cover

Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay

16 Thg 08

Retail (bán lẻ) là mô hình bán hàng được nhiều doanh nghiệp áp dụng và đem lại những thành công nhất định về mặt doanh thu và tầm ảnh hưởng. Tuy nhiên, định nghĩa retail là bán lẻ lại chưa thực sự bao quát được hết đặc điểm của mô hình này. Ngoài bán lẻ truyền thống, retail còn có nhiều tầng nghĩa khác, tùy biến theo từng mô hình. Cụ thể, retail là gì? Có những mô hình retail nào phổ biến? Hãy để Marketing AI bật mí cho bạn trong bài viết dưới đây!

    Retail là gì?

    Retail (trong tiếng anh có nghĩa là bán lẻ) là hoạt động mua các sản phẩm/dịch vụ từ nhà cung cấp và bán lại cho khách hàng - người tiêu dùng cuối cùng để đáp ứng các mục đích sử dụng cá nhân và phi kinh doanh thông qua 1 hoặc nhiều kênh phân phối. Các hoạt động bán lẻ thường được tổ chức dưới các quy mô và hình thức khác nhau như tiệm tạp hóa, chuỗi cửa hàng, cửa hàng liên doanh, hệ thống siêu thị,....

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 1.

    Retail là mô hình bán lẻ được tổ chức dưới nhiều quy mô khác nhau

    Khái niệm retail thường bị nhầm lẫn khá nhiều lần với wholesale (bán buôn). Khác với retail, wholesale dùng để chỉ các hoạt động phân phối, được thực hiện bởi các nhà bán buôn. Họ sẽ nhập một lượng lớn sản phẩm - dịch vụ trực tiếp từ nhà phân phối và đưa vào thị trường. Sự khác biệt của hai đối tượng này nằm ở một vài yếu tố, nhưng dễ thấy nhất là nằm ở SỐ LƯỢNG SẢN PHẨM họ có trong tay.

    Thuật ngữ liên quan đến retail

    Cùng với khái niệm retail là gì, bạn cũng cần tìm hiểu thêm một số thuật ngữ khác liên quan như:

    • Retail Manager: Là người quản lý của hàng hoặc một chuỗi các cửa hàng bán lẻ, đảm bảo rằng các hoạt động mua bán diễn ra trơn tru và đạt được hiệu suất tối ưu.
    • Retail Audit: Là quá trình kiểm tra, đánh giá hiệu suất hoạt động của một cửa hàng hay chuỗi cửa hàng bán lẻ, thông thường sẽ bao gồm các hạng mục như kiểm tra hàng tồn kho, doanh số bán hàng, kỹ năng bán hàng,...
    • LS - Retail: Được biết đến như 1 phần mềm chuyên dụng, chuyên cung cấp giải pháp add-on cho doanh nghiệp. Phần mềm này giúp việc quản lý kinh doanh cho các cửa hàng trở nên dễ dàng hơn nhờ được tích hợp thêm những tính năng giúp ích cho việc quản lý. Hệ thống máy POS tại các cửa hàng mà chúng ra thường gặp cũng là giải pháp do LS retail mang lại.
    • Retail price index trong retail: Chỉ số CPI - chỉ số giá tiêu dùng, là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi giá cả của một mặt hàng do người tiêu dùng thành thị mua sắm trên thị trường. Chỉ số này có thể tính toán được sự biến động trong mức giá của sản phẩm - dịch vụ trong một nhóm hàng.
    • Distribution trong retail: Phân phối trong bán lẻ được sử dụng nhiều trong lĩnh vực kinh tế. Thuật ngữ này được dùng để chỉ sự vận chuyển của sản phẩm - dịch vụ từ nhà sản xuất tới nhóm người tiêu dùng cuối cùng thông qua các kênh bán hàng. Khi các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh không chỉ trong nước mà còn ra thị trường quốc tế, việc nâng cấp hệ thống phân phối trong bán lẻ sẽ giúp ích rất lớn cho việc gia tăng trải nghiệm khách hàng.
    • Retail banking (dịch vụ ngân hàng bán lẻ): là những dịch vụ tài chính được triển khai để phục vụ cho người tiêu dùng, bao gồm: khoản vay tín dụng vốn, mở tài khoản, dịch vụ thế chấp, khoản vay trả góp,...
    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 2.

    Các thuật ngữ liên quan đến Retail

    Vai trò của retail

    Retail đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, kết nối các doanh nghiệp với người tiêu dùng cuối cùng:

    • Sự phát triển của ngành bán lẻ tạo điều kiện để các nhà sản xuất tập trung hơn vào quá trình sản xuất hàng hóa mà không phải lo lắng về cách tiếp cận khách hàng.
    • Bán lẻ là cầu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, thu mua từ nhà sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng cuối cùng, đảm bảo hàng hóa tiếp cận người dùng một cách thuận tiện, nhanh chóng.
    • Ngành bán lẻ tạo ra lượng lớn việc làm như nhân viên bán hàng, quản lý đến các công việc chuyên môn khác.
    • Cửa hàng/chuỗi bán lẻ cung cấp một loạt các sản phẩm - dịch vụ khác nhau, đa dạng từ mẫu mã, kiểu dáng đến giá thành, nhờ đó giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm - dịch vụ mình cần dựa trên nhu cầu và sở thích cá nhân.
    • Với sự phát triển không ngừng của các mô hình bán lẻ, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận tới các sản phẩm - dịch vụ mình cần trên nhiều kênh, dạng thức khác nhau: mua trực tiếp tại cửa hàng, mưa trên sàn thương mại điện tử, mua trên mạng xã hội,...
    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 3.

    Ngành bán lẻ cũng tạo ra lượng lớn việc làm như nhân viên bán hàng hay quản lý

    Các mô hình retail phổ biến

    Với sự phát triển không ngừng của công nghệ và hệ thống logistic, mô hình retail không chỉ đơn giản được triển khai dưới các dạng thức truyền thống, thay vào đó có hàng loạt các mô hình retail mới ra đời, đáp ứng những những biến động bất ngờ từ thị trường và hành vi người tiêu dùng:

    Cửa hàng truyền thống: Cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị.

    Đây là mô hình retail phổ biến nhất hiện nay, bao gồm các cửa hàng độc lập, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, đại siêu thị. Trong đó, người kinh doanh bán lẻ qua cửa hàng cần phải có địa điểm cố định để thu hút lượng lớn người khách hàng tới tham quan, mua sắm.

    Tại các cửa hàng truyền thống, người kinh doanh thường bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau, đến từ nhiều ngành hàng. Tuy nhiên, cũng có một số cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng chuyên biệt cho các tổ chức/doanh nghiệp như cửa hàng điện thoại, cửa hàng máy tính, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng vật liệu xây dựng,...

    Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều đã và đang áp dụng mô hình retail - cửa hàng truyền thống, trong đó có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu như:

    • GO!: Chuỗi siêu thị nổi tiếng khắp Việt Nam, chuyên cung ứng các mặt hàng tiêu dùng từ nhiều ngành hàng trong nước và quốc tế.

    • Thế giới di động: Chuỗi bán lẻ trực thuộc Công ty cổ phần Thế giới di động, chuyên phân phối thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, phụ kiện điện thoại,....)

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 4.

    Cửa hàng tiện lợi và siêu thị là mô hình retail phổ biến nhất hiện nay

    Bán lẻ trực tuyến (e-commerce): Website, ứng dụng di động, sàn thương mại điện tử.

    Sự xuất hiện và lớn mạnh không ngừng nghỉ của Internet đã góp phần thay đổi diện mạo ngành bán lẻ, đồng thời cũng mở ra những cơ hội mới giúp gắn kết doanh nghiệp với người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng phi vật lý.

    Thông qua mạng Internet, doanh nghiệp và nhà phân phối có thể tiếp cận tới khách hàng thông qua nhiều kênh bán khác nhau như website, ứng dụng di động, sàn thương mại điện tử,... Đặc điểm của mô hình retail này đó là không có cửa hàng cố định. Tất cả các hoạt động mua bán, trao đổi được thực hiện hoàn toàn trên môi trường Internet, và không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

    Tương tự như, cửa hàng truyền thống, mô hình bán lẻ trực tuyến được khai thác mạnh mẽ bởi hầu hết các cá nhân, doanh nghiệp, hoạt động song song với nhiều mô hình hoạt động khác. Một số ví dụ tiêu biểu các doanh nghiệp đã và đang áp dụng mô hình này có thể kể đến như:

    • Sản thương mại điện tử Shopee: Nền tảng thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam hiện nay, cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến toàn diện. Sàn có sự tham gia của hàng triệu nhãn hàng và doanh nghiệp, bao gồm Unilever, P&G, Panasonic, LG, Comet,....

    • Website bán hàng: Gần như tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều triển khai bán hàng trên website hoặc liên kết với các phần mềm quản lý bán hàng để mở rộng kênh phân phối - bán lẻ trực tuyến của mình.

    Bán lẻ đa kênh (omni-channel): Kết hợp giữa bán lẻ trực tuyến và truyền thống

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 5.

    Hoạt động bán lẻ được triển khai trên nhiều kênh truyền thông khác nhau

    Có một thực tế rằng, chỉ bán lẻ truyền thống hay trực tuyến là chưa đủ. Với những doanh nghiệp muốn mở rộng tệp, tấn công mạnh hơn vào các thị trường địa phương, triển khai song song giữa bán lẻ trực tuyến và truyền thống là sự lựa chọn tối ưu không thể bỏ qua. Đây chính là lý do vì sao mô hình bán lẻ đa kênh (omni-channel) ra đời.

    Omni-channel là mô hình tiếp cận khách hàng thông qua nhiều kênh khác nhau cùng lúc nhưng vẫn đảm bảo được sự thống nhất và đồng bộ của toàn hệ thống bán hàng. Khi áp dụng mô hình này, doanh nghiệp phải chắc chắn rằng các trải nghiệm khách hàng ở cả cửa hàng thực tế và trên môi trường trực tuyến phải có sự liên mạch, từ đó mới có thể xây dựng lòng trung thành và thái độ gắn kết của khách hàng với doanh nghiệp.

    Gần như tất cả các doanh nghiệp hiện nay đều đã và đang áp dụng mô hình bán lẻ omni-channel, ví dụ như:

    • Thế giới di động: Triển khai song song các chuỗi bán lẻ và bán trực tuyến trên website thương mại.

    • Vinamilk: Mở các cửa hàng, các đại lý phân phối, cùng với đó vẫn đưa vào triển khai các kênh bán hàng trực tuyến: qua website, sàn thương mại điện tử,...

    Các mô hình bán lẻ mới nổi

    Ngoài các mô hình retail phổ biến kể trên, thị trường cũng chứng kiến sự phát triển và cải tiến của nhiều loại hình bán lẻ mới nổi khác như:

    Bán lẻ tự động (vending machine)

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 6.

    Máy bán lẻ tự động là mô hình bán lẻ được triển khai rộng rãi tại các quốc gia

    Bán lẻ tự động là mô hình bán lẻ phổ biến tại các quốc gia phát triển và đang dần mở rộng hơn ra phạm vi toàn cầu. Khác với nhiều mô hình bán lẻ khác, bán lẻ tự động không cần người bán, quá trình mua - bán, trao đổi được thực hiện trực tiếp giữa máy móc và người mua. Chìa khóa thành công cho mô hình bán lẻ này nằm ở việc chọn đúng thời điểm, vị trí đặt máy bán hàng và chủng loại sản phẩm.

    Ví dụ:

    • Máy bán nước tự động tại các công viên: Bày bán nhiều loại nước uống như nước ngọt, nước khoáng, thậm chí là bia của nhiều tên tuổi lớn như: C2 của Công ty TNHH URC Việt Nam, nước khoáng Lavie của Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ),....

    • Máy bán bỏng, nước tự động tại các rạp chiếu phim,...

    Bán lẻ trải nghiệm (experiential retail)

    Bán lẻ trải nghiệm (experiential retail) là một chiến lược bán hàng, tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra những trải nghiệm đáng nhớ cho khách hàng thay vì chỉ “chăm chăm” vào bán sản phẩm. Điểm đặc biệt của mô hình này chính là mô trường mua sắm được thiết lập khá độc đáo và giàu tính tương tác, khuyến khích khách hàng kết nối với thương hiệu ở mức độ sâu hơn.

    Ví dụ: Samsung hợp tác với OTTNO (một đại lý bán lẻ điện tử tiêu dùng) để mở 3 cửa hàng trải nghiệm Samsung mới tại Singapore. Tại các cửa hàng này, khách hàng sẽ trực tiếp trải nghiệm các tính năng AI có trên các sản phẩm Galaxy của hàng và tìm hiểu cách ứng dụng Galaxy AI để hỗ trợ công việc hàng ngày của mình.

    Bán lẻ cá nhân hóa (personalized retail)

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 7.

    Mô hình bán lẻ cá nhân hóa có tính đặc thù cao, được tiến hành thông qua thu thập và phân tích dữ liệu

    Bán lẻ cá nhân hóa (personalized retail) là việc khai thác các dữ liệu cá nhân để cung cấp các trải nghiệm mua sắm phù hợp cho khách hàng trong môi trường bán lẻ. Mô hình retail này có tính đặc thù cao, được thực hiện bằng cách thu thập các dữ liệu về khách hàng, sau đó tiến hành phân tích chuyên sâu và cuối cùng là đưa ra các trải nghiệm phục vụ khách hàng dựa trên những dữ liệu đã phân tích được.

    Ví dụ cho mô hình bán lẻ này được biểu hiện rất rõ trong kinh doanh hiện đại, dễ thấy nhất trong các đề xuất mua sắm, mặt hàng “có thể bạn quan tâm” hay “mặt hàng tương tự” được hiển thị trên giao diện trang mua sắm của mỗi người dùng Shopee.

    Bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C)

    Bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) là mô hình bán lẻ phổ biến hiện nay, trong đó các doanh nghiệp sản xuất và phân phối sẽ trực tiếp bán hàng cho người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng mà không phải đi qua các bên trung gian khác như nhà bán buôn, nhà phân phối hay đơn vị bán lẻ truyền thống.

    Ví dụ cho mô hình bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) có thể gặp ở nhiều đơn vị: Vietnam Airline, các đại lý du lịch Saigontourist,....

    Bán lẻ nhanh (Quick commerce)

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 8.

    Mô hình bán lẻ nhanh ra đời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh xã hội phát triển

    Bán lẻ nhanh (Quick commerce) hay còn gọi là thương mại nhanh, là xu hướng bán lẻ được phát triển nhờ sự lớn mạnh “thần tốc” của thương mại điện tử. Do việc tiếp cận sản phẩm - dịch vụ trở nên dễ dàng hơn nên khách hàng có xu hướng đòi hỏi rút ngắn thời gian giao nhận. Đó là lý do vì sao những đơn vị có chỉ số chuyển đổi cao thường chỉ giao hàng trong khoảng từ 1 - 3 ngày, thậm chí là vài giờ (đối với các khu vực nằm gần kho hàng hóa). Đặc điểm của mô hình bán lẻ này đó là cung cấp một lượng hàng hóa ngay lập tức, và vào bất cứ thời điểm nào khi khách hàng cần.

    Ví dụ dễ thấy nhất cho mô hình bán lẻ nhanh (Quick commerce) đó chính là các yêu cầu Ship hỏa tốc trên sàn thương mại điện tử Shopee, giao hàng trong vòng 2H trên sàn Tiki,....

    Bán lẻ xã hội (Social commerce)

    Retail là gì? Các mô hình retail phổ biến nhất hiện nay- Ảnh 9.

    Bán lẻ trên các trang mạng xã hội cũng được đông đảo người tiêu dùng quan tâm

    Bán lẻ xã hội (Social commerce) là việc sử dụng các trang mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Instagram, Zalo,... làm phương tiện để quảng bá và bán các sản phẩm - dịch vụ của mình. Đây là mô hình retail kết hợp giữa social media (mạng xã hội) và e-commerce (thương mại điện tử) nhưng tối ưu hơn. Toàn bộ quy trình đi từ tìm hiểu và mua hàng của khách hàng sẽ được diễn ra ngay trên nền tảng mạng xã hội (bao gồm xem sản phẩm, chat nhận tư vấn, đặt mua và thanh toán,....).

    Ví dụ: Tarte Cosmetics một trong số các doanh nghiệp tiên phong áp dụng mô hình bán lẻ xã hội. Là một thương hiệu mỹ phẩm danh tiếng thế giới, chuyên cung cấp các sản phẩm chăm sóc da và trang điểm, Tarte Cosmetics đã sử dụng hàng loạt các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram và X để triển khai mạng lưới bán lẻ của mình. Thông qua việc thường xuyên tương tác và phản hồi với các câu hỏi khách hàng đưa ra, thương hiệu đã gầy dựng được lòng tin và sự yêu mến từ khách hàng.

    >>>Bạn có thể quan tâm: 10 xu hướng bán lẻ sẽ "lên ngôi"

    Tạm kết:

    Những thông tin chia sẻ trên đây của MarketingAI đã phần nào giúp bạn thêm hiểu hơn về khái niệm retail là gì, đồng thời cung cấp đến bạn các mô hình bán lẻ tiêu biểu hiện nay. Hãy nghiên cứu và chọn ra cho doanh nghiệp của mình những mô hình bán lẻ phù hợp, khai thác và mở rộng thị trường dựa trên những thế mạnh sẵn có.

    TAGS:

    Bình luận của bạn

    Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

    Bình luận không đăng nhập

    Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
    60 giây nữa.