Marketing xã hội là gì? Đâu là sự khác biệt giữa hình thức marketing này và marketing thương mại? Ưu điểm của nó là gì?
Bạn đi đường và gặp vô số những biển quảng cáo lớn với nội dung như: “Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh đủ hai con” hay “Phòng chống đại dịch COVID-19 là bảo vệ chính bạn, gia đình và xã hội”. Không khó để bắt gặp các biển áp phích tuyên truyền có nội dung tương tự tại mọi tỉnh thành tại Việt Nam về đa dạng các vấn đề.
Vậy đâu là điểm chung giữa những biển quảng cáo này? Đây được coi là các ví dụ về marketing xã hội hay tiếp thị xã hội. Hãy cùng Marketing AI tìm hiểu marketing xã hội là gì và vì sao hình thức marketing này lại quan trọng đến vậy trong bài viết dưới đây.
Marketing xã hội là gì?
Thuật ngữ marketing xã hội (social marketing) xuất hiện từ năm 1971 do Philip Kotler - người được coi là “cha đẻ” của marketing hiện đại, đề cập đến và đến năm 1989, ông chính thức viết một cuốn sách về marketing xã hội có tên “Social Marketing - Strategies for Changing Public Behavior”.
Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động tiếp thị xã hội đã diễn ra trong xã hội từ trước đó. Theo đó, marketing xã hội được định nghĩa là một hình thức marketing hướng đến mục đích tạo ra các thay đổi tích cực cho xã hội, trong đó có thể bao gồm thu về lợi ích cho nhãn hàng một cách gián tiếp. Sử dụng các kỹ thuật marketing truyền thống trong hình thức marketing xã hội giúp nâng cao nhận thức về những mặt hạn chế còn tồn tại, thuyết phục mọi người thay đổi hành vi, từ đó thay đổi xã hội.
Như vậy, thay vì tập trung vào mục tiêu bán một sản phẩm, hình thức marketing này sẽ “bán” những hành vi tích cực, một lối sống vì cộng đồng và nhắm đến sự phát triển chung của toàn xã hội. Khi đó, “đối thủ” trong tiếp thị xã hội không phải những sản phẩm mà là những suy nghĩ, hành vi có thể gây tổn hại đến xã hội.
Marketing thương mại là gì? Sự khác biệt giữa Marketing xã hội & Marketing thương mại
Marketing thương mại là gì?
Song hành cùng định nghĩa marketing xã hội là marketing thương mại. Vậy marketing thương mại là gì? Với các marketer thì hẳn không ai còn xa lạ với marketing thương mại.
Đối lập với marketing xã hội, marketing thương mại (commercial marketing) là quá trình tác động đến lựa chọn của người mua để họ họ sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó thông qua phương thức truyền đạt về giá trị của mặt hàng, từ đó gia tăng lợi ích tài chính cho công ty, doanh nghiệp.
Marketing thương mại được coi là hình thức marketing thông dụng nhất trong các chiến lược marketing. Thông thường, để marketing thương mại được hiệu quả, các nhãn hàng sẽ tập trung và việc phát triển sản phẩm sao cho đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu và đảm bảo rằng có những chiến lực về giá hợp lý cho nhóm khách hàng đó.
Sự khác biệt giữa marketing xã hội và marketing thương mại
Vậy những điểm khác biệt có thể kể đến giữa marketing xã hội và marketing thương mại là gì?
Marketing xã hội | Marketing thương mại | |
Định nghĩa | Hướng đến tác động và duy trì hành vi của mọi người nhằm thay đổi xã hội | Hướng đến tác động quyết định mua hàng của mọi người, nhằm tăng lợi ích tài ích |
Sản phẩm | Hành vi tác động tích cực đến xã hội | Sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể |
Mục tiêu | Xã hội, khuyến khích cộng đồng hành động để thay đổi xã hội | Khách hàng có khả năng mua sản phẩm/dịch vụ |
Mục đích | Ưu tiên tạo thay đổi tích cực đến xã hội bằng cách tác động đến thay đổi trong hành vi | Ưu tiên tạo ra lợi ích tài chính qua việc bán sản phẩm hoặc dịch vụ |
Tiếp thị theo phương thức nhắm đến lợi ích thương mại và đến lợi ích xã hội khác nhau lớn nhất về mục đích. Trong khi marketing thương mại tác động lên quyết định mua hàng, nhằm tăng lợi ích tài chính thì tiếp thị xã hội sẽ tác động đến hành vi tạo ra tác động tích cực đến xã hội.
Lợi ích của quan điểm marketing xã hội
Marketing xã hội tuy thường được xem hình thức marketing ít khi được các doanh nghiệp và nhãn hiệu hướng đến bởi phần lớn họ vẫn gắn mình nhiều với marketing thương mại.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng tiếp thị xã hội có những ưu điểm không chỉ hướng đến xã hội mà cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đối với doanh nghiệp
Nếu doanh nghiệp lựa chọn hình thức marketing này, lợi ích to lớn nhất là sẽ tạo ra hình ảnh đẹp cho nhãn hiệu của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đó. Các chiến dịch truyền thông - marketing theo hình thức tiếp thị xã hội sẽ giúp nâng cao hình ảnh của thương hiệu một cách tích cực.
Thay vì hướng đến mục đích chỉ nhắm đến doanh thu, người tiêu dùng sẽ định vị nhãn hàng với hình ảnh tốt, biết đầu tư vào để chung tay vì các vấn đề còn tồn tại trong xã hội bằng sức mạnh của cộng đồng.
Bên cạnh đó, hình thức marketing này cũng là một cách để các doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, các tập đoàn đa quốc gia có thể dễ dàng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, từ đó xây dựng chuỗi giá trị không chỉ cho xã hội mà cho chính bản thân doanh nghiệp đó.
Đối với người tiêu dùng
Tiếp thị xã hội tạo ra nhiều ưu điểm không kém đối với người tiêu dùng. Bản thân hình thức marketing này hướng đến các vấn đề chung nên người tiêu dùng có thể dễ tiếp cận hơn, dễ thấu hiểu và hưởng ứng theo hơn là hình thức marketing mà họ biết rõ chỉ có mục đích đánh bóng tên tuổi cho một sản phẩm nào đó.
Bên cạnh đó, với các chiến dịch marketing xã hội thành công thì người được hưởng lợi trực tiếp chính là cộng đồng và người tiêu dùng. Do đó, không khó để kêu gọi mọi người cùng tham gia.
Đối với xã hội
Mục tiêu của tiếp thị xã hội là hướng đến cải thiện và thay đổi cộng đồng theo hướng tích cực hơn. Do đó, đối với xã hội, các vấn đề nhức nhối thường xuyên diễn ra ở diện rộng sẽ có thêm giải pháp xử lý. Xã hội sẽ từ đó có nhiều cách thức để phát triển theo hướng văn minh và tốt đẹp hơn.
Ví dụ về marketing xã hội ở Việt Nam
Với những thông tin nêu trên, không khó để kể tên những ví dụ về marketing xã hội ở Việt Nam.
Các tập đoàn lớn như Unilever thường áp dụng hình thức marketing này trong các sản phẩm như Lifebuoy, Omo, P/S,... Tuy có tính lan tỏa mạnh và hiệu quả cao nhưng không phải nhãn hiệu nào cũng có thể theo đuổi phương thức marketing này. Vì thế, dễ thấy hình thức marketing này được nhà nước hoặc các tổ chức phi lợi nhuận sử dụng để kêu gọi cộng đồng.
Trên đây, Marketing AI đã cùng bạn đọc tìm hiểu khái niệm Marketing xã hội là gì và những thông tin xung quanh hình thức marketing này. Hy vọng rằng với những thông tin chia sẻ trong bài viết các kiến thức hữu ích cho bản thân. Nếu thấy hay hãy chia sẻ bài viết cho bạn bè người thân nhé!
Tú Cẩm - Marketing AI
Bình luận của bạn