Bí kíp phía sau các thương hiệu FMCG thành công nhất tại Việt Nam
2023 là một năm đầy thách thức của thị trường FMCG Việt Nam khi mà hàng loạt bất ổn về tình hình kinh tế, sự thay đổi trong nhu cầu của người tiêu dùng liên tục xảy ra. Cho tới Quý 4/2023, vẫn còn có 30% gia đình đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính - con số cao nhất kể từ sau Covid 19. Mặc dù tình trạng lạm phát vào cuối năm 2023 đã giảm xuống, tuy nhiên, tác động của nó vẫn kéo dài cho tới nay.
Theo khảo sát của Kantar, lòng trung thành của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng rõ rệt, xu hướng đổi mới thương hiệu đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Họ đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn và mở rộng danh mục sản phẩm của mình ngày một đa dạng, dẫn tới tỷ lệ mua lại của người tiêu dùng đối với một thương hiệu ngày càng thấp. Có tới hơn 65% các thương hiệu FMCG chỉ được mua một lần mỗi năm.
Bên cạnh đó hành trình mua hàng của người tiêu dùng cũng ngày càng trở nên phức tạp và khó lường hơn. Họ ngày càng tập trung vào những hành vi mua sắm phức tạp, nhằm tối ưu chi phí hết mức có thể và có đòi hỏi thêm nhiều lợi ích từ thương hiệu. Các kênh mua cũng ngày càng được mở rộng, đa dạng phong phú hơn.
Qua khảo sát của Kantar có thể thấy những thương hiệu đã có được thành công trong năm 2023 cũng như nửa đầu 2024 đều đến từ một lý do quan trọng nhất đó là - Nỗ lực điều chỉnh chiến lược theo sở thích của người tiêu dùng. Hầu hết những thương hiệu này đều cố gắng tung ra những trải nghiệm mới, những sản phẩm được cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phức tạp và đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là những yêu cầu về mặt sức khỏe và thể chất.
Thống kê của Kantar cho thấy gần 80% các thương hiệu đang hoạt động tích cực và phát triển tại Việt Nam đều chia sẻ họ rất tự hào về mức độ thâm nhập thị trường ngày càng tăng. Để làm được điều đó các thương hiệu này đã không ngừng thu hút và nỗ lực để trở thành sự lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng khi phát sinh nhu cầu bằng cách tối đa hóa sự hiện diện của thương hiệu và sản phẩm trên mọi điểm tiếp xúc. Đồng thời không quên tìm thêm những thị trường ngách, những khoảng trống mới trên thị trường để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng.
Nhìn chung, bối cảnh thị trường FMCG của Việt Nam có thể thay đổi, nhưng công thức thành công của các thương hiệu vẫn khá rõ ràng: Thích ứng - Đổi mới - Hiện diện ở khắp mọi điểm tiếp xúc quan trọng. Cụ thể, có thể đúc rút 3 chiến lược thành công chính của các thương hiệu FMCG ở Việt Nam bao gồm:
- Thu hút người tiêu dùng một cách sâu sắc hơn: Chỉ khiến thương hiệu của bạn được người tiêu dùng 'thích' thôi là chưa đủ, bởi luôn có rất nhiều sự lựa chọn mới, thương hiệu mới thu hút sự chú ý và mong muốn trải nghiệm của họ. Vì vậy, thương hiệu cần phải nỗ lực để trở thành một sự lựa chọn theo “bản năng” của người tiêu dùng, có nghĩa là khi phát sinh nhu cầu họ sẽ nghĩ ngay tới thương hiệu. Ví dụ như Bánh Trung Thu Kinh Đô vào dịp Tết hay Nam Ngư khi nói tới nước mắm.
- Có mặt nhiều hơn trên các điểm tiếp xúc: Người tiêu dùng ngày nay có xu hướng lựa chọn đa kênh để tối đa hóa chi phí, trải nghiệm,... vì vậy thương hiệu cần tăng sự hiện diện, để khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy ở tất cả các kênh quan trọng đối với họ. Đồng thời xây dựng chiến lược tùy chỉnh cho từng kênh để thu hút sự chú ý của người mua hàng.
- Tìm không gian mới: Các thương hiệu FMCG tại Việt Nam thành công nhờ tăng cường sự đổi mới để giải quyết những nhu cầu chưa được đáp ứng của người tiêu dùng. Có rất nhiều cách để khám phá ra những “không gian” bán hàng mới, điển hình như: Xác định và thâm nhập các phân khúc thị trường mới, Đưa sản phẩm vào trong những dịp tiêu dùng mới của khách hàng,....
>>>Đọc thêm: FMCG Việt Nam 2024: Sự phát triển của Gen Alpha & tiềm năng vàng cho ngành khi cơ cấu dân số thay đổi
Top thương hiệu FMCG nổi bật tại Việt Nam 2024
#1. FMCG Nói chung
Nhìn chung có thể thấy các mặt hàng thiết yếu như ẩm thực và đồ uống là những mặt hàng FMCG phổ biến nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam. Trong đó, Vinamilk, Hao Hao, Chinsu,... dẫn top đầu cả 4 thành thị lớn cũng như khu vực nông thôn. Một số tên tuổi khác như TH, Coca-Cola, Ngôi sao Phương Nam,... có sự phổ biến hơn rõ rệt tại khu vực thành thị. Trong khi 3 Miền, Kokomi, Fami,... lại là những cái tên chiếm ưu thế tại khu vực nông thôn.
#2. Ẩm thực
Đối với lĩnh vực ẩm thực, các thương hiệu Mì và Gia vị nấu ăn chiếm phần lớn bảng xếp hạng ở cả hai miền. Trong đó, Hảo Hảo, Nam Ngư và Chinsu là Top 3 thương hiệu ẩm thực đang thống trị cả thị trường thành thị, cũng như nông thôn.
Tiêu biểu trong số này phải kể đến sự tăng trưởng rất bền vững và ổn định đến từ thương hiệu mì tôm Hảo Hảo. Bất Chấp sự gia nhập của hàng loạt đối thủ mới và các sản phẩm thay thế, Hảo Hảo vẫn luôn là thương hiệu mì tôm được đông đảo người tiêu dùng Việt Nam tại cả thành phố và nông thôn yêu thích trong nhiều năm qua, trở thành món ăn quen thuộc trong nhiều gia đình.
Theo Kantar, một trong những lý do quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của Hảo Hảo đó là việc mở rộng và đổi mới sản phẩm không ngừng để đáp ứng đa dạng khẩu vị và sở thích hơn của người tiêu dùng nhiều hơn. Ví dụ như giới thiệu gói mì 100g lớn hơn 30% so với phiên bản ban đầu, nhằm đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn nhanh. Đồng thời thương hiệu này cũng tích cực triển khai những cách tiếp cận khách hàng táo bạo mới để tăng sự hiện diện và củng cố vị thế đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Hảo Hảo cũng tăng cường sự hiện diện của mình trên các kênh bán bằng cách đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi dành cho nhãn hàng B2B.
Về phía nhà sản xuất, có thể thấy Masan đang là đơn vị chiếm ưu thế ở mảng ẩm thực này với nhiều thương hiệu lớn như: Chinsu, Nam Ngư, Kokomi,....
#3. Đồ uống
Top các thương hiệu đồ uống nổi bật ở khu vực thành thị và nông thôn có sự khác biệt khá lớn. cụ thể ở khu vực thành thị các thương hiệu đồ uống đa dạng hơn với nhiều loại thức uống như cà phê nước ngọt nước tăng lực nước khoáng trà bia. Trong khi các loại thức uống phổ biến hơn ở nông thôn lại bao gồm bia cà phê nước tăng lực nước ngọt có ga,...
Tuy nhiên ở cả hai khu vực này, Coca-Cola vẫn là cái tên đứng đầu ở hai bảng xếp hạng, bỏ xa đối thủ Pepsi. Ngoài ra, một số thương hiệu đồ uống khác được người tiêu dùng ở khu vực thành thị ưa chuộng phải kể đến như Sting, Tiger, Nescafe đối với khu vực nông thôn là các thương hiệu như Saigon Beer, Nescafe và Red Bull.
#4. Sữa & Các sản phẩm từ sữa
Vinamilk dẫn đầu thị trường sữa ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn với nhiều thương hiệu nổi bật như: Vinamilk, Probi, Ông Thọ, Susu,... Tiếp đó là một số tên tuổi nổi bật khác như TH, Fami,... Đối với dòng sữa đặc có sự đối đầu của Ngôi sao Phương Nam và Ông Thọ. Đối với dòng sản phẩm sữa chua uống khu vực thành thị đang là thị trường tiềm năng hơn so với vùng nông thôn với hai thương hiệu tiêu biểu là Yakult và Probi.
#5. Sức khỏe và sắc đẹp:
Dẫn đầu ngành hàng sức khỏe và làm đẹp là các sản phẩm thuộc các nhóm ngành quen thuộc như: Kem đánh răng (P/S, Colgate), Băng vệ sinh (Diana, Kotex), Dầu gội sữa tắm (Sunsilk, Clear).
Trong đó, ông lớn Unilever chiếm phần lớn bảng xếp hạng với hàng loạt thương hiệu nổi bật. Tiêu biểu như nhóm sản phẩm kem đánh răng có sự xuất hiện của 2 thương hiệu lớn là P/S, Close-up đều đến từ Unilever, chỉ có một thương hiệu khác góp mặt trong Top 10 là Colgate. Trong đó P/S vẫn là cái tên chiếm vị thế dẫn đầu ở cả hai khu vực. Tương tự, dòng sản phẩm dầu gội và sữa tắm các thương hiệu dẫn đầu phần lớn cũng đều thuộc nhà Unilever bao gồm Sunsilk, Dove và Rejoice.
#6. Chăm sóc gia đình
Sunlight, OMO và Comfort là bộ ba thương hiệu đến từ nhà Unilever đang dẫn đầu ngành hàng chăm sóc nhà cửa tại cả hai khu vực thành thị và nông thôn. Đặc biệt trong nhóm các thương hiệu dẫn đầu bảng chăm sóc gia đình có khá nhiều tên tuổi đến từ nội địa Việt Nam tiêu biểu như Mỹ Hảo, Giấy vệ sinh Thanh Hà, Giấy vệ sinh Hà Nội (Tiến Hiếu),...
Như vậy, khi nhìn lại toàn cảnh các thương hiệu FMCG nổi bật tại Việt Nam, có thể thấy được Unilever, Vinamilk và Masan đang là những đơn vị sản xuất có sức ảnh hưởng lớn mạnh nhất. Trong khi các thương hiệu đến từ tập đoàn Unilever thống trị nhiều nhóm sản phẩm đa dạng như Chăm sóc gia đình, Sức khỏe và sắc đẹp,... với khả năng tiếp cận người tiêu dùng rất tốt ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Thì Vinamilk lại là cái tên chiếm lĩnh mảng sữa và Masan là ẩm thực. Bên cạnh những ông lớn trên, cũng có khá nhiều nhà sản xuất tiềm năng khác như: Acecook, Nestle,....
>>>Xem thêm: [KANTAR] Thị trường FMCG Việt Nam nửa đầu 2024
Bình luận của bạn