năm 2021, các sự kiện thời trang được livestream trực tiếp sẽ là điểm nhấn trong toàn ngành, vì vậy, các chiến dịch quảng cáo online sẽ là phương pháp tiếp cận chung và là hướng đi cho mọi thương hiệu.

>>> Xem thêm: 20 ý tưởng content thời trang hấp dẫn nhất mọi thời đại

Các thương hiệu thời trang cần tạo sự khác biệt so với đối thủ của họ

Đại dịch toàn cầu cũng đã mở ra một xu hướng “tuy mới mà cũ” trong ngành thời trang, đó là chủ nghĩa tiêu dùng bền vững và việc “giá cả tương xứng với chất lượng”. Dù xu hướng này đã gia tăng trong những năm gần đây, nhưng rõ ràng đại dịch COVID-19 mới là yếu tố chính thúc đẩy mọi người phải cảnh giác hơn với việc tiêu tiền trong thời kỳ khủng hoảng. Đặc biệt là khi ngành thời trang và trang sức xa xỉ bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp kiểm dịch đang diễn ra.

“COVID-19 chắc chắn đã  ảnh hưởng đến ngành kinh doanh đồ trang sức khi mà các sự kiện, các buổi gặp gỡ, các bữa tiệc đều được tổ chức với quy mô nhỏ hơn. Đơn giản là nhu cầu về đồ trang sức khi đi ra ngoài đang ngày càng ít đi”, Joyce Lin, một doanh nhân gốc Canada đồng thời là nhà sáng lập của thương hiệu trang sức nổi tiếng Noor Jouels đã chia sẻ với Forbes. Cô cũng chia sẻ về việc công ty đã và đang nỗ lực xây dựng hình ảnh thương hiệu của mình ra sao trong suốt trận chiến đại dịch vừa qua và thậm chí có thể phát triển việc kinh doanh thế nào bất chấp các sự kiện offline đã bị giảm đáng kể.

Tương lai ngành thời trang: Chiến lược marketing hàng hiệu và phục trang sang trọng hậu COVID-19- Ảnh 4.Tác phẩm "Mặt trời Châu Phi" của Noor Jouels, một chiếc nhẫn cắt bằng ngọc lục bảo màu vàng sống động lạ mắt nặng 12 carat

Tôi nghĩ chắc chắn rằng việc sử dụng kim cương nhân tạo (hay còn gọi là kim cương tổng hợp) sẽ là một xu hướng được tiếp tục duy trì và mở rộng. Nó mang đến cho người tiêu dùng một giải pháp thay thế kim cương thật với mức giá phải chăng hơn, ít tác động đến môi trường hơn mà vẫn có thể phục vụ cho các mục đích tương tự”, cô nói. Trong thời đại ngày nay, việc đưa ra một giải pháp thay thế bền vững kết hợp với một phong cách độc đáo đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả để vượt qua sự ồn ào của ngành công nghiệp thời trang.

Vào năm 2021, thời trang sẽ mang một hình ảnh tích cực hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là khách hàng sẽ có nhiều khả năng chi tiền hơn cho các thương hiệu quần áo, trang phục và phụ kiện thời trang có tuyên bố mạnh mẽ về giá trị bền vững. Một trong những công ty đã mang đến trải nghiệm mua sắm này đó là Concrete Jungle - một thương hiệu đồ trang sức của Đức. Concrete Jungle đã sản xuất đồ trang sức từ bê tông và kim loại tái chế và việc tạo ra những sản phẩm có thiết kế độc đáo đã giúp họ đạt được mức tăng trưởng doanh thu đáng kể trong báo cáo được đưa ra mới đây.

Madlen Thorwarth, CEO & Co-founder của Concrete Jungle cho biết: “Một xu hướng có thể thấy rõ ràng trong năm nay đó là việc mọi người muốn chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững được tạo ra để được sử dụng lâu dài.” Vì vậy, cách tiếp cận độc đáo của việc làm đồ trang sức từ bê tông, một chất liệu thường được coi là hoàn toàn trái ngược với thời trang, dường như cũng rất hiệu quả đối với thương hiệu này.

Kết

Tất nhiên, có nhiều cách để một thương hiệu thời trang tạo nên sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và hầu hết những cách này không liên quan trực tiếp đến COVID-19. Tuy nhiên, vào năm 2021, điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với các thương hiệu thời trang là kể một câu chuyện thu hút khách hàng mua hàng của họ. Tập trung vào tính bền vững và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một cách tốt để khiến mọi người cảm thấy họ liên quan và gần gũi với một thương hiệu (hay nói cách khác là tạo ra điểm chung, mối tương quan chung giữa hai bên), điều này sẽ khiến họ sẵn sàng mua hàng hơn từ thương hiệu này.

Ngoài ra, một ý tưởng không tồi khác để chiếm được lòng tin nơi người tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch đó là biến trải nghiệm mua sắm bán lẻ trở nên an toàn và an tâm hơn. Mặc dù trọng tâm của ngành thời trang vẫn là sự chuyển dịch sang mua sắm trực tuyến, nhưng các cửa hàng bán lẻ vẫn sẽ là một phần không thể thiếu trong ngành công nghiệp này, vì vậy hãy khiến cho khách hàng cảm thấy an tâm và thoải mái khi quay trở lại mua sắm tại các cửa hàng.

Tô Linh - MarketingAI

Theo Forbes

>> Có thể bạn quan tâm: Tại sao các thương hiệu thời trang cao cấp lại tận dụng game để tăng doanh thu và cơ hội tiếp thị?

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.