- 1. Chất liệu văn hóa truyền thống đưa ngành F&B đến gần hơn với người tiêu dùng
- 2. Từ sản phẩm tới marketing: Các thương hiệu F&B thành công khai thác yếu tố văn hóa truyền thống như thế nào?
- Phê La - Trân châu trầu không
- Kem Tràng Tiền - Di sản trong lòng di sản
- Nhẹ Cafe - Trân châu phu thê
- Ngoặm - Series menu Làng Thơ
- 3. Hiệu quả của việc ứng dụng văn hóa truyền thống vào ngành F&B
- Tăng brand love
- Thu hút khách quốc tế
- Tạo hiệu ứng truyền thông tích cực
- 4. Cách thức khai thác chất liệu văn hóa và những lưu ý cho thương hiệu F&B
- Thiết kế không gian, bao bì & các ấn phẩm Marketing
- Tái hiện hương vị truyền thống
- Xây dựng câu chuyện thương hiệu
- 5. Những lưu ý cho thương hiệu F&B khi áp dụng văn hóa truyền thống trong Marketing
1. Chất liệu văn hóa truyền thống đưa ngành F&B đến gần hơn với người tiêu dùng
Khi vòng quay cuộc sống ngày càng vội vã, hiện đại hơn, con người lại có xu hướng tìm về những yếu tố văn hóa truyền thống xưa. Vì vậy trong khoảng 2 năm trở lại đây sức ảnh hưởng của các chất liệu văn hóa truyền thống trong đời sống người tiêu dùng Việt Nam ngày càng trở nên sâu sắc, đặc biệt là đối với thế hệ người tiêu dùng 8X, 9X. Ngày càng có nhiều người trẻ thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự ủng hộ dành cho các nét đẹp văn hóa truyền thống.
Trong năm 2024 vừa qua người tiêu dùng Việt tiếp tục nói nhiều hơn nữa về văn hóa truyền thống và lòng yêu nước. Các hot trend biến hình tự hào dân tộc trong trang phục cổ truyền bùng nổ trên mạng xã hội với các video lên tới hàng chục triệu lượt xem và nhận được hàng loạt bình luận tích cực của giới trẻ. Hay xu hướng mặc áo dài cổ truyền trong ngày Tết đang ngày càng trở nên phổ biến trong những mùa Tết qua. Những xu hướng đó đã một lần nữa chứng minh rằng giới trẻ Việt Nam mặc dù đang ngày càng phát triển theo những làn sóng công nghệ hiện đại, nhưng cũng không ngừng trân trọng biết ơn lịch sử văn hóa truyền thống của dân tộc.
Sự yêu thích của người tiêu dùng trẻ dành cho văn hóa truyền thống ngày càng được thể hiện rõ ràng và sâu sắc hơn trên rất nhiều khía cạnh lĩnh vực. Không chỉ là các hot trend hay xu hướng nhất thời trên mạng xã hội, tình yêu dành cho văn hóa truyền thống của người trẻ còn được thể hiện qua sự ủng hộ của họ đối với các thương hiệu. Những chiến lược marketing được kết hợp các chất liệu văn hóa truyền thống nhận được sự thu hút rất lớn đối với người tiêu dùng trẻ và nhận được họ ưu ái đáng kể. Vì vậy, trong những năm vừa qua chất liệu văn hóa truyền thống đã trở thành một nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều chiến dịch marketing và đang ngày càng len lỏi sâu sắc hơn vào ngành F&B.
Đối với ngành F&B chất liệu văn hóa truyền thống không chỉ được khai thác trong các khía cạnh về marketing mà hơn thế nữa các thương hiệu đang dần đưa văn hóa truyền thống vào sâu hơn trong hoạt động phát triển của mình. Từ những chiếc bao bì mang đậm dấu ấn cổ truyền cho đến những món ăn thức uống mang đậm hương vị hoài niệm đưa thực khách về với ký ức xưa đang dần giúp cho các thương hiệu F&B tại Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng.
2. Từ sản phẩm tới marketing: Các thương hiệu F&B thành công khai thác yếu tố văn hóa truyền thống như thế nào?
Phê La - Trân châu trầu không
Nói tới văn hóa truyền thống trong mảng đồ uống, chắc chắn không thể bỏ qua cái tên Phê La - Thương hiệu đã khéo léo khai thác câu chuyện truyền thống trong từng sản phẩm tới các chiến lược Marketing. Trong năm 2024, chất liệu quen thuộc này tiếp tục được Phê La khai thác trong một chiến dịch đặt biệt mang tên “Mời Chill Xơi Nước” lấy cảm hứng từ văn hóa “Mời trầu” của người dân Việt Nam ta.
Trầu cau là một trong những nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của thế hệ cha ông và cho tới nay vẫn luôn được xuất hiện trong các dịp Lễ lớn của người Việt, đặc biệt là cưới hỏi. Hiện nay, mặc dù không còn nhiều bạn trẻ giữ thói quen ăn trầu, nhưng đối với thế hệ 8X, 9X hình ảnh những miếng trầu không vẫn rất đặc biệt, gắn liền với những kỷ niệm tuổi thơ khó quên bên thế hệ ông bà.
Trong chiến dịch “Mời Chill Xơi Nước”, Phê La đã mang hình ảnh của trầu không quay trở lại bằng những hoạt động rất đặc biệt, từ các ấn phẩm truyền thông cho đến những món đồ uống. Trong đó đặc biệt nhất là phải kể đến sản phẩm trân châu trầu không một loại “topping” được sử dụng trong nhiều loại đồ uống của Phê La.
Kết hợp với trân châu trầu không, Phê La cũng mang hình ảnh quen thuộc của lá trầu quả cau cùng những chiếc Cơi Trầu, Tem dán Trầu Không hay Nồi xông lá trầu,... quay trở lại tại các cửa hàng, giúp cho khách hàng có được trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Mặc dù không có quá nhiều đánh giá cao về hương vị của trân châu trầu không, tuy nhiên nét đặc trưng về văn hóa truyền thống của sản phẩm này đã giúp cho Phê La và chiến dịch nhanh chóng thu hút sự chú ý của đông đảo tiêu dùng. Đông đảo người dùng đã chia sẻ về món ăn thú vị của thương hiệu lên mạng xã hội, giúp Phê La nhận được lượng UGC đáng kể trong chiến dịch này. Thương hiệu cũng ghi điểm bởi cách thực hiện độc đáo, lồng ghép yếu tố văn hóa tinh tế, khác biệt trong chiến dịch lần này.
>>> Đọc thêm: Phê La "chiều khách" với chiến lược độc đáo
Kem Tràng Tiền - Di sản trong lòng di sản
Với tuổi đời lên tới gần 70 năm, thương hiệu Kem Tràng Tiền vốn đã gắn liền với rất nhiều câu chuyện văn hóa truyền thống của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người dân Thủ Đô Hà Nội. Tận dụng lợi thế đó, tháng 10 vừa qua Kem Tràng Tiền đã trở lại với một chiến dịch mới mang tên “Di sản trong lòng Di sản”. Thương hiệu đã thực hiện một bộ ảnh rất sáng tạo, lồng ghép những hình ảnh đậm chất xưa của người dân thủ đô như hình ảnh của nhà thờ lớn cổ kính, phố Đinh Liệt sầm uất, phố đường tàu sôi động,... với những hương vị kem đặc trưng của thương hiệu. Từ đó khẳng định vị thế nhân chứng thời gian đặc biệt của thương hiệu này: “Vượt qua bao thăng trầm lịch sử, Kem Tràng Tiền chính là một chứng nhân cho những giá trị truyền thống bền vững, một biểu tượng văn hóa của Hà Nội, tự hào trở thành “di sản” giữa lòng Thủ đô."
Mặc dù không có quá nhiều hoạt động, nhưng chiến dịch nhỏ của Kem Tràng Tiền vẫn đạt được hiệu ứng truyền thông tương đối tích cực. Và hơn hết là củng cố vị thế của thương hiệu đối với văn hóa truyền thống, gắn liền với những kỷ niệm xưa của người dân thủ đô.
Bên cạnh các thương hiệu lớn, chất liệu văn hóa truyền thống cũng là một chủ đề rất hấp dẫn mà các thương hiệu nhỏ trong ngành F&B có thể khai thác. Đối với nhóm thương hiệu nhỏ có hai chiến dịch khá ấn tượng đối với Marketing AI, đến từ thương hiệu Nhẹ Cafe và Ngoặm.
Nhẹ Cafe - Trân châu phu thê
Nhẹ cà phê là một thương hiệu chuỗi cà phê khá nổi tiếng tại thành phố Bắc Ninh. Tháng 5 vừa qua thương hiệu này đã có một chiến dịch marketing khá ấn tượng với một sản phẩm mang tên Trân Châu Phu Thê. Trong đó bánh Phu Thê được biết đến là một trong những loại bánh cổ truyền sách nổi tiếng tại thành phố Bắc Ninh, là một thức quà quen thuộc đối với tuổi thơ của rất nhiều người dân tại nơi đây. Với lịch sử từ triều đại nhà Lý, những chiếc bánh Phu Thê không chỉ thơm ngon mà còn mang theo những nét văn hóa truyền thống của người Việt xưa. Vì vậy nhẹ cà phê đã lấy cảm hứng từ loại bánh này để sản xuất các sản phẩm đặc biệt như: Trân châu phu thê, Dừa xiêm Phu Thê, với hương vị mang đậm nét truyền thống.
Chiến dịch thú vị này cũng được kết hợp với những nhiều hoạt động đa dạng khác tiêu biểu như “Giao duyên: Tìm thẻ phu thê - Ghép cặp cặp chân ái” lấy cảm hứng từ chủ đề Phu Thê và câu chuyện giao duyên. Hoạt động này cho phép người tham gia ghép cặp ngẫu nhiên, giúp gắn kết khách hàng và mang lại một trải nghiệm thú vị cho người tham dự.
Ngoặm - Series menu Làng Thơ
Là một thương hiệu nhà hàng với các món ăn của phương tây nhưng Ngoặm lại có chiến lược khai thác văn hóa cổ truyền Việt Nam rất ấn tượng. Ngay từ bộ nhận diện thương hiệu của nhãn hàng này đã mang nét cổ truyền với những màu sắc rực rỡ được lấy cảm hứng từ lá cờ hội (Cờ Ngũ sắc) đặc trưng trong văn hóa lễ hội xưa nay tại Việt Nam. Cùng rất nhiều ấn phẩm truyền thông thú vị, kết hợp giữa nét truyền thống với góc nhìn độc đáo, mới lạ của người trẻ.
Mới đây, Ngoặm lại tiếp tục trở lại với một hoạt động khai thác văn hóa mới: Menu Làng Thơ. Vẫn là những món ăn quen thuộc, nhưng đội ngũ marketing của thương hiệu đã khéo léo biến tấu với các yếu tố văn hóa, mang lại những tên gọi vừa mới mẻ, vừa thân quen cho các món ăn: Chuồn chuồn ớt, Khoai ta chiên, Cái Tép đi đưa bà, Múa “dồi” qua mắt thợ,.... Các món ăn với tên gọi độc lạ, được lấy cảm hứng từ văn hóa nói quen thuộc của người dân Hà Nội đã tạo nên một menu khá thú vị cho Ngoặm.
Mặc dù không rầm rộ như các thương hiệu lớn, nhưng cách thức khai thác chất liệu văn hóa trong câu chuyện thương hiệu và các chiến lược truyền thông của hai thương hiệu Nhẹ Cafe và Ngoặm cũng mang lại rất nhiều bài học thú vị. Và còn có rất nhiều nhãn hàng lớn nhỏ khác trong ngành F&B đã thành công khai thác yếu tố này, nhận về những kết quả ấn tượng.
3. Hiệu quả của việc ứng dụng văn hóa truyền thống vào ngành F&B
Không chỉ về hiệu ứng truyền thông, doanh số, chất liệu văn hóa còn giúp thương hiệu tăng trưởng ấn tượng về Brand Love, kết nối sâu sắc hơn với người tiêu dùng Việt nói chung và người dân bản địa từng vùng miền nói riêng.
Tăng brand love
Một trong những cách thức hiệu quả nhất để thương hiệu có thể tạo liên kết nối sâu sắc với người tiêu dùng đó là đi vào những đặc trưng văn hóa truyền thống xưa của người tiêu dùng. Đối với người tiêu dùng Việt Nam văn hóa truyền thống không chỉ là niềm tự hào dân tộc to lớn mà còn chứa đựng những kỉ niệm xưa đã gắn liền với nhiều thế hệ. Vì vậy các thương hiệu khai thác khéo léo chất liệu yếu tố văn hóa truyền thống luôn nhận được sự ưu ái rất lớn của người tiêu dùng Việt Nam, kết hợp với tính chất hoài niệm giúp cho thương hiệu làm thân dễ dàng hơn với khách hàng, từ đó gia tăng Brand Love và lượng khách hàng trung thành.
Thu hút khách quốc tế
Đối với du khách quốc tế, Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lịch sử rất đặc sắc. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng mà các khách du lịch quốc tế mong muốn tìm hiểu khi đến với Việt Nam. Hơn hết, khách quốc tế lại là một tệp khách rất quan trọng đối với các thương hiệu trong ngành F&B, đặc biệt là các thương hiệu tại những địa điểm du lịch lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,... Do đó việc ứng dụng văn hóa truyền thống ở trong chiến lược marketing cũng là một hướng đi rất hiệu quả để thương hiệu có thể tạo ấn tượng đối với nhóm khách hàng quốc tế và giúp khai thác thêm doanh thu từ nhóm khách hàng rất tiềm năng này.
Tạo hiệu ứng truyền thông tích cực
Hơn hết, văn hóa truyền thống luôn là câu chuyện truyền thông được đông đảo người tiêu dùng trẻ yêu thích. Càng sống hiện đại hơn, người trẻ lại càng có xu hướng hoài niệm về các yếu tố truyền thống văn hóa xưa. Vì vậy, các chiến dịch ứng dụng văn hóa truyền thống luôn nhận được sự ủng hộ tích cực trên khía cạnh truyền thông. Nếu chiến dịch khai thác những ý tưởng độc đáo, mới lạ như của Phê La, thương hiệu còn có thể nhận được lượng chia sẻ tự nhiên rất lớn trên các nền tảng mạng xã hội.
4. Cách thức khai thác chất liệu văn hóa và những lưu ý cho thương hiệu F&B
Chất liệu văn hóa là một nguồn cảm hứng bất tận cho ngành F&B với vô số ý tưởng đang chờ thương hiệu khám phá. Chúng ta có được rất nhiều lợi thế từ một nền văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc, đa dạng, mở ra rất nhiều điểm chạm văn hóa mà các thương hiệu có thể khai thác. Ngoài ra, thương hiệu F&B có thể khai thác yếu tố này không chỉ trong marketing mà còn trong việc phát triển sản phẩm.
Từ bài học của các thương hiệu trên, có thể đúc rút ra một số cách ứng dụng văn hóa trong ngành như:
Thiết kế không gian, bao bì & các ấn phẩm Marketing
Đây là một trong những cách thức đơn giản nhất để đưa văn hóa truyền thống vào trong hoạt động của thương hiệu. Các yếu tố như: Cờ ngũ sắc, tranh đông hồ, văn hóa ngày Tết... đã được khá nhiều thương hiệu sử dụng trong việc thiết kế không gian, bao bì, ấn phẩm truyền thông,...
>>> Bạn có thể quan tâm: Chiêu thức marketing bằng Cốc giấy: Kênh branding di động
Tái hiện hương vị truyền thống
Một lợi thế đặc trưng của ngành F&B trong câu chuyện văn hóa đó chính là - Hương vị truyền thống. Không chỉ tác động ở mặt thị giác, thương hiệu còn có thể mang yếu tố văn hóa lồng ghép vào trong trải nghiệm vị giác của người tiêu dùng. Từ đó, thu hút họ bởi những hương vị quen thuộc xưa.
Xây dựng câu chuyện thương hiệu
Yếu tố văn hóa cũng có thể trở thành câu chuyện cho thương hiệu dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Đặc biệt đối với các thương hiệu mới, văn hóa truyền thống là một điểm chạm giúp thương hiệu dễ dàng làm quen hơn với người tiêu dùng. Các yếu tố này cũng góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu, bởi văn hóa truyền thống luôn có một vị trí rất đặc biệt, đầy tự hào và hãnh diện trong lòng người tiêu dùng Việt Nam.
5. Những lưu ý cho thương hiệu F&B khi áp dụng văn hóa truyền thống trong Marketing
Để khai thác tốt chất liệu về văn hóa truyền thống trong ngành F&B cũng đòi hỏi các thương hiệu cần nắm rõ và có sự am hiểu sâu sắc chính xác về các yếu tố văn hóa. Một khi khai thác sai câu chuyện văn hóa lịch sử có thể khiến cho thương hiệu nhận được làn sóng phẫn nộ và tẩy chay rất đáng gờm đến từ người tiêu dùng. Bởi như đã phân tích văn hóa truyền thống là một điều rất đặc biệt thiêng liêng đối với người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài ra thương hiệu cũng nên có sự cân bằng giữa yếu tố truyền thống và hiện đại để tạo nên trải nghiệm tốt nhất cho người tiêu dùng. Đồng thời, thương hiệu cần lựa chọn một câu chuyện văn hóa phù hợp với giá trị thương hiệu và thị trường mục tiêu. Đối với các thương hiệu nhỏ, có thể sử dụng văn hóa bản địa, truyền thống tại từng địa phương để tiếp cận như trường hợp của Nhẹ Cafe. Các thương hiệu lớn có thể khai thác những yếu tố truyền thống tầm cỡ hơn, giúp tiếp cận đông đảo người tiêu dùng hơn.
>>> Xem thêm: Khát vọng làm mới truyện cổ tích: Phim điện ảnh Cám đã kéo người xem đến rạp bằng cách nào?
Kết luận:
Nhìn chung, trong thời gian tới, khi đời sống ngày càng hiện đại hóa, câu chuyện văn hóa càng trở nên ý nghĩa hơn đối với người tiêu dùng. Từ đó mở ra rất nhiều cơ hội tiếp cận đa dạng cho ngành F&B. Không chỉ trong marketing, chất liệu văn hóa trong marketing ngành F&B còn có thể được khai thác trong việc phát triển sản phẩm, tối ưu trải nghiệm khách hàng.
Bình luận của bạn