Dù gia nhập thị trường muộn hơn Lazada và Tiki nhưng Shopee được đánh giá là một trong những nền tảng thương mại điện tử trực tuyến có lượng đơn hàng lớn nhất tại Việt Nam. Vậy điều gì làm nên thành công của thương hiệu nổi tiếng này?
Hãy cùng theo chân MarketingAI tìm hiểu trong bài viết về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Shopee dưới đây!
Giới thiệu tổng quan về Shopee
Shopee là trang thương mại điện tử mua sắm được vận hành bởi công ty công nghệ SEA Ltd có trụ sở tại Singapore. Đây là một trong những startup kỳ lân lớn nhất Đông Nam Á. SEA đang nỗ lực từng ngày để có thể cạnh tranh được với gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc. Trước khi dấn thân vào lĩnh vực thương mại điện tử, công ty được biết đến trong vai trò là một công ty chuyên xuất bản, vận hành và phát triển các trò chơi trên nền tảng PC và di động dưới thương hiệu Garena.
Ra mắt lần đầu vào năm 2015 tại Singapore, Shopee hiện nay đã có mặt tại 8 quốc gia: Singapore, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Philippines và Brazil. Đặc biệt là tại Việt Nam, Shopee đã được phủ sóng trên khắp các tỉnh thành trên cả nước và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng hiện nay. Mô hình ban đầu của Shopee tại Việt Nam chính là C2C Marketplace - Kết nối giữa các cá nhân hay hộ kinh doanh với nhau, tuy nhiên, hiện nay, Shopee Việt Nam đã có thêm cả hình thức B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Lợi nhuận doanh thu của Shopee sẽ đến từ chi phí đăng bán sản phẩm, hoa hồng đến từ người bán.
Kể từ khi ra mắt, tính đến nay, Shopee được đánh giá là đạt sức tăng trưởng theo cấp số nhân. Nền tảng này hiện có hơn 160 triệu danh sách người dùng đang hoạt động với khoảng 6 triệu người bán, trong đó có hơn 7.000 các thương hiệu và các nhà phân phối hàng đầu tham gia vào.
Với mục tiêu “Chúng tôi thật sự tin tưởng vào sức mạnh khai triển của công nghệ và mong muốn góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn bằng việc kết nối cộng đồng người mua và người bán thông qua việc cung cấp một nền tảng thương mại điện tử” và sứ mệnh “Kết nối người mua và người bán”, Shopee được xây dựng nhằm tạo ra một sân chơi đáp ứng mọi nhu cầu cho cả người mua và người bán (quảng bá, tiếp thị và phân phối sản phẩm/dịch vụ của mình tới khách hàng). Đến với Shopee, khách hàng sẽ được trải nghiệm một hành trình mua sắm dễ dàng, tiện lợi và an toàn bởi tính năng thanh toán và vận chuyển vô cùng nhanh chóng. Còn đối với các chủ doanh nghiệp, các nhà bán hàng cá nhân, chỉ với vài thao tác đơn giản trên shopee, bạn đã có cơ hội sở hữu một gian hàng trực tuyến dành riêng cho mình.
>>> Xem thêm: Chiến lược marketing của Shopee: Thủ lĩnh ngành thương mại điện tử
Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Shopee
Phân tích đối thủ cạnh tranh của Shopee trong ngành
Các công ty bán lẻ thương mại điện tử có xu hướng tích cực khi có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa nhau. Mức độ cạnh tranh trong ngành cao vì số lượng người chơi lớn. Ngoài ra đây cũng đang là ngành có sự tăng trưởng mạnh mẽ và chi phí chuyển đổi thấp do đó, tạo rào cản thấp cho người tiêu dùng trong việc chuyển đổi giữa các nhà bán lẻ.
Tại Việt Nam, khi bắt đầu bước chân vào thị trường thương mại điện tử, Shopee đã phải đương đầu với nhiều đối thủ đáng kể có cùng thị trường mục tiêu như Tiki và Lazada. Nếu Tiki đẩy mạnh các chính sách dịch vụ giao hàng trong 2h để thu hút người bán hàng trên nền tảng của họ thì Lazada lại đề xuất giảm 50% phí hoa hồng cho mỗi đơn hàng thành công và hỗ trợ giao hàng trong 2 dịp mua sắm lớn cuối năm. Cuộc đua giữa 3 tay chơi này vẫn luôn trền đà căng thẳng, chưa phân thắng bại.
Để chiếm lại thị phần từ hai anh lớn đi trước, Shopee đã tung ra nhiều đợt sale liên tiếp và hỗ trợ 100% phí vận chuyển để thu hút người dùng tham gia nền tảng. Đồng thời, Shopee cũng đang theo đuổi chiến lược dài hạn là tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và chất lượng khác biệt hoá sản phẩm. Bởi theo những người đứng đầu ở Shopee, họ cho rằng “Đi theo con đường cạnh tranh về giá thì không thể tồn tại lâu dài được, túi tiền không đáy cuối cùng sẽ có đáy.”
Vì vậy, họ vẫn luôn không ngừng cải tiến sản phẩm/ dịch vụ của mình để lấy lòng người dùng và cạnh tranh với các đối thủ của mình.
>>> Xem thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Viettel: Người thành công luôn có lối đi riêng
Quyền thương lượng từ khách hàng
Ngành Thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ trong vài năm qua. Sự gia tăng của kinh tế thế giới và sự gia tăng của tốc độ phát triển công nghệ là những đóng góp lớn. Cả hai yếu tố này đều ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành bán lẻ thương mại điện tử. Nhiều thương hiệu lớn nhỏ tham gia vào mô hình này cũng đồng nghĩa với việc không có nhiều chi phí chuyển đổi cho khách hàng.
Hơn nữa, nhiều nhà bán lẻ truyền thống cũng đã tham gia vào thị trường thương mại điện tử. Điều này đã tạo thêm áp lực khi có thêm các thị trường bán lẻ thực tế. Do đó, khả năng thương lượng của người mua trong ngành thương mại điện tử được đánh giá là rất cao. Có những yếu tố như hình ảnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm/dịch vụ và giá cả có thể điều chỉnh khả năng thương lượng của thương hiệu.
Đặc biệt, đây cũng là thời điểm mà thương mại điện tử nói riêng và kinh doanh trực tuyến nói chung mang đến trải nghiệm tốt xấu lẫn lộn cho người tiêu dùng. Chính sách cam kết về nguồn gốc hàng hóa, chính sách hậu mãi, thanh toán đảm bảo an toàn, chăm sóc sau mua vẫn còn chưa rõ ràng. Vì vậy, niềm tin của khách hàng với xu hướng mua sắm online vẫn rất thấp.
Để giải quyết tình trạng này, để gia tăng niềm tin vào mua sắm trực tuyến, Shopee đã đưa ra những chính sách như: chính sách bảo vệ người bán & người mua lành mạnh, an toàn; mở rộng nhiều phương thức thanh toán (COD, ATM, shopeepay…); rút ngắn thời gian giao hàng để biến trải nghiệm mua sắm online của khách hàng trở nên “thực” hơn.
Quyền thương lượng từ các nhà cung cấp
Trong ngành thương mại điện tử, các thương hiệu có ưu thế trong khi khả năng thương lượng của các nhà cung cấp là vừa phải. Có một số lượng nhỏ các nhà cung cấp có thể đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử, đặc biệt là những gã khổng lồ như Amazon.
Đối với nhà cung cấp có thể đáp ứng được nhu cầu từ các sàn TMĐT, họ được trao quyền để xây dựng bản thân trở thành một lực lượng mạnh mẽ trong ngành thương mại điện tử. Ví dụ: sự thay đổi về giá thiết bị từ một số ít nhà cung cấp lớn có thể tác động trực tiếp đến chi phí hoạt động bán lẻ của công ty thương mại điện tử. Ngược lại, sự tích hợp về phía trước vừa phải và mức độ kiểm soát vừa phải mà các nhà cung cấp có trong việc bán sản phẩm của họ cho các công ty lại đưa ra những hạn chế về ảnh hưởng thực tế của các nhà cung cấp đối với các thương hiệu thương mại điện tử.
Do đó, nhiều thương hiệu thương mại điện tử luôn cẩn thận với các mối quan hệ với nhà cung cấp của họ. Các thương hiệu thường sẽ tạo ra một quy tắc ứng xử bao gồm chất lượng, lao động, tiền lương cũng như tính bền vững. Mặc dù ngày càng có nhiều người chơi trong ngành, các nhà cung cấp không có nhiều lựa chọn và do đó bị ràng buộc bởi các quy tắc mà các các sàn TMĐT đặt ra.
Để cạnh tranh với các đối thủ khác, Shopee đã đặt trải nghiệm người dùng lên trên hàng đầu, bao gồm: sự thân thiện của ứng dụng, quy trình mua bán đơn giản và quy trình thanh toán nhanh hơn.
Sau khi dần hoàn thiện tốt sản phẩm và dịch vụ của mình, bắt đầu có người dùng, có đơn hàng, xây dựng được cộng đồng và quá trình vận hành rất tốt, Shopee mới nghĩ đến chuyện đánh mạnh vào truyền thông để mở rộng. Theo đó, Shopee đã mời các nhân vật có tầm ảnh hưởng làm đại diện thương hiệu và quảng bá sản phẩm/dịch vụ cho thương hiệu mình như: Sơn Tùng MTP, Bùi Tiến Dũng, Bảo Anh…và thậm chí là còn "chơi lớn" khi mời BLACKPINK - nhóm nhạc đình đám của Hàn Quốc để quảng cáo.
Sở hữu nhiều bản nhạc hit, với phong cách tươi trẻ, cá tính và lượng fan hâm mộ cực kỳ hùng hậu Sơn Tùng và Bảo Anh đều là những cái tên “hot trend” được cộng đồng mạng nhắc tới thường xuyên sau khi làm đại diện cho Shopee.
Shopee còn “bắt trend” trong các TVC quảng cáo của mình trên nền nhạc vui nhộn cùng với những câu slogan, câu hát ngắn gọn và cực bắt tai như: Thích shopping, lướt shopee, Baby Shark của trẻ nhỏ hay bài hát nổi tiếng thế giới DuDuDu của BlackPink…
Giờ đây, nhìn thấy sắc cam là người ta nhớ ngay đến Shopee. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, màu cam thuộc gam nóng, rực rỡ, do đó sẽ dễ dàng thu hút, tạo ấn tượng mạnh với khách hàng. Có lẽ, đây cũng là lý do mà không phải ngẫu nhiên mà Shopee lại lựa chọn sắc cam làm màu sắc chủ đạo cho thương hiệu của mình.
Shopee đã tận dụng thế mạnh của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI và big data trong quá trình triển khai hoạt động mua sắm cá nhân của người dùng, như gợi ý mua sắm dựa trên những sản phẩm khách hàng mua trước đó và đã xem trước.
Thương hiệu còn gia tăng mức độ tương tác của người dùng bằng kho trò chơi giải trí khổng lồ: Trồng cây nhận xu, bắn bóng… Tận dụng công nghệ để nội địa hoá và cá nhân hoá các phiên bản mobile app và website. Mỗi campaign marketing là một giao diện mới của Shopee, một phiên bản mobile app và website được cập nhật.
Sự đe dọa đến từ các sản phẩm thay thế
Chi phí chuyển đổi thấp của người tiêu dùng là lý do tại sao họ có thể dễ dàng chuyển đổi giữa các thương hiệu. Ví dụ, người tiêu dùng có thể dễ dàng quyết định mua hàng từ các Lazada hay những cơ sở bán lẻ khác thay vì Shopee. Sự sẵn của các sản phẩm thay thế và giá thành sản phẩm thấp làm tăng ảnh hưởng của các sản phẩm thay thế đối với Shopee.
Như vậy, các thương hiệu cố gắng đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách đưa ra mức giá thấp, chất lượng sản phẩm tốt hơn hoặc thông qua trải nghiệm khách hàng tổng thể tốt hơn.
Shopee để cho người bán có quyền chủ động hoàn toàn trong việc hoàn thiện đơn hàng của mình thay vì phụ thuộc vào các kho của website. Điều này sẽ giảm một phần chi phí cho người bán. Thương hiệu cũng khuyến khích người bán hàng hay các chủ kinh doanh tham gia vào bằng cách hỗ trợ về giá ship, mã code freeship...
Mối đe dọa từ những doanh nghiệp mới tham gia
Các doanh nghiệp mới đặt ra các mối đe dọa đối với các thương hiệu Thương mại điện tử hiện tại vì nó có thể dẫn đến giảm thị phần. Sự chuyển dịch dễ dàng của người tiêu dùng sang đối thủ cạnh tranh, cho phép họ áp đặt một lực lượng mạnh mẽ chống lại các công ty. Đây là kết quả của chi phí chuyển đổi thấp hoặc tác động tiêu cực thấp của việc chuyển từ nhà cung cấp này sang nhà cung cấp khác.
Tuy nhiên, chi phí phát triển thương hiệu cao trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến làm suy yếu ảnh hưởng của những người mới tham gia đối với hoạt động của các đơn vị lớn hơn như Amazon. Sẽ mất nhiều năm và hàng tỷ đô la để tạo ra một thương hiệu mạnh như Amazon hoặc một thương hiệu có thể trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp.
Ngoài ra, các công ty thương mại điện tử được hưởng lợi từ quy mô kinh tế cao làm cho bản chất của doanh nghiệp trở nên mạnh mẽ và khả thi đối với những người mới tham gia.
Dịch vụ hoàn tất đơn hàng cũng sẽ tạo ra cản trở lớn đối với thương mại điện tử, như hiện nay, hạ tầng giao thông, logistic tại Việt Nam vẫn chưa được ổn định, nhất là tại các vùng miền núi Tây Bắc. Điều này dẫn đến chi phí vận chuyển đến những vùng núi, hay vùng nông thôn tương đối cao. Do vậy, các thương hiệu mới chỉ đang hoạt động chủ yếu ở vùng đô thị.
Kết luận
Được thừa hưởng nền tảng công nghệ tuyệt vời, số vốn khổng lồ từ công ty mẹ ở Singapore và nguồn thông tin khách hàng từ người anh em Garena, do vậy, ngay từ khi bước chân vào Việt Nam, Shopee đã nhanh chóng trở thành nhà bán lẻ trực tuyến thu hút được nhiều khách hàng nhất. Và để có được thị phần lớn như ngày hôm nay, phần lớn là nhờ vào chiến lược thông minh trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Shopee.
Thanh Thanh - MarketingAI
Tổng hợp
>>> Có thể bạn quan tâm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Honda: Thay đổi để thành công
Bình luận của bạn