cover

FMCG Việt Nam 2024: Sự phát triển của Gen Alpha & tiềm năng vàng cho ngành khi cơ cấu dân số thay đổi

03 Thg 04

Trong báo cáo thị trường FMCG Việt Nam mới nhất, Kantar đã chỉ ra những thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng Việt. Trong năm 2024, người tiêu dùng Việt sẽ không chỉ thắt chặt chi tiêu mà còn thay đổi rất lớn về hành vi mua hàng, xu hướng phân bổ chi tiêu, lựa chọn sản phẩm...

Tổng quan tình hình Kinh tế Việt Nam 2024: Tăng trưởng bất chấp thách thức

Mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2023 thấp hơn mục tiêu so với mức 6,5% của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn chung Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.

Bất chấp một số khó khăn trong ngắn hạn, Việt Nam vẫn được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP lên tới 6% vào năm 2024, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á (Theo ADB). Bên cạnh đó, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Doanh nghiệp (CEBR) cũng đưa ra dự đoán quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng đáng kể trong khoảng thời gian từ 2023 đến 2038. Đến năm 2024, Việt Nam được dự đoán sẽ tiến lên vị trí thứ 33 trong bảng xếp hạng kinh tế toàn cầu và đến năm 2038 có thể đạt vị trí thứ 21. Tốc độ tăng trưởng này cho thấy những tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, mở ra một thị trường tiêu dùng đầy màu mỡ cho các thương hiệu.

Biểu đồ thống kê tỉ lệ tăng trưởng GDP của các nước Đông Nam Á

Biểu đồ thống kê tỉ lệ tăng trưởng GDP của các nước Đông Nam Á (2021-2023) Việt Nam tăng trưởng bất chấp thách thức

Cơ cấu dân số Việt Nam ngày càng đa dạng - Mở ra tiềm năng thị trường mạnh mẽ

Một nửa dân số Việt Nam sắp ra nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu

Trong năm 2023, Việt Nam đã chính thức ra nhập vào “câu lạc bộ” 100 triệu dân trên toàn cầu, tương ứng với hơn 28 triệu hộ gia đình. Trong đó, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam đang diễn rất nhanh chóng. Cá nhân và hộ gia đình di cư đến các thành phố và gia tăng thu nhập đã tạo ra một tầng lớp tiêu dùng ngày càng lớn. McKinsey dự báo đến năm 2035, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Điều này cho thấy thị trường Việt Nam là một mảnh đất rất tiềm năng cho doanh nghiệp FMCG khi nhu cầu về sản phẩm ngày càng đa dạng.

Việt Nam đang đi vào giai đoạn sau của thời kỳ dân số già

Cơ cấu dân số Việt Nam đang đi vào giai đoạn sau của thời kỳ “dân số vàng” đỉnh cao. Trong năm 2023, dân số trong độ tuổi từ 0-45 chiếm 68%, nhưng dự báo tới năm 2030 nhóm này chỉ còn chiếm 63%. Điều này dẫn đến một số lo ngại về tình trạng già hóa dân số, tuy nhiên vẫn có rất nhiều cơ hội đặc biệt mà giai đoạn này mang lại. Việt Nam đang là thị trường có lực lượng lao động tương đối trẻ và có trình độ học vấn cao. Đồng thời, sự thay đổi nhân khẩu học này cũng cho thấy lượng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ dành cho nhóm dân số cao tuổi ngày càng tăng. Vì vậy, đầu tư vào các sản phẩm cụ thể và phù hợp với từng lứa tuổi có thể mở ra nhiều tiềm năng tiêu dùng mới tại thị trường này.

Tổng quan về phản ứng của người tiêu dùng Việt trong thời kỳ chuyển đổi

Đứng trước tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam đã kết hợp nhiều chiến lược tiêu mới nhằm ứng phó với thực trạng gia tăng chi phí, đặc biệt trong nhóm mặt hàng FMCG. Trong quý đầu tiên của năm 2023, người tiêu dùng bắt đầu chuyển hướng sang các đợt mua sắm lớn hơn, nhằm mục tiêu tiết kiệm khi mua hàng với số lượng lớn.

Tuy nhiên, từ quý 2 cho tới nửa cuối năm 2023, người tiêu dùng xu hướng giảm khối lượng giao dịch, chuyển sang các sản phẩm có giá thấp hơn mặc dù lạm phát đã có xu hướng chậm lại. Qua đó, có thể thấy sự biến động rất phức tạp trong hành trình ra quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

Trong đó, các hạng mục sản phẩm thiết yếu vẫn được ưu tiên chi tiêu hàng đầu. Nhóm sản phẩm không thiết yếu có xu hướng bị cắt giảm, đặc biệt là các sản phẩm không thiết yếu nằm trong nhóm nhu cầu ăn và giải trí. Nhìn chung, người tiêu dùng vẫn chưa thực sự thắt chặt chi tiêu, tuy nhiên họ đang đánh giá sản phẩm khắt khe hơn với nhiều giá trị về: Sức khỏe, Trải nghiệm, Sự tiện lợi,...

Vì vậy, để thích nghi với bối cảnh thị trường đầy biến động như hiện nay, thương hiệu cần hiểu rõ phân khúc người tiêu dùng khác nhau và những động lực trong quá trình chi tiêu của họ.

Mức độ áp lực của người tiêu dùng Việt

Khảo sát cho thấy, tại Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 20% gia đình thoải mái trong việc chi tiêu, đóng góp 27% tổng giá trị. Số lượng gia đình quản lý chi tiêu chặt rơi vào khoảng 52% và số lượng gia đình phải gặp khó khăn về tài chính vào khoảng 28%. Trong số đó, nhóm gia đình thoải mái trong chi tiêu có mức chi tiêu tăng vượt trội vào 3 tháng cuối năm 2023, trong khi hai nhóm còn lại chỉ tăng nhẹ.

Biểu đồ thống kê tỉ lệ phần trăm chi tiêu của các gia đình Việt

Việt Nam hiện nay chỉ có khoảng 20% gia đình thoải mái trong việc chi tiêu

Việc phân tích chi tiêu dựa trên những nhóm người tiêu dùng khác nhau là điều không thể thiếu với doanh nghiệp. Nhóm khách hàng có ngân sách hạn chế thường có nhu cầu đối với những sản phẩm có giá cả phải chăng và các chương trình khuyến mãi giá trị. Trong khi đó, phân khúc người dân có thu nhập cao ít nhạy cảm hơn trước vấn đề giá cả gia tăng, thay vào đó họ chú ý nhiều hơn tới sản phẩm cao cấp, có giá trị độc đáo.

Như vậy, để đáp ứng người tiêu dùng trong bối cảnh thị trường hiện nay doanh nghiệp buộc nỗ lực mang lại những lợi ích về giá cả hoặc tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ với các dòng sản phẩm như chất tẩy rửa và sản phẩm chăm sóc cá nhân thiết yếu, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn sản phẩm có kích thước gói lớn hơn để tiết kiệm nhiều chi phí hơn. Việc giới thiệu các kích cỡ gói hàng khác nhau và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn sẽ giúp thương hiệu đáp ứng đa dạng nhu cầu của các nhóm khách hàng hơn. Trong trường hợp vẫn giữ mức giá cao, các thương hiệu phải nêu bật được giá trị độc đáo mà sản phẩm mang lại, đó có thể là những lợi ích về sự tiết kiệm, sức khỏe hoặc trải nghiệm.

Những tiềm năng mới trên thị trường tiêu dùng Việt Nam 2024

1. Sự phát triển của Gen Alpha

Một trong những nhóm công chúng mới tại Việt Nam hiện nay phải kể đến Gen Alpha. Thế hệ Alpha, hiện đang ở những năm đầu phát triển, họ là một thế hệ được sinh ra trong thời đại của kỹ thuật số với khả năng nắm bắt nhạy bén với mọi thông tin và xu hướng toàn cầu. Đây cũng được dự đoán là nhóm người tiêu dùng đông đảo hơn cả Gen Z. Theo báo cáo của Kantar, Gen Alpha đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu mua sắm, ⅓ dân số trong độ tuổi 7-12 đang tự mua đồ uống mỗi tuần một lần.

Vì vậy, Gen Alpha chính là nhóm người tiêu dùng chủ chốt trong tương lai với những sở thích và thói quen chi tiêu rất khác biệt. Vì vậy, các doanh nghiệp cần sớm nuôi dưỡng lòng trung thành của Gen A với thương hiệu bằng cách mang tới những trải nghiệm sáng tạo, đột phá hơn để giữ chân nhóm khách hàng này.

2. Gen Z bắt đầu ra nhập lực lượng lao động

Bên cạnh đó, Gen Z đang trên đà gia nhập lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới, mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thú vị khác. Thế hệ này, được biết đến với tính cách độc lập,sẵn sàng trải nghiệm và có những nhu cầu rất khác biệt so với các thế hệ trước. Những thương hiệu đáp ứng được mong muốn thể hiện cá tính, màu sắc khác biệt của họ sẽ có cơ hội nắm bắt tốt hơn khả năng chi tiêu của nhóm khách hàng này.

3. Thu hẹp quy mô hộ gia đình - Mở rộng nhu cầu

Báo cáo cho thấy, quy mô các hộ gia đình tại Việt Nam giảm đều trong những năm vừa qua, bao gồm cả thành thị (trung bình 4.1 thành viên/gia đình) và nông thôn (trung bình 3.4 thành viên/gia đình). Tuy nhiên, mức thu nhập trên một hộ gia đình lại đang có xu hướng tăng lên.

Báo cáo về quy mô các hộ gia đình Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2023

Quy mô các hộ gia đình tại Việt Nam giảm đều trong những năm vừa qua

Việc gia tăng số lượng các hộ gia đình nhỏ hơn đã thúc đẩy nhu cầu các sản phẩm đóng gói nhỏ hoặc dùng một lần. Đồng thời họ cũng ưu tiên các sản phẩm cho từng cá nhân thay vì dùng chung một sản phẩm cho gia đinh.

Xu hướng này sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn đối với nhóm người tiêu dùng Gen Z và Gen Alpha, bởi nhu cầu của họ đối với các sản phẩm, trải nghiệm được cá nhân hóa rất cao.

4. Người tiêu dùng thời đại mới - Nhạy bén & Thông minh

Khả năng tiếp cận thông tin tốt

Với trình độ học vấn ngày càng cao, sự gia tăng số lượng công việc văn phòng cũng như khả năng truy cập internet và điện thoại thông minh ở mọi nơi, các hộ gia đình Việt Nam thế hệ mới ngày càng nhạy bén hơn với các thông tin, xu hướng, lối sống hiện đại. Sự chuyển đổi này không chỉ thay đổi lối sống mà còn có thể tạo nên một cuộc mạng đối với nhu cầu chi tiêu cho FMCG.

Với trình độ kiến thức và khả năng nắm bắt thông tin ngày càng cao, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có những lựa chọn thông minh hơn khi mua sắm. Họ tích cực nghiên cứu các sản phẩm trực tuyến, so sánh giá giữa các kênh bán, đồng thời yêu cầu rất cao về sự minh bạch của các thương hiệu. Hành trình mua hàng trở nên phức tạp và khó lượng với nhiều vòng lặp diễn ra liên tục: khám phá, nghiên cứu, so sánh, đánh giá,...

Nhu cầu mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí tăng cao

Ngoài ra, sự bùng nổ của thương mại điện tử và làn sóng Shoppertainment (kết hợp giữa giải trí và mua sắm) đang trở thành xu hướng mua sắm của thời đại mới. Đặc biệt, hình thức live-streaming commerce mang đến cơ hội đặc biệt để các thương hiệu có thể giới thiệu sản phẩm hấp dẫn hơn và tăng cường tương tác.

Nhìn chung, trong xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay, thương hiệu cần xác định được nền tảng mà người tiêu dùng mục tiêu của hoạt động tích cực nhất và tăng cường kết nối trên nền tảng đó.

Thu hẹp khoảng cách thành thị và nông thôn

Khoảng cách giữa người tiêu dùng thành thị và nông thôn về các khía cạnh như thu nhập, giáo dục, kết nối ở Việt Nam đang ngày càng thu hẹp. Hành vi mua sắm của người tiêu dùng nông thôn đang có xu hướng thay đổi theo hành vi mua sắm ở thành thị. Như vậy, nhu cầu về các sản phẩm FMCG sẽ có xu hướng tăng lên và mở ra cơ hội tiếp cận người tiêu dùng ở nông thôn cho các thương hiệu.

Ngoài ra, khả năng kết nối và sở hữu thiết bị di động ở khu vực nông thôn đã làm thay đổi đáng kể hành vi kỹ thuật số của thị trường này. Dự đoán tốc độ phát triển kỹ thuật số tại nông thôn sẽ cao hơn khu vực thành thị trong 3 năm tới.

Tổng quan về mức độ chi tiêu của người tiêu dùng Việt

Nhìn chung, chi tiêu FMCG trung bình hàng tháng đã tăng đều đặn trong 5 năm qua, với mức tăng trưởng nổi bật ở khu vực thành thị (tăng 10,27% vào năm 2023 so với hai năm trước) vượt xa đáng kể so với hai năm trước đó. Tương tự, mức chi tiêu FMCG trung bình ở nông thôn cũng đã tăng 21,3% vào năm 2023.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ lưỡng về mức chi tiêu này có thể thấy nguyên nhân chính đến từ việc giá mặt hàng FMCG đang tăng cao, không đến từ lượng cầu của người tiêu dùng. Vào năm 2023, hơn 75% danh mục FMCG có mức giá trung bình cao hơn trong khi chỉ một nửa số danh mục có sự gia tăng số lượng mua.

Nhìn chung, cạnh tranh về giá và chương trình khuyến mãi là những chiến lược quan trọng trong thời kỳ lạm phát như hiện nay. Tuy nhiên, khả năng thu hút người dùng của thương hiệu còn phụ thuộc vào những giá trị, giải pháp thiết thực mà họ thể hiện và mang lại cho người tiêu dùng.

3 ưu tiên của người tiêu dùng Việt Nam trong giai đoạn kinh tế bất ổn định

Có thể nói, 2023 là một năm có quá nhiều thách thức đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Việt Nam. Những điều kiện kinh tế khó khăn trên toàn cầu kéo theo tình trạng lạm phát, gia tăng chi phí,... đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng Việt. Chỉ số tiêu dùng trung bình của cả năm 2023 tương đồng hơn với năm 2021, thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh nhất tại Việt Nam. Chỉ tới quý 3/202, người tiêu dùng mới thực sự có cái nhìn tích cực hơn về bức tranh kinh tế.

Ngoài ra, trong năm 2023, tỷ lệ gia đình dễ bị ảnh hưởng về tài chính đã có xu hướng tăng từ 20% trong năm 2022 lên 30% trong năm 2023.Trong đó, chi phí gia tăng và thu nhập hộ gia đình là những vấn đề đáng lo ngại hàng đầu của người tiêu dùng, khiến những nhận định về tài chính tương của họ càng trở nên tiêu cực hơn.

Đứng trước khó khăn đó, xu hướng chi tiêu của người dẫn bắt đầu có sự phân cực rất rõ rệt. Họ trở nên quan tâm nhiều hơn tới chi phí, kiểm soát chi tiêu cho một số danh mục nhất định, tuy nhiên vẫn sẵn sàng mạnh tay chi tiêu cho một số nhu cầu khác.

Sự nhạy cảm về giá:

Giá hàng tạp hóa tăng cùng với những lo ngại về thu nhập và cơ hội việc làm khiến áp lực tài chính ngày một tăng cao, khiến người tiêu dùng phải xem xét kỹ lưỡng mọi giao dịch mua. Để quản lý ngân sách của mình, họ có xu hướng tham khảo nhiều cửa hàng và nền tảng khác nhau, nhằm tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất. Đặc biệt, người tiêu dùng rất dễ chuyển đổi thương hiệu khi gặp những chương trình khuyến mãi về giá hấp dẫn. Như vậy, có thể thấy lòng trung thành của người tiêu dùng hiện nay đang bị lung lay khá nhiều trước những áp lực về tài chính.

Ngoài giá cả, người tiêu dùng còn chú trọng vào giá trị:

Khi gánh nặng chi phí sinh hoạt tăng cao, giá trị sản phẩm trở thành yếu tố được người tiêu dùng đề cao hàng đầu. Để tối ưu mỗi chi phí bỏ ra, người tiêu dùng nỗ lực tìm kiếm những sản phẩm mang lại hiệu quả cao nhất, ưu tiên các sản phẩm thiết yếu ở mức giá phù hợp. Vì vậy, nhu cầu đối với những sản phẩm được đóng gói với kích thước lớn hoặc các sản phẩm đa năng ngày càng tăng cao.

Tăng trưởng nhu cầu về sức khỏe:

Mối quan tâm về sức khỏe tăng cao sau đại dịch Covid 19 đã thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ trợ sức khỏe ngày ngày càng tăng, đặc biệt là những sản phẩm giảm căng thẳng hoặc sản phẩm thay thế tự nhiên. Vì vậy, những thương hiệu bổ sung các giá trị sức khỏe vào sản phẩm sẽ có khả năng thu hút người tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên, các nhóm người tiêu dùng ở độ tuổi khác nhau sẽ có những nhu cầu sức khỏe khác nhau. Ví dụ trong việc lựa chọn đồ uống, Gen Z có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa hoặc tăng cường sức khỏe làn da. Trong khi đó, Gen X thường ưu tiên các loại đồ uống có tác dụng tăng cường sức khỏe hoặc giải quyết các vấn đề sức khỏe cụ thể hơn.

Tổng kết: Chiến lược cho thương hiệu FMCG tại Việt Nam 2024

Thách thức & Tiềm năng

Người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu hợp lý và khoa học hơn vào năm 2024. Vì vậy, thương hiệu cần đưa ra những giá trị hấp dẫn, vượt xa mức giá cạnh tranh của các đối thủ trên thị trường.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn sẽ là một thị trường có tiềm năng rất lớn nhờ vào cơ cấu dân số, sự mở rộng tầng lớp tiêu dùng và tốc độ đô thị hóa nhanh. Thương hiệu cũng cần lưu ý về sự thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học để tìm ra cơ hội tiếp cận mới, đặc biệt đối với nhóm dân số già và khu vực nông thôn.

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế hệ mới

Sự phát triển về giáo dục, công nghệ, khả năng kết nối đã khiến cho hành vi mua sắm của người tiêu dùng ngày càng phức tạp hơn. Họ nắm bắt lượng thông tin rất đa dạng về sản phẩm, dịch vụ từ các thương hiệu khác nhau. Đồng thời, lòng trung thành của người tiêu dùng cũng trở nên mong manh hơn, họ sẵn sàng trải nghiệm những giá trị mới, tốt hơn.

Bên cạnh đó, sự giảm thiểu về quy mô và tăng trưởng về thu nhập trong các hộ gia đình, kết hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của Gen Z&A cũng đang khiến cho nhu cầu đối với các sản phẩm cá nhân hóa ngày càng tăng cao. 

Đáp ứng nhu cầu về giá trị của người tiêu dùng

Với lối chi tiêu thông minh như hiện nay, người tiêu dùng đề cao các giá trị sản phẩm như tiện lợi, trải nghiệm, chất lượng cao,... hơn cả giá cả của chúng. Vì vậy, việc đưa ra những tuyên bố về giá trị hấp dẫn cho người tiêu dùng sẽ giúp thương hiệu thu hút được nhiều khách hàng, đạt mức tăng trưởng bền vững hơn.

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.