Với những người hay mua sắm online, đặc biệt là những người yêu sách thì Tiki chắc hẳn là cái tên quen thuộc. Hay nếu như bạn hay theo dõi những MV ca nhạc của các ca sĩ VPop trong thời gian qua, chắc hẳn bạn đã một lần để ý đến “TIKI đi cùng sao Việt” - một chiến dịch marketing thông minh đã được thương hiệu này triển khai.
Dù là một “fan cứng” của Tiki, nhưng bạn có chắc mình đã biết rõ về nền tảng mua sắm quốc dân đang cực kỳ thành công này? Hãy cũng MarketingAI đi khám phá mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Tiki để hiểu rõ thêm nhé!
Giới thiệu tổng quan về Tiki
Tiki (viết tắt của Tiết Kiệm hoặc Tìm Kiếm) là trang thương mại điện tử lớn thứ hai Việt Nam và lớn thứ 6 tại Đông Nam Á.
Được thành lập vào tháng 3/2010 với ý tưởng ban đầu là một website bán sách tiếng Anh, hiện nay Tiki đã phát triển trở thành nền tảng thương mại điện tử đa ngành, tuy nhiên sách vẫn là ngành hàng nhận diện chính.
Có thể nói, hiện nay Tiki đã đứng ngang hàng với các ông lớn “thương mại điện tử” trong khu vực có kinh doanh tại Việt Nam như Shopee hay Lazada.
Sau vòng gọi vốn thứ 5 vào cuối năm 2021, giá trị của Tiki đã gần đạt đến trạng thái của một “startup kỳ lân” (tương đương 1 tỷ USD).
>>> Tham khảo thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh là gì? Bí quyết sống sót trên thị trường
Phân tích mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Tiki
Ở giai đoạn đầu, Tiki hoạt động theo mô hình B2C (Business to Customer). Đây là giai đoạn mà Tiki vẫn được biết đến là một nhà sách trực tuyến. Khi đó, Tiki trực tiếp phân phối các sản phẩm mà mình bán, chịu trách nhiệm từ khâu tiếp nhận đơn hàng, đóng gói và vận chuyển.
Do đó mà Tiki có thể kiểm soát chất lượng sản phẩm của mình một cách tốt nhất, tạo được uy tín mạnh mẽ với khách hàng, thu hút nhiều hơn lượt truy cập và mua sắm.
Từ những thành công trên, đến đầu năm 2017, Tiki chính thức chuyển sang mô hình Marketplace. Hiểu đơn giản thì Tiki sẽ giống như một siêu thị online. Tiki không chỉ bán các sản phẩm mà họ trực tiếp phân phối như trước (với tên gọi Tiki Trading) mà còn xuất hiện các gian hàng khác từ nhiều công ty, hộ kinh doanh.
Các đơn vị này có thể đăng bán trực tiếp và tìm kiếm khách hàng trên Tiki. Điều này khiến cho Tiki có thể đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng quy mô phát triển của mình hơn.
Phân tích đối thủ cạnh tranh của Tiki trong ngành
Trong lĩnh vực thương mại điện tử đang rất nở rộ hiện nay tại Việt Nam, Lazada và Shopee chính là hai đối thủ “đáng gờm” nhất của Tiki.
Đối với Lazada, so với các đối thủ khác bao gồm cả Tiki, họ có lợi thế khi là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình thương mại điện tử marketplace tại thị trường Việt Nam.
Họ hướng đến xây dựng một trang web thương mại B2C chuyên nghiệp, chú trọng cải thiện các dịch vụ khách hàng, với các chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo niềm tin mua sắm cho các khách hàng.
Bên cạnh đó, Lazada cũng có các hoạt động marketing năng động, được đầu tư bài bản nhờ nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ tập đoàn “mẹ” Alibaba.
Còn đối với Shopee, sàn thương mại điện tử này chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2016, khi mà cả Lazada và Tiki đều đã được các khách hàng “nhớ mặt gọi tên”. Nhưng sự “bứt phá” của Shopee là điều mà các đối thủ khác đều dè chừng, trong đó bao gồm cả Tiki.
So với Tiki nói riêng và các sàn thương mại điện tử khác nói chung, Shopee có lợi thế bởi giao diện trẻ trung, thu hút bởi đối tượng khách hàng hướng đến là những người trẻ với đa dạng nhu cầu và sở thích. Đối với người bán hàng, chính sách của Shopee cũng cho phép mở gian hàng nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện.
Đặt Tiki bên cạnh hai đối thủ trên, có thể thấy khác biệt lớn nhất của Tiki với Shopee là chính sách bán hàng rất khắt khe. Các gian hàng muốn mở bán trên đây thường phải được kiểm định kỹ lưỡng về nguồn gốc, chất lượng cũng như đảm bảo các yêu cầu về mặt pháp luật.
Điều này có thể khiến mặt hàng trên Tiki không được phong phú, đa dạng như Shopee nhưng thay vào đó lại tạo được uy tín lớn cho các khách hàng và có thể giữ chân được nhiều fan trung thành.
Ngoài ra do sử dụng đội ngũ giao hàng riêng nên với các đơn hàng tại các thành phố lớn được Tiki giao rất nhanh chóng. Dù đặt hàng tại nhiều shop khác nhau nhưng các đơn hàng vẫn có thể được đóng gói và giao chung rất tiện lợi. Ngoài ra các đơn hàng sách trên Tiki cũng thường có chiết khấu cao (từ 30-35%).
Quyền thương lượng từ khách hàng
Để giữ chân khách hàng, bên cạnh những chính sách kinh doanh hiệu quả và ổn định, các chiến lược về giá, ưu đãi, khuyến mãi và hậu mãi, Tiki vẫn tiếp tục nâng cao dịch vụ khách hàng sẽ đem lại mối quan tâm và sự ủng hộ xứng đáng từ người tiêu dùng.
Tiki tập trung đầu tư kho bãi nhằm đa dạng hàng hóa, mở rộng các mối quan hệ hợp tác với những thương hiệu uy tín trong và ngoài nước, cũng như đầu tư nguồn nhân lực mạnh mẽ cả về chất và lượng.
Theo khảo sát vào năm 2018, có 85% khách hàng hài lòng với chất lượng và dịch vụ của Tiki. Với 400.000 lượt khách mua hàng tại Tiki hàng tháng, tỷ lệ đổi trả hàng chỉ là 0,95%.
Để đạt được tỉ lệ này, Tiki đảm bảo sản phẩm được bán tại Tiki là sản phẩm mới và 100% chính hãng. Trong trường hợp hiếm hoi sản phẩm quý khách nhận được có khiếm khuyết, hư hỏng hoặc không như mô tả, Tiki cam kết bảo vệ khách hàng bằng chính sách đổi trả và bảo hành.
Điều mà nhiều người tiêu dùng tin dùng Tiki chính là chính sách tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng và cam kết bảo mật thông tin cá nhân khi mua sắm tại Tiki. Không phải chỉ có giá cạnh tranh, khách hàng của Tiki được hỗ trợ dịch vụ lắp đặt, hậu mãi, khuyến mãi.
Tiki luôn phân tích và hướng tới nhu cầu khách hàng, để liên tục thay đổi mình nhằm tương tác tốt với khách hàng. Các chiến lược khuyến mãi, truyền thông của Tiki đủ mạnh để khách hàng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm.
Đặc biệt dự án “Tiki đi cùng sao Việt” đồng hành cùng những sản phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt ở nhiều lĩnh vực, nổi bật là âm nhạc đã tạo ra hiệu quả truyền thông lớn đối với khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ.
Quyền thương lượng từ các nhà cung cấp
Mô hình kinh doanh của Tiki cho thấy có hai loại sản phẩm chính thường được bán trên sàn thương mại này:
- Các sản phẩm phân phối trực tiếp bởi Tiki: Những sản phẩm này sẽ được gắn mã Tiki Trading giúp cho người mua dễ dàng nhận diện. Đây là những sản phẩm được chính Tiki nhập vào kho, kiểm soát chất lượng và chịu trách nhiệm phân phối với các khách hàng. Đây cũng là nhóm sản phẩm mà khách hàng có thể yên tâm mua sắm bởi được sự bảo đảm từ chính Tiki.
- Các sản phẩm được bán bởi các nhà phân phối khác: Khi đó, tên của các nhà phân phối sẽ được hiển thị rõ ràng, cũng như nếu có cùng một loại sản phẩm được bán bởi nhiều nhà phân phối khác nhau thì hệ thống sẽ hiển thị so sánh giá giữa các bên để người tiêu dùng có được lựa chọn hợp lý nhất.
Ngoài các sản phẩm được chính Tiki phân phối thì để mở được gian hàng bán trên Tiki cũng phải trải qua nhiều bước đăng ký, kiểm duyệt. Đây có thể coi là sự đối lập của Tiki so với các trang thương mại điện tử khác như Shopee.
Những quy định nghiêm ngặt của Tiki có thể khiến cho nhiều người ngần ngại khi mở gian hàng tại đây, nhưng lại chính là một việc giúp người dùng Tiki cảm thấy an tâm mua sắm hơn.
Sự đe dọa đến từ các sản phẩm thay thế
Báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021 cho thấy mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch. Facebook cũng nhận định, chính Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến việc người dùng trên toàn thế giới thay đổi cách thức, địa điểm và thời gian mua sắm.
Tuy nhiên, không chỉ phải cạnh tranh với các sàn thương mại điện tử đối thủ, Tiki cũng cần chú ý đến xu hướng social commerce (thương mại xã hội/ mua sắm trực tiếp trên các mạng xã hội). Đây được dự đoán là một trong năm xu hướng phát triển của social media trong năm 2022 tới đây.
Xu hướng này thu hút người dùng bởi việc ứng dụng các công nghệ hiện đại như hình ảnh 3D, video 360 độ, trí thông minh nhân tạo AI, hay livestream… nhằm cải thiện giao diện thân thiện và cá nhân hoá, giúp người dùng có hành trình mua sắm thú vị, thoải mái hơn so với trang web “đơn thuần” chỉ là kênh phân phối online.
Do đó, đây cũng có thể coi là một điểm mà các sàn thương mại điện tử như Tiki cần chú ý để có thể cải thiện hơn các tính năng nhằm bắt kịp với nhu cầu ngày càng đa dạng của các khách hàng.
Mối đe dọa từ những doanh nghiệp mới tham gia
Hiện nay tại Việt Nam, ngoài Tiki và hai “ông lớn” khác là Shopee và Lazada, còn có rất nhiều sàn thương mại điện tử lớn, nhỏ khác nhau đang cùng hoạt động.
Đây có thể là những cái tên sẽ “bứt phá” trong tương lai và tạo được nhiều bất ngờ trong cuộc chiến thương mại điện tử.
Một vài cái tên có thể kể đến như: Chợ Tốt, Thế giới di động/ Điện máy Xanh, FPT Shop… Mỗi doanh nghiệp có những điểm mạnh riêng và những yếu tố nhất định để thu hút người dùng.
Trong một thị trường thương mại điện tử sôi động như hiện nay thì liệu Tiki sẽ làm gì để giữ vững vị trí hàng đầu
Kết luận
Đến nay, Tiki đã có hơn một thập kỷ đi cùng khách hàng, và trở thành cái tên được nhiều người tin tưởng khi mua sắm online.
Hy vọng với những phân tích vừa trên của MarketingAI, bạn đã biết thêm những thông tin hữu ích về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Tiki để hiểu được tại sao doanh nghiệp này đạt được sự thành công như hiện tại.
Bạn có là một “fan cứng” của Tiki? Hay bạn có trải nghiệm mua sắm thú vị nào tại đây, hãy cùng chia sẻ với chúng tôi nhé!
Xem thêm
Bình luận của bạn