Cùng khám phá mô hình 5 áp lực cạnh tranh của KFC để tìm hiểu về hành trình thành công của một trong những “đế chế” gà rán toàn cầu.
Giới thiệu về KFC
KFC là cụm từ viết tắt của Kentucky Fried Chicken - Gà Rán Kentucky, một chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh có trụ sở chính tại Louisville, Kentucky, thuộc Tập đoàn Yum Brands Inc (Hoa Kỳ). KFC chuyên về các sản phẩm gà rán và nướng, với các món ăn kèm theo và các loại sandwiches chế biến từ thịt gà tươi. Hiện nay, KFC đang có hơn 20.000 nhà hàng tại 123 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
KFC nổi tiếng thế giới với công thức chế biến gà rán truyền thống Original Recipe, được tạo bởi công thức pha trộn bí mật 11 loại thảo mộc và gia vị khác nhau do Đại tá Harland Sanders hoàn thiện hơn nửa thế kỷ trước.
Năm 1997, KFC khai trương nhà hàng đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay, hệ thống nhà hàng của KFC tại Việt Nam đã phát triển tới hơn 153 nhà hàng, có mặt tại hơn 36 tỉnh/thành phố lớn trên cả nước, với hơn 3.000 lao động, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm trong ngành công nghiệp bổ trợ tại Việt Nam.
>>> Tham khảo thêm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh: Bí quyết sống sót trên thị trường
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của KFC
Phân tích đối thủ cạnh tranh hiện tại của KFC
Số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành có khả năng “đe dọa” đến vị thế của KFC là không nhiều, một số đối thủ nổi bật có thể kể đến như: McDonald's, Lotteria, Burger King hay Popeyes.
Tuy nhiên, thị trường thức ăn nhanh có mức độ cạnh tranh rất cao. KFC cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong hoạt động kinh doanh của mình từ các đối thủ trong ngành, đặc biệt là McDonald’s - thương hiệu thức ăn nhanh đang vươn lên vị trí hàng đầu trên thị trường toàn cầu. Mặc dù có sự khác biệt ở một số sản phẩm nhất định, nhưng hầu hết đều khá phổ biến và quen thuộc như khoai tây chiên, gà rán, xà lách trộn, nước ngọt... Do đó, mỗi thương hiệu đều cố gắng đưa ra các kế hoạch để thu hút và giữ chân khách hàng. Một trong những phương pháp phổ biến nhất mà KFC đã thực hiện để giữ chân khách hàng là giới thiệu thẻ thành viên dành cho trẻ em. Với tấm thẻ này, những vị khách nhỏ tuổi không chỉ được giảm giá tại KFC mà còn tại một số cửa hàng khác như Sunway Lagoon, MPH Bookstore và Zoo Melaka.
Miếng bánh thị phần thức ăn nhanh hiện tại đang được “san sẻ” tương đối đồng đều cho các thương hiệu, do đó, những thương hiệu này luôn tìm cách để giành được vị trí và trở thành những người dẫn đầu thị trường.
Làm thế nào KFC có thể đối phó với sự cạnh tranh từ các đối thủ hiện tại?
Khi ngành đang phát triển, KFC có thể tập trung vào khách hàng mới hơn là giành khách từ các công ty hiện có.
KFC có thể tiến hành nghiên cứu thị trường để hiểu tình hình cung - cầu trong ngành và ngăn chặn tình trạng sản xuất dư thừa.
KFC nên tập trung vào nhu cầu và mong đợi tiềm ẩn của khách hàng để củng cố sự khác biệt hóa sản phẩm của mình.
Phân tích đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn
Các thương hiệu mới muốn gia nhập và tạo được chỗ đứng trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh đòi hỏi một mức độ đầu tư lớn về nguồn lực, marketing và sản phẩm chủ lực để tăng khả năng cạnh tranh của mình với những thương hiệu tên tuổi trong ngành. KFC và McDonald có hình ảnh thương hiệu mạnh đến mức họ đã xây dựng được một lượng khách hàng trung thành khổng lồ trên phạm vi toàn thế giới. Những khách hàng này không lựa chọn nơi nào khác ngoài những thương hiệu cụ thể này.
Các thương hiệu mới muốn giành lấy nhóm khách hàng này cần phải thực sự cung cấp một menu khác biệt, độc đáo hơn những nhà hàng hiện tại. Năm 2008, sự xuất hiện của Radix Fried Chicken tạo nên một sự “đe dọa” đáng kể đến KFC khi thương hiệu này đã thành công trong việc giành thị phần và thu hút khách hàng nhờ thực đơn mang lại sự tươi ngon. Tuy nhiên, với lợi thế là một tên tuổi nổi tiếng trong ngành, KFC nhanh chóng giành lại được sự chú ý của người tiêu dùng. Vì vậy, mối đe dọa từ những đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn đối với KFC nằm ở mức trung bình.
Áp lực cạnh tranh từ nhà cung cấp
Nguyên liệu chính của KFC bao gồm thịt gà, nước ngọt và khoai tây. Vì KFC có số đơn đặt hàng rất lớn và thường xuyên nên luôn có một lượng lớn các nhà cung cấp sẵn sàng đồng ý với các điều khoản của KFC và cung cấp cho thương hiệu này những sản phẩm thô theo yêu cầu của họ.
Do thiếu sự khác biệt về sản phẩm, quy mô đơn đặt hàng lớn và số lượng nhà cung cấp nhiều, vì vậy các nhà cung cấp không có nhiều quyền thương lượng với KFC và rất khó để tăng giá của họ. Năm 2004, KFC đã chấm dứt hợp đồng với một trong những nhà cung cấp gà của mình do hành vi giết thịt thô sơ của họ. Điều này cho thấy, các nhà cung cấp của KFC không có bất kỳ quyền thương lượng nào đối với thương hiệu.
Áp lực cạnh tranh từ khách hàng
Ngoài KFC, người tiêu dùng hiện nay có rất nhiều lựa chọn khác như McDonald, Subway, Pizza Hut... Điều này khiến KFC khó tăng giá và buộc khách hàng của họ mua sản phẩm với giá cao hơn, bởi nếu làm vậy, khách hàng sẽ chuyển sang sử dụng sản phẩm từ các đối thủ cạnh tranh khác. Do đó, quyền thương lượng của khách hàng trong mô hình 5 áp lực cạnh tranh của KFC là rất cao.
Sản phẩm thay thế
Hiện có nhiều nhà hàng thức ăn nhanh khác đang cung cấp các sản phẩm tương tự như KFC và điều này đã mang lại lợi nhuận cho chuỗi thức ăn nhanh của họ. Một trong số đó phải kể đến Popeye Louisiana Kitchen - một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thị trường của KFC. Nhà hàng thức ăn nhanh này cung cấp các món ăn kèm như nước sốt Cajun, khoai tây nghiền và cơm cho người tiêu dùng bên cạnh các lựa chọn quen thuộc như gà, khoai tây chiên. Điều này đã làm cho nhà hàng thức ăn nhanh Popeye trở nên rất phổ biến.
Tại một số quốc gia mà KFC đang hoạt động, họ cũng đang phải đối mặt với sự thay thế của các nhà hàng địa phương như Arabic Fried Chicken tại khu vực Trung Đông. Để giải quyết vấn đề này, KFC đã cung cấp dịch vụ Wifi miễn phí tại các nhà hàng của mình và giới thiệu các dịch vụ buổi sáng.
Ngoài ra, người tiêu dùng hiện nay có xu hướng sử dụng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, ít dầu mỡ, do đó những loại thức ăn nhanh như gà chiên, hamburger,... đang không đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng.
Kết
Hi vọng những thông tin về mô hình 5 áp lực cạnh tranh của KFC được trình bày trong bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lập kế hoạch cho tương lai, đặc biệt là nếu bạn đang muốn tham gia thị trường thức ăn nhanh đầy cạnh tranh này.
Lương Hạnh - MarketingAI
Tổng hợp
>> Có thể bạn quan tâm: Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Honda: Thay đổi để thành công
Bình luận của bạn