cover

Chiêu thức marketing bằng Cốc giấy: Kênh branding di động theo chân khách hàng tới nhiều nơi

23 Thg 07

Bạn đã từng vì những chiếc ly cầu vồng của thương hiệu trà sữa Katinat mà sẵn sàng đứng hàng giờ để chờ đợi tại cửa hàng này? Hay thích thú khi checkin với chiếc cốc giấy độc đáo được thiết kế như một bức tranh của Phê La?... Những chiếc cốc Take away (hay tạm gọi là cốc giấy) không chỉ là một dụng cụ đựng đồ uống, mà còn là một trong những kênh truyền thông rất hữu ích trong cho các thương hiệu trong ngành F&B hiện nay.

Những chiếc cốc giấy ma thuật từ Katinat & Starbucks

Nói tới những chiếc cốc Take away tại Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua bậc thầy Katinat - Một thương hiệu trà sữa nội địa Việt Nam nổi tiếng với những chiếc cốc rất độc đáo. Vừa qua, Katinat tiếp tục gây sốt khi ra mắt “Ly đổi màu Nắng Hạ” được thiết kế với hình ảnh của những bông hoa có khả năng thay đổi màu sắc khi ở được đặt dưới ánh nắng. Không ngoài dự đoán, Ly Nắng Hạ nhanh chóng nhận được sự chú ý của đông đảo giới trẻ và tạo nên một làn sóng viral mới cho Katinat.

Mặc dù là nhãn hàng trà sữa, nhưng những chiếc cốc này lại trở thành một trong những đặc trưng riêng biệt nhất của Katinat, góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách hàng, tạo lợi thế cạnh tranh độc đáo cho thương hiệu. Đồng thời, chúng cũng kích thích người dùng checkin, chia sẻ lên các trang mạng xã hội, tạo ra hàng nghìn lượt quảng cáo miễn phí cho thương hiệu.

Thiết kế cốc giấy mới của Katinat tiếp tục viral

Thiết kế cốc giấy mới của Katinat tiếp tục viral

Hay Starbucks cũng là một trong những thương hiệu F&B khai thác cốc giấy rất hiệu quả. Trước đây, phần lớn người dùng lần đầu tiên đến với Starbucks đều bị thu hút bởi những chiếc cốc giấy có tên mình được các nhân viên viết bằng tay với nét chữ nguệch ngoạc. Thực tế, đây không chỉ là một cách thức để nhân viên có thể gọi tên khách hàng, mà còn là một chiến lược tiếp thị cá nhân hóa âm thầm của Starbucks. Khi cầm trên tay những chiếc cốc giấy có tên mình, khách hàng sẽ cảm nhận được tính độc quyền tính sở hữu và cá nhân hóa một cách mạnh mẽ hơn, họ sẽ cảm thấy tự tin vui vẻ hơn khi cầm những sản phẩm này trên tay, từ đó tạo nên một ấn tượng tích cực hơn đối với thương hiệu.

Cũng như Katinat, khách hàng của Starbucks rất yêu thích việc chụp hình những chiếc cốc có in tên mình và chia sẻ lên các trang mạng xã hội hoặc cầm đi dạo phố, lên văn phòng. Từ đây Starbucks có được mạng lưới quảng cáo truyền miệng miễn phí phủ sóng khắp từ Online đến offline chỉ nhờ vào những chiếc cốc giấy.

Cốc giấy với chữ viết tay tại Starbucks

Cốc giấy với chữ viết tay tại Starbucks

Từ câu chuyện của Starbucks và Katinat có thể thấy, họ không chỉ sử dụng cốc như một dụng cụ ăn uống. Mà thay vào đó phía sau những chiếc cốc giấy được thiết kế tỉ mỉ đó đều là những chiến lược truyền thông ngầm, âm thầm lôi cuốn khách hàng đến với thương hiệu.

Cốc giấy - Kênh branding “di động” theo chân khách hàng tới khắp mọi nơi

Một chiếc cốc giấy không chỉ là nơi để in logo hay tên thương hiệu mà nó còn có những khả năng mạnh mẽ hơn như thu hút khách hàng, tăng trưởng doanh số, tạo nên sự gắn kết lâu dài của khách hàng với thương hiệu hay thậm chí trở thành một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong doanh nghiệp,... Giống như cách mà các thương hiệu như Katinat, Starbucks, Phê La đã thành công thông qua những chiếc cốc giấy của mình.

1. Công cụ Street Marketing di động

Cốc giấy thường được sử dụng cho mục đích Take away - Mua hàng mang đi. Khi khách hàng bước ra khỏi quán với một chiếc cốc giấy in tên thương hiệu trên tay, cũng là lúc hình ảnh thương hiệu của bạn được theo chân họ đi khắp mọi nơi. Thiết kế cốc càng bắt mắt, càng độc đáo sẽ càng dễ dàng thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh hơn và dần dần khiến họ phải chú ý tới thương hiệu của bạn.

Từ đó, mỗi chiếc cốc vô tình trở thành một chiếc OOH đường phố giúp thương hiệu tiếp cận tới đông đảo người qua đường. Nó giống như kênh tiếp thị riêng của doanh nghiệp, mà không cần phụ thuộc hay chi trả thêm cho bất cứ nhà quảng cáo nào.

2. Thúc đẩy UGC ấn tượng

Một chiếc cốc giấy độc đáo sẽ là động lực để khách hàng check-in và chia sẻ những hình ảnh về đồ uống của thương hiệu trên mạng xã hội. Từ đó, thương hiệu có được một lượng UGC quảng cáo miễn phí từ phía khách hàng mà không mất thêm bất cứ chi phí quảng cáo nào. Bởi vậy, những chiếc cốc giấy không chỉ là công cụ thu hút khách hàng offline mà còn có sức ảnh hưởng đáng kể tới các kênh online của thương hiệu.

3. Mang thông điệp, câu chuyện của thương hiệu đến với khách hàng

Một trong những lý do khiến dân văn phòng và các bạn trẻ rất thích check-in với những chiếc cốc giấy của Phê La là bởi nó được thiết kế rất bắt mắt, nghệ thuật và phù hợp với từng sản phẩm. Họa tiết trên mỗi chiếc cốc của Phê La được thiết kế như một bức tranh phong cảnh với những kết hợp của cây cỏ, đồi núi tương ứng với những nguyên liệu bên trong từng loại đồ uống, nhấn mạnh vào đặc điểm về nguồn nguyên liệu tự nhiên của thương hiệu này.

Bởi vậy, cốc giấy cũng là một kênh để thương hiệu có thể truyền tải câu chuyện, thông điệp của mình rất hiệu quả. Thậm chí so với những nội dung quảng cáo trên digital, những chiếc cốc giấy có thể cầm nắm thực tế còn mang lại sức thuyết phục ấn tượng hơn với người tiêu dùng.

Thiết kế cốc giấy của Phê La

Thiết kế cốc giấy của Phê La như một bức tranh phong cảnh thiên nhiên

4. Kéo dài thời gian và khoảng cách của khách hàng với thương hiệu

Mỗi chiếc cốc giấy mang theo thương hiệu của bạn sẽ là công cụ duy nhất có thể đồng hành cùng khách hàng trong suốt thời gian trải nghiệm sản phẩm và thậm chí trở thành những vật sưu tầm khi được thiết kế đẹp mắt. Vì vậy, nó cũng mở ra một cơ hội để các thương hiệu có thể tiếp xúc với khách hàng lâu dài hơn, mật thiết hơn.

5. Nâng tầm giá trị cho sản phẩm và tối ưu trải nghiệm khách hàng

Cùng một hương vị trà sữa, nhưng nếu được đặt trong cốc nhựa chắc hẳn phần lớn chúng ta sẽ nghĩ nó được mua ở vỉa hè. Nhưng vẫn là hương vị đó, được đựng trong một chiếc cốc giấy với thiết kế bắt mắt, mang màu sắc sang trọng tươi mát, chúng ta lại liên tưởng ngay tới một thương hiệu trà sữa cao cấp. Cùng với đó góc nhìn và cảm nhận của chúng ta về hương vị sản phẩm cũng sẽ có sự biến đổi, cảm thấy ngon hơn, sạch sẽ hơn trong những chiếc cốc đẹp.

Hay khi nhận một ly cà phê sáng với dòng chữ “XX bên cạnh bạn cho ngày mới đầy năng lượng”, chắc chắn tâm trạng của khách hàng phần nào trở nên tích cực hơn. Và sự tích cực đó cũng khiến cho ấn tượng của họ về thương hiệu tốt đẹp.

Bởi vậy, những chiếc cốc giấy cũng như bao bì của một sản phẩm. Nó có tác động trực tiếp tới hành trình trải nghiệm của khách hàng và cảm nhận của họ về chất lượng, giá trị của sản phẩm.

Thương hiệu có thể khai thác hiệu quả Marketing từ Cốc giấy như thế nào?

Chiến lược Marketing với những chiếc cốc giấy không chỉ giới hạn ở các thiết kế đẹp mắt. Mà hơn thế, thương hiệu có thể kết hợp chúng trong các chiến lược Marketing khác nhau, từ Branding cho đến Push sale. Cụ thể, một số hướng khai thác hiệu quả marketing từ cốc giấy mà thương hiệu có thể tham khảo:

Tạo nên các phiên bản giới hạn

Sự giới hạn luôn là một yếu tố có sức hút rất lớn đối với người tiêu dùng. Các phiên bản cốc giấy giới hạn thúc đẩy tâm lý FOMO mà khiến khách hàng không thể bỏ lỡ. Hiện nay, các thương hiệu lớn đều tích cực tung ra các phiên bản cốc giới hạn vào những dịp đặc biệt như sinh nhật thương hiệu, các ngày lễ hội lớn,...

Starbucks và những chiếc cốc giáng sinh chính là một trong những bài học thành công nhất. Những chiếc cốc phiên bản giới hạn của Starbucks gần như đã trở thành một phần thói quen không thể thiếu của rất nhiều người trong mỗi dịp Giáng sinh về. Để làm được điều đó, Starbucks đã đầu tư rất nhiều cho việc thiết kế những chiếc cốc giáng sinh bắt mắt, độc đáo, đều đặn cho ra những mẫu cốc mới vào mỗi mùa giáng sinh và kết hợp với hoạt động truyền thông xuyên suốt từ online đến offline.

>>>Chi tiết: Starbucks tiết lộ 4 mẫu thiết kế cốc cafe nhân dịp Giáng sinh

Nắm bắt làn sóng bảo vệ môi trường

Một cách thức khác giúp những chiếc cốc của bạn ghi điểm trong mắt khách hàng đó là sản xuất các loại cốc bảo vệ môi trường. Ngoài việc khai thác những hướng đi truyền thống như sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, hay thiết kế những mẫu cốc có khả năng tái chế,.. Thương hiệu có thể kết hợp với các thông điệp bảo vệ môi trường để in lên thân cốc và nhắc nhở khách hàng, thực hiện các chương trình thu gom tái chế cốc cũ,....

Cá nhân hóa cốc giấy bằng cách cho phép người dùng tự thiết kế cốc giấy của riêng mình

Cho phép khách hàng tự tham gia thiết kế cốc giấy cũng là một ý tưởng thú vị mà các thương hiệu có thể cân nhắc. Chiến lược này không chỉ giúp thương hiệu tăng cường tương tác với khách hàng mà còn giúp thương hiệu giảm tải phần nào các công đoạn thiết kế, sáng tạo cốc. Thương hiệu có triển khai ý tưởng này dưới một số hình thức như minigame thiết kế cốc, hoặc đơn giản hơn như chuẩn bị sẵn những công cụ như dụng cụ để khách hàng tự trang trí lên cốc.

Lời kết:

Không nhất thiết phải là Chạy quảng cáo digital, PR báo chí hay quảng cáo trên truyền hình,... mọi điểm chạm có thể tiếp cận người tiêu dùng đều trở thành những kênh truyền thông hiệu quả cho thương hiệu. Cốc giấy cũng vậy, một dụng cụ ăn uống đơn giản nhưng lại là yếu tố thường xuyên tiếp xúc mật thiết nhất với khách hàng và mở ra cơ hội truyền thông rất hữu ích cho thương hiệu. Việc khai thác hiệu quả marketing trên những chiếc cốc giấy không chỉ nằm ở thiết kế đẹp, độc đáo, thương hiệu còn có thể kết hợp với những hoạt động khác như phát hành phiên bản giới hạn cho dịp đặc biệt, Kết hợp với minigame trên social media,... Và cũng tương tự như cốc giấy, những dụng cụ nhỏ như ống hút, túi đựng đồ uống,... cũng là những điểm chạm truyền thông đắt giá mà các thương hiệu có thể khai thác.

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.