cover

[KANTAR] Thị trường FMCG Việt Nam nửa đầu 2024: Áp lực cực lớn từ Nghị định 100 về đồ uống có cồn và chi phí sinh hoạt gia tăng

15 Thg 07

Ngành FMCG đã có một khởi đầu khá khó khăn trong năm 2024, khi mà những áp lực kinh tế vẫn ảnh hưởng rất lớn tới người tiêu dùng và đặc biệt là những quy định về đồ uống có cồn ngày càng được xiết chặt. Báo cáo mới đây của Kantar đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của ngành FMCG cũng như những biến động mới về insight của người tiêu dùng và các kênh bán để tiếp cận họ hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thị trường Việt Nam đầu 2024: Tăng trưởng tích cực, người tiêu dùng có thêm niềm tin mới

#1 Thị trường Việt Nam tăng trưởng tích cực bất chấp làn sóng suy thoái kinh tế toàn cầu

Đi ngược lại với diễn biến thị trường ảm đạm và bất ổn kéo dài của nền kinh tế trên toàn thế giới, thị trường Việt Nam lại có sự khởi sắc đáng kể trong quý đầu tiên của năm 2024. Cụ thể nền kinh tế Việt Nam ước tính tăng trưởng khoảng 5,66% - Mức tăng trưởng Quý 1 cao nhất kể từ giai đoạn 2020 đến nay và con số này cũng lớn hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chậm 2,4% của nền kinh tế toàn cầu. Theo phân tích của Kantar sự tăng trưởng này đến từ việc cải thiện hoạt động xuất nhập khẩu và dịch vụ.

Riêng đối với nhóm ngành bán lẻ và dịch vụ (trong đó có FMCG) thì mức tăng trưởng năm nay đạt khoảng 8,2%. Con số này nhỏ hơn khá nhiều so với mức tăng trưởng 14% vào cùng kỳ năm ngoái. Trong đó những số liệu của chính phủ đã chỉ ra rằng sự tăng trưởng của ngành hàng này chủ yếu nhờ vào nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán 2024. Đặc biệt là nhóm dịch vụ du lịch đã tăng tới 46% cho thấy nhu cầu đi du lịch và dịp Tết của người tiêu dùng Việt đang tăng trưởng rất mạnh mẽ.

#2 Niềm tin của người tiêu dùng với nền kinh tế tăng cao, nhưng vẫn bị hạn chế bởi giá điện gia tăng

Đi cùng với tốc độ tăng trưởng tích cực của nền kinh tế niềm tin của người tiêu dùng Việt đối với sự phát triển kinh tế của cả nước cũng đang dần được hồi phục. Những thống kê của Kantar cho thấy người tiêu dùng đang ngày càng có thái độ lạc quan và tích cực hơn về tình hình kinh tế của cả nước trong tương lai. Trong đó, có 78% hộ gia đình đồng ý rằng tình hình kinh tế sẽ khá hơn hoặc tiếp tục duy trì ở mức hiện tại trong 12 tháng tới. Sự lạc quan của người tiêu dùng là những tín hiệu rất tích cực cho thấy nhu cầu chi tiêu mua sắm có cơ hội sẽ tăng trưởng trở lại trong tương lai gần.

Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn rất nhiều nỗi lo trong quá trình chi tiêu. Dù lo ngại về mức thu nhập đã ổn định hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng việc giá điện gia tăng lại một lần nữa khiến cho những áp lực về chi phí sinh hoạt của người tiêu dùng Việt tiếp tục tăng trở lại. Điều này khiến cho “thu nhập” và việc “giá cả tăng cao” vẫn là hai trong số những yếu tố mà người tiêu dùng đang lo ngại nhiều nhất chỉ sau bệnh dịch và an toàn thực phẩm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc những vấn đề về giá cả sẽ luôn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng trong thời gian tới.

Nỗi lo về giá cả tăng của người tiêu dùng Việt trở lại trong những tháng đầu 2024

Nỗi lo về giá cả tăng của người tiêu dùng Việt trở lại trong những tháng đầu 2024

Toàn cảnh ngành FMCG - Nghị định 100 về đồ uống có cồn khiến thị trường lao đao

Nhìn chung trong Quý 1/2024 tình hình thị trường FMCG tại Việt Nam không mấy lạc quan. Theo khảo sát của Kantar tại cả 4 thành phố lớn và các khu vực nông thôn đều cho thấy sự sụt giảm về sản lượng mua các mặt hàng FMCG trong 3 tháng đầu năm. Mức chi tiêu trung bình của người dân dành cho nhóm ngành này cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, mức chi tiêu các mặt hàng FMCG vào dịp tết 2024 giảm mạnh so với Tết 2023. Điều này không quá bất ngờ bởi 2023 là một năm khá khó khăn đối với người tiêu dùng Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Tình trạng lạm phát cũng như suy thoái kinh tế đã đánh một đòn khá lớn vào khả năng tài chính của người dân khiến cho mức chi tiêu giảm mạnh.

Trong báo cáo của Kantar cũng có thể thấy một số thay đổi rất quan trọng trong thói quen sử dụng các mặt hàng FMCG của người tiêu dùng Việt Nam.

#1 Quà tặng Tết bằng sản phẩm FMCG tăng cao ở nông thôn, nhưng lại giảm ở thành thị

Vào dịp tết (tháng 1 & 2) thói quen tặng quà bằng các sản phẩm FMCG có sự thay đổi khá ngược chiều giữa hai khu vực nông thôn và thành thị. Trong khi nhu cầu tặng quà Tết bằng các mặt hàng FMCG tăng mạnh ở khu vực nông thôn. Thì ở thành thị số hộ nhận quà tết là các mặt hàng FMCG lại có xu hướng giảm. Ngoài ra, không chỉ giảm về phía quà tặng dịp Tết, mà nhu cầu tự mua các sản phẩm FMCG để sử dụng trong dịp Tết của người dân thành thị cũng có xu hướng giảm nhẹ.

Như vậy, với sự thay đổi này, chiến thuật đẩy bán trong dịp Tết của các thương hiệu FMCG cũng cần có sự điều chỉnh riêng cho từng khu vực. Các thương hiệu có thể cân nhắc tới việc phát triển thêm các gói sản phẩm quà tặng Tết đa dạng hơn để thu hút người dân ở khu vực nông thôn.

#2. Việc siết chặt nồng độ cồn ảnh hưởng khá nặng nề tới thị trường FMCG

Có vẻ như Nghị định 100 về việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia điều khiển các phương tiện giao thông đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp FMCG bị ảnh hưởng nặng nề trong đầu năm 2024. Nhìn vào những số liệu của Kantar cũng có thể thấy nhóm đồ uống đang là nhóm sản phẩm giảm mạnh nhất cả về khối lượng lẫn mức chi tiêu ở cả nông thôn và thành thị trong thời gian này.

Đây cũng được xem là nguyên nhân chính gây nên mức tăng trưởng âm của ngành hàng FMCG ở Quý 1. Ước tính, sự sụt giảm trong ngành Đồ uống có cồn chiếm đến 30% sự giảm sút của FMCG nói chung ở khu vực Thành thị.

Ngoài nhóm sản phẩm đồ uống, phần lớn các sản phẩm về ẩm thực như Sữa, Thực phẩm đóng gói,... đều có xu hướng giảm nhẹ về cả khối lượng và mức chi tiêu. Tuy nhiên giá chi tiêu trung bình của người tiêu dùng đối với các sản phẩm này lại tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Có vẻ như người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và tập trung nhiều hơn và chất lượng của các sản phẩm FMCG.

Ngược lại, một số ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia vị nấu ăn lại chứng kiến sự tăng trưởng trong thời gian này. Điều này không quá bất ngờ bởi xu hướng tiêu thụ nhóm sản phẩm này thường luôn tăng cao vào các dịp Tết.

Mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG phần lớn đều giảm nhẹ trong quý 1/2024

Mức chi tiêu cho các mặt hàng FMCG phần lớn đều giảm nhẹ trong quý 1/2024

Những kênh bán nào giúp thương hiệu FMCG tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả nhất?

Mặc dù Tạp hóa vẫn là kênh chiếm thị phần lớn nhất ở mọi khu vực dân cư, nhưng theo số liệu đầu năm 2024 của Kantar có thể thấy các kênh Modern Trade đã dần tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

#1. Khu vực thành thị: Kênh bán hiện đại (Online, Siêu thị, cửa hàng chuyên doanh) tăng trưởng tích cực

Đối với người tiêu dùng ở khu vực thành thị, mặc dù Tạp hóa vẫn là kênh bán lớn nhất với hơn 50% thị phần. Tuy nhiên có vẻ sức ảnh hưởng của kênh bán này đã giảm nhẹ trong Quý 1/2024. Thay vào đó các kênh bán hiện đại như kênh online, siêu thị và đại siêu thị, siêu thị mini cũng như các cửa hàng chuyên doanh,... có mức tăng trưởng tích cực hơn, đặc biệt là kênh bán online.

Cụ thể, theo số liệu của Kantar, các kênh Modern Trade và Online tăng trưởng mạnh về thị phần trong Quý 1 tại 4 khu vực Thành phố lớn, đóng góp gần 30% giá trị các kênh bán lẻ.

#2. Khu vực nông thôn: Tạp hóa chiếm ưu thế áp đảo, các kênh hiện đại dần xuất hiện

Về phía khu vực nông thôn Kênh Tạp hóa Tiếp tục chiếm thị phần áp đảo mạnh mẽ hơn với 72%. Tuy nhiên trong Quý 1/2024 các kênh bán hiện tại đã dần len lỏi vào trong các khu vực nông thôn. Một số kênh như Cửa hàng chuyên doanh, Online,... có sự tăng trưởng khá tích cực trong giai đoạn đầu năm nay.

Điều này cho thấy người tiêu dùng tại khu vực nông thôn đang ngày càng đa dạng hóa các kênh mua sắm, tiếp cận với những hình thức mua sắm mới mẻ hơn. Như vậy việc mở rộng ra các kênh bán hiện đại sẽ giúp các thương hiệu có khả năng tiếp cận người tiêu dùng ở khu vực nông thôn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Lời kết:

Nhìn chung, nửa đầu năm 2024 không phải là một khoảng thời gian thuận lợi với ngành hàng FMCG. Dù toàn cảnh thị trường Việt Nam tăng trưởng khá tích cực, nhưng ngành FMCG lại đang bị ảnh hưởng khá nhiều bởi vấn đề chi phí sinh hoạt gia tăng, cùng những ảnh hưởng của Nghị định 100. Các vấn đề thu nhập, giá cả gia tăng,... vẫn là những nỗi lo đang cản trở nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thời gian tới, các thương hiệu có thể xem xét phát triển nhiều hơn các kênh Modern Trade như Online, cửa hàng chuyên doanh,...

Nguồn: Kantar 

Khánh Huyền | Báo cáo | Marketing AI

TAGS:

Bình luận của bạn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.